Nhìn lại vụ Đồng Tâm (bài 1 và 2)(*)

TS luật Cù Huy Hà Vũ

gửi cho BBC từ Hoa Kỳ

Bài 1: Nhìn lại vụ Đồng Tâm – vì đâu nên nỗi?

clip_image002

Hàng chục cán bộ và cảnh sát đã bị người dân Đồng Tâm nhốt giữ trong vụ việc gây chú ý của dư luận Việt Nam, trong và ngoài nước. Ảnh STR/AFP/Getty

Nhìn lại vụ việc ở Đồng Tâm, trước hết về nguồn gốc và diễn biến tranh chấp đất đai, có thể thấy năm 1980, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ra quyết định lấy 208 ha đất thuộc tỉnh Hà Sơn Bình (nay là thành phố Hà Nội) trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức giao cho Bộ Quốc phòng để thực hiện Dự án Sân bay Miếu Môn.

Tuy nhiên dự án này đã không được thực hiện và đây là lý do người dân Đồng Tâm lấy lại đất để canh tác. Năm 2014, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định giao 236,7 ha đất cho Bộ Quốc phòng với lý do đây là diện tích thuộc Dự án Sân bay Miếu Môn. Diện tích 28,7 ha tăng thêm vẫn thuộc đất nông nghiệp xã Đồng Tâm càng khiến người dân nơi đây bức xúc, cho rằng đây là một sự tham nhũng đất đai ‘trắng trợn’ của UBND thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, căn cứ vào Luật Khiếu nại, người dân Đồng Tâm đã liên tục khiếu nại với chính quyền các cấp để bảo vệ quyền sử dụng đất của họ đồng thời chống lại việc cưỡng chế thu hồi đất.

Tiếp theo về diễn biến, cách đây hai tháng, ngày 30/3/2017, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245, Cục Điều tra Hình sự (Bộ Quốc phòng) ra quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 Bộ luật Hình sự nhằm vào người dân Đồng Tâm.

Ngày 15/4, Công an thành phố Hà Nội đã bắt bốn người dân Đồng Tâm trong đó có cụ Lê Đình Kình, 83 tuổi, về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự. Ngay sau đó, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người gồm hàng chục cảnh sát cơ động và một số cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác tham gia vào việc bắt bốn người dân nói trên để phản đối vụ bắt giữ này. Những ngày sau đó, người dân nơi đây đã thả một số cảnh sát cơ động và một số cán bộ khác.

Ngày 22/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đã có cuộc đối thoại tại chỗ với người dân Đồng Tâm để họ thả nốt 19 cảnh sát cơ động còn bị bắt giữ. Kết thúc đối thoại, người đứng đầu hành pháp thành phố Hà Nội đã ký Bản cam kết với nội dung sau đây:

“Tôi, Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội xin cam kết như sau: 1- Trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật. Khu vực đất Đồng Tâm rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp. Không mập mờ. Đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật. 2- Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Toàn thể Nhân dân xã Đồng Tâm. 3- Chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho Cụ Lê Đình Kình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

clip_image004

Các binh sỹ cảnh sát rời khỏi Đồng Tâm sau thời gian bị người dân địa phương nhốt giữ trong vụ việc tranh chấp giữa người dân và chính quyền gây xôn xao dư luận. Ảnh STR/AFP/Getty

Ngay sau khi Bản cam kết này được công bố, người dân Đồng Tâm đã thả 19 cảnh sát cơ động còn lại.

Thẩm quyền không truy cứu

Về thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự, trước hết cần khẳng định rằng sở dĩ có cam kết của người đứng đầu thành phố Hà Nội về việc “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Toàn thể Nhân dân xã Đồng Tâm” là vì người dân Đồng Tâm được làm cho tin rằng việc họ bắt giữ cảnh sát cơ động và một số cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác là phạm tội. Thực vậy, bên cạnh cơ quan công quyền, nhiều luật sư cả quyết rằng việc người dân Đồng Tâm bắt giữ mấy chục cảnh sát cơ động và một số cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác là hành vi “bắt làm con tin”, là phạm “Tội chống người thi hành công vụ” quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự, do đó, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người dân này. Vì thế, người dân Đồng Tâm khẳng định, nếu chính quyền khởi tố hình sự họ thì họ sẽ chống lại dù có phải đổ máu.

Nếu như Điều 1 và Điều 3 của Bản cam kết nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của dư luận xã hội thì Điều 2 lại gây ra bão về tính pháp lý của nó. Tựu trung có hai thắc mắc: thứ nhất, Chủ tịch Chung có quyền cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Thứ hai, nếu Chủ tịch Chung có quyền này thì liệu không truy cứu trách nhiệm hình sự “toàn thể” có để ngỏ khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự “một số người”?

Có thể giải đáp ngay thắc mắc thú hai, là sẽ không có việc truy cứu trách nhiệm hình sự một số người dân Đồng Tâm. Thực vậy, “toàn thể” là tất cả cá nhân trong một tập thể hay cộng đồng. Nếu loại trừ một số cá nhân thì “toàn thể” không có nghĩa.

Không ít người, cho rằng Chủ tịch Chung, đại diện cơ quan hành pháp không có quyền đưa ra cam kết như vậy vì thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc về cơ quan tư pháp hay các cơ quan tiến hành tố tụng. Vẫn theo ý kiến này, trong trường hợp ông Chung thực hiện được lời cam kết của mình, sự độc lập mang tính nguyên tắc của cơ quan tư pháp sẽ bị phá vỡ trọn vẹn, cơ quan tư pháp lộ rõ chỉ là công cụ của cơ quan hành pháp mà thôi.

Trước hết, nếu căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự thì đúng là Chủ tịch Chung không có thẩm quyền quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ Luật này quy định chỉ Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mới có quyền ra quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên theo Khoản 1 Điều 43 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn “bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” thì Chủ tịch Chung hoàn toàn có quyền đưa ra cam kết nói trên. Thực vậy, tháo gỡ mọi điểm nóng xã hội có thể dẫn tới bạo động là ưu tiên hàng đầu không chỉ đối với chính quyền địa phương mà còn đối với cả chính quyền trung ương.

clip_image006

Chính quyền thành phố Hà Nội đã lựa chọn giải pháp đối thoại thay vì sử dụng bạo lực trong vụ việc ở Đồng Tâm cuối tháng 4/2017. Ảnh STR/AFP/Getty

Do đó, người viết bài này khẳng định người đứng đầu cơ quan hành pháp thành phố Hà Nội hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan tư pháp, cụ thể là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thành phố cũng như Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương không khởi tố bị can hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố bị can nếu có căn cứ cho rằng việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ai đó sẽ “bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” trên địa bàn thành phố.

Tội chống người thi hành công vụ?

Về vấn đề thế nào là tội chống người thi hành công vụ, ủng hộ cam kết của Chủ tịch Chung về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm, nhiều người, trong đó có nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, nhấn mạnh đến việc người dân nơi đây đã hành xử theo Công lý (Justice) chứ không hành xử theo Luật (law) trong khi Công lý là mục tiêu cuối cùng mà xã hội hướng tới.

Cũng ủng hộ cam kết của Chủ tịch Chung, Luật sư Trần Thu Nam đặt vấn đề theo hướng khác. Ông nói: “Để giữ được tính tôn nghiêm của pháp luật, vừa giữ được lời hứa của người lãnh đạo trước người dân Đồng Tâm, khi xử lý vụ việc này cơ quan chức năng có thể khởi tố, sau đó vận dụng Khoản 1 điều 25 Bộ luật Hình sự để miễn truy trách nhiệm hình sự cho họ”. Điều luật này quy định “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Cả hai luồng ý kiến trên đều có chung một điểm là người dân Đồng Tâm đã phạm “Tội chống người thi hành công vụ” cho dù đề xuất xử lý hình sự có khác nhau.

Mặc dầu vậy, căn cứ Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự theo đó “không được khởi tố vụ án hình sự khi hành vi không cấu thành tội phạm”, người viết bài này cho rằng phải xác định trên cơ sở pháp luật việc người dân Đồng Tâm bắt giữ cảnh sát cơ động có hay không cấu thành “Tội chống người thi hành công vụ” cái đã. Chỉ khi nào xác định được những người dân này có hành vi phạm tội thì lúc đó mới có thể đặt vấn đề nên xử lý hình sự họ như thế nào.

