Từ nhóm lợi ích du lịch

Phạm Đình Trọng

Con người có nhu cầu khám phá và soi mình vào cái đẹp. Cái đẹp ở những kì quan. Kì quan của thiên nhiên và kì quan do con người tạo ra. Cái đẹp ở những nền văn hóa của loài người và những nét văn hóa của cuộc sống. Vì vậy con người đã rời bỏ nếp sống yên ổn, đầy đủ, nề nếp và cũng nhàm chán hàng ngày, khoác ba lô lên đường đến những miền đất lạ. Những chuyến đi đó được gọi là du lịch.

Làm du lịch là đáp ứng nhu cầu được khám phá, được soi mình vào cái đẹp của khách du lịch. Khám phá sự phong phú, đa dạng, độc đáo của thiên nhiên, khám phá tài năng sáng tạo của con người ở những miền đất lạ và khám phá bản sắc văn hóa của những cộng đồng dân cư sống trên những miền đất lạ đó.

Người làm du lịch đích thực phải biết phát hiện ra những nét đẹp, nét độc đáo, riêng biệt của thiên nhiên từng vùng miền, giữ gìn, bảo tồn và chỉ có thể tôn tạo, làm nổi bật, làm phong phú thêