Thư giãn Chủ nhật:

Một trăm ba mươi năm bang giao văn hóa Việt – Pháp

Đặng Tiến

clip_image002

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến

[Văn Hóa Nghệ An phỏng vấn nhà phê bình văn học Đặng Tiến]

Phóng viên: Chúng tôi được biết ông đã sang châu Âu từ năm 1966 và định cư ở Pháp từ năm 1968. Ông là người đã cùng với giáo sư Tạ Trọng Hiệp sáng lập ra ban Việt học tại Đại học Paris VII và đã giảng dạy liên tục ở đó cho đến lúc về hưu. Động cơ nào đã thúc đẩy các ông hình thành ý tưởng tuyệt vời này?

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: Trước tiên, phải thưa ngay: anh Tạ Trọng Hiệp, đã quá cố từ lâu, và bản thân tôi, không có chức danh Giáo sư. Trong lãnh vực biên khảo, chúng tôi có một vài đóng góp, chúng tôi có giảng dạy ở cấp bực đại học, nhưng với tư cách giảng viên ngoài biên chế nên không có chức danh giáo sư, ngoài ra, ở Pháp, những giáo sư có quy chế thực thụ, cũng ít khi xưng chức tước. Tôi chưa từng nghe các anh Lê Thành Khôi, Trịnh Văn Thảo… xưng danh GS TS,  cho dù họ là thầy của nhiều bậc thầy. Anh Cao Huy Thuần, ngày nay thường được người đời xưng tụng như vậy, chớ anh ấy không tự xưng chức danh trên sách báo.

Thứ đến, anh Tạ trọng Hiệp và tôi không “sáng lập” ra ban Việt học tại ĐH Paris 7. Việc sáng lập là do nhà nước Pháp quyết định, theo nhu cầu của họ, và tình hình quốc tế vào thời điểm 1968, mở đầu hội đàm Paris để chấm dứt chiến tranh Việt Nam, và sau “tháng Năm 1968” tại Paris, thay đổi cục diện nước Pháp về mặt chính trị lẫn trí thức. Giáo sư Jacques Gernet, chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Ngôn ngữ văn minh Á Đông (L.C.A.O.: Langues et Civilisations de l’Asie Orientale) tại Đại học Paris 7, một nhà bác học uyên bác, quen biết và tin cậy học giả Tạ Trọng Hiệp, chuyên gia chữ Nôm thuộc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (C.N.R.S.: Centre National de Recherches Scientifiques), giao cho anh thi hành dự án thành lập ban Việt học, trực thuộc LCAO. Anh Hiệp quen tôi, rủ tôi cùng làm chung. Năm sau có thêm các anh Nguyễn Phú Phong, Phạm Đán Bình, nay đều đã quá cố.

Phóng viên: Ban Việt học của Đại học Paris 7 đã hoạt động như thế nào? Nội dung giảng dạy bao gồm những gì?

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: Lúc đầu, những người tạo lập ban Việt học là chỉ để dạy tiếng Việt cho người Pháp, theo nhu cầu lúc đó. Anh Tạ Trọng Hiệp muốn nới rộng, kèm theo việc giảng dạy về văn hóa: đó là công lao của anh ấy. Lúc đấy chưa có cơ sở, phải ké vào ban Trung Quốc, tại trung tâm Censier, quận 5 Paris, về sau dọn về trung tâm Jussieu, cũng vùng quận 5, được một phòng khoảng trên 50 m2 vừa làm phòng dạy học, thư viện và văn phòng. Nay đã dọn về quận 13, gần Thư viện Quốc gia. Nội dung chính vẫn là việc dạy tiếng Việt, sau 3 năm thì có bằng cử nhân khoa tiếng Việt, sau đó là thạc sĩ hay cao hơn.

Có những chứng chỉ chuyên về văn chương, sử học, lúc đầu do những giảng viên được mời ngoài biên chế, về sau có những phụ giảng (assistant) và Phó giáo sư (Maitre de conférence).

Từ 1978, Đại học Paris 7 ký hiệp ước hợp tác với Đại học Tổng hợp Hà Nội. Phái đoàn đại biểu đầu tiên do ông Hiệu trưởng Phan Hữu Dật điều khiển, gồm có các giáo sư Hà Văn Tấn, và Nguyễn Văn Tu. Dần dần, việc trao đổi dồi dào và mật thiết hơn. Hà Nội gửi người sang giảng dạy, như giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Thiện Giáp, Trần Trí Dõi… nhưng sinh viên Pháp kiến thức giới hạn về tiếng Việt nên việc giảng dạy chủ yếu là tiếng Việt.  Công tác này, về lâu dài, cũng có hiệu lực tốt, ví dụ dạy tiếng Việt cho những người sau này sẽ là chuyên gia về Việt Nam, như sử gia Daniel Hemery, Emmanuel Poisson, hay chuyên gia tiền cổ như Thierry.

Về mặt học thuật, ban Việt học không đóng góp được bao nhiêu, nhưng nó là khung cửa mở cho Đại học Việt Nam lần đầu tiên mở cửa hợp tác với một Đại học phương Tây, ngoài khối xã hội chủ nghĩa.

Về phía Pháp cũng là một bước tiến: thiết lập quan hệ văn hóa với một chính thể Việt Nam mới: độc lập, hòa bình và thống nhất. Có thể Pháp, qua Đại học Paris 7, là quốc gia Tây phương đầu tiên thiết lập quan hệ này với nước Việt Nam trong thể chế xã hội chủ nghĩa, thoát ly hẳn với quan hệ thuộc địa trước đó.

Phóng viên: Với tư cách là người trong cuộc, là nhân chứng, ông nhận xét như thế nào về quá trình giao lưu, tương tác văn hóa Việt-Pháp trong khoảng thời gian từ khi Việt Nam thực hiện Đổi mới đến nay, hơn 25 năm?

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: Quá trình giao lưu văn hóa Việt-Pháp đã có từ một thế kỷ trước. Cuộc Đổi mới 1986 không thay đổi bao nhiêu. Con người thay đổi dự án dễ hơn là thay đổi kỷ niệm. Nhưng nhất định là phải có, đầu tiên là về kinh tế: hàng hóa trao đổi trên thị trường nhiều hơn, thì tự dưng tâm lý con người cũng cởi mở hơn. Về mặt văn học, đã có thêm nhiều tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng Pháp, do tư nhân chọn dịch với những nhà xuất bản tự do. Người đọc cũng tự do. Trước đây thì văn thơ được dịch, phần nhiều là do nhà xuất bản Ngoại văn Hà Nội tuyển chọn, chủ yếu là với mục đích tuyên truyền, tác dụng cũng khác đi. Cuốn sách mới được dịch, và ăn khách, là Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, bán chạy, vẫn chưa được xuất bản chính thức trong nước.

Phóng viên: Trong cuộc giao lưu văn hóa đó, theo ông thì bên nào chủ động hơn? Và bên nào được lợi nhiều hơn?

So sánh hơn, thua cho rốt ráo thì khó. Nước Pháp mạnh hơn về mọi mặt, lại nhiều kinh nghiệm ngoại giao, thì dù chủ động ít thì lợi có thể vẫn nhiều, có chỗ ta thấy, có chỗ ta chưa thấy. Phía Việt Nam, dù ý chí chủ động có mạnh hơn, thì kết quả chưa chắc đã nhiều hơn. Nhưng phần ít của một nước yếu có khi lại có tầm quan trọng. Một cuốn sách tiếng Pháp dịch ra tiếng Việt có thể có tác dụng hơn 10 cuốn sách tiếng Việt dịch ra tiếng Pháp. Về mặt kinh tế, một chai nước mắm Việt Nam và một chai rượu vang Pháp, khi xuất khẩu, chưa chắc cái nào sẽ hơn cái nào về tác dụng.

Nhưng nếu chỉ nhìn mặt văn hóa thôi, thì thấy Pháp chủ động hơn: họ có chính sách, và ngân sách phổ biến văn hóa ra nước ngoài, có chính sách ủng hộ hay tài trợ việc dịch sách Pháp, mà không can thiệp vào nội dung tác phẩm.

Phóng viên: Đã hơn 150 năm nếu tính từ khi đội quân viễn chinh Pháp vào Tourane/Đà Nẵng, thậm chí là trước đó hàng trăm năm các nhà truyền giáo người Pháp thâm nhập vào nước ta dưới thời Lê. Theo ông thì chúng ta nên xác định khoảng thời gian nào làm mốc xác định cho mối quan hệ văn hóa này?