Để xác định việc người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác có hay không cấu thành “Tội chống người thi hành công vụ”, không thể không xác định “công vụ” và tiếp đó “người thi hành công vụ” là gì.

clip_image008

Một biểu ngữ gắn trên tường bên trong xã Đồng Tâm cho hay người dân địa phương ‘không chống đối Nhà nước’. Ảnh STR/AFP/Getty

Điều 2 Hiến pháp Việt Nam quy định “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Như vậy, “công vụ” của Nhà nước là phục vụ người dân hay bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là “công vụ” quan trọng nhất của Nhà nước.

Điều 3 Luật Cán bộ, công chức quy định “các nguyên tắc trong thi hành công vụ” như sau: “1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; 2. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Chiểu theo các quy định của Hiến pháp và Luật Cán bộ, công chức, người nào nhân danh Nhà nước xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân thì đó là làm trái công vụ. Không những thế, nếu gây thiệt hại cho người dân, người làm trái công vụ còn bị xử lý hình sự theo Điều 281 Bộ luật Hình sự quy định “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù).

Mặc dầu vậy, có mắc míu là người thi hành quyết định trái pháp luật, tức trái công vụ, có phải là người thi hành công vụ hay không. Có ý kiến cho rằng trường hợp này không phải là người thi hành công vụ.

Ý kiến trên thoạt nghe hợp lý vì người thi hành quyết định trái công vụ không thể là người thi hành công vụ, tựa như người thi hành quyết định sai không thể là người làm điều đúng. Tuy nhiên xét kỹ lại thì ý kiến này không chính xác vì đã đánh đồng chức năng với nhiệm vụ của người thi hành công vụ. Thực vậy, chức năng là thi hành quyết định của cấp trên. Nhiệm vụ là thực hiện một quyết định cụ thể trong khi thực hiện chức năng. Như vậy, người thi hành một nhiệm vụ trái pháp luật hay trái công vụ vẫn là người thi hành công vụ vì chức năng của người này là thi hành quyết đinh của cấp trên.

Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định về “Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ” “cấm cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền yêu cầu người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ trái quy định của pháp luật”. Như vậy, thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật là hành vi trái pháp luật.

clip_image010

Vụ việc được cho là nhạy cảm vì xã Đồng Tâm, thuộc huyện Mỹ Đức là một địa phương nằm gần trung tâm thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Ảnh STR/AFP/Getty

Người thi hành công vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân thì phải chịu trách nhiệm hình sự về thiệt hại đã gây ra. Nếu người này biết rõ mình đang thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật thì tùy theo trường hợp cụ thể mà bị truy cứu về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 104, “Tội giết người” quy định tại Điều 93, “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 143… của Bộ luật Hình sự.

Ngược lại, nếu người thi hành công vụ không biết nhiệm vụ được giao là trái pháp luật mà gây thiệt hại cho người dân thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đươc áp dụng tình tiết “vô ý phạm tội” quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự (Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó).

Tóm lại, người dân hay bất cứ ai khác có quyền chống lại người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật. Nói cách khác, phạm “Tội chống người thi hành công vụ” chỉ xảy ra trong trường hợp người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ không trái pháp luật.

Vậy câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp người dân Đồng Tâm, liệu họ có phạm “Tội chống người thi hành công vụ” hay là không?

Bài 2: Người dân Đồng Tâm đã “phòng vệ chính đáng”

clip_image012

Ngay cả khi có bản án có hiệu lực pháp luật nghiêng về phía chính quyền, chính quyền vẫn phải đối thoại với người dân, theo tác giả. Ảnh STR/AFP/Getty

Tiếp theo bài viết đầu tiên trên BBC với tựa đề ‘Nhìn lại vụ Đồng Tâm: vì đâu nên nỗi?’ nhân Quốc hội Việt Nam đang tranh luận và nhìn lại vụ việc tuần này, hôm nay tôi xin đưa ra quan điểm lý giải vấn đề để trả lời người Đồng Tâm có ‘phòng vệ chính đáng’ hay không.

Nhưng trước tiên thế nào là phòng vệ chính đáng? Vấn đề đặt ra ở đây là nếu người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật dùng vũ lực thì người dân có quyền dùng vũ lực để chống lại không? Câu trả lời là “có”, dựa trên Điều 15 Bộ luật Hình sự quy định “phòng vệ chính đáng”. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Thứ hai, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, bất kỳ ai thấy hành vi đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra xâm hại quyền lợi chính đáng (tính mạng, sức khỏe, tài sản…) của bản thân hay của người khác đều có quyền dùng vũ lực để triệt tiêu hành vi đó bất luận chủ thể hành vi là ai. Cũng như vậy, mọi hành vi khác có dấu hiệu rõ ràng tiếp tay, hỗ trợ hành vi nguy hiểm cho xã hội ấy đều là đối tượng của “phòng vệ chính đáng”.

Vẫn theo điều luật trên, “phòng vệ chính đáng” là “chống trả lại một cách cần thiết”, tức tính không thể không chống trả hành vi nguy hiểm cho xã hội,thay vì “chống trả tương xứng” như quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985. Điều này có nghĩa người thực hiện “phòng vệ chính đáng” có thể gây thiệt hại cho người có hành vi nguy hiểm cho xã hội lớn hơn thiệt hại mà người này đã hoặc đe dọa gây ra.

Ngoài ra, Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao quy định “phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại”. Vẫn nghị quyết này quy định “hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ”.

Tóm lại, “phòng vệ chính đáng” không chỉ là chống trả người có hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm lợi ích của người khác và người tiếp tay, hỗ trợ hành vi nguy hiểm cho xã hội ấy mà còn là chủ động tấn công, gây thiệt hại cho chính những người này. Nhiều trường hợp cho thấy chỉ có gây thiệt hại cho chính người tấn công và người tiếp tay, hỗ trợ thì mới bảo vệ hiệu quả quyền lợi hợp pháp của bản thân hoặc của người khác.

Cảnh sát trái pháp luật?

clip_image014

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Phương (trái) và ông Lưu Bình Nhưỡng có quan điểm khác nhau về vụ Đồng Tâm. Ảnh Soha

Vậy 38 cảnh sát cơ động và cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác tham gia vào việc bắt giam bốn người dân Đồng Tâm có đang thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật khi bị người dân nơi đây bắt giữ?

Trước hết, cần khẳng định rằng theo quy định luật pháp, mọi dự án liên quan thu hồi đất nếu không thực hiện được thì phải được đình chỉ và đất phải được hoàn trả cho những người đang sử dụng trước khi có dự án, đồng nghĩa Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội phải trả lại đất cho người dân Đồng Tâm và người dân các xã có liên quan khác một khi Dự án Sân bay Miếu Môn không thực hiện được.

Trong trường hợp Chính phủ quyết định vẫn sử dụng đất ấy cho một dự án khác có mục đích quốc phòng hay vì lợi ích quốc gia, Thủ tướng phải ra quyết định mới và chỉ trên cơ sở đó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mới có thể ra quyết định giao đất cho chủ dự án mới. Điều không thể thiếu trong các quyết định ấy là Thủ tướng và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải chiểu theo Điều 54 Hiến pháp và Khoản 3 Điều 26 Luật Đất đai để quy định về bồi thường cho người đang sử dụng đất hợp pháp có đất bị thu hồi cho dự án.

Do không có các thủ tục pháp lý như vậy nên việc người dân Đồng Tâm khiếu nại để bảo vệ quyền sử dụng đất của họ đối với 47,36 ha đất nông nghiệp là chính đáng và hợp pháp.

Nếu cho rằng mình đã giải quyết khiếu nại hoặc đã hết thẩm quyền giải quyết khiếu nại, UBND thành phố Hà Nội phải căn cứ vào Luật Khiếu nại để hướng dẫn người dân khởi kiện chính UBND thành phố Hà Nội theo Luật Tố tụng hành chính. Chỉ sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật phán quyết người dân Đồng Tâm không có quyền sử dụng đất mà người dân vẫn giữ đất thì lúc đó chính quyền mới có thể cưỡng chế thu hồi đất. Nếu không có thủ tục pháp lý này thì việc người dân Đồng Tâm sử dụng đất vẫn trong tình trạng hợp pháp, đồng nhất việc cưỡng chế thu hồi đất là trái pháp luật.

Cho đến trước khi xảy ra sự kiện, UBND thành phố Hà Nội đã không giải quyết một cách rốt ráo khiếu nại của người dân Đồng Tâm cũng như đã không hướng dẫn những người dân này khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính. Tóm lại, tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm và UBND thành phố Hà Nội chưa được giải quyết rốt ráo theo trình tự pháp luật, hay “chưa ngã ngũ” theo cách nói dân gian, tức chưa có cơ sở pháp luật để xác định người dân sử dụng đất trái pháp luật. Do đó việc UBND thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế thu hồi đất là hoàn toàn trái pháp luật, đồng nghĩa việc người dân chống trả cưỡng chế là chính đáng, là hợp pháp nên không thể là hành vi phạm tội.

Với cách nhìn trên, việc các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố và bắt giam bốn người dân Đồng Tâm trong đó có cụ Lê Đình Kình, 83 tuổi, về “Tội gây rối trật tự công cộng” là trái pháp luật. Do đó, cảnh sát cơ động và các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác được điều động để trấn áp người dân Đồng Tâm chống cưỡng chế thu hồi đất nói chung, bắt giam bốn người trong số những người dân này nói riêng, đang trong tình trạng dùng vũ lực thực hiện một nhiệm vụ trái pháp luật.

‘Không vượt quá giới hạn’

clip_image016

Thực tế cho thấy, người dân Đồng Tâm đã không có bất cứ hành vi nào xâm phạm sức khỏe của số người thi hành công vụ, theo TS. Cù Huy Hà Vũ. Ảnh NICHOLAS KAMM/AFP/Getty

Trước việc những người thi hành công vụ nói trên tham gia vào bắt giam trái pháp luật bốn người dân Đồng Tâm trong đó cụ Kình bị đánh gẫy chân (hành vi đánh gẫy chân cụ Kình cấu thành “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự), rõ ràng người dân Đồng Tâm không có lựa chọn nào khác ngoài “phòng vệ chính đáng” bằng cách bắt giữ họ.

Nhận định này cũng bác bỏ quan điểm cho rằng hành động trên của người dân Đồng Tâm là “bắt làm con tin”. Thực vậy, “bắt làm con tin” chỉ áp dụng trong trường hợp người bị bắt giữ không có hành vi trái pháp luật, xâm phạm lợi ích của người khác.

Vấn đề còn lại là liệu việc người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác có “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Khoản 2 Điều 15 Bộ luật Hình sự quy định: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Như trên đã nói, “phòng vệ chính đáng” cho phép người chống trả hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm lợi ích của bản thân hay của người khác có thể gây thiệt hại cho chủ thể hành vi này. Điều này đưa đến khả năng trong khi tiến hành bắt giữ số cảnh sát cơ động và cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác nói trên, người dân có thể gây thương tích cho họ. Thế nhưng, như thực tế cho thấy, người dân Đồng Tâm đã không có bất cứ hành vi nào xâm phạm sức khỏe của số người thi hành công vụ này. Việc Trung đoàn phó – Hà Nội Phạm Văn Trung, chắp tay xá nhiều lần người dân Đồng Tâm khi ra khỏi nhà văn hóa xã nơi ông và những người thi hành công vụ khác bị giữ là bằng chứng sinh động về “không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” của người dân nơi đây.

Kết luận lại, việc người dân Đồng Tâm bắt giữ bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác tham gia vào bắt giam trái pháp luật bốn người trong số những người dân này là “phòng vệ chính đáng” và vì lẽ này, không cấu thành hành vi “chống người thi hành công vụ”.

