Xuân Dương
“Quy luật Tít mù”, nghe trừu tượng quá. Dân gian có mấy câu thơ nôm na này, rất dễ hình dung: “Con kiến mà leo cành đa – Leo phải cành cụt, leo ra leo vào – Con kiến mà leo cành đào – Leo phải cành cụt, leo vào leo ra”. Nếu ví Đảng Cộng sản và Chính phủ là con kiến thì sự nghiệp giáo dục và cải cách giáo dục nói riêng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung của Đảng Cộng sản và Chính phủ chính là cành đa cụt, cành đào cụt. Ông Xuân Dương có đồng ý vậy chăng?
Bauxite Việt Nam
Liên quan “quy luật Tít mù” trong giáo dục, xin viện dẫn ý kiến của hai vị bộ trưởng, vị thứ nhất là nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân, vị thứ hai là đương kim Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Đọc bài viết của GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam “Khốn khó, muốn giữ vẹn nhân cách, tự trọng là không dễ” trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14-8-2017 khiến người viết trăn trở nhiều điều.
Năm 1990, sau khi sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, GS Trần Hồng Quân được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo. Là người đứng đầu ngành giáo dục trong một thời gian khá dài, kinh nghiệm lãnh đạo và những gì chứng kiến tại cơ quan bộ đầu những năm 90 thế kỉ trước có phải là nguyên nhân khiến vị giáo sư đáng kính phải thốt lên: “Muốn dự đoán tương lai của một quốc gia, hãy nhìn vào ngành giáo dục. Muốn dự đoán tương lai của ngành giáo dục, hãy nhìn vào chính sách của nhà nước và thái độ của xã hội đối với đội ngũ giáo viên”.
Phương pháp “bắc cầu” trong toán học được GS Trần Hồng Quân sử dụng dẫn tới kết luận thế này: “Muốn dự đoán tương lai của một quốc gia, hãy nhìn vào chính sách của nhà nước và thái độ của xã hội đối với đội ngũ giáo viên”, bởi lẽ người thày là yếu tố quyết định nhất đến chất lượng giáo dục, sau đó mới là chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất…
Về thái độ đối với đội ngũ giáo viên, xin không nói đến dư luận “các lề”, chỉ cần nghe, nhìn đài truyền hình tung lên màn ảnh nhỏ câu chuyện “Nhặt xương cho thầy” là đủ thấy thái độ ứng xử của ê-kip thực hiện và người lãnh đạo cơ quan này. Điều đáng nói là câu chuyện châm biếm nghề giáo này được tung lên màn hình tối 19-11-2014, ngay trước ngày các thày cô kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm.
Năm 2012, chuyên mục Thongtindachieu.tuanvietnam.vietnamnet có bài “Xin đừng làm tổn thương nhà giáo” của TS Dương Xuân Thành. Bài báo này hiện vẫn còn lưu tại địa chỉ [1]. Nội dung bài báo nói đến cách thức đối xử khó hiểu của cơ quan ban hành chính sách với đội ngũ nhà giáo đã nghỉ hưu không được hưởng chính sách thâm niên theo quy định mới ban hành.
Phê phán các hành vi sai trái là cần thiết song phê phán thế nào để không gây phản cảm, không tạo nên một cách nhìn phiến diện về nghề dạy học lại là việc không thể xem nhẹ. Tiếc rằng ngay cả cơ quan quản lí và một số cơ quan báo chí mới chỉ chú trọng đến hiện tượng mà chưa tìm hiểu kĩ bản chất của sự việc. Chẳng hạn việc dạy thêm, học thêm luôn là đề tài được quan tâm song cần phải thấy một thực tế là tình trạng này chủ yếu xảy ra tại thành phố, thị xã và chỉ với một vài môn học nhất định. Phê phán đội ngũ giáo viên (nói chung) trong việc dạy thêm là không thỏa đáng.
