Lạc vào một đất nước xa lạ. Nhìn xung quanh tôi nhận ra đây là không khí một ngày hội. Mọi người đang háo hức đi đến một nơi nào đó.
Không khỏi tò mò, tôi đã tìm đến một người đàn ông đứng tuổi và hỏi:
– Bác đang đi đâu vậy?
– Đi bầu cử Quốc hội anh ạ.
– Sao mọi người vui thế.
– À, có phải anh bạn là người VN không! Chúng tôi rất khâm phục các bạn. Hồi xưa, chúng tôi học tập các bạn để giải phóng dân tộc. Đáng tiếc Đảng lãnh đạo của cũng tôi không được anh minh sáng suốt như nước các bạn. Thế nên mới lãnh đạo được có mấy chục năm, hết cải cách này đến cải cách kia mà người dân chúng tôi vẫn khổ. Cuối cùng đất nước trở nên vô cùng tồi tệ. Tham nhũng lan tràn, ngân sách bị chi tiêu hoang phí, tài nguyên thì bị bán rẻ cho nước ngoài, đạo đức thì suy đồi.
– Rồi sao nữa hả bác?
– Cũng may có những nhà lão thành cách mạng kiên quyết muốn cải tổ toàn bộ. Họ yêu cầu phải phát huy sức mạnh trí tuệ của toàn dân tộc để điều hành đất nước.
– Làm sao để phát huy hả bác?
– Thì đi bầu cử đây chứ đi đâu.
– Thế trước đấy không có bầu cử hả bác.
– Có chứ cậu. Nhưng ngày xưa khác, chúng tôi có bầu cử, nhưng chỉ là hình thức thôi.
– Sao bác biết là hình thức hả bác?
– Để tôi hỏi cậu vài câu nhé.
– Vâng.
– Cậu có nhớ tên các vị đại biểu Quốc hội mà cậu đã bầu?
– Dạ không.
– Thế cậu có biết cụ thể việc các vị ấy đã làm với tư cách là đại diện cho cậu không?
– Dạ cũng không.
– Thế ít nhất cậu cũng phải nhớ họ đã hứa sẽ làm gì với tư cách là đại điện cho cậu nếu họ trúng cử chứ?
– Thú thật là cháu cũng không rõ nữa. Hình như họ có hứa gì đấy nhưng chung chung lắm.
– Thế à. Thế tôi hỏi cậu câu cuối nhé. Nếu một người được cậu bầu vào Quốc hội mà làm trái lại những gì cậu mong muốn, hoặc không giữ lời họ đã hứa khi tranh cử, thì lần sau cậu có bầu lại cho người đấy không?
– Tất nhiên là không bầu rồi bác.
– Cậu có biết là cậu đang nói dối không?
– Cháu trả lời thật mà bác.
– Thế này nhé. Cậu không nhớ cậu đã bầu cho ai, thì làm sao cậu biết ai mà không bầu cho người ấy. Cậu không biết họ đã làm gì thì làm sao cậu biết họ đã làm trái ý cậu. Họ không hứa gì cụ thể thì làm sao họ thất hứa được.
– Vâng, đúng quá.
– Đấy, hồi trước cũng có một tay phóng viên cả gan lên trên truyền hình hỏi loạn lên như thế. Làm người dân bỗng nhiên tỉnh ngộ về sự “làm chủ giả” bấy lâu của mình. Đợt bầu cử năm ấy, từ tỷ lệ 99% đi bầu thì sụt hẳn xuống, chỉ còn dưới 50%.
– Thế Quốc hội năm ấy có được thành lập không?
– Không cậu ạ. Họ phải tổ chức bầu lại.
– Mọi chuyện diễn ra thế nào hả bác?
– Thì trước tình hình như thế, để làm an lòng người dân Chính phủ đã phải thay đổi luật. Họ buộc tất cả ứng cử viên phải đưa ra chương trình hành động của từng người. Tất cả các thông tin phải được công khai trên báo chí và trang web của Quốc hội. Mọi người được thoải mái bình luận, phản biện về chương trình hành động của các ứng cử viên.
– Thế nghĩa là một cách buộc họ phải hứa là sẽ làm gì cho dân có phải không hả bác?
