Ngay từ đầu tháng 12 năm 2006, thông tin dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đã được hé lộ với chi phí chỉ 33 tỷ USD và với lời khẳng định chắc nịch rằng đây là dự án chiến lược được Chính phủ Nhật Bản cam kết viện trợ vốn ODA (http://vietbao.vn/Xa-hoi/Khoi-dong-du-an-duong-sat-cao-toc-Bac-Nam/10987011/157/). Nay trong dự án trình Quốc hội, chi phí đã đội lên đến 56 tỷ USD! Còn viện trợ ODA của Nhật Bản? Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nói thẳng: “Nhật Bản muốn xem xét kết quả của báo cáo khả thi đang được Việt Nam nghiên cứu và hoàn tất trong vài năm tới. Khi đó, Nhật Bản mới quyết định hợp tác như thế nào trong dự án này với Việt Nam”. Nói cách khác, tin “Chính phủ Nhật Bản cam kết viện trợ vốn ODA [cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam” là tin vịt! Một chuyên gia đã phân tích: “Chúng ta nói sẽ vay vốn ODA cho dự án nhưng phải hiểu ODA thường dùng cho các dự án ưu tiên và có lãi suất chỉ 1%/năm. Với dự án có số vốn lớn như dự án này, chúng ta sẽ phải vay vốn OCR, cũng là viện trợ chính thức nhưng lãi suất cao hơn (LIBOR cộng 0,2%), 4%/năm. Vay thương mại lãi suất sẽ là 6%/năm. Tính trên 56 tỉ USD thì đây sẽ là số tiền lãi rất lớn”. (http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/381246/Viet-Nam-va-bai-toan-duong sat-cao-toc.html).
Đã thế, bài phỏng vấn dưới đây còn cho biết chính phía Nhật Bản, từ Bộ trưởng Bộ Giao thông đến ông Đại sứ tại Việt Nam, đều ra sức can ngăn Việt Nam chớ có xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam như dự án trình Quốc hội. Có đời thuở nào người đi bán lại can ngăn người mua! Ứng xử có vẻ ngược đời của Nhật Bản cho thấy khách hàng không phải lúc nào cũng là thượng đế. Là một người bán khôn ngoan, cần phải lượng định xem liệu khách hàng có ăn nên làm ra không, để mà đủ tiền trả cho mình. Còn Việt Nam, chúng ta có là người mua khôn ngoan hay không?
Anh Hoàng
(LĐ) – “Chính phủ Nhật Bản (NB) sẵn sàng hợp tác với VN trong việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc shinkansen, nhưng chưa thể nói NB sẽ hợp tác như thế nào.
Khi thăm VN hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Giao thông NB đã cho rằng nếu VN muốn xây tuyến shinkansen HN – Vinh và TPHCM – Nha Trang đã rất tốn kém, đến hơn 20 tỉ USD. Vì vậy, nếu vẫn muốn hoàn tất hai tuyến đường này vào năm 2020, VN cần cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích mà nó mang lại” – Đại sứ NB Mitsuo Sakaba trả lời PV Báo Lao Động.
* Dự án đường sắt cao tốc shinkansen tại VN đang nhận được nhiều dư luận trái chiều, mà phần lớn là nghi ngại, phản đối. Đại sứ nhận định như thế nào?
– Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thực hiện khảo sát về hệ thống giao thông vận tải của VN (2007 – 2009), cho rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa lợi ích kinh tế từ hệ thống đường sắt cao tốc với sự phát triển của các đô thị dọc tuyến trải từ HN đến TPHCM.