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: Ngoài việc truyền giáo từ thế kỷ 17, phải kể thêm việc các pháo thuyền Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn, và người Pháp giúp xây dựng thành trì theo kiểu Vauban khắp nước. Nhưng muốn xác định cái mốc cho quan hệ Việt-Pháp thì tôi chọn 1885, khi hòa ước Patenotre áp đặt chế độ thuộc địa trên toàn cõi Việt Nam, với chặng đầu quan trọng là chính sách khai hóa của toàn quyền Paul Doumer, 1887-1902. Họ bắt đầu xây dựng đường sá, đê điều, dĩ nhiên là để khai thác thuộc địa, theo quyền lợi của họ. Sau đó là việc bãi bỏ các kỳ thi chữ Hán từ 1919, phổ biến chữ quốc ngữ qua các trường học, với nhiều thiện chí, và dĩ nhiên kèm theo hậu ý. Họ cũng có công khôi phục văn hóa, văn chương, mục đích là chứng tỏ có một nền văn hóa Việt Nam độc lập với Trung Quốc, trong ý chí tách rời Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng chính trị Trung Quốc, dĩ nhiên là có lợi chính sách thuộc địa của họ, nhưng cũng có phần lợi ích cho Việt Nam, trên đường Âu hóa mà vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc. Dĩ nhiên là nếu dân tộc ta thực hiện được hai mục tiêu đó trong tư cách một quốc gia độc lập, thì vẫn hơn là làm dân thuộc địa. Nhưng mất chủ quyền là một việc đã rồi, dự án giải phóng dân tộc cũng tùy thuộc vào những tiến bộ xã hội: có lẽ đó là hoài bão của một thế hệ nho sĩ, như phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, vừa chống thuộc địa Pháp vừa hô hào Âu hóa, duy tân. Dù sao thực dân Pháp, trong tư cách thực dân, cũng không áp dụng chính sách hủy diệt văn hóa địa phương như Trung Quốc đã làm thời Minh thuộc, thế kỷ XV. Cũng nên nhìn lại những tiến bộ đời Pháp thuộc, nhận rõ chính sách của thực dân đế quốc, nhưng cũng nên thấy họ không chỉ bóc lột mà thôi. Trong thời gian dài tranh đấu giành chủ quyền, chúng ta đã có cái nhìn định hướng, mà ngày nay cần xét lại, công bình và cởi mở hơn.

Phóng viên: Trước đây mối quan hệ chủ yếu theo chiều tiếp nhận thuộc về phía chúng ta. Thế nhưng, khoảng dăm thập kỷ nay, chúng ta đã dần giữ thế chủ động hơn trong giao lưu văn hóa. Ông có thể cho bạn đọc NHNA biết những biểu hiện của sự ảnh hưởng của văn hoá Pháp đối với văn hóa Việt nam được không? Sự ảnh hưởng đó thể hiện sâu sắc và rõ ràng nhất ở những lĩnh vực nào nhất?

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: “Chúng ta chủ động hơn” nghĩa là chủ động hơn trước, hơn thời còn là thuộc địa, chớ không phải chủ động hơn người Pháp. Họ giàu mạnh hơn thì cũng chủ động hơn, chưa kể về văn hóa họ đã có truyền thống và cơ sở lâu đời khắp thế giới.

Ảnh hưởng văn hóa là một chủ đề rộng lớn và phức tạp. Lấy ví dụ con đường sắt xuyên Việt, người Pháp xây dựng, dĩ nhiên là với sự đóng góp của người Việt về công cũng như của, khởi công từ đầu thế kỷ đến 1936 mới xong. Đây là một công trình cụ thể, lớn lao, mang lại những lợi ích kinh tế có thể đo được, đếm được. Nhưng ảnh hưởng văn hóa, trong đó có chính trị thì cần nghiên cứu sâu. Ví dụ, nó đã đóng góp sâu xa và nhu cầu thống nhất dân tộc và lãnh thổ. Mà toàn quyền Doumer cũng ý thức điều đó: là quan thực dân ông ấy đặt quyền lợi nước Pháp lên trên, nhưng không phải là không biết đến quyền lợi thuộc địa Việt Nam. Xa hơn nữa, bàng bạc hơn nữa, muốn thấy ảnh hưởng của đường xe lửa xuyên việt đến cả những làng mạc xa xôi, thì nên đọc lại truyện ngắn Thanh Tịnh trong Quê Mẹ. Hay đọc thơ Tế Hanh, Nguyễn Bính.

Đấy là chỉ lấy ví dụ con đường sắt, chứ về văn chương chữ nghĩa thì đã có nhiều người nói. Riêng về chữ quốc ngữ, nghĩa là chữ viết theo mẫu tự La tinh, tuy đã có từ điển từ 1651, mãi đến thời kỳ Pháp thuộc nó mới phát triển, thoạt đầu ở Nam Kỳ, sau ra toàn quốc, theo chính sách thuộc địa. Đã có người nói, và viết: “chữ quốc ngữ là công cụ của thực dân Pháp”, nhưng cũng có người nói ngược lại: “chúng ta chống Pháp phần nào cũng bằng chữ quốc ngữ”. Phong trào chống Pháp, phần nào, bắt đầu từ những hội truyền bá quốc ngữ.

Về văn học, nền văn học mới là văn thơ quốc ngữ. Các cụ bắt đầu viết truyện, làm thơ theo lối Âu Tây, qua văn học Pháp. Phạm Duy Tốn viết truyện Vỡ Đê, 1917, theo một truyện của Alphonse Daudet. Nhà văn Tô Hoài vừa qua đời để lại một sự nghiệp đồ sộ non 200 đầu sách, nhưng trước tác được quần chúng nhắc nhở nhiều nhất là Dế mèn phiêu lưu ký, 1943, tên sách mượn ở truyện Tê lê Mạc phiêu lưu ký, 1887, dịch Fénélon, một tác gia Pháp. Nguyên ủy, truyện Tô Hoài tên là Con Dế Mèn, thêm vào mấy chữ “phiêu lưu ký” thì… sách bán chạy hơn. Chuyện văn hóa, nới rộng ra, là như thế!

Đi sâu vào hơn nữa, những phong cảnh cũ thay đổi, từ ngoại vật đến tâm hồn người Việt. Trong một cuộc diễn thuyết tại Quy Nhơn, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã nhận xét những biến đổi dần dà trong tâm cảnh chúng ta: “các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt… các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng gà đúng ngọ (…) Ái tình của các cụ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi… cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu…”. Tấm ái tình mà cũng đổi thay sao?

Hoài Thanh đã ghi nhận chính xác về những thay đổi vật chất “đến những hang cùng ngõ hẻm… nào dầu tây, diêm tây, chỉ tây, kim tây, đinh tây, … một cái đinh tây cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương tây về nhân sinh, về vũ trụ…”. Ý tưởng ý nhị, thâm trầm này Hoài Thanh viết vào 1941. Theo tiểu sử chính thức, thì ông ấy đã “theo học trường Pháp Việt đến bậc trung học”. Vậy ta có thể xem Hoài Thanh như là kết quả của nền giáo dục thuộc địa mà nhiều người gọi là “chính sách ngu dân”?

Sau này, dưới ánh sáng cách mạng, ổng sẽ viết cái gì, viết ra sao, hay hơn bao nhiêu, vì ít đọc nên tôi không biết.

Phóng viên: Và điều chúng tôi quan tâm nhiều hơn, rằng có sự ảnh hưởng của văn hóa Việt đối với văn hóa Pháp không? Nếu có, chúng ta có thể nhận biết các biểu hiện của sự ảnh hưởng đó ở những lĩnh vực nào?

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: Nếu hỏi về các thành tựu của người Việt, sức phổ biến của sản phẩm Việt thì còn dễ trả lời. Nhưng nói đến ảnh hưởng của Việt nam trên văn hóa Pháp thì khó lắm.

Tôi nghĩ ngay đến việc trồng lúa nước, gọi thế cho phân biệt với lúa mì, dùng làm bánh mì. Từ thế kỷ XVI, miền Nam nước Pháp, đã biết lúa nước, du nhập từ Ý, nhưng không mấy phát triển, có lẽ vì năng suất thấp. Năm 1939, chính quyền thuộc địa đã trưng dụng nhiều thanh niên Việt, gọi là Lính thợ không chuyên ( ONS: Ouvrier Non Spécialisé), sang Pháp lao động trong Đệ nhị thế chiến. Xong chiến tranh, họ giải ngũ, nhiều người ở lại, làm công cho các nông trại và truyền đạt kỹ thuật trồng lúa nước tại miền Camargue, gia tăng năng xuất, phẩm chất. Thị trường có mặt hàng “gạo Camargue” là công của những người lính thợ Việt nam.

Sau đó là những món ăn, những tiệm ăn phát triển mạnh từ khoảng 1955, khi người Pháp phải triệt thoái khỏi Việt Nam, “hồi quốc”, mang theo nhiều người Việt có quan hệ gia đình hay với chế độ thuộc địa. Trước đó thì chỉ lèo tèo đôi ba hiệu thực phẩm nhỏ ở Paris, Marseille. Về sau là làn sóng di tản ào ạt 1975, rồi 1979-80 với người vượt biển gồm có người Việt, gốc Việt hay gốc Hoa. Hiệu ăn, hiệu thực phẩm phát triển để phục vụ quần chúng Á Đông nhưng nhiều người Pháp hưởng ứng. Việc giao lưu văn hóa bắt đầu từ đôi đũa. Món ăn Việt được yêu chuộng nhất là chả giò, người Pháp gọi là nem. Sau đó là phở. Tuy phải đương đầu với sự cạnh tranh của tiệm Tàu, bề thế hơn, nhưng món ăn Việt vẫn có khách vì nhẹ nhàng hơn, ít mỡ, nhiều rau. Nhưng cạnh tranh cũng khó khăn vì người Việt non vốn, ít có óc thương mãi, không bền chí. Người Việt làm nhà hàng đôi khi vì sa cơ, tìm sinh kế nhất thời, chớ không có truyền thống như “bếp Tầu”. Những thành tựu cụ thể như vậy, dù tầm thường, có khi có ảnh hưởng rõ nét hơn là chuyện văn chương nghệ thuật, mà ta cũng phải nêu lên thôi.

Về văn truyện, giữa thế kỷ XX người Pháp thường nhắc đến Phạm Duy Khiêm, tác giả Légendes des Terres Sereines (Truyền Kỳ từ vùng tĩnh lặng); Nam và Sylvie, ông ấy là thạc sĩ đầu tiên người Việt, anh ruột nhạc sĩ Phạm Duy. Cũng có đôi tác giả khác như Nguyễn Hữu Châu. Về sau, nổi tiếng là cuốn Perdre la demeure (Mất nơi trú ẩn), của Phạm Văn Ký, được giải Tiểu thuyết Hàn Lâm Viện Pháp, 1961. Nội dung là sự xung đột giữa hai nền văn minh Âu Á, lấy công trình xây dựng con đường sắt tại Nhật Bản thế kỷ XIX làm bối cảnh. Ông ấy viết bằng tiếng Pháp hàng chục tiểu thuyết, kịch bản, văn bản truyền thanh, về sau có tập thơ Đường về nước tiếng Việt, in tại Việt Nam. Phạm Văn Ký là anh ruột nhà văn Phạm Hổ, nhạc sĩ Phạm thế Mỹ, sang Pháp và lập nghiệp từ 1936, nay đã qua đời mà không có người thừa kế.

Hiện nay Linda Lê là một nhà văn nữ nổi tiếng, bố Việt, mẹ Pháp, sinh trưởng tại Việt Nam, “hồi hương” từ khoảng 1977. Truyện hiện đại, tân kỳ, sâu sắc, đi sâu vào thời sự văn học Pháp, được giới phê bình đánh giá cao. Bà còn là nhà biên khảo sắc sảo và uyên bác, tác phẩm gồm có truyện Les Trois Parques (Tam Nương), Voix (Giọng nói), Lettres Mortes (Thư chết)… và nhiều tác phẩm khác, được dư luận đề cao. Nội dung tác phẩm ít có quan hệ với Việt Nam nên cũng khó nói là ảnh hưởng Việt Nam.

Nhưng hình bóng Việt Nam rõ nét nhất trong văn học Pháp phải nói là truyện dịch. Trong thời gian dài thời Pháp thuộc không mấy ai quan tâm dịch tác phẩm đương đại, trong khi người Pháp có kẻ dịch truyện Kiều hay thơ Hồ Xuân Hương. Thậm chí truyện Kiều còn được Crayssac dịch toàn bộ sang thơ cổ điển tiếng Pháp. Như trên đã nói, thời chiến tranh, Hà Nội chủ động dịch những tác phẩm có tính cách tuyên truyền hay tố cáo xã hội, kiểu Bước đường cùng của Nguyễn công Hoan, hay Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, và rất nhiều tác phẩm phản ánh công cuộc đấu tranh giải phóng. Công tác này có tác dụng: dư luận Pháp thời đó ủng hộ Hà Nội mạnh mẽ. Mãi đến 1998, khai mạc cho giải vô địch bóng đá thế giới tại Pháp, thành phố Paris cho diễn hành 5 bức tượng, một bức mệnh danh Hồ. Mọi người đều nhận ra ẩn ý. Sau 1975, nhất là sau thời kỳ Đổi Mới, người Pháp quan tâm đến hiện tình Việt Nam, tìm những thay đổi tích cực mà họ ngóng đợi, những nét mới, nét tiến bộ, nên chủ động tìm dịch những tác phẩm có tính cách tố cáo, phản kháng kiểu Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, hay nhiều tác phẩm Dương Thu Hương. Phần trên, tôi đã có nhắc tiểu thuyết Truyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn dịch hay và bán chạy. Có thể nói tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, nhiều nhất là tiếng Pháp, vì những quan hệ lâu dài và có phần đặc biệt giữa hai nước. Tổng thống Pháp Mitterand là nguyên thủ đầu tiên của phương Tây công du đến Việt Nam, lên thăm di tích Điện Biên Phủ, ắt không phải là tình cờ.

Phóng viên: Chúng tôi được biết Việt Nam học ở Pháp đã có quá trình tồn tại tự lâu và phát triển khá mạnh, có thể là mạnh nhất châu Âu. Xin ông cho biết những thành tựu quan trọng nhất của Việt Nam học ở Pháp? Ông có thể chỉ dẫn những công trình quan trọng nhất, xuất sắc nhất và những tác giả nổi tiếng nhất?

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: “Việt Nam học” là một từ ngữ mới; ngay ở Pháp, khái niệm này, “vietnamologie, vietnamologue”, cũng là từ mới, ít thông dụng. Nó chỉ một ngành nghiên cứu chuyên sâu, về một đề tài giới hạn, do những chuyên gia dành nhiều thì giờ đảm trách. Nó chỉ được sử dụng giữa giới chuyên môn với nhau, chứ không tràn lan như ở Việt Nam: nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân, nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân… chắc báo Văn hóa Nghệ An cũng có nhiều nhà “Nghệ học” hợp tác.

Theo tôi chỉ nên dùng từ ngữ “nghiên cứu Việt Nam” gồm có sử học, kinh tế học, xã hội học, dân tộc học, văn học, ngữ học. Ví dụ thời sự, đang hiện ra tại Việt Nam, là giới học thuật đang hoan nghênh nhiệt liệt bản Việt dịch Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến 1858 của Lê Thành Khôi, nguyên bản tiếng Pháp, in tại Pháp từ 1955, được tác giả cập nhật 1971 và tái bản 1981, nổi tiếng từ lâu mà nay mới được dịch để phổ biến. Trong thời gian đó, trong nước đã có nhiều cuốn lịch sử mà ít được tin cậy, là vì sao? Cũng nên nói thêm: Anh Khôi là người khuynh tả, có khuynh hướng mác-xít, thân chính quyền Hà Nội một thời, mà sách mãi đến nay mới được dịch và phổ biến; anh từng thổ lộ: có lần gửi tác phẩm về tặng thủ tướng Phạm văn Đồng mà sách… không đến tay (!!!).

Tuy nhiên, Lê Thành Khôi không phải là “nhà Việt Nam học” vì sự nghiệp nghiên cứu của anh bao gồm cả Đông Nam Á, đến tận Trung Đông, châu Phi, sang cả địa hạt mỹ học thế giới. Anh lại có công dịch văn thơ cổ điển và hiện đại Việt Nam cho người ngoại quốc thưởng lãm. Anh là nhà sưu tầm đồ cổ, có nhã ý tặng toàn bộ sưu tập của mình cho đất nước. Mà việc không thành.

Một ví dụ thời sự khác: cuốn “Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ 17-18” của Nguyễn Thanh Nhã, mới được nhà xuất bản Tri Thức dịch và ấn hành. Đây là luận án tiến sĩ về kinh tế, tác giả chủ yếu minh chứng tiến trình phát triển nền kinh tế đô thị thời kỳ này, nhưng anh Nhã là người sính và sành văn học nên đã chứng minh thêm: việc phát triển các đô thị đã đổi mới xã hội Việt Nam giúp cho nên văn thơ chữ Nôm phát triển mạnh. Đây là một vấn đề văn học lớn, trong nước các nhà nghiên cứu như Trần Đình Hựu đã quan tâm, nhưng không có tư liệu cụ thể để minh chứng (Ngoài đề: nguyên tác tên là Tableau économique du Vietnam au XVII et XVIII siècles, chữ tableau nên dịch đơn giản là “bảng”, chua thêm bảng lược đồ, bảng tổng quan gì đó, hay “phác họa nền kinh tế Việt Nam…” thì chính xác hơn “bức tranh”).

Vẫn trong thời sự nghiên cứu: hiện nay có một số sách biên khảo về xã hội học của Trịnh Văn Thảo, một học giả uyên bác, có chức danh cao tại đại học Provence, đã có giao lưu với các đại học Việt Nam trong nhiều năm, đã từng giúp đỡ nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập hay tu nghiệp tại miền Nam nước Pháp. Nhưng đến gần đây mới thấy có sách xuất bản trong nước như Nhà trường Pháp ở Đông Dương (2009) là đề tài của bài phỏng vấn này, hay Xã hội nho giáo Việt Nam dưới nhãn quan của xã hội học lịch sử, nghe nói đã in mà còn đợi phép phát hành (?). Năm ngoái, 2013, đã xuất bản Ba thế hệ trí thức Việt Nam. Tác giả Trịnh Văn Thảo là nhà xã hội học, không phải là “Việt Nam học”.

Đây là chỉ nói đến thời sự, còn việc giao lưu đã có từ non trăm năm nay thì nói không bao giờ dứt.

Trong quá khứ, đóng góp lớn lao nhất đến tự một danh nhân xứ Nghệ của các anh, là học giả Hoàng Xuân Hãn, xuất thân là nhà toán học cao cấp, học tập và tốt nghiệp tại Pháp, về nước phục vụ tổ quốc, năm 1945 đã làm Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam. Sau đó, phải sang sinh sống tại Paris nhưng luôn luôn đóng góp cho đất nước, cho cả hai miền Nam Bắc trong thời kỳ chiến tranh. Cống hiến đầu tiên là Chương trình trung học toàn Việt, rồi đến từ điển danh từ khoa học, những bộ sử La Sơn phu tử, Lý Thường Kiệt, nhiều phát hiện về văn học như văn bản Chinh phụ ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, truyện Kiều, Bích Câu kỳ ngộ, những công trình về thiên văn như biên khảo về Lịch và lịch Việt Nam… và nhiều công trình dang dở.

Đóng góp lớn nhất của ông là phương pháp khoa học, truy tầm chân lý bằng mọi cách, đến gốc đến rễ, bên ngoài những dư luận sẵn có, từ thành kiến, định kiến, quan điểm chính trị. Là người yêu nước, ông tận dụng khoa học để phục vụ đất nước mà vẫn không đặt tình cảm của mình lên trên chân lý.

Chúng tôi xin dừng lại ở trường hợp Hoàng Xuân Hãn vì nó là một biểu tượng cao, trên địa hạt khoa học lẫn nhân văn, về mặt trí thức và đạo đức.

Những đóng góp của giới học thuật tại nước Pháp, từ người Việt hay Pháp, còn nhiều lắm, kể không hết trong một bài báo, có dịp thì ta trở lại. Các công trình nghiên cứu này, dồi dào về số lượng, nhưng đặc biệt quan trọng về phẩm chất: nó biểu dương một thái độ của con người trước chân lý, một cung cách lao động nghiêm chỉnh, đặt căn bản trên một đòi hỏi nhất quán, là đức liêm khiết.

Chúng ta nên chọn dừng lời lại ở hai chữ: liêm khiết.

Phóng viên: Trân trọng ông về cuộc trao đổi này. Hy vọng chúng ta sẽ còn gặp nhau ở những diễn đàn khác.

Orléans, 2-9- 2014

Phan Thắng thực hiện

Nguồn: http: //www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/khach-moi-cua-tap-chi45/mot-tram-ba-muoi-nam-bang-giao-van-hoa-viet-phap

This entry was posted in Thư Giãn Cuối Tuần. Bookmark the permalink.