“Nhiều cuộc ra đi của nông dân xã Long Thành đã trở nên “tít mù rồi lại vòng quanh”. Một số thanh niên vào miền Nam làm thuê nhưng không có tay nghề nên nhận được đồng lương rẻ mạt, nuôi thân chẳng đủ. Lúc thất nghiệp, về quê thì ruộng đồng cằn khô, hẹp dần, ngay cả miếng đất để làm nhà cưới vợ cũng khó.
“Đại bế tắc” – xóm trưởng Nguyễn Văn Kính buông một câu – “Ba đứa con tôi đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, cũng chỉ mong nó đưa thân về quê được là may, nói gì chuyện gửi tiền cho bố mẹ. Tết về nó mua cho được gói bột ngọt thì ra đi lại xin bố mẹ phải bán lợn để cho chúng tiền tàu xe. Nhưng cũng không còn lối thoát nào khác, cho các con học lên đại học thì thu nhập của nông dân nghèo như chúng tôi không nuôi nổi, mà ở cái xóm này nhiều cháu tốt nghiệp đại học về đây, không cảnh thế, lại nghèo thế là lại vô Nam làm công nhân” – Phùng Nguyên.
So với trước 1945 sự bế tắc bây giờ ghê gớm hơn nhiều vì ngày nay là 75% của 86 triệu người còn xưa là 90% của 25 triệu. Son số người thất nghiệp sẽ trở nên nhan nhản ở mọi thành phố, không học vấn, không nghề ngỗng, chỉ có sức lao động cơ bắp, là cả một đoàn tàu của đói nghèo, bệnh tật, tệ nạn… kéo xã hội đi lùi khủng khiếp. Trong khi đó các ngài từ những cuộc nhậu với đàn em út hoặc từ phòng massage trọn gói bước ra, ngồi vào phòng máy lạnh, lim dim mắt và… hoạch định đại dự án tàu cao tốc Bắc Nam trong 20-30 năm, chi những khoản tiền làm người dân cùng khốn ấy càng gánh thêm nợ nần. Có hay chăng cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà ta ngầm hiểu là chủ nghĩa nhân đạo, là công bằng dân chủ văn minh, trong những việc làm trớ trêu như vậy?
Bauxite Việt Nam
Kỳ I: Đói nghèo và ly hương
TP – Tôi đi dọc miền Trung và tận thấy nhiều xóm làng thưa vắng bóng người vì nhiều nông dân rời bỏ quê hương đi làm ăn xa bởi quá nhọc nhằn tìm miếng ăn trên chính mảnh ruộng quê mình. Làn sóng ly hương này đã làm cơ cấu lao động ở nông thôn – đô thị biến động, dẫn đến nhiều hệ lụy….
Ly hương ở vùng đất khát
Xuôi đường thiên lý Bắc Nam vượt Đèo Ngang tới xã Hàm Ninh huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình. Giữa trưa gió Lào bỏng rát thổi khô cả ruộng lúa. Như một trò đùa của thiên nhiên, hai con sông Kiến Giang và Đại Giang bao quanh xã nhưng những cánh đồng vẫn chịu cảnh khô khát do nước sông nhiễm mặn.
Diện tích canh tác chỉ 500 m2/người nhưng cả năm chỉ làm được một vụ, còn vụ nữa đất bỏ hoang vì thiếu nước. Người nông dân ở đây đã gắng trồng nhiều loại cây như đậu tương, đậu xanh, ngô trên diện tích ruộng khô nhưng rồi bất lực.
“700 người, chủ yếu là thanh niên ra khỏi địa bàn đi làm ăn xa. Xóm còn rất ít thanh niên, công tác tập hợp đoàn viên thanh niên chủ yếu vào dịp lễ Tết, khi lực lượng thanh niên đi làm ăn xa trở về ”, Bí thư Đoàn xã Hà Xuân Hưng tâm sự.
Theo chân anh Hưng, tôi đến thôn Trường Mầu, ngay cạnh sông Nhật Lệ, cả làng khô khát, nước sinh hoạt phải trông chờ vào một cái ao.
Giữa buổi sáng, mà thôn vắng tanh. Cụ Hà Công Thích 73 tuổi, đang ngồi một mình trong nhà nhìn ra sân, nói với khách: “Vợ tôi chết, tôi ở một mình, có 2 thằng con trai Hà Công Quân, Hà Công Tiến nhưng đều đang đi làm ăn ở Đăk Lăk cả. Tết chúng nó cũng không về được. Tiền mô mà về.