Nhân đây cũng cần bác bỏ quan điểm cho rằng người dân Đồng Tâm khi bắt giữ bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước nói trên đã phạm “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.

clip_image017

Hàng chục cán bộ và cảnh sát đã bị người dân Đồng Tâm nhốt giữ trong vụ việc gây chú ý của dư luận Việt Nam, trong và ngoài nước. Ảnh STR/AFP/Getty

Như đã chứng minh, số cảnh sát cơ động và cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác nói trên rõ ràng là những người đang thi hành công vụ cho dù nhiệm vụ mà họ được giao thực hiện là trái pháp luật. Để nói rằng những ai cố tình quy tội cho người dân Đồng Tâm thì chỉ có thể quy họ vào “Tội chống người thi hành công vụ”, điều mà người viết bài này đã bác bỏ. Nói cách khác, chỉ khi nào những ai cố tình quy tội cho người dân Đồng Tâm chứng minh được số cảnh sát cơ động và cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước khác bị bắt giữ không phải là “người thi hành công vụ” thì mới có thể quy người dân nơi đây vào “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.

Bất luận thế nào thì nỗ lực quy người dân Đồng Tâm vào “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” cũng phá sản vì người dân Đồng Tâm có quyền bắt giữ bất cứ ai có hành vi xâm phạm quyền lợi của người của bản thân họ hay của người khác như một cách thực hiện “phòng vệ chính đáng”.

Thay lời kết

Nếu như về nguyên tắc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, với tư cách người chịu trách nhiệm cao nhất về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, có quyền cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự ai đó, thì trong trường hợp Đồng Tâm, một cam kết như vậy của ông là không có cơ sở pháp luật hay là ngộ nhận như trên đã chứng minh.

Để nói rằng ngay cả trong trường hợp cấp trên của ông Chung hoặc các cơ quan tư pháp thành công trong việc xác định ông này không có thẩm quyền cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm để từ đó hủy bỏ cam kết này cũng như khép ông Chung vào “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự, người dân nơi đây cũng không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi đơn giản là hành vi “phòng vệ chính đáng” của họ không cấu thành tội phạm.

Tuy nhiên, để người dân Đồng Tâm nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, không phải dùng tới “phòng vệ chính đáng” để chống trả hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của quan chức chính quyền để tước đoạt đất đai mà người dân đang sử dụng hợp pháp cho các dự án của các nhóm thân hữu thì không thể không “đào” cái “gốc” của sự tham nhũng nghiêm trọng này là Điều 53 Hiến pháp theo đó “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”!

Trong khi chờ Quốc hội hủy bỏ Điều 53 Hiến pháp nói riêng, sửa đổi Hiến pháp theo hướng tư nhân hóa kinh tế và tự do hóa chính trị nói chung, chính quyền Việt Nam ở mọi cấp phải giải quyết kịp thời và theo đúng Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính mọi khiếu nại và khởi kiện của người dân, nhất là khi đối tượng bị khiếu nại, khởi kiện là chính quyền. Không những thế, chính quyền còn phải chủ động đối thoại công khai với người dân có sự giám sát của đại biểu Quốc hội và của báo chí nhằm tránh xung đột vuột khỏi tầm kiểm soát.

Người viết bài này còn cho rằng ngay cả khi có bản án có hiệu lực pháp luật nghiêng về phía chính quyền, chính quyền mệnh danh “của Dân, do Dân, vì Dân” vẫn phải đối thoại với người dân, đặc biệt trong bối cảnh chưa có độc lập giữa ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như chất lượng điều tra, truy tố và xét xử còn nhiều yếu kém dẫn đến án oan, sai vẫn là phổ biến.

Nếu chính quyền Việt Nam không làm được như vậy thì việc người dân bạo động chống chính quyền để thực hiện Công lý là điều có thể nhìn thấy trước.

C.H.H.V.

__________

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một luật gia và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị, gửi cho BBC từ Hoa Kỳ trong bối cảnh Quốc hội Khóa 14 của Việt Nam đang họp kỳ họp thứ 3 và có ý kiến tranh luận về sự việc (BBC tiếng Việt).

__________

(*) Đầu đề do BVN tự đặt khi gộp đăng cả 2 bài.

Nguồn:

Bài 1: http://www.bbc.com/vietnamese/forum-40143294 ngày 03/06/2017

Bài 2: http://www.bbc.com/vietnamese/forum-40240420 ngày 11/06/2017

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.