Nguyễn Đình Cống
A. Giới thiệu
Ngày 03/6/2017 T.Ư Đảng ban hành 3 nghị quyết (NQ) về kinh tế.
Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Nghị quyết số 12-NQ/TW về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Các lần trước, sau khi đọc đi đọc lại vài lần một nghị quyết nào đó của Đảng tôi đi đến kết luận: “mới đọc qua thấy có vẻ đầy đủ và hợp lý, nhưng càng đọc càng phát hiện ra nhiều thứ vô bổ và sai lầm”. Lần này, đọc xong cả 3 NQ, cảm tưởng hoàn toàn ngược lại: Đọc lần 1 chỉ thấy NQ là một đống ngôn từ văn hoa, trộn lẫn một rừng khẩu hiệu đao búa, những ý tưởng chung chung, trống rỗng và cũ rích. Đọc kỹ lần thứ hai, thứ ba, cố đãi cát lấy vàng thì cũng tìm được một vài ý mới, ví như: vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng… Nhưng đó là mới với Đảng mà quá cũ đối với thế giới. Ngay ở VN, cách đây trên hơn thế kỷ, các bậc tiền bối trong Đông Kinh Nghĩa Thục đã chủ trương kinh tế tư nhân là then chốt. Thôi thì cứ chấp nhận cách nói của Đảng, làm sai rồi, làm hỏng rồi, sửa sai, làm theo cách cũ thì gọi là đổi mới. Nhưng hãy phân tích xem, với 3 NQ ấy liệu Đảng có thể đưa dân tộc “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” để đưa nước ta trở thành “nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020” và trả được món nợ khổng lồ hàng trăm tỷ đô la.
Viết bài này tôi nêu một số nhận xét và phản biện, hy vọng có thể nêu ra vài ý kiến để những ai quan tâm đến các loại nghị quyết có thế cùng trao đổi.
B. Tóm lược nội dung 3 NQ
Về hình thức cả 3 NQ có cấu tạo giống nhau, mỗi NQ gồm 4 đoạn (I; II; III; IV), mỗi đoạn gồm các đề mục (1; 2; 3…) như sau:
I- Tình hình và nguyên nhân
1. Qua một thời gian (15 năm, 30 năm…) Đảng ta luôn quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, rút ra các bài học kinh nghiệm,…
2. Tuy nhiên,…còn phạm phải nhiều thiếu sót, sai lầm.
3. Những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân khách quan và chủ quan…
II- Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu
1. Quan điểm chỉ đạo.
2. Mục tiêu tổng quát.
3. Mục tiêu cụ thể (NQ 11 và 12 ghép mục 3 vào 2 và ghi: Mục tiêu cụ thể đến năm 2020; Mục tiêu đến năm 2030).
III- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Đây là phần cơ bản và các NQ có nội dung khác nhau. NQ 10 có 5 mục, NQ 11 có 7 mục, NQ 12 có 5 mục.
IV- Tổ chức thực hiện
1. Đảng đoàn Quốc hội…
2. Ban cán sự Đảng Chính phủ…
3. Ban Kinh tế Trung ương…
4. Ban Tổ chức Trung ương…
5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
6. Ban Tuyên giáo Trung ương…
C. Một số nhận xét chung cho 3 NQ
Toàn văn các NQ khá dài, số chữ vào khoảng sau: NQ 10: 6300 chữ; NQ 11: 7600; NQ 12: 7800. Đọc xong NQ có cảm tưởng như người soạn thảo cố tình viết cho thật dài để chứng tỏ trình độ cá nhân hoặc tầm quan trọng của NQ.