Ở tuổi này mà tôi còn thỉnh thoảng phải gửi tiền lương hưu để cứu trợ cho chúng nó. Nhưng còn hơn về đất này làm ăn, khổ lắm. Thanh niên nó đi hết rồi, người già như tôi có nỗi lo khó tin: chết không người khiêng ra nghĩa địa”.
Chủ tịch xã Trần Văn Hoàng vuốt lại mái tóc bị gió Lào thổi tung bảo: “ Cụ Thích lo cũng… có lí. Người làng đi làm ăn xa nhiều đến mức như năm ngoái, ra Tết tôi phải ký giấy tạm vắng mỏi nhừ tay. Phải tạo điều kiện cho con em thoát ly thôi, dù ra đi cũng nhọc nhằn lắm, nhưng khoảng 10% thanh niên ở lại địa phương cũng chủ yếu giúp gia đình làm một vụ mùa rồi lại thất nghiệp. Luẩn quẩn như con kiến leo cành đa”.
Nơi ngày công chỉ 200 đồng
Tôi về xã Long Thành – huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An đúng vụ cấy, nhưng nhìn ra cánh đồng chỉ thấy người già và trẻ em, thanh niên hầu như vắng bóng. Chị Nguyễn Thị Hồng, xóm Quang Trung đang cùng hai con gái chuẩn bị nông cụ ra đồng, bảo với tôi: “ Chú thấy đó, việc đồng áng giờ chỉ toàn đàn bà con gái làm, đàn ông, thanh niên ở cái xóm này bỏ đi làm ăn xa hết rồi”.
Nói vậy, nhưng nhà chị Hoa có 5 cô con gái thì 3 cô Sáng, Oanh, Yến đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi cũng đã lên đường vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân da giày. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Kính nếu không “vướng” cái chức xóm trưởng xóm Quang Trung thì cũng vô Nam từ lâu. Xóm trưởng Nguyễn Văn Kính lắc đầu buồn bã: “Xóm tôi cơ bản không còn thanh niên, hơn 100 thanh niên đã rời bỏ xóm đi làm ăn cả”.
Hàng xóm của anh Kính, cụ Hồ Kim Tân đã gần 80 tuổi vẫn đang làm lụng đồng áng vì mấy người con đi làm ăn xa. Nghe tin nhà báo về làng, nhiều người dân kéo đến nhà cụ Tân, và theo một cách hết sức tự nhiên, họ nói cho tôi nghe những nỗi vất vả của mình.
Xã Long Thành nằm vào vùng trũng của huyện Yên Thành, chưa nắng đã hạn, nhưng chỉ cần một trận mưa nhỏ, nước đã ngập trắng đồng. Nằm vào đoạn cuối của mương máng thủy lợi, vì vậy nước ít đến được để tưới tắm cho những cánh đồng khô cằn. Đất cằn và xóm nghèo đến mức người dân không mua nổi trâu bò để cày bừa. Xóm có 152 hộ, chỉ có 12 con trâu của những gia đình được coi là khá giả của xóm.
Anh Trần Văn Trường, nông dân xóm Quang Trung nhẩm tính: Chi phí cho ruộng cũng ngót nghét 1 triệu đồng, trong khi thu hoạch một sào như vụ mùa này chỉ hơn ba tạ một sào. Một tạ thóc bán được khoảng 350 nghìn đồng. Như vậy, lấy công làm lãi mà vẫn lỗ, chưa kể thiên tai thường xuyên cướp trắng công sức của bà con. Chúng tôi ngồi tính đi tính lại thì biết một ngày công của mình chỉ có 200 đồng”.
Tôi ngớ người trước con số lạnh lùng mà buốt nhói đó, nhưng tất cả những người nông dân có mặt ở nhà cụ Tân đều gần như đồng thanh nói: “ Chỉ 200 đồng thôi”.
Ngoài ra, một hạt thóc ở xã Long Thành này phải cõng rất nhiều chi phí khác. Anh Kính, xóm trưởng đưa cho tôi tờ giấy đóng góp mà UBND xã Long Thành “trát” về. Nếu ghi ra đây những khoản người nông dân phải góp sẽ rất tốn giấy mực vì quá nhiều. Tôi nhẩm tính: có tới 22 khoản phải đóng cho xã, ngoài ra còn 6 loại phí nộp cho xóm nữa.
Anh Trần Văn Trường thở dài: “Thanh niên bỏ cái đất chó ăn đá, gà ăn sỏi này mà đi hết rồi. Hai đứa con trai tôi cũng đã đi Nam”.
Ở độ tuổi 35, lưng anh Trường bị gù gập hẳn xuống, bước đi rất khó khăn. Độ tuổi ấy, hình như cả xóm Quang Trung chỉ còn người đàn ông tật nguyền này còn ở lại với ruộng đồng.
Nhiều cuộc ra đi của nông dân xã Long Thành đã trở nên “tít mù rồi lại vòng quanh”. Một số thanh niên vào miền Nam làm thuê nhưng không có tay nghề nên nhận được đồng lương rẻ mạt, nuôi thân chẳng đủ. Lúc thất nghiệp, về quê thì ruộng đồng cằn khô, hẹp dần, ngay cả miếng đất để làm nhà cưới vợ cũng khó.
“Đại bế tắc” – xóm trưởng Nguyễn Văn Kính buông một câu – “Ba đứa con tôi đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, cũng chỉ mong nó đưa thân về quê được là may, nói gì chuyện gửi tiền cho bố mẹ. Tết về nó mua cho được gói bột ngọt thì ra đi lại xin bố mẹ phải bán lợn để cho chúng tiền tàu xe. Nhưng cũng không còn lối thoát nào khác, cho các con học lên đại học thì thu nhập của nông dân nghèo như chúng tôi không nuôi nổi, mà ở cái xóm này nhiều cháu tốt nghiệp đại học về đây, không cảnh thế, lại nghèo thế là lại vô Nam làm công nhân”.
Ông Lê Công Đẩu – Chủ tịch UBND xã Long Thành cho hay: “Thanh niên của xã bỏ làng đi làm thuê biết là nhọc nhằn nhưng vẫn còn hơn ở nhà làm ruộng. Học nghề cũng chẳng biết học nghề gì, học rồi làm ở đâu? Cả cái xã này chỉ có cái nghề phụ bắt cua bán. Mà cua bắt lắm thì cũng hết”.
Thiên nhiên khắc nghiệt + thiếu việc làm + đói nghèo = ly hương
Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó chủ tịch huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cho hay: số lao động ở địa phương rời quê làm công nhân ở các tỉnh phía Nam có ký hợp đồng với các nhà máy, doanh nghiệp khoảng trên 3.000 người, còn đi theo thời vụ thì rất khó thống kê vì quá nhiều và không ổn định.
Người đi nhiều đến nỗi đang vào vụ cấy nhưng huyện Yên Thành lại thiếu lao động trên những cánh đồng. Ông Hưng không ngạc nhiên trước thực trạng đó: “Đầu nóng, bụng sôi, chân tê thấp”, câu nói ấy để miêu tả khí hậu khắc nghiệt của đất Yên Thành.
Đất này chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn, ruộng đồng khô cằn, nhưng hay ngập úng, lại chật hẹp. Bình quân đất canh tác chỉ 1 sào/ người. Một sào ruộng chỉ làm trong một tháng là xong. Việc lao động ở nông thôn Yên Thành ra đi tìm việc làm ở các tỉnh xa là điều không thể tránh khỏi. Theo tôi những cuộc ra đi của nông dân có chung một công thức: Thiên nhiên khắc nghiệt + thiếu việc làm + đói nghèo = ly hương”.
Ông Hưng cho hay: cả huyện Yên Thành hầu như không có cơ sở công nghiệp nào. Sức ép về việc làm ở huyện đất chật người đông này ngày một tăng. Sau kỳ thi tốt nghiệp PTTH , nhiều học sinh thi trượt sẽ lại khăn gói vào miền Nam tìm việc…
Ông Hưng tâm sự: “UBND huyện Yên Thành cũng đang đề ra nhiều giải pháp để tạo việc làm tại chỗ cho người nông dân. Công nghiệp thì coi như Yên Thành không có gì rồi, về nông nghiệp chúng tôi chủ trương đẩy mạnh vụ đông, phát triển các cây nguyên liệu như mía, sắn, dứa. Phải chuyển giao kỹ thuật, tăng năng suất, đồng thời đào tạo nghề cho thanh niên. Tầm của huyện chỉ làm được thế…”.
Tôi tiếp tục đi dọc miền Trung để tận thấy những xóm làng chỉ còn lại người già và trẻ em…
PN
Nguồn: http://www.tienphong.vn/Phong-Su/502270/Nhung-ngoi-lang-rong.html