Giáo Thứ ngày xưa, giáo Thứ ngày nay

Nguyễn Trọng Bình

Xưa, thầy giáo Thứ “sống mòn” nhưng vẫn giữ được sự lương thiện, vẫn nuôi được vợ con ở quê, vẫn được người đời kính nể, trọng vọng. Nay, các thầy cô phải “bỏ tiền ra để “bôi trơn”, “chạy việc”, “thỏa hiệp với những cái xấu, cái giả dối, cái tiêu cực trong cuộc sống” và “không ít người bị sa ngã, trượt ngã về sau”… Ôi, bao giờ cho tới ngày xưa!

Bauxite Việt Nam

Hình ảnh người thầy từ hai câu chuyện về giáo dục xưa và nay

Trước năm 1945, có một thầy giáo tên là Thứ làm nghề dạy học ở một ngôi trường tư thục. Cuộc sống của thầy giáo Thứ thời ấy vô cùng khó khăn, vất vả. Thầy giáo Thứ có lần tự nói về mình là “giáo khổ trường tư” vì bị chủ trường lừa dối và bóc lột sức lao động. Tuy cuộc sống nghèo khó vất vả, nhưng lương hàng tháng mà thầy giáo Thứ nhận được vẫn có thể nuôi sống vợ con ở quê. Đặc biệt, thầy giáo Thứ vẫn đủ tiền để thuê và nuôi một người ở để sai vặt. Thầy Thứ không bao giờ phải xách giỏ ra chợ để đi mặc cả từng đồng, từng cắc, vì mọi chuyện đã có anh người ở lo hết. Tóm lại, tuy cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng trong mắt của người đời và xã hội, những người như thầy giáo Thứ thời ấy vẫn rất được kính nể, trọng vọng.

Hẳn mọi người sẽ thắc mắc câu chuyện này có thật không? Xin thưa rằng, câu chuyện này là hoàn toàn có thật. Nếu ai không tin, xin về đọc lại tiểu thuyết “Sống mòn” của nhà văn Nam Cao sáng tác trước năm 1945. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học thì đó là câu chuyện có tính tự truyện của chính nhà văn Nam Cao lúc bấy giờ.

Xin kể một câu chuyện khác. Cách nay có hơn 10 năm, người viết bài này tình cờ gặp lại cậu học trò cũ. Qua trò chuyện hỏi thăm mới biết, sau gần hai năm ra trường em mới được trở thành giáo viên chính thức (trước đây chỉ là giáo viên hợp đồng) ở một ngôi trường huyện. Nhưng chua chát thay, để được làm ông “giáo khổ trường công” ấy, cậu học trò cũ phải mất 45 triệu. Lẽ ra là cậu ta “chỉ” mất tròn 40 triệu sau nhiều lần thương thảo, “cò kè bớt một thêm hai” với những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục địa phương. Nhưng vì phải qua “môi giới” nên cậu phải “lót tay” trước 5 triệu coi như tiền “cà phê cà pháo”. Cậu học trò tâm sự với tôi: “Nhận được quyết định bổ nhiệm của sở em mừng hết lớn thầy ơi! Kệ, coi như em làm không công một vài năm vậy! Thà vậy còn hơn chứ loay hoay ở ngoài chẳng biết làm gì nuôi vợ con em, oải quá! Cũng may là nhờ bạn bè, người thân nội ngoại hai bên mỗi người một ít góp vào cho mượn nếu không chắc em… tiêu!”.

Nghe học trò cũ nói “nhận được quyết định bổ nhiệm của sở em mừng hết lớn” mà muốn rơi nước mắt. Chợt nhớ lại dịp nhà trường tổ chức phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên, lúc lân la hỏi chuyện các em đã xin việc ở đâu chưa, như một lời thăm hỏi trước lúc thầy trò chia tay, một em nói:

– Giờ xin việc khó quá thầy ơi! Em rất muốn xin đi dạy học vì đó là ước mơ của em. Nhưng ở quê em người ta bảo thẳng thừng “muốn vô phải có vài chục triệu”. 

Nghe vậy, một em khác chen vào:

– Vậy là may rồi đó thầy, ở quê em ngoài Bắc, người ta đòi gần cả trăm!

Hệ lụy tất yếu

Các “chuyên gia văn học” khi nhận định về tiểu thuyết Sống mòn” cho rằng qua tác phẩm này, Nam Cao muốn lên tiếng “tố cáo xã hội” đương thời vì đã vô lương tâm và thiếu trách nhiệm, nên vô tình đẩy những người trí thức như thầy giáo Thứ vào bi kịch. Đó là kiếp “sống mòn” – kiếp sống của những người đã “chết trong lúc đang sống”…

Tạm thời người viết xin không bàn đến chuyện đúng sai, thuyết phục hay không thuyết phục về nhận định trên.

Cho dù mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi tin nhiều thầy cô hiện nay đang trong tình cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, không khác gì “ông giáo Thứ”.