Báo cáo nhấn mạnh, sẽ có rất ít hành khách chọn tuyến đường sắt cao tốc này nếu đi từ HN – TPHCM hoặc ngược lại, do thời gian mất đến 6 giờ trong lúc máy bay chỉ chưa đầy 2 giờ. Hành khách tiềm năng cho tuyến đường cao tốc này chỉ là những người đi chặng ngắn như HN – Vinh, Vinh – Huế, Vinh – Đà Nẵng…
Nghiên cứu cho thấy tuyến đường sắt cao tốc sẽ chỉ mang lại ích lợi vào khoảng năm 2030 – 2035, khi các đô thị dọc tuyến đã phát triển kinh tế ở một tầm cao nhất định: Dân số đông hơn, mức sống cao hơn để đủ cung cấp hành khách cho tàu shinkansen. Một khi đã xây tuyến shinkansen rồi, làm sao để VN có thể thu lợi lại cũng là cả một vấn đề. Nếu bán vé đắt, đúng theo chi phí bỏ ra, thì sẽ không có mấy ai sử dụng. Nếu vé rẻ để hút khách, VN khó có thể thu hồi vốn.
Tôi biết Quốc hội VN đang thảo luận về vấn đề này. Chúng tôi muốn lắng nghe dư luận và chờ quyết định của VN. Ngoài ra, NB muốn xem xét kết quả của báo cáo khả thi đang được VN nghiên cứu và hoàn tất trong vài năm tới. Khi đó, NB mới quyết định hợp tác như thế nào trong dự án này với VN.
* Hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Giao thông NB đã sang thăm VN, được biết ông bộ trưởng đã khuyến cáo VN không nên vội vàng trong kế hoạch đường sắt cao tốc?
– Bộ trưởng Seiji Maehara có cho rằng kế hoạch của VN đưa tàu shinkansen vào sử dụng năm 2020 có thể là sớm, vì khi đó mức sống của VN chưa đủ để khai thác hệ thống này một cách tối đa. Ông cũng gợi ý VN nên làm từng đoạn ngắn một và kéo dài thời gian xây dựng hơn là triển khai xây luôn từ HN đến TP.
Theo Bộ trưởng Maehara, VN nên nghĩ đến 2 phương án: Lùi thời hạn vận hành tuyến đường sau năm 2020, hoặc làm các tuyến ngắn hơn vì nếu xây tuyến HN – Vinh và TPHCM – Nha Trang thôi cũng đã là quá dài và quá đắt.
Xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc vô cùng tốn kém, NB cũng phải xây đoạn ngắn từ Tokyo – Osaka trước và phải mất 50 năm mới có tuyến shinkansen toàn quốc.
Ngoài ra, để vận hành hệ thống này cần có đội ngũ nhân lực vận hành chính xác và hoàn hảo công nghệ tàu shinkansen.
* Hội nghị CG giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 6 tại Kiên Giang. Nhiều nhà kinh tế đang cảnh báo về tỷ lệ nợ quốc gia tăng cao tại VN. Là nhà tài trợ lớn nhất cho VN, NB có lo ngại về khả năng trả nợ của VN?
– Thành thật mà nói, tỷ lệ nợ quốc gia tại NB là gần 80% GDP, nên có lẽ tôi không nên bình luận (cười).
Cá nhân tôi cho rằng tỷ lệ nợ của VN vẫn ở mức an toàn. Nó nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế của VN tương lai. Nếu VN vẫn duy trì mức độ phát triển 7% – 8% thì gánh nợ nước ngoài không có gì đáng lo ngại.
Ngoài ra, nguồn thu của chính phủ cũng là yếu tố quan trọng. Trong kế hoạch phát triển 10 năm sắp tới, VN cần đảm bảo có hệ thống thuế và cơ cấu tài chính tốt hơn để tăng nguồn thu cho ngân sách.
* Đâu là vấn đề chính mà NB muốn thảo luận tại CG lần này, thưa ông?
– VN đang dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm và 10 năm tới. NB và các nhà tài trợ sẽ cùng bàn thảo và khuyến nghị VN cách thức cải cách kinh tế hữu hiệu, nhất là cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Chúng tôi cho rằng, DNNN cần mang lại nhiều nguồn thu hơn cho ngân sách. Một ví dụ là các DN viễn thông hiện thu rất nhiều lợi nhuận, nhưng lại không đóng góp cho ngân sách được như kỳ vọng. Chúng tôi mong VN thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các DN này.
– Cảm ơn Đại sứ!
Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Home/Viet-Nam-can-can-nhac-ky-du-an-tau-shinkansen/20105/186372.laodong