Anh Văn
Việc bắt “Trịnh Xuân Thanh” ngay giữa lòng nước Đức cũng vẽ nên một bức tranh chính trị với hai màu tối sáng. Tối cho ông Nguyễn Xuân Phúc và sáng cho ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhà nước Việt Nam đã làm có vẻ rất nhuần nhuyễn, từ việc di lý Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam đến việc bọc cuộc chiến pháp lý với Đức lại bằng sự tự thú của ông Thanh trên đài truyền hình quốc gia.
Nhiều sự chỉ trích liên quan đến hành vi này, và sự phản ứng từ giới chính quyền Đức khi “không hoan nghênh” đối với một Tùy viên chính trị (thuộc ĐSQ Việt Nam tại Đức) có thể là một vết nứt tuy nhỏ – nhưng có hệ quả lâu dài trong mối quan hệ hai nước.
Cần nhớ, Việt Nam sở dĩ hiện diện được tại Hội nghị G20, và tiếp xúc với bà Thủ tướng thép Angela Merkel là vì tháng 11 tới đây sẽ là chủ nhà APEC. Cuộc tiếp xúc tuy ngắn ngủi nhưng được truyền thông Việt Nam đánh giá cao, bởi đó là cuộc tiếp xúc mở đường cho Hiệp ước thương mại tự do EU-Việt Nam.
Sẽ thật khó hình dung Việt Nam sẽ lúng túng như thế nào khi Hiệp ước thương mại đó bị đình trệ lại, trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang hướng tới trạng thái trống rỗng, và nguồn thu dầu khí (chiếm 1/3 ngân sách) lại đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến chủ quyền Biển Đông. Đi xa hơn, sự đình trệ đó cũng sẽ gây hại rất nhiều trong nhu cầu giảm bớt sự phụ thuộc trong thương mại song phương với Trung Quốc – từng một thời điểm nhập siêu lên đến 37,6 tỷ USD (2015).
Nhưng có vẻ Việt Nam sẽ đối diện với cơn ác mộng đó qua sự vụ “bắt cóc người” tại Berlin! Sự tham gia bắt người của Đại sứ quán Việt Nam và cơ quan tình báo Việt Nam trên lãnh thổ Đức là nghiêm trọng, đi ngược lại với luật pháp nước sở tại.
Trang tin Atimes ngay sau đó đã phải đặt câu hỏi rằng, bước đi của Hà Nội là sự kiêu ngạo, ngu dốt hay là một quyết định có tính toán.
Và để trả lời cho câu hỏi đó, thì có thể nhận thấy qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức khi cho biết, trường hợp vừa qua là “chưa từng thấy và gây sốc” – nghĩa là nó hiếm hoi diễn ra tại khu vực châu Âu. Và 9 tỷ USD thương mại giữa hai nước Việt – Đức sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Con số 1,7 tỷ USD giao dịch mới trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Angela Merkel và ông Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Một thỏa thuận thương mại tự do mang tên EVFTA cũng sẽ bị hiệu ứng domino gây ảnh hưởng,
Và tất cả những yếu tố thương mại nêu trên là con đường cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam sau sự sụp đổ của TPP. Được kỳ vọng như một lời giải cho bài toán phát triển kinh tế và xốc lại sự tăng trưởng.
Nhưng lời giải đó giờ đây lại bị vướng bởi Trịnh Xuân Thanh.
Biến cố Trịnh Xuân Thanh, cùng với hàng loạt nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giữ sẽ là một chỉ dấu đáng xấu hổ của nhà nước, và nó sẽ là một trong những yếu tố giúp cho các nhà vận động nhân quyền gây sức ép lên Nghị Viện Âu châu trì hoãn phê chuẩn EVFTA.
Đó hẳn là một sự kiêu ngạo!
Việc bắt “Trịnh Xuân Thanh” ngay giữa lòng nước Đức cũng vẽ nên một bức tranh chính trị với hai màu tối sáng. Tối cho ông Nguyễn Xuân Phúc và sáng cho ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thực tế cho thấy, địa vị chính trị của ông Trọng đã gia tăng lên rất mạnh kể từ sau khi đưa Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam dưới mác “đầu thú”. Có vẻ, cuộc chiến chống tham nhũng đã đạt được một số thành quả nhất định trước thềm HN T.W 6. Tuy nhiên, phần tối lại được hưởng bởi ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – khi gánh nặng thương mại bị tác động bởi nhân quyền hay Trịnh Xuân Thanh giờ đây càng ngày càng gây sức ép, khi năm 2017 chỉ còn 6 tháng nữa là khép lại, và mục tiêu tăng trưởng ở mức 6.7% bị đánh giá là “khó”.
Dù nội bộ ĐCSVN nhấn mạnh yếu tố đồng thuận và đoàn kết, nhưng trong nội bộ vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về một mục tiêu chung, trong đó phát triển kinh tế hay đẩy mạnh chính trị đảng! Và chuyện Trịnh Xuân Thanh vô tình lột trần sự bất hòa đó về mặt đường lối.
Cũng theo dòng sự kiện, trang tin thoibao.de cho biết, hôm thứ Sáu vừa qua, ông Sigmar Gabriel, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, đã lên tiếng. Theo ông, “Không những chỉ trục xuất những người có trách nhiệm, chúng tôi đang thảo luận về các biện pháp khác nữa”.
“Phương cách bắt đưa người ra khỏi xứ như người ta thấy trong các bộ phim về thời chiến tranh lạnh là một việc chúng tôi không thể dung thứ và sẽ không dung thứ”.
Ấy là tưởng “khôn” nhưng thực chất ra là “rất dại”. Câu chuyện Quýt (Trọng) làm, Cam (Phúc) chịu là một chuyện có thật!
A.V.
VNTB gửi BVN