Thưở xưa nay, ông bà ta chỉ nói “con nghiện” là nghiện cờ bạc, nghiện rượu chè, hút xách… bây giờ lại có từ “con nghiện vay mượn”. Vay mượn đến mức độ nghiện, tức là ngày đêm trong đầu chỉ có mỗi một việc là bằng mọi cách phải vay mượn, bất kể hậu quả ra sao. Người nghiện vay mượn là người không còn đủ lý trí, tỉnh táo để nhìn nhận mục đích vay mượn, và vấn đề là mượn rồi làm sao cho có trả lãi ngắn hạn, vốn dài hạn, rồi ai phải trả…
Vậy các quan chức nhà ta có bị mắc bệnh “nghiện vay mượn” vốn nước ngoài không? Cần phải chẩn đoán, thông qua phát biểu của các quan chức trong “sự kiện bauxite 2010”—Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam:
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Muốn “chọn phương án hoành tráng nhất, làm đường sắt cho tốc độ 300 km/h dù chỉ chở được hành khách vì “muốn đi ngay vào hiện đại”.
Triệu chứng: Tha thiết đi vào hiện đại một cách tốc hành như tàu cao tốc mà theo ông chỉ có cách này chúng ta mới trở thành đất nước hiện đại.
Biểu hiện: Muốn vay nợ bằng một tha thiết mù quáng.
Bộ Trưởng 4T, Lê Doãn Hợp: “Nếu ta làm đường thì họ mới ưu ái cho vay vì tình nghĩa với Việt Nam chứ nếu ta muốn đầu tư nông thôn, vùng sâu vùng xa thì làm sao vay được”.
Triệu chứng: Chỉ biết muốn vay tiền, còn đường sắt cao tốc hay dự án gì không quan trọng, miễn phải hợp thức hóa giấy tờ, nhưng không phải đầu tư vùng nông thôn, nghèo khó, sẽ không vay được.
Biểu hiện: Bằng mọi giá để hợp thức hóa cách vay.
Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức: “Bố mẹ chưa đồng ý cho con cái cưới vợ thì chưa thể bàn những việc cụ thể”.
Triệu chứng: Muốn vay nợ nhưng cứ phải đồng ý đi, rồi mới suy nghĩ tính toán thiệt hơn về dự án.
Biểu hiện: Muốn vay bằng một ham muốn ảo tưởng không thực tế, không tính toán trước.
Giám đốc công an TP Hải Phòng Trần Bá Thiều: “Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao Quốc hội không ủng hộ Chính phủ? Tần Thủy Hoàng xưa nếu không quyết liệt thì làm sao để lại Vạn lý Trường Thành?”.
Triệu chứng: A dua theo sự “quyết liệt” của người khác mà không cần biết vay để rồi có cách nào trả nợ, cố tình ngụy biện bằng cách lấy hình ảnh Tần Thủy Hoàng cho đắp Vạn lý trường thành vì sự sống còn của đế chế nhà Tần là chuyện bất đắc dĩ, đem đặt vào hoàn cảnh không bất đắc dĩ nhưng muốn phải có Đường sắt cao tốc.
Biểu hiện: Ảo tưởng muốn nổi tiếng, nhưng không biết bằng cách nào, chỉ bấu víu vào sự vay mượn.
Chẩn đoán: Dựa trên các triệu chứng, quy kết vào biểu hiện thì rõ ràng các quan chức cao cấp của ta đang mắc chứng “con nghiện vay nợ”. Theo dữ kiện và phân tích của tác giả Phạm Quang Hòa, đã là “con nghiện vay nợ” thì tình trạng sống dở chết dở đang phổ biến. Nếu như thế, gánh nặng nợ nần mà thế hệ con cháu phải è lưng ra trả cho thế hệ tiền nhân “nghiện ngập” của mình là nhãn tiền.
Nguyên Đình
Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2000, tổng số nợ nước ngoài từ vay mới và từ lãi mẹ đẻ lãi con của các nước Mỹ La-tinh đã lên đến 739 tỷ đô-la. Chỉ riêng số tiền các quốc gia con nợ này phải bỏ ra để trả lãi và khấu hao cơ bản của món nợ khổng lồ nói trên cũng đã ngốn mất hơn một nửa ngân sách hàng năm. Hệ lụy là những “con nghiên” vay nợ đã phải sống dở chết dở vì những món nợ chất chồng.
LTS: Trước tình trạng nợ nước ngoài đang là nhân tố chính gây mất ổn định tại nhiều quốc gia thuộc châu Mỹ La-tinh và Đông Nam Á, để cung cấp thêm thông tin cho độc giả, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Thạc sĩ khoa học về Phát triển Xã hội Phạm Quang Hòa.
Sống dở chết dở vì nợ
Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2000, tổng số nợ nước ngoài từ vay mới và từ lãi mẹ đẻ lãi con của các nước Mỹ La-tinh đã lên đến 739 tỷ đô-la, tăng 650 tỷ so với 40 năm trước đó. Chỉ riêng số tiền các quốc gia con nợ này phải bỏ ra để trả lãi và khấu hao cơ bản của món nợ khổng lồ nói trên cũng đã ngốn mất hơn một nửa ngân sách hàng năm. Mexico là nước mắc nợ nhiều nhất, 161 tỷ đô-la, tăng 181% so với đầu thập kỷ 80. Tiếp theo là Achentina, 139 tỷ, tăng 127% so với năm 1991.
Mặc dù Mexico, Achentina và Brazil là ba con nợ lớn ở Mỹ La-tinh, nhưng so với hoàn cảnh của các quốc gia nhỏ khác có nền kinh tế yếu kém hơn rất nhiều như Hondurat, Nicaragua, Bolivia và Guyanna thì với tổng số nợ 16 tỷ đô-la, tương lai của họ bi đát hơn nhiều.
Do tổng số nợ nước ngoài từ vay mới và từ lãi mẹ đẻ lãi con khiến nhiều quốc gia Mỹ La-tinh và Đông Nam Á sống dở chết dở. |
Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia cũng đang sống dở chết dở vì nợ nước ngoài. Bước sang những năm đầu tiên của Thiên niên kỷ thứ 3, nợ nước ngoài của Indonesia đã đạt con số 150 tỷ và nước này trở thành một trong bốn con nợ lớn nhất thế giới, sau Mexico, Brazil và Achentina. Năm 1999, Indonesia đã phải dùng đến hơn 50% thu nhập từ xuất khẩu để trả lãi và khấu hao nợ hàng năm.
Philipine, quốc gia được Hoa Kỳ ưu ái nhất Đông Nam Á, ngay từ tháng 10 năm 1983 đã phải tuyên bố là không thể tiếp tục trả lãi suất và khấu hao nợ hàng năm của món nợ nước ngoài 24 tỷ đô-la nhằm tìm kiếm một sự thỏa hiệp từ các ngân hàng phương Tây. Và cũng giống như trường hợp của các quốc gia con nợ Mỹ La-tinh, Philipine đã được các tổ chức tài chính đa quốc gia “ưu ái” cho vay thêm tiền để trả cho chính họ khoản lãi và khấu hao cơ bản của số tiền họ cho quốc gia này vay trước đó.
Những số liệu trích từ báo cáo của Michael Adamson, một nhà kinh tế người Mỹ dưới đây sẽ tự nó nói lên mức độ trầm trọng của việc trả lãi suất và khấu hao của món nợ nước ngoài của Philipine. Năm 1985, nếu như Chính phủ Philippine chỉ phải dành ra 22 tỷ pê-sô (khoảng 900 triệu đô-la theo thời giá) trong tổng số thu nhập 67 tỷ pê-sô để trả lãi và khấu hao tiền vay hàng năm thì đến năm 1999, con số này đã là 100 tỷ pê-sô (hơn 3 tỷ đô-la theo thời giá) trong tổng số thu nhập hàng năm 120 tỷ pê-sô.
Nếu năm 1980, cứ chi 4 đô-la cho giáo dục thì Philippine phải chi 3 đô-la trả lãi và khấu hao nợ nước ngoài. Các con số tương ứng là 10 và 22 đô-la của năm 1985 và 30 và 100 năm 1989.
Nói theo cách khác, tổng số tiền từ thu thuế của Chính phủ Philipine, khoảng 95 tỷ pê-sô năm 1989 đã không đủ để trả khoản tiền 100 tỷ pê-sô lãi và khấu hao nợ nước ngoài của chính năm đó.
Lệ thuộc vì nợ
Từ chỗ bị lệ thuộc vào phương Tây bởi nợ nước ngoài, Chính phủ các quốc gia con nợ đã tiến dần đến chỗ bị lệ thuộc về cả kinh tế lẫn chính trị. Để lấy lòng Hoa Kỳ, Mexico đã cam kết trong NAFTA sẽ đối xử với các công ty Mỹ đầu tư ở Mexico như các công ty trong nước, thậm chí còn hơn.
Thí dụ, Chính phủ Mexico cam kết sẽ bồi thường cho bất kỳ công ty Mỹ nào bị thiệt hại do thay đổi chính sách ở nước này. Điều đó dẫn đến một vụ việc chưa từng có là Chính phủ Mexico đã đồng ý cho một công ty Mỹ đầu tư vào bãi chứa chất thải độc hại ở Mexico. Nhưng khi chính quyền thành phố nơi có bãi chứa từ chối bởi lo sợ hiểm họa môi trường, công ty Mỹ đã kiện và Chính phủ Mexico đã phải bồi thường cho họ số tiền mà họ có thể kiếm được nếu được phép đầu tư.
Tại Indonexia, cuối năm 1999, khi Chính phủ nước này định can thiệp vào quá trình Đông Ti-mo tách ra khỏi Indonesia, các quốc gia phương Tây chỉ mới đe dọa ngừng cho Indonesia vay tiền, Chính phủ đã phải ngay lập tức án binh bất động và chấp nhận cho Úc đưa quân đội đến Đông Ti-mo.
Và bài học phải chi cho đúng
Để có vốn tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, việc vay nợ nước ngoài là cần thiết. Nhiều quốc gia đi trước Việt Nam như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc đều phải vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ các quốc gia đó chỉ vay tiền để đầu tư vào hạ tầng cơ sở thiết yếu nhất để phục vụ phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Tiền vay được quản lý cực kỳ chặt chẽ theo những nguyên tắc riêng và được sử dụng cực kỳ hiệu quả. Họ không vay tiền nước ngoài để làm những dự án làng nhàng kiểu như đắp các con lươn/chạch mỗi ngã tư rồi lại phá đi, hoặc trả tiền công cho nông dân bảo vệ rừng của chính mình, hoặc làm đẹp đô thị và xây dựng hệ thống toa-let ở một thành phố, hoặc làm những dự án quá khủng trong khi hạ tầng kỹ thuật trong nước chưa có gì, hoặc hoạch định những dự án không tưởng như đường sắt cao tốc…
Hạ tầng cơ sở của các quốc gia nói trên đã được quy hoạch và xây dựng theo tinh thần “chỉ làm một lần” nên có chất lượng rất cao, không phải làm xong rồi thì lại phải sửa ngay lập tức hoặc vài năm sau lại xóa đi làm lại hoặc nâng cấp và mở rộng.
Nếu cứ tiếp tục đi vay và sử dụng tiền vay như Hy Lạp đã làm trong những thập kỷ vừa qua, chắc chắn di sản có thể để lại cho tương lai là một món nợ khổng lồ. Xem ra đây cũng là bài học không thừa cho Việt Nam và các quốc gia đang phát triển quá nóng.
PQH
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-02-no-nuoc-ngoai-nhieu-con-nghien-song-do-chet-do-