Trước hết có thể thấy, các thầy cô giáo hôm nay nếu muốn thỏa mãn ước mơ và niềm đam mê của mình để không lãng phí 4 năm trời ngồi trên giảng đường đại học, họ buộc làm cái điều mà họ không bao giờ ngờ tới: “Chung chi” cho những “người có trách nhiệm”. Dĩ nhiên không phải tất cả đều như thế, nhưng phải thừa nhận đây là vấn đề có thật. Nhìn rộng hơn, đây còn là một thực trạng rất đau lòng và chua xót ở xã hội của chúng ta hôm nay: Muốn có công ăn việc làm trong cơ quan nhà nước, nếu không thuộc thành phần “con ông cháu cha” thì nhất định phải bỏ tiền ra để “bôi trơn”, “chạy việc”. Nhưng có lẽ điều chua chát hơn là, dù tất cả đều biết rất rõ lương giáo viên hôm nay chỉ “ba cọc ba đồng”, tằn tiện lắm cũng chỉ nuôi sống bản thân và gia đình (chứ đừng mong gì dư dật mà thuê người ở như thầy giáo Thứ trong “Sống mòn”) nhưng tại sao nhiều người vẫn muốn chen chân vào?

Câu hỏi có phần nghịch lí này sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn cái bi kịch của các thầy cô giáo hôm nay. Nói cách khác, dù biết con đường phía trước đầy chông gai nhưng vì niềm đam mê và nhu cầu sinh tồn, họ không còn cách lựa chọn nào khác là phải thỏa hiệp với những cái xấu, cái giả dối, cái tiêu cực trong cuộc sống. Đây không chỉ là một “cú sốc” rất lớn đối với các thầy cô giáo vừa “chân ướt chân ráo” vào nghề mà ở phương diện nào đó, nó cũng chính là nguyên nhân làm không ít người bị sa ngã, trượt ngã về sau. Bởi lẽ một suy nghĩ, một sự toan tính đầy thực dụng tất yếu sẽ nảy sinh sau khi họ trở thành giáo viên chính thức, để “bù đắp” lại những khoản “chung chi” trước đó, nhất là để trang trải cuộc sống vì đồng lương quá eo hẹp. Hoặc là họ phải tìm đủ mọi cách để được dạy thêm, bất chấp cái nhìn thiếu cảm thông, thậm chí là lên án, dè bỉu của xã hội. Hoặc tệ hơn nữa là nhận tiền “bồi dưỡng” từ phía phụ huynh học sinh… nếu như ai đó không đủ dũng khí, không đủ bản lĩnh để thoái thác và từ chối.

Tóm lại, có thể khẳng định mà không sợ các thầy cô giáo hôm nay buồn lòng, rằng không ít các thầy cô giáo hiện nay vừa là nạn nhân nhưng đồng thời còn là nguyên nhân làm cho hình ảnh và vị thế của người thầy ngày một bị giảm sút, bị “rớt giá” trong cái nhìn của xã hội nói chung.

Muốn chấn hưng giáo dục, phải chăm lo cho đội ngũ giáo viên

Tuy vậy, về sâu xa đây cũng chính là hệ lụy tất yếu từ chính sách lương bổng cùng chế độ đãi ngộ không tương xứng dành cho các thầy cô giáo hiện nay. Dù muốn dù không, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng đội ngũ các thầy cô giáo phổ thông hiện nay là những người đang trực tiếp tham gia chiến lược “trồng người” của đất nước. Sự thành hay bại của nền giáo dục quốc gia trong tương lai đang nằm trong tay họ. Thế nên, theo tôi, mọi sự bào chữa nhằm “giảm nhẹ” thực trạng về hình ảnh người giáo viên đang bị “rớt giá” hiện nay, nếu không ngụy biện cũng là thiếu thành thật và cố tình né tránh. Vì nói gì thì nói, một khi đã xác quyết “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì nhất định không thể để các thầy cô giáo sống trong sự “nhếch nhác” được. Như thế là xem thường và thiếu tôn trọng họ.

Ngoài ra, cũng đừng nói rằng ngân sách quốc gia hiện nay không đủ để nâng lương và cải thiện đời sống cho các thầy cô giáo. Riêng chỗ này cũng xin các vị lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về giáo dục hãy thành thật với nhau và với nhân dân một lần. Thực tế cho thấy thời gian qua, ngân sách quốc gia dành cho giáo dục hàng năm không phải ít. Vấn đề quan trọng ở đây là người chi tiêu và cách chi tiêu như thế nào mà thôi. Nghĩa là các khoản chi ra có hiệu quả không? Có công bằng, có lãng phí, có thất thoát, có “chui vào túi” riêng của cá nhân không?

Cuối cùng, nếu đã nói “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà” thì nhất định phải từ bỏ và triệt tiêu cái thói quen, cùng cách nghĩ, cách làm kiểu “hớt ngọn”, “đối phó”, “chữa cháy” nhất thời. Như thế là phản giáo dục, phản văn hóa, rất nguy hại cho dân tộc và đất nước về sau.

N.T.B

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-Thu-ngay-xua-giao-Thu-ngay-nay-post179127.gd

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.