– Ừ. Chưa hết đâu. Luật mới còn bắt buộc tất cả các việc họ đã làm trong Quốc hội như đi họp buổi nào, phát biểu những gì, tán thành hay phản đối cái gì, đều phải được công khai và ghi lại trên trang web của Quốc hội để người dân tiện theo dõi, tra cứu và bình luận. Như thế đến kỳ bầu cử sau người dân biết ngay là ông nào đã làm gì, đúng ý mình hay không. Có thất hứa hay không. Nên ông nào lỡ làm sai ý dân hoặc thất hứa thì khó có cơ hội tái trúng cử.
– Thế còn các cuộc họp kín thì sao?
– Họp kín nào? Đã là đại diện cho dân thì tất cả việc làm của họ dân đều phải biết chứ. Chúng tôi bây giờ cấm họp kín rồi.
– Thế cuộc bầu cử lại có thành công không?
– Có thành công chứ. Không những thế mà từ đấy nước chúng tôi khá hẳn lên.
– Khá lên bằng cách nào?
– Thì cũng từ bầu cử đấy. Nhờ bắt buộc lập kế hoạch trước khi tranh cử mà số ý kiến đóng góp cho đất nước tăng vọt, những ý kiến đó lại được đưa ra mổ xẻ rất kỹ trước khi bầu cử, khiến cho những loại “nghị gật” bị loại ngay từ vòng đầu. Những ý tưởng tốt được đóng góp của nhiều người nên càng hoàn thiện. Thêm nữa, mọi quyết định của Quốc hội đều hợp với lòng dân vì thực chất những quyết định đấy đã được đa số người dân “duyệt” thông qua bầu cử. Như thế cậu có thấy đúng là phát huy trí tuệ của toàn dân không?
…
Đây là một giấc mơ mà đáng lẽ tôi cũng đã quên rồi. Bởi nó diễn ra đã quá lâu, tôi chỉ nhớ giấc mơ này bị cắt ngang bởi tiếng loa truyền thanh của phường, kêu gọi mọi người phấn khởi hồ hởi đi thực hiện quyền làm chủ đất nước. Nhưng hôm vừa rồi đọc bài “Phát ngôn ấn tượng: Vay nợ ư? lo gì, con cháu tài giỏi hơn sẽ trả!” thấy ĐBQH Dương Trung Quốc phát biểu: “Sao chúng ta lại phải vội vã khi đây là những kỳ họp cuối cùng của Quốc hội sắp hết nhiệm kỳ, bàn về đề xuất của Chính phủ cũng sắp hết nhiệm kỳ?”, làm tôi giật mình nhớ lại giấc mơ kỳ lạ trên. Tại sao chúng ta phải vội vã ép nhau quyết định một vấn đề quan trọng cỡ “đường sắt cao tốc Bắc Nam dài hơn 1500km” thế nhỉ? Tại sao một công trình trọng đại trong đó người dân vừa là người sử dụng, vừa là người mang nợ, mà lại không để cho người dân quyết định? Phải chăng kỳ bầu cử sắp tới chính là cơ hội để chúng ta phát huy trí tuệ toàn dân tộc, để có một lần nhân dân tự lựa chọn tương lai của mình. Có nên hay không chúng ta bắt các cử tri tương lai phải bày tỏ thái độ rõ ràng trước những vấn đề quốc kế dân sinh hàng đầu của đất nước để người dân nhìn vào đấy mà bầu hoặc không bầu?
Lan man với ý nghĩ tại sao không để dân quyết định, tôi lần mò đọc lại các bài đã viết về vấn đề đường sắt cao tốc, kỳ lạ thay tôi không thấy ai quan tâm tới quyết định của người dân. Tôi chỉ thấy nào là chủ trương của Đảng, nào là chính sách của Nhà nước, nào là Quốc hội phải biểu quyết, còn người dân chỉ được nhắc tới trong vấn đề trả nợ. Phải chăng nhà nước “của dân do dân vì dân “chỉ nằm trên những khẩu hiệu, mà khẩu hiệu đó để quá lâu nay đã hóa bùn, vì thế bây giờ không ai còn nhắc tới câu “hợp với lòng dân” dù chỉ là đãi bôi.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập