Người Việt
Thợ may làm tại một xí nghiệp may cỡ nhỏ ở ngoại ô Hà Nội. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù dựa vào giá nhân công cực thấp để cạnh tranh nhưng trình độ của nhân công lại quá thấp, nên không lôi kéo được các nhà đầu tư nhiều như mong muốn của chính quyền Việt Nam.
Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng trung bình trên dưới 6.2% từ năm 2000 đến nay nhờ nổi tiếng thế giới là nơi tốt để các nhà đầu tư sản xuất chạy đến để cắt giảm chi phí cho các loại hàng hóa xuất cảng đi khắp nơi.
Trung bình, lương nhân công ở cả Hà Nội và Sài Gòn và những nơi có các xí nghiệp ngoại quốc đặt cơ sở sản xuất chỉ trung bình 3.9 triệu đồng một tháng (khoảng $172). Tuy cái ưu thế này ban đầu gây chú ý cho nhà đầu tư nhưng 78% của lực lượng thợ thuyền lao động tại Việt Nam lại không có trính độ giáo dục cao và chỉ có 9% là có bằng cấp đại học hay cao hơn.
Bài phân tích của tạp chí tài chính Forbes nói rằng việc thiếu thợ chuyên môn có trình độ đại học của thị trường lao động tại Việt Nam ngày càng chứng tỏ đây là rào cản hiển nhiên để Việt Nam có thể trở nên một loại trung tâm sản xuất các loại sản phẩm kỹ thuật cao. Bởi vì nó đòi hỏi khả năng chuyên môn cao do kiến thức từ các đại học cung cấp cho nhân công.
“Trong khi lương bổng thấp giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, nhưng nó cũng giới hạn khả năng của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư kỹ thuật cao,” bảng phân tích của tổ chức tư vấn đầu tư Healy Consultants Group viết hồi tháng Năm.
Nếu không thay đổi chính sách giáo dục, Việt Nam có thể mất khả năng cạnh tranh lôi cuốn đầu tư ngoại quốc với Trung Quốc. Quốc gia này có tới 76% trong tổng số lực lương lao động không có nghề chuyên môn được đào tại bài bản tại trường học, theo tờ nhật báo Trung Quốc. Vì vậy mà có đến 90% các công ty của Trung Quốc bị ảnh hưởng vì thiếu chuyên viên có trình độ.
Tuy thiếu chuyên viên trình độ cao nhưng tỉ lệ còn lại 24% kia lại là con số khổng lồ trong số 840 triệu người trong tuổi lao động. Không thiếu những người trong số đó tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu Tây phương. Một số có khả năng chỉ làm một thời gian ngắn, huấn luyện cho những người khác làm thay mình rồi đi ra ngoài khởi sự một công ty riêng.
Các công ty chế tạo kỹ thuật cao đã chọn Trung Quốc để đặt cơ sở sản xuất vì muốn ở ngay một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Việt Nam với 93 triệu dân nhưng đại đa số quần chúng lại nghèo nên vẫn chưa đủ hấp dẫn.
Việt Nam là một nước nông nghiệp theo chính sách chỉ huy kinh tế tập trung vào tay nhà cầm quyền trung ương, mới chỉ bắt đầu “đổi mới” từ thập niên 1980 khi mở cửa đón các nhà đầu tư ngoại quốc và nhận viện trợ phát triển hạ tầng. Các nhà máy, xưởng thợ theo nhau mọc lên nhưng hầu hết đều là những cơ sở sản xuất giày dép, quần áo và các loại sản phẩm tiêu dùng không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của nhân công.
Nông dân từ các khu vực đồng ruộng chạy ra các thành phố kiếm việc làm vì nghề nông vất vả lại cũng không đủ sống. Thợ may quần áo, giày dép, đóng bàn ghế, sử dụng máy móc cắt, tiện phụ tùng xe, lắp ráp giản dị… vốn là những công việc người thợ có thể được dạy khi bắt đầu nhận việc, một thời gian vài tháng là thuần thục. Họ không cần phải có các bằng cấp chuyên môn từ các trường đại học.
Năm 2016, thống kê cho thấy đầu tư ngoại quốc đổ vào Việt Nam hơn $24 tỷ vừa mở các nhà sản xuất mới vừa mở rộng sản xuất đã có sẵn tại đây. Số tiền tương ứng với một phần tám tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam.
Theo bảng nghiên cứu trên, những người có trình độ chuyên môn cao tại Việt Nam thường nhảy từ công ty này sang công ty khác khi thấy được trả lương cao hơn chỉ vì tình trạng thiếu chuyên viên bản xứ. Theo phân tích, các công nhân có trình độ tay nghề khá được hưởng lương cao hơn khoảng $164 một tháng so với những người không có bằng cấp.
Vấn đề đổi mới giáo dục tại Việt Nam không thấy nhắc đến nhưng cho đến nay vẫn thấy dậm chân tại chỗ. Người ta vẫn thấy hàng trăm ngàn người có bằng cấp đại học thất nghiệp trong khi thị trường lại thiếu người có trình độ chuyên môn.
Hồi năm ngoái, báo chí tại Việt Nam cho hay chỉ trong ba tháng đầu của năm 2016, có khoảng 225,000 cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp tại các trường đại học tại Việt Nam không kiếm được việc làm. (TN)