Người Việt
Khu trục hạm USS Stethem trên biển Thái Bình Dương ngày 22 Tháng Ba. (Hình minh họa: US Navy)
HOÀNG SA, Việt Nam – Khu trục hạm USS Stethem vừa hoàn tất một cuộc tuần tra bên trong vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa hôm 2 Tháng Bảy, theo Bộ Quốc phòng Mỹ cho trang web USNI News biết.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974.
Khu trục hạm USS Stethem (DDG-63) đi vào vùng biển đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa hôm Chủ Nhật để trắc nghiệm tuyên bố chủ quyền không những của Trung Quốc mà của cả Việt Nam và Đài Loan, giới chức quốc phòng Mỹ xác nhận với USNI News.
Kể từ khi chính quyền Donald Trump bắt đầu thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, các giới chức Ngũ Giác Đài thường xuyên nói rằng họ không xác nhận các báo cáo của công tác tự do hải hành, ngoại trừ bản báo cáo hàng năm về công việc này.
“Các lực lượng Hoa Kỳ hoạt động hàng ngày trong vùng biển Đông Nam Á, Châu Á, và Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông. Các cuộc hành quân này được thực hiện phù hợp với luật quốc tế và cho thấy rằng, Hoa Kỳ tiếp bay, di chuyển, và hành quân, bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép. Và điều này đúng trong trường hợp ở Biển Đông, cũng như các nơi khác trên thế giới”, Trung tá Matt Knight, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết, qua một thông cáo gởi cho USNI News hôm Chủ Nhật.
Theo luật pháp quốc tế, phạm vi 12 hải lý quanh các hòn đảo là vùng biển bất khả xâm phạm vì thuộc chủ quyền của quốc gia sở hữu những đảo đó.
Quy định này chỉ áp dụng với các đảo tự nhiên.
Biển Đông có hai quần đảo chính, Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước nay, tranh chấp chủ quyền các đảo tại Biển Đông chỉ xoay quanh quần đảo Trường Sa – nơi quân đội Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia đang chia nhau kiểm soát các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo (vốn là các bãi đá mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo).
Quần đảo Hoàng Sa ít được đề cập vì nằm hoàn toàn trong tay Trung Quốc từ đầu năm 1974. Không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia, chuyên gia xem chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa như điều đương nhiên không cần tranh biện hay phải bận tâm.
Trước những hành động càn rỡ của Trung Quốc tại Biển Đông bao gồm đơn phương xác lập chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông, tạo lập các đảo nhân tạo, thiết lập một chuỗi các căn cứ quân sự, ban hành lệnh cấm đánh cá, cản trở khai thác tài nguyên, thỉnh thoảng đòi tàu bè, phi cơ phải thông báo hành trình khi băng ngang vùng biển, vùng trời vốn là hải phận, không phận quốc tế…
Kể từ năm 2015, Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra cả trên biển lẫn trên không để bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Đông. Trong hai năm vừa qua, thỉnh thoảng chiến hạm của Hoa Kỳ lại xâm nhập vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát tại Biển Đông. Những đợt tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ được xem là sự phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.
Lúc đầu, chuyện xâm nhập chỉ diễn ra ở đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng tại quần đảo Trường Sa, như ngày 27 Tháng Mười, 2015, khu trục hạm USS Lassen của Hoa Kỳ tiến vào tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi Subi ở quần đảo Trường Sa.
Nhưng sau các tuyên bố, chỉ trích và hăm dọa của Trung Quốc, Hoa Kỳ điều động chiến hạm xâm nhập cả đảo tự nhiên ở quần đảo Hoàng Sa vào ngày 30 Tháng Giêng, 2016.
Lúc đó, lần đầu tiên Hoa Kỳ đưa một khu trục hạm, USS Curtis Wilbur, tiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa để tuần tra.
Nói cách khác, Hoa Kỳ không chỉ phủ nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại quần đảo Trường Sa mà còn phủ nhận cả sự chiếm đóng của Trung Quốc 43 năm trước.
Sau cuộc xâm nhập của khu trục hạm USS William P. Lawrence vào bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa hôm 10 Tháng Năm, 2016, hải quân Hoa Kỳ không thực hiện thêm cuộc xâm nhập nào nữa cho tới ngày 24 Tháng Năm năm nay, khu trục hạm USS Dewey thực hiện cuộc xâm nhập vào bên trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.
Khác với những cuộc tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo, cả nhân tạo lẫn tự nhiên, mà Trung Quốc đòi xác lập chủ quyền tại Biển Đông, cuộc tuần tra của USS Dewey không chỉ thuần túy là “băng ngang” mà còn “thực hành một số cuộc tập trận” – hành động mà các chiến hạm chỉ có thể thực hiện tại các vùng biển quốc tế.
Bây giờ tới lượt khu trục hạm USS Stethem xâm nhập khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Fox News còn dẫn lời một viên chức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, khẳng định, các cuộc xâm nhập là sự phủ nhận yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.
Việc Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, kiểm soát quần đảo này suốt 43 năm qua hoàn toàn không thuộc loại “chuyện đã rồi”.
Trong chuỗi sự kiện vừa kể, còn có hai điểm đáng lưu ý khác: (1) USS Dewey thuộc Hải Đội Sterett – Dewey SAG (Surface Action Group). Hải đội này hiện là nỗ lực chính trong kế hoạch tuần tra thường xuyên để duy trì an ninh hàng hải và thực hiện các kế hoạch nhằm bảo vệ sự ổn định ở khu vực Tây Thái Bình Dương của Hải Quân Hoa Kỳ. Hai tuần sau khi USS Dewey thực hiện cuộc xâm nhập ở bãi đá Vành Khăn, khu trục hạm USS Sterett được điều động tới Trạm Giang – một hải cảng ở tỉnh Quảng Đông, thăm hữu nghị và giao lưu với Hải Quân Trung Quốc. (2) USS Stethem – khu trục hạm vừa xâm nhập khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa – chính là khu trục hạm đến Thượng Hải hồi Tháng Mười Một, 2015 để thăm hữu nghị và giao lưu với Hải Quân Trung Quốc. Từ đó cho đến tháng rồi, không có chiến hạm nào của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc nữa.
Dường như Hoa Kỳ không chỉ trấn an các đồng minh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bằng lời mà còn muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng cho cả Trung Quốc thông qua việc sử dụng Hải Đội Sterett – Dewey SAG và khu trục hạm USS Stethem.
Nếu Trung Quốc tưởng rằng củng cố “quan hệ hữu nghị” với Hoa Kỳ rồi có thể khai thác quan hệ đó như đã từng khai thác “tình hữu nghị Việt – Trung” thì có thể họ đã lầm.
G.Đ.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/xam-nhap-quan-dao-hoang-sa/
Trung Quốc chỉ trích Hoa Kỳ cho tàu áp sát đảo Tri Tôn
RFA
Tàu USS Stethem đến cảng Wusong ở Thượng Hải hôm 16/11/2015. AFP photo
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 3 tháng 7 lên tiếng chỉ trích việc Hoa Kỳ đưa chiến hạm USS Stethem đi vào khu vực 12 hải lý, thuộc đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa ngoài biển Đông hôm 2/7, gọi đây là hành động phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết rằng Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản đối kịch liệt việc tàu chiến Mỹ đi vào vùng lãnh thổ của Trung Quốc và gọi hành động của Mỹ đã phá hoại nghiêm trọng môi trường chính trị liên quan đến việc phát triển quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Nhiệm Quốc Cường gọi hành động của Mỹ là sai luật và cảnh báo Trung Quốc sẽ tăng cường việc xây dựng một loạt các khả năng quốc phòng, gia tăng tuần tra trên biển và trên không để bảo vệ chắc chắn lãnh thổ và an ninh tùy theo mức độ đe dọa.
Tuy nhiên theo Nhà Trắng, trong cuộc nói chuyên điện thoại giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 3/7, cả hai bên đã không đề cập đến vấn đề này mà chỉ nói về những nỗ lực nhằm giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Trong cuộc nói chuyện, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cảnh báo rằng dù quan hệ hai nước đã đạt được những bước tiến nhất định từ cuộc gặp lãnh đạo hai nước hồi tháng 4 vừa qua nhưng vẫn có những nhân tố gây ảnh hưởng xấu. Ông Tập nói ông hy vọng Tổng thống Mỹ sẽ giải quyết phù hợp vấn đề Đài Loan, tuân thủ nguyên tắc một Trung Hoa.
Quan hệ Trung Quốc và Mỹ đã trở nên căng thẳng sau vụ tàu chiến Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý gần đảo Tri Tôn. Mặt khác, Mỹ cũng sốt ruột vì những phản ứng chậm chạp của Trung Quốc trong việc tìm kiếm cách ngăn cản Bắc Hàn chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Hồi tuần trước, Hoa Kỳ đã đồng ý bán cho Đài Loan vũ khí trị giá 1,4 tỷ đô la. Thỏa thuận này đã làm Trung Quốc tức giận.
Ngoài ra Hoa Kỳ mới đây cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình tự do của Hong Kong và đưa Trung Quốc vào danh sách các nước có tình trạng buôn người tồi tệ nhất thế giới.
Chính phủ Mỹ mới đây cũng đã áp dụng lệnh cấm làm ăn buôn bán với một ngân hàng Trung Quốc, một công ty vận chuyển của nước này cùng với hai công dân Trung Quốc khác vì cáo buộc rửa tiền cho Bắc Hàn.