Về ý kiến “Muốn dự đoán tương lai của ngành giáo dục, hãy nhìn vào chính sách của nhà nước” mà GS Trần Hồng Quân đề cập, xin được nêu một vài dẫn chứng:
Căn cứ Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg thì nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các bộ… được hưởng mức phụ cấp 25%. Tuy nhiên, quyết định này cũng có ngoại lệ khi quy định: “Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng”. (Baochinhphu.vn ngày 3-12-2012). Cùng một trường, cùng có điều kiện làm việc như nhau, giảng viên vẫn bị phân biệt đối xử, có người được hưởng phụ cấp gần gấp đôi người khác, có phải là một chính sách hợp lí?
Ông Đ.Đ.Tr, nguyên Phó chánh văn phòng Bộ Giáo dục và đào tạo, phụ trách kiến thiết cơ bản dưới thời Bộ trưởng Trần Hồng Quân nhớ lại: Vào tháng 11-1990 (cũng vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam), phòng bảo vệ cơ quan bộ ở phía đường Đại Cồ Việt bị lực lượng chức năng quận đưa người và phương tiện đến đập phá. Một số cán bộ văn phòng bộ (tiến sĩ Đ.V.Đ, tiến sĩ N.H.L nay đang làm việc tại Hiệp hội các trường đại học – cao đẳng ngoài công lập Việt Nam) vẫn nhớ rất rõ sự kiện này. Nhiều năm sau, mỗi khi có dịp đi qua trụ sở bộ, vết tích đập phá những năm trước vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Chứng kiến tận mắt cảnh tượng lúc đó, người viết chỉ thầm tự hỏi, nếu đó không phải là trụ sở Bộ Giáo dục mà là bộ khác, liệu việc hi hữu này có xảy ra?
Là người nhiều năm làm bộ trưởng, chắc chắn GS Trần Hồng Quân hiểu hơn ai hết những gì mà “chính sách của nhà nước” dành cho giáo dục.
Nhà nước dành cho giáo dục khoảng 20% tổng chi ngân sách quốc gia nhưng 80% trong số đó dùng để trả lương, chỉ còn 15% cho các hoạt động khác là sự bất hợp lí đã được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định. [2]
Bộ Giáo dục và đào tạo có lẽ là cơ quan đặc thù, không giống bất kì bộ nào. Trong số 1,24 triệu giáo viên thì hơn 1 triệu giáo viên mầm non và phổ thông do chính quyền địa phương quản lí, trong số 91.183 giảng viên đại học, cao đẳng và khoảng 300 nghìn cán bộ quản lí giáo dục các cấp thì phần lớn cũng do các bộ, ngành, địa phương quản lí. Cùng với đó, ngân sách dành cho giáo dục được chuyển về các bộ, ngành, địa phương chứ không phải là Bộ Giáo dục và đào tạo.
Chắc chắn không ít người sẽ nêu câu hỏi vì sao Bộ Lao động – thương binh và xã hội lại quản lí hai trường đại học sư phạm? Phải chăng lợi ích của bộ này quan trọng hơn lợi ích quốc gia?
Không được quản lí hầu hết cán bộ trong ngành, cũng không quản lí (phần lớn) ngân sách chính là tình trạng không biết nên khóc hay nên cười của Bộ Giáo dục và đào tạo hiện nay.
Ban biên tập đã có nhã ý đưa vào bài của GS Trần Hồng Quân đường dẫn bài “Việt Nam – giấc mơ 2035: Giáo dục nằm ở đâu?” được đăng gần 1 năm trước. Bài viết đó tuy nhận được sự quan tâm của độc giả song không “rầm rộ” như những bài viết về giáo dục trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong 2 tháng qua, sau khi kì thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 kết thúc.
Xin nhắc lại một lần nữa, trong “Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035”, cả 6 kiến nghị chuyển đổi quan trọng mà các nhà hoạch định chiến lược của Bộ Kế hoạch đầu tư và Ngân hàng Thế giới đưa ra không có một chữ nào đề cập lĩnh vực giáo dục.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, vậy tại sao cả 6 kiến nghị chuyển đổi mà Bộ Kế hoạch và đầu tư góp phần soạn thảo lại không nhắc đến giáo dục?
