Việt Nam làm được cái gì mà thế giới không làm được (hay không làm, không được quyền làm, không thích làm… tóm lại là không làm!) không? Nghe có vẻ viển vông nhưng tôi thế nào lại có duyên biết đến dăm bảy thứ “Vietnam can do” mà chả nước nào có đâu…
Có lẽ đến mười lăm năm hoặc hơn tôi không gặp lại anh G. – bạn học của ông anh mình, một người chuyên làm về lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao khá thành đạt. Có nghe nhiều lần là thời gian cuối về hưu rồi, anh ấy đi đóng tàu biển nhiều lắm… chỉ biết đến thế và khá lo cho ông anh, vì mấy năm cuối báo chí tràn ngập tin tức về việc chiến lược đóng tàu của nhà nước ta nói chung thất bại, người dân thì vừa phải vay lãi mà tàu không sử dụng được hiệu quả, doanh nghiệp đóng tàu thì phá sản hàng loạt, ngân hàng mất vốn nặng nề. Mới tuần trước gặp lại anh, hỏi xem có bị hệ lụy gì từ việc đóng tàu không, thì anh bảo vất vả thì nhiều, nhưng không phải như mấy cái tàu cá vỏ sắt ấy đâu, tôi phải “mục sở thị” mới hiểu được cơ! Mặc dù nghe kể thế thì cũng yên tâm, rằng ông anh đang đóng tàu ‘tít” lắm – tò mò tôi đi theo xem, hóa ra đến xưởng đóng tàu ngay tại Hà Nội đây thôi, và tôi được thực tế trải nghiệm một công nghệ mà Việt Nam đang đi trước thế giới! Nghe “xóc óc” không? Thì có gì đâu – ông anh giải thích – công nghệ làm “nhựa PPC” có phụ gia chống tia UV và tăng cường cơ lý tính, phát minh của Tiệp – hãng Roechling của Đức là nhà sản xuất, mới triển khai ra ở châu Âu thì anh G. Và các đồng sự VN mua công nghệ đem về rồi, có ai làm nữa đâu, mình mà làm được thì coi như dẫn đầu thế giới còn gì nữa…
Chục năm trước anh G sang Tiệp để tìm hiểu một công nghệ khác, nhưng ngẫu nhiên lại thấy một cái cano là lạ… Nhờ anh em đồng hương bên ấy dịch cho, anh tìm hiểu thì ra đây là một công nghệ hoàn toàn mới, thế là anh bắt dẫn đi tìm bằng được đúng nơi sản xuất, rồi sau đó đúng là có chữ “duyên” gắn kết anh với công nghệ trời Tây này – anh và đồng sự mua đứt bản quyền công nghệ đó! Tàu bằng “nhựa” nghe buồn cười, nhưng không phải cái bàn ghế nhựa Song Long ta hay ngồi uống bia hơi đâu, nhựa này đạn trung liên bắn cách mấy chục mét không thủng, xuồng phi 70-80 km/h êm hơn ô tô trên đường nhựa, cá biệt có những lúc kiểm chứng thì xuồng lắp động cơ turbo phóng lên tới vận tốc 110km/h trên mặt nước! Vật liệu này lại có rất nhiều ưu việt trong đóng tàu so với thép, gỗ, composite nhé: bền hơn (hãng bảo hành vật liệu 30 năm không “già”, thả từ độ cao 5m xuống tàu xuồng không bị nứt), không mất màu (chả phải sơn lại làm gì), cực khó cháy, cách âm cách nhiệt tốt hơn nhiều, không có hà bám (đi nhanh là tự rụng ra hết), bảo vệ môi trường chuẩn… và có độ bám nước cho phép tiết kiệm tới 30% nhiên liệu. Thiết kế thì đã có Viện thiết kế của ta làm, vật liệu thì chứng chỉ được 23 nước châu Âu chứng nhận, cái hay nhất của công nghệ này là hàm lượng lao động thô sơ khá lớn, thì đóng tàu ở Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế nhân công! Nghe thế thì phấn khởi quá, nhưng ông anh “cảnh tỉnh” tôi ngay, chả ngon xơi thế đâu! Lâu nay Việt Nam ta thì không đơn giản là cứ “tốt” mà đã xong, cứ “duy nhất trên thế giới” mà lại được! Cả một câu chuyện dài về số phận các con tàu…
9 năm trời, bao nhiêu tiền của, công sức, thời gian – anh và đồng sự phải vất vả để giải thích một điều: “Tốt sao các nước khác chúng nó không làm đi?” và “Đạt tiêu chuẩn của 23 nước châu Âu thì cũng tốt đấy, nhưng nhỡ ở Việt Nam nó không thích ứng được thì sao?”. Như mọi vật liệu, công nghệ khác các anh cũng phải bắt đầu từ số 0, từ những hội thảo, những chuyến tham quan, những thử nghiệm ở mọi môi trường, điều kiện oái oăm… Nói “chúng tôi là những người đầu tiên đóng tàu biển bằng vật liệu này” là nói thật, nhưng ai tin? Tiệp thì làm gì có biển, anh dẫn nhiều đoàn sang xem thì chỉ thấy được những con tàu nho nhỏ chạy sông, dài 7-9m thôi. Mới đầu anh mua bản quyền công nghệ về làm chung với một công ty trong miền Nam, thấy họ có ý định ăn cắp công nghệ của đối tác nước ngoài rồi đá họ ra nên anh không làm nữa, cùng đối tác nước ngoài quay ra bắc mày mò triển khai. Công ty VS trong Nam cứ nghĩ thế là nắm được công nghệ rồi, thế là đóng tàu thôi, mấy tháng sau tàu chìm, chết mất 9 người vô tội! (Quả là ẩu chưa từng thấy, tàu cho phép chở 8 người thì chở hơn 40 người, không đủ áo phao, không có phương tiện thông tin liên lạc gì mà chạy ra cửa biển Cần Giờ là nơi sóng to, gặp giông tố, hết dầu, mắc cạn, lật tàu…!). Nhưng vì họ mà cái vật liệu “nhựa” này đã mang tiếng oan rồi…
Ra Hà Nội tìm chỗ làm xưởng đóng tàu, anh G. vấp phải một khó khăn không ngờ, là cả dọc hai bờ sông Hồng chạy qua thành phố Hà Nội không có lấy một bến tàu nào còn hoạt động, và cũng không có trong quy hoạch luôn! Bờ sông, nơi thông thường là “mặt tiền”, là điểm sáng của mọi thành phố văn minh thì ở Hà Nội bị băm vụn, bị làm nhếch nhác thành những tụ điểm tập kết cát sỏi, đá xây dựng, quán xá… Và quan trọng nhất là hai bên bờ, thậm chí cả bãi bồi đã được các tập đoàn BĐS lớn ‘xí phần” hết rồi! (Một câu hỏi rất lớn chờ sự giải quyết của chính quyền thành phố nhiệm kỳ này đấy…). Không còn cách nào nữa anh và đồng sự phải tìm xưởng đóng tàu mà thuê lại, cũng chả thiếu đâu Vinashin đầy xưởng đang không có việc làm, nợ hàng nghìn tỷ… và thế là anh thuê lại của chính Vinashin, tất nhiên cũng phải tìm cách thích hợp để giải quyết vì theo “cơ chế” thì cơ sở của nhà nước có chết đói cũng không được đem cho thuê! Sản phẩm đầu tay là chiếc ca nô không lớn lắm, anh xin phép ra hồ Trúc Bạch chạy thử, nó “phi” nhanh quá vọt cả lên bờ, may không vỡ nhưng động cơ thì hỏng! Đến những chiếc sau anh xin thử ở hồ Tây thì rất ổn, ai đã đi rồi đều khen là rất bám nước, “như xe Mercedes” – không hề xóc!
Lúc đó bắt đầu chương trình đóng tàu cá vỏ sắt cho bà con bám biển, ưu đãi về lãi suất và điều kiện vay – anh quá hiểu đây là cố gắng lớn của chính phủ để tạo điều kiện cứu vớt con tàu đắm Vinashin – nhưng anh G. (cũng như khá nhiều chuyên gia trong ngành) đã thấy trước rằng “yêu nhau thế bằng mười hại nhau”! Thì mấy ngày hôm nay đây Bộ Nông nghiệp và các ban ngành liên quan họp hành liên tục để giải quyết vấn đề hàng nghìn tàu đắt tiền đóng ra, ngư dân không sử dụng được, lại đổ cho bên đóng tàu không chuẩn, nguyên liệu thiết bị không phù hợp… nói chung là cả một vòng luẩn quẩn. Thì đấy, mấy năm trước anh đã làm biết bao hội thảo, chuyến đi khảo sát về việc với công nghệ “nhựa PPC” này châu Âu họ cho phép đóng những con tàu dưới 24m, thừa sức đáp ứng những đòi hỏi mà tàu sắt với gỗ nằm mơ cũng chả thể làm được. Thậm chí những tàu lớn hơn cũng có thể đóng được, với thiết kế thép với nhựa cùng kết hợp – như vậy sẽ làm gì có trường hợp tàu mới đóng chưa đầy năm mà vỏ đã rỉ sét không sử dụng được (có tàu vỏ sắt còn chìm ngay khi chưa nghiệm thu!). Nhưng các đại diện Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông nghiên cứu mãi rồi lại quay lại điểm xuất phát: “Tại sao tây nó không làm đi?”.
Biển Đông căng thẳng đâm ra nhu cầu tàu xuồng cao tốc cho lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển trở nên rất lớn, và quân đội tìm thấy cứu cánh ở nơi “tàu nhựa” của anh G. Tất nhiên cũng phải khảo nghiệm chán chê, nhưng tính năng của vật liệu này thật tuyệt vời đối với những con tàu cần tốc độ và độ bền như vậy. Đăng kiểm của ngành đã chấp nhận, xưởng của anh làm ngày đêm không hết việc cho những đơn hàng của quân đội…
Nhưng anh vẫn đau đáu không quên những con tàu vỏ sắt, những bà con ngư dân không ra biển được mà lại mắc nợ tiền tỷ với ngân hàng. Lại hội thảo, thuyết trình, thử nghiệm… lại câu hỏi “Châu Âu chấp nhận, nhưng vì sao…?”. Chưa có một lãnh đạo nào bên đăng kiểm xuống xưởng các anh để xem cụ thể nó là vật liệu gì, tàu gì. Không cho đăng kiểm, mặc dù với quan hệ cá nhân anh đã báo cáo với rất nhiều lãnh đạo cao cấp về sản phẩm của mình, và họ đều chờ đến ngày sản phẩm của anh đến được tay ngư dân. Không cho đăng kiểm mặc dù anh quen trực tiếp với ba đời bộ trưởng giao thông gần đây, và họ đều hỏi anh có cần giúp đỡ gì không? Không cho đăng kiểm, mặc dù cảnh sát biển đã dùng 2 năm nay quá hài lòng rồi, còn bác Ba Dũng thì đã từng cưỡi cái xuồng này của các anh ở Kiên Giang đi ra Phú Quốc…
Đi thử thuyền trên sông Hồng với tốc độ 70-80 km/h, ngồi trong cabin điều hòa mát lạnh anh chỉ cho tôi những con tàu ọp ẹp chắc có cùng tuổi thơ với tôi, 2 chiếc tàu Vinashin đang cạo gỉ định kỳ… anh bảo tôi anh sẽ không “chạy” đăng kiểm, cũng như anh đã không xin một m2 đất nào – việc anh làm là ích nước lợi nhà thì chính nhà nước phải tạo điều kiện cho anh mới đúng. Vật liệu này mở ra cho nước ta một ngành sản xuất và xuất khẩu lớn lắm đấy, chả khác gì ngành gia công đồ gỗ đâu chẳng hạn – những con tàu đóng tại Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đến với các nước Asean, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn, Úc… Xưởng sản xuất sạch bóng, hoàn toàn không có bụi bặm, mùi sơn, thậm chí không ồn! Đến cắt xẻ ở đây là công nghệ cắt bằng tia nước rất hiện đại, “tây” quản lý về công nghệ, còn lại là các công nhân ta cặm cụi lắp ghép như mấy ông thợ mộc ở làng nghề…
Câu chuyện dài, rất nhiều bài học, mọi sự còn tiếp diễn… Tiếp sau những chiếc xuồng này sẽ là nhà chống lũ – cũng làm bằng vật liệu này cực tốt, nhưng cũng sẽ lại có “rào cản” do ai đó đang làm bằng những vật liệu khác, theo họ là tốt lắm đấy, còn làm bằng nhựa này thì lại “Thế giới đã có ai làm chưa?” Anh bảo tôi đừng có đưa ảnh anh lên làm gì, anh là ông về hưu rồi nhưng vẫn chưa được yên mà thôi, ước mơ của anh vẫn là đưa được những chiếc tàu cá “nhựa PPC” này đến tay ngư dân, họ chính là những người bám biển. Chia tay anh tôi thay mặt những người bạn của lính đảo Trường Sa tặng anh một cây bàng non – giống bàng quả vuông huyền thoại của đảo xa nhất An Bang. Nhiều người nói bàng vuông trên cạn không sống được đâu nhưng tôi tin anh trồng sẽ được, cũng như tin rằng các con tàu của anh sẽ còn bơi đi, rất xa…
PS. Anh G là một trong những học sinh xuất sắc nhất của lứa năm xưa, nhưng đúng năm đó có một chủ trương của “bác Bảo” mang tính thực nghiệm rất gây tranh cãi: giữ lại một số học sinh giỏi để đào tạo trong nước để “ta” đào tạo rồi sau này so sánh với những sinh viên tương tự nhưng được “đi tây” để xem ưu nhược của giáo dục đại học trong nước so với “tây” thế nào? Anh G là một trong những học sinh “số đen” ấy… Tôi cũng có biết mấy người anh nữa cũng “đen” tương tự, và không biết trước kia chủ trương này có được thống kê, tổng kết rút kinh nghiệm gì không, nhưng bây giờ họ đều đã trên dưới 60 và phải nói rằng (tôi tự “tổng kết”) đa số đều thành công, đều rất có ích cho xã hội. Vậy nên “ta” cũng làm được nhiều thứ đấy, kể cả thứ khó như giáo dục! Có đủ quyết tâm mà làm không thôi…
Ảnh: tàu của anh G. đỗ cạnh 2 tàu rỉ sét của Vinashin, tất nhiên là vẫn có đăng kiểm như thường…
__________
(*) “độc nhất vô nhị”, hay “[chỉ] có một không hai” theo cách luận về số đẹp của dân chơi biển số xe hay số điện thoại (BVN chú giải).
Nguồn: https://www.facebook.com/namhhn/posts/1428051310590135