Đoạn I- Tình hình và nguyên nhân. Cách trình bày của 3 NQ giống nhau. Mục 1 nêu thành tích, ưu điểm, mục 2 nêu thiếu sót, nhược điểm, mục 3 trình bày nguyên nhân. Mục 1 và 2 trình bày chung chung, phạm phải lỗi ngụy biện kiểu “lập lờ đánh lận”, nhằm xoa dịu mọi người. Mục 3 chỉ nêu được vài nguyên nhân gần, dễ thấy, đổ lỗi cho nhận thức và trình độ kém, việc tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, người đứng đầu tổ chức thiếu gương mẫu, hiệu quả thanh tra, kiểm tra kém, suy thoái tư tưởng và lối sống v.v… Đó chỉ là các nguyên nhân rõ ràng, hời hợt. Chưa dám vạch ra các nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân cơ bản do lỗi của hệ thống, của thể chế. Kiểu tìm nguyên nhân một cách loa qua, hời hợt như thế chỉ làm thỏa mãn được những trí tuệ nông cạn mà không vạch ra được nguyên nhân gốc để khắc phục. Tôi cho rằng những nguyên nhân được nêu trong các nghị quyết là không sai, nhưng chưa đúng, chưa trúng. Phải tìm nguyên nhân gốc từ trong thể chế và đường lối chung. Tôi sẵn sàng tham gia đối thoại với các nhà lý luận của Đảng để tìm ra đâu là nguyên nhân gốc rễ của mọi nhược điểm trong phát triển kinh tế. Theo tôi, nguyên nhân gốc rễ nằm trong sự độc tài toàn trị của Đảng.
Đoạn II và Đoạn III- Sẽ phân tích riêng cho từng NQ ở phần sau.
Đoạn IV- Tổ chức thực hiện. Cả 3 NQ đều thống nhất giao nhiệm vụ cho các tổ chức của Đảng và Mặt trận Tổ quốc, nội dung đoạn này cũng giống với nhiều NQ khác. Đảng đoàn Quốc hội lo làm luật, Ban cán sự Đảng Chính phủ… lo xây dựng kế hoạch, Ban Tuyên giáo tổ chức học tập v.v… Lại phổ biến, học tập, thảo luận. Không biết có phải viết thu hoạch và làm kiểm điểm hay không. Những việc này được Tuyên giáo cho là rất quan trọng, phải tiến hành thật nghiêm túc. Thực tế chứng tỏ những việc như vậy có tác động chủ yếu là hành hạ đảng viên, lãng phí thời gian và công sức, lợi ít hại nhiều.
Ngoài các tổ chức của Đảng, NQ nào cũng lôi kéo Mặt trận TQ vào làm vai trò bung xung trong việc giám sát thực hiện NQ. Tôi đã có nhiều năm tham gia công tác Mặt trận và rất nghi ngờ việc giám sát này. Có thể là đã có tổ chức Mặt trận, phần nối dài của Đảng, thì phải giao nhiệm vụ cho qua chuyện, chứ biết chắc là Mặt trận cũng chẳng làm được gì đáng kể.
D. Quan điểm chỉ đạo của NQ số 11
Trong mục 1, đoạn III có ý cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (KTTTĐHXHCN) là nền kinh tế vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Quan điểm “Xây dựng và hoàn thiện thể chế KTTTĐHXHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng…, đổi mới mô hình tăng trưởng…”. Quan điểm này tỏ ra không vững vàng, thiếu tự tin. Cái đuôi định hướng thật ra là một sự chắp vá gượng ép, chỉ nhằm làm thỏa mãn sự nhận thức hời hợt, sự bảo thủ ý thức hệ của một số ít người trong nước đã mắc bệnh nghiện XHCN. Khi ra thế giới chúng ta không dám thò cái đuôi ấy. Vì sao vậy? Vì không tự tin, vì các nước dân chủ không công nhận. NQ viết “là khâu đột phá quan trọng,… đổi mới mô hình tăng trưởng”. Có thật vậy không khi trên 20 năm nay theo đuổi KTTTĐHXHCN và bây giờ vẫn tiếp tục, đột phá chỗ nào. đổi mới chỗ nào?
Quan điểm “tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa…” thực chất là đặt nền kinh tế dưới sự quản lý chặt chẽ của ĐCSVN. Đây là một mâu thuẩn không thể khắc phục khi mà ĐCS vẫn kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê.
Quan điểm “hoàn thiện thể chế kinh tế đi đôi với hoàn thiện thể chế chính trị mà trọng tâm là đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và cán bộ”. Đây có thể là một chiêu lập lờ đánh lận. Hiện nay có nhiều ý kiến đề xuất, đã đến lúc đổi mới lần 2, đó là đổi mới thể chế chính trị mà cốt lõi là kiến tạo nền dân chủ với tam quyền phân lập. NQ đưa ra khái niệm “Hoàn thiện thể chế chính trị…” phải chăng để dỗ những người nhẹ dạ cả tin rằng Đảng đang đổi mới lần 2?
E. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của NQ số 11
Đây là phần chính, chiếm khoảng 3/4 số chữ của NQ. Trên kia tôi viết, đọc qua một lần thấy mỗi NQ là một đống ngôn từ văn hoa, một rừng khẩu hiệu là về vấn đề này. Nó trình bày đủ mọi thứ của đời sống xã hội, những điều mà mọi người đã quá bị nhàm chán do nghe quá nhiều, đọc quá nhiều về tiến bộ, công bằng, quyết tâm, đẩy mạnh, tiếp tục, hoàn thiện v.v… mà thực tế cuộc sống một phần nhỏ nhích lên theo kiểu rùa bò, còn phần lớn theo kiểu giật lùi từng bước, sụp đổ từng bộ phận. Xin phân tích một số điều mục trong đoạn này.
1. Thống nhất nhận thức về nền KTTTĐHXHCN ở nước ta.
Nhận thức chủ yếu là sự phản ảnh thực tế vào đầu óc con người. Nền KTTTĐHXHCN ở nước ta vốn chưa từng tồn tại, thế thì lấy cái gì để phản ảnh. Thực chất nó là sản phẩm của tư duy gán ghép. Ừ, thì tư duy cũng đem đến nhận thức, nhưng nó phải được kiểm chứng. Thử lấy một ý: “Nền KTTTĐHXHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Đây là một sự quy kết vô căn cứ. Tôi thách đố Hội đồng Lý luận TƯ, kể cả những nhân vật cao cấp nhất của Đảng chứng minh rõ ràng luận điểm này.
2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp.
3. Hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường.
4. Hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
5. Hoàn thiện thể chế đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Bốn mục 2; 3; 4; 5 vừa nêu đều nhằm “hoàn thiện thể chế”, có nghĩa là sửa đổi, làm thêm các văn bản: luật pháp, thể chế, chính sách, cơ chế, chương trình, chế độ. Dưới mỗi luật lại phải có thêm nghị định và thông tư. Sẽ có thêm một rừng luật và văn bản mới để rồi trong thực tế phần lớn chỉ dùng một luật rừng. Kinh nghiệm của thế giới cho hay việc tổ chức thi hành luật quan trọng hơn việc ban hành nhiều văn bản pháp luật. Lãnh đạo Việt Nam thích làm ngược lại hay là chỉ có thể làm ngược lại: lo ban hành thật nhiều luật còn việc tổ chức thi hành thì ít quan tâm.
Có một điều lạ là trong nhiệm vụ và giải pháp của nền kinh tế có điều: “Đẩy mạnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Phát triển y tế, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Phải chăng viết như thế để chứng tỏ sự quan tâm toàn diện của Đảng?
6. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò xây dựng và thực hiện thể chế kinh tế của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoàn thiện thể chế KTTTĐHXHCN.
Việc Đảng lãnh đạo làm cách mạng là thuộc về quá khứ. Trong xây dựng xã hội hòa bình, hình như khái niệm “đảng lãnh đạo” chỉ còn trong vài nước do cộng sản khống chế, còn lại, khái niệm phổ quát hơn là “đảng cầm quyền”. ĐCSVN vẫn khăng khăng là đảng cách mạng, giữ vai trò lãnh đạo mà không biết, không chịu chuyển thành một đảng chính trị cầm quyền. Muốn lãnh đạo được phải có đội ngũ tinh hoa, phải có một luận thuyết tiến bộ, lại phải có cơ chế thu thập thông tin ngược để điều chỉnh. Thế mà hiện nay ĐCSVN đều thiếu cả 3 thứ đó. Thế thì càng lãnh đạo càng dẫn dân tộc vào con đường bế tắc. Thà rằng cứ để cho thị trường tự điều tiết.