Chỉ cần đọc tiêu đề 7 chương của báo cáo này đã có thể hiểu được những người chịu trách nhiệm về kế hoạch và đầu tư của đất nước quan tâm đến giáo dục như thế nào: Chương I- Ba mươi năm đổi mới và khát vọng Việt Nam; Chương II- Hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân; Chương III- Phát triển năng lực đổi mới và sáng tạo; Chương IV- Đô thị hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế; Chương V- Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; Chương VI- Bảo đảm công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; Chương VII- Xây dựng thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 chỉ là những kiến nghị của một bộ thuộc Chính phủ chứ không phải là chủ trương của nhà nước, do vậy việc chưa dành sự quan tâm thích đáng cho giáo dục, đào tạo trong báo cáo cũng không phải chính sách của nhà nước. Lí luận như vậy liệu có thể chấp nhận?
Về ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chỉ xin đề cập một vài hoạt động gần nhất của ông về tình trạng tuyển sinh các trường sư phạm.
Chủ trì buổi làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước chiều 16-8-2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cho biết: Theo số liệu thống kê đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm chính quy 2017, trong số 673 ngành đào tạo sư phạm có thí sinh trúng tuyển có 23 ngành lấy điểm xét tuyển từ 25 trở lên (điểm trúng tuyển trung bình là 27,75 điểm), 158 ngành lấy điểm xét tuyển từ 20 đến dưới 25 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 23,35 điểm), 302 ngành lấy điểm xét tuyển từ 15,5 đến dưới 20 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 20 điểm), đặc biệt có 197 ngành tuy lấy điểm xét tuyển dưới 15,5 điểm song mức điểm trúng tuyển trung bình vẫn đạt 17,5 điểm. Chỉ cần cộng mấy con số 23+158+302+197 đã thấy số ngành đào tạo sư phạm mà các “quân sư” cung cấp cho Bộ trưởng là 680 ngành chứ không phải 673. Với số liệu thống kê như vậy, liệu người dân có dám chắc đó là số liệu chính xác?
Được biết ngay đợt 1 đã có hơn 300.000 trong tổng số 535.000 thí sinh (đạt điểm sàn 15,5) thay đổi nguyện vọng, vậy số thí sinh thực tế đến nhập học tại các cơ sở sư phạm đạt bao nhiêu phần trăm?
Ngay cả trường hợp đạt 17,5 điểm cho 4 môn thì bình quân mỗi môn vẫn chỉ là 4,4 điểm, dưới điểm trung bình theo thang 10. Trong trường hợp này, nói ngành sư phạm tuyển sinh dưới trung bình liệu có phải là thiếu chính xác?
Mặt khác, nếu quả thật điểm đầu vào ngành sư phạm thấp nhất là 17,5 thì vì sao lại quy định điểm sàn là 12 chung cho mọi ngành mà không quy định với các trường cao đẳng sư phạm tối thiểu phải là 15, phải chăng khâu dự báo của bộ có vấn đề?
Còn một câu hỏi khác buộc phải đặt ra là vì sao cứ sau mỗi “cơn bão” dư luận thì bộ mới vội họp để khắc phục?
Tháng 4-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 732/QĐ-TTg về đào tạo giáo viên đến năm 2020. Theo đó, đào tạo bổ sung số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu khoảng 130.000 người, đào tạo tăng thêm khoảng 60.000 người, tổng cộng khoảng 190.000 người. Điều 2 của quyết định ghi rõ: “Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày kí”, nghĩa là ngay từ năm 2016 Bộ Giáo dục và đào tạo đã phải tuân theo quyết định này. Từ 2016 đến 2020 là 5 năm, theo đúng quyết định thì bình quân mỗi năm số giáo viên được phép đào tạo vào khoảng 38.000 (190.000 : 5). Năm 2015 đã tuyển 70.000 người [3], số giáo sinh này sẽ tốt nghiệp vào các năm 2017 (trung cấp), 2018 (cao đẳng) và 2019 (đại học), điều đó có nghĩa là đều nằm trong chỉ tiêu 190.000 người mà Thủ tướng đã quyết định. Năm 2016 đã tuyển khoảng 65.000 người [4], năm 2017 dự kiến tuyển 43.000 người. Như vậy chỉ trong 3 năm, số thí sinh tuyển vào ngành sư phạm đã vào khoảng 178.000. Vậy Bộ Giáo dục và đào tạo làm thế nào để đến năm 2020 chỉ đào tạo thêm 12.000 giáo viên nữa?
