Thiên Luân
Tác giả gửi đến Dân Luận
Nhân đọc bài “Sở GDĐT Gia Lai đang “cuống cuồng” nghĩ kế tiêu 33 tỉ đồng trong 20 ngày”, Báo Lao động, số ra ngày 9/6, tôi xin được chia sẻ với mọi người về cách mà người ta tiêu tiền ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp nói riêng và cả bộ máy nhà nước nói chung. Trong bài viết này chỉ bàn về cách chi tiêu ngân sách nhà nước ở đơn vị sự nghiệp – kinh phí hoạt động của đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ.
Là một công chức nhà nước, tôi không có gì bất ngờ khi đọc bài báo trên. Thường thì đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước khoán kinh phí. Có hai loại kinh phí, một là kinh phí thường xuyên dùng để trả lương, mua sắm và kinh phí chi công việc, dùng vào công việc chuyên môn cụ thể.
Đầu năm các đơn vị sự nghiệp phải lập dự toán gửi lên cơ quan cấp trên để được cấp kinh phí hoạt động. Với cái cơ chế xin – cho, cơ quan đơn vị nào mà ngoại giao tốt, quan hệ tốt với cấp trên thì sẽ được ưu ái hơn. Để được cấp kinh phí đúng như dự toán (dự toán cao hơn, cắt xuống là vừa) thì phải “lại quả”.
Kinh phí được khoán nếu không sử dụng hết thì cuối năm phải trả lại cho nhà nước. Nhưng có bao giờ mà họ lại không sử dụng hết kia chứ. Chẳng có ai là không biết tiêu tiền. Ví dụ, một đơn vị sự nghiệp lập dự toán 10 tỷ và được nhà nước cấp 10 tỷ để hoạt động, nhưng chỉ chi hết 8 tỷ, trả lại 2 tỷ. Năm tới lập tự toán 10 tỷ thì chỉ được cấp 8 tỷ vì cấp kinh phí phải căn cứ vào tình hình hoạt động. Cho nên họ phải tiêu cho hết, không dại gì trả lại.
Cho nên, chúng ta hay nghe những câu chuyện báo chí phản ánh, cơ quan này, đơn vị kia chi sai, mua sắm thiết bị, vật tư kê giá lên gấp cả chục lần, thậm chí cả trăm lần cũng vì lẽ đó. Ví dụ như mới đây Báo Lao động đưa tin về việc Sở Y tế Gia Lai mua thiết bị y tế 5,6 tỷ đồng kê lên 16,7 tỷ đồng. Còn việc chi sai thì kinh khủng lắm, lặt vặt vài chục triệu, vài trăm triệu là bình thường. Cơ quan đơn vị nào cũng có nhưng có điều họ tìm cách hợp thức hết, khó phát hiện. Nếu có phát hiện khi thanh tra thì cũng có cách, vì thanh tra cũng cần tiền. Thường chỉ những vụ nghiêm trọng mới bị công khai trên báo chí.
Được cấp tiền là họ tiêu mà không cần biết có mang lại hiệu quả công việc hay không. Kiểu như là dự toán là mua hàng Nhật giá cao nhưng khi mua lại là hàng Trung Quốc giá rẻ, khoảng chênh lệch bỏ túi. Rồi mua xong cất kho để hư hỏng. Ví dụ, vừa qua Kiểm toán Nhà nước cho biết, kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra có tới 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá hơn 371 tỷ đồng. Trong đó, trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (hơn 68 tỷ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng).
Họ thừa biết những đồng tiền họ chi tiêu vô tội vạ đó là thuế của dân đóng, nhưng có bao giờ họ mảy may suy nghĩ. Và nếu không làm vậy thì tiền đâu để chi tiêu khi đồng lương không đáp ứng cuộc sống.
Mấy năm nay ngân sách khó khăn, nhà nước hay cắt giảm dự toán kinh phí ban đầu. Nắm được tình hình như vậy nên nhiều cơ quan tranh thủ chi tiêu để không bị cắt. Cho nên việc Sở GDĐT Gia Lai vội vã tìm cách chi gấp 33 tỷ đồng trong 20 ngày cũng không có gì là khó hiểu. Nếu có thanh tra, kiểm tra thì họ cũng biện minh là đúng quy trình, đúng quy định nhưng rút ngắn lại.
Thực ra những quy định chi tiêu ngân sách nhà nước được quy định rất chặt chẽ. Nhưng dù có chặt đến mấy thì cũng luôn có kẽ hở để những kẻ tham lam trục lợi. Với lại chế tài xử phạt đối với những sai phạm trên là không đủ mạnh để răn đe nên không thể ngăn chặn được những tiêu cực trên. Nếu cứ tình trạng này kéo dài, Nhà nước không có hướng điều chỉnh thì ngân sách không rỗng, nợ công không tăng mới lạ. Vậy nên đại biểu quốc hội Đặng Thuần Phong nói chúng ta làm 1 đồng nhưng xài 3 đồng, nghĩ không ngoa chút nào.
T.L.
Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20170611/tien-dan-cu-mac-suc-tieu