7. Một số nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Từ nay đến năm 2020, cần hoàn thiện một số thể chế như: Huy động, phân bổ các nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách đột phá tháo gỡ vướng mắc, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, hiệu quả quản lý và năng lực kiến tạo của Nhà nước, phương thức lãnh đạo của Đảng, kiểm soát quyền lực v.v…
Phải chăng đây chỉ là thu gọn một số nội dung các mục 2; 3; 4; 5; 6? Theo tôi cái cần nhất là tổ chức các cuộc đối thoại để làm rõ khái niệm KTTTĐHXHCN, là xử lý xong các cơ sở kinh tế làm ăn thua lỗ, là làm trong sạch môi trường chứ không nên quá tập trung vào công việc văn bản.
F. Quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp củ NQ 10, 12
Bài viết đã khá dài, tôi xin để các vấn đề này lại trong một bài khác tiếp theo.
G. Kết luận
Cũng giống như nhiều NQ khác của Đảng, 3 NQ vừa nêu được viết khá dài dòng, thể hiện trình độ yếu kém, không biết là của người soạn thảo hay của người chỉ đạo. Đó là nhìn về phương diện hình thức. Còn về nội dung? Trên đây chỉ mới phân tích sơ qua NQ số 11, thấy rằng phần lớn nội dung chỉ là sản phẩm của tư duy bàn giấy, mà lại là những tư duy lỗi thời, sáo vẹt, chủ yếu là sao chép qua lại giữa các văn bản. Có lẽ Đảng đã quá quen với cách làm việc phải dựa vào NQ, không có NQ thì không thể làm gì, không biết làm như thế nào. Vì vậy để làm việc gì cũng phải có NQ. Mà những người chuyên soạn thảo NQ đã quá quen với các lối mòn, không có được tư duy sáng tạo. Người ta nói vui rằng, nếu thế giới mở cuộc thi hoặc tìm kỷ lục về viết NQ thì VN chắc chắn đạt giải nhất về mặt số lượng, còn về chất lượng sẽ bị loại ngay từ vòng sơ tuyển.
Hội đồng lý luận (HĐLL) nên tìm cho ra người đầu tiên nghiên cứu, đưa ra khái niệm KTTTĐHXHCN để cùng nhau viết ra một quyển sách, có cơ sở lý thuyết, có thực tế minh họa, có định nghĩa rõ ràng, có quy luật chi phối, có các quan hệ, các ảnh hưởng, cách vận hành v.v… Đó là nói khi HĐLL có đủ niềm tin. Nếu như thế thì không những viết thành sách mà còn lập thành lý thuyết kinh tế để đóng góp vào kho tàng lý luận của thế giới. Trước đây lý thuyết “Làm chủ tập thể” đã bỏ lỡ mất dịp tốt đưa ra để thế giới tham khảo và đánh giá. Nhưng nếu như HĐLL còn chưa đủ lòng tin vào KTTTĐHXHCN thì xin tạm cắt cái đuôi cho nhẹ nhàng.
Ở đâu ra cái đuôi ghép vào “kinh tế thị trường”? Vào ngày 22/1/2017 tôi có viết bài “Sự tích cái đuôi định hướng”, cung cấp một số thông tin. Nếu HĐLL tìm ra được nguồn khác chính xác hơn thì cũng nên công bố để mọi người biết gốc gác của khái niệm KTTTĐHXHCN chứ nó không tự trên trời rơi xuống hoặc từ dưới đất mọc lên.
Dự đoán rằng, sau khi tuyên truyền rầm rộ trên các phương tiện thông tin của Đảng, sau khi bỏ nhiều công sức để học tập một cách loa qua thì rồi vì những việc khác quan trọng và cấp thiết hơn lôi kéo mà các NQ sẽ trôi vào quên lãng, để cho thị trường tự điều chỉnh như không có NQ nào chi phối.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.