Xin hỏi Bộ trưởng và các vị lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các đơn vị nghiệp vụ cơ quan bộ, liệu các vị có dám khẳng định với Chính phủ và nhân dân, từ năm 2016 đến 2020 chắc chắn chỉ có 190.000 thí sinh được tuyển vào ngành sư phạm? Nếu không thực hiện được, các vị có viết đơn từ chức hay chờ thêm vài ngày cho đến “hoàng hôn nhiệm kì”?
Giáo dục Việt Nam từ chỗ ba cơ quan là Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề sáp nhập thành Bộ Giáo dục và đào tạo vào năm 1990. Đến năm 2017 này, giáo dục đã trở lại là những mảnh ruộng con con như thời cải cách ruộng đất. Các bộ, ngành, địa phương, thậm chí các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ,…) đều là cơ quan chủ quản các cơ sở giáo dục.
Sắp tới Bộ Giáo dục và đào tạo có chủ trương sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục, nghĩa là sẽ có sáp nhập, giải thể hoặc xây mới. Nhập rồi tách, tách rồi lại nhập, đó là vòng tròn luẩn quẩn mà từ năm 1990 đến nay giáo dục chưa thoát ra được.
Chủ trương, chính sách về giáo dục có quá nhiều, xin nêu vài dữ liệu: từ năm 2000, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 40/2000/NQ-QH10 về “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”; ngày 2-11-2005, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020”; ngày 4-11-2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo“; năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”…
Đảng cứ ra nghị quyết, Quốc hội cứ ra nghị quyết, Chính phủ cứ ban hành quyết định, còn cái “quyết” cuối cùng thuộc về “bộ chủ quản”.
Chỉ cần nhìn vào số liệu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2016, có ý kiến đặt nghi vấn rằng phải chăng ngành giáo dục không coi trọng quyết định của Thủ tướng? Vì sao lại có chuyện như vậy?
Câu hỏi này sẽ không có câu trả lời, song có một thực tế do thể chế chính trị quy định là Thủ tướng không có quyền cách chức bộ trưởng. Chính vì thế nên dù không thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn ung dung tại vị.
Đến lượt mình, phải chăng cũng vì bộ trưởng không có quyền cách chức thứ trưởng nên đội ngũ dưới quyền bộ trưởng lại “ung dung tại vị” tiếp? Điều này kéo theo các cục, vụ cho đến nhân viên văn phòng cũng cứ “bình tĩnh” – theo lời kêu gọi của Bộ trưởng?
Một nhà nước pháp quyền lẽ nào lại có chuyện cấp dưới có thể vượt quyền cấp trên như thế? Một Chính phủ kiến tạo, minh bạch lẽ nào lại tồn tại một bộ ngang ngạnh như thế? Một đội ngũ cán bộ được đào tạo lí luận chính trị nghiêm túc lẽ nào lại có những người không biết trách nhiệm và quyền hạn mà luật pháp quy định với họ thế nào?
Đến đây, có thể thấy sự phát triển của giáo dục Việt Nam dường như không thuận theo quy luật xoắn ốc của sự phát triển xã hội. Thực tế nó đang vận hành theo quy luật “tít mù nó lại vòng quanh” chỉ có ở nước Việt mình ngay từ cuộc cải cách giáo dục lần thứ… trước.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.baomoi.com/xin-dung-lam-ton-thuong-nha-giao/c/9689681.epi
[2] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/80-ngan-sach-chi-cho-giao-duc-dung-de-tra-luong-3570398.html
[4] http://aum.edu.vn/tin-tuc/tuyen-sinh-2016-giam-chi-tieu-nganh-su-pham.html
X.D
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc-va-quy-luat–Tit-mu-post179054.gd