Khai thác vượt mức cho phép đến 28 lần của mỏ Moong Thác Lạc 3 đã khiến hơn 130 hộ dân tại xóm Trại Cau, xã Cây Thị, H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên luôn phải sống trong sợ hãi.
Moong Thác Lạc 3 được Mỏ sắt Trại Cau – một đơn vị thành viên của Công ty Gang thép Thái Nguyên – tiến hành khai thác theo hình thức bóc lấy quặng từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước và thực hiện đào sâu từ năm 2002. Hiện nay, việc khai thác này đã đạt đến độ sâu âm 22 mét so với mực nước biển và âm trên 60 mét so với mặt đất. Và trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, hiện tượng sụt lún, nứt đất, mất nước đã xuất hiện ngày một nhiều tại các khu vực giáp ranh, trong đó có xóm Trại Cau.
Từ thụt ruộng…
Đó là một buổi sáng sớm tinh mơ mùa hè năm 2005, khi ra thăm đồng, anh nông dân Lại Văn Cửu như không dám tin vào những gì hiện hữu ngay trước mắt mình: nơi chính giữa thửa ruộng của anh bỗng nhiên xuất hiện những “hố bom” rộng trên chục mét, sâu cỡ ba mét. Hiện tượng mà theo người làm ruộng như anh Cửu là “chưa từng gặp trong đời” xảy ra ngay trước vụ cấy khiến anh bàng hoàng.
Việc cấy hái vô cùng khó khăn bởi nước bơm vào ruộng chỉ sau vài tiếng đồng hồ cứ theo “hố bom” mất hút dưới lòng đất. Cực chẳng đã, người nông dân xóm Trại Cau phải gánh đất đắp thành bờ cao như thành giếng, khoanh ruộng thành từng thửa nhỏ hệt như ruộng bậc thang để ngăn không cho nước chảy. Thậm chí, sau mỗi cơn mưa, khắp lượt những “hố bom” chẳng khác gì ao chuôm và đề phòng trường hợp xấu như sa chân xuống “hố bom” chết đuối, người dân xóm Trại Cau cất công chặt cành tre rào thật kỹ quanh các thửa ruộng bị sụt lún.
Cũng cuối năm đó, sụt lún đất còn “ăn” sâu vào mãi tít những mảnh vườn nằm phía sau nhiều mái nhà của xóm Trại Cau. Hậu quả là từng vạt đất trồng chè, cây ăn quả đem lại nguồn thu chủ lực của bà con nơi đây bị võng xuống tựa lòng chảo. Và cũng giống như cây lúa, năng suất trồng chè giảm đi rõ rệt.
Chị Trần Thị Thật, một hộ gia đình sinh sống tại xóm Trại Cau cho biết, đất bị lún, võng xuống tạo thành một lòng chảo thấp hơn đến 1 mét. “Chính hiện tượng bị võng, tạo thành lòng chảo, đất sẽ tích nước, nên các gia đình có chăm bón kiểu gì đi chăng nữa thì trước sau toàn bộ số gốc chè nằm trong lòng chảo cũng sẽ úng nước mà chết…”, giọng bà Thật rầu rầu.
… tới nứt nhà
Đứng trước một căn nhà hoang đổ nát ở xóm Trại Cau, chúng tôi chẳng thể hình dung được chỉ mới hai năm về trước, nơi đây còn là mái ấm của một gia đình người dân tộc Sán Dìu. Bước lên bậc tam cấp, ngó qua khe cửa, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt, đó là một cái nền nhà võng hẳn xuống và bị nứt toác làm đôi, trần nhà đổ bê tông mà ánh sáng lọt được qua. Còn căn bếp, công trình phụ được xây kiên cố cũng xuất hiện nhằng nhịt những vết nứt to đút vừa nguyên một bàn tay, chạy dài từ mái xuống chân móng.
Chị Bích, chủ nhà kể: trước năm 2007, khi lòng mỏ quặng sắt Moong Thác Lạc 3 chưa tiến hành khai thác tới độ sâu âm trên 60 mét so với mặt đất, giếng trong vườn của gia đình chị chỉ đào sâu tới 3,8 mét là đã có nước. Nhưng theo thời gian, giếng nước nhà chị cạn đi và cho dù đã thuê thợ khoan thăm dò sâu gần hai chục mét vẫn không phát hiện nguồn nước… “Nhưng sợ hơn cả là thi thoảng mỗi sáng thức dậy, nhìn ra phía sau nhà lại thấy vài bụi tre già có chiều cao quãng chục mét, phần gốc đã “mất” đi không phải vì người ta chặt mà do bị thụt, lún sâu vào lòng đất”, chị Bích nhớ lại. Và không muốn nghĩ tới viễn cảnh một ngày không may nào đấy, dưới lòng những hố nứt kia sẽ không phải là bụi tre mà lại chính là ngôi nhà mình, gia đình chị Bích quyết định bỏ lại cơ ngơi, tìm nơi định cư mới.
Theo Trưởng xóm Lại Văn Nguyên, nối tiếp hiện tượng sụt lún diện tích đất canh tác, vào khoảng thời gian cuối năm 2006, đầu năm 2007, người dân xóm Trại Cau lại hứng chịu thêm thảm cảnh nứt đất, mất nguồn nước ăn. Và tính cho tới thời điểm này đã có trên 90 hộ dân xóm Trại Cau chịu ảnh hưởng trực tiếp. Điều này được lý giải, chính độ sâu khai thác âm trên 60 mét của mỏ Moong Thác Lạc 3 đã hút hết phần lớn mạch nước ngầm chảy qua xóm Trại Cau.
Chờ câu trả lời từ Mỏ sắt Trại Cau
Trước những đơn thư, kiến nghị của người dân xã Cây Thị về hiện tượng sụt lún, nứt đất, mất nước, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã thành lập đoàn công tác phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương và Mỏ sắt Trại Cau thực hiện việc quan trắc địa tầng tại khu vực để xác định nguyên nhân gây ra các hiện tượng nói trên. Kết quả kiểm tra cho thấy, quá trình hoạt động bơm tháo khô mỏ tại Moong Thác Lạc 3 đã vượt quá 28 lần so với quy định của giấy phép khai thác nước do Sở Tài nguyên – Môi trường cấp. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng mất nước mặt, hạ thấp mức nước ngầm và gây sụt lún, nứt đất cũng như mất nước sinh hoạt.
Trả lời Thanh niên, Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau, ông Mạc Đăng Niên cho biết, sau khi có kết quả kiểm tra kết luận tại Moong Thác Lạc 3, Mỏ đã tiến hành hai đợt hỗ trợ người dân sống tại tổ 1, 3, 5 thuộc khu vực thị trấn Trại Cau với tổng số tiền trên 700 triệu đồng. Tuy nhiên ông Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau nói thêm: “Giáp với khu vực Moong tại địa phận xã Trại Cau cùng một lúc còn có nhiều tư thương tập kết dùng máy móc để khai thác vàng. Cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra thêm”.
MS
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201023/20100604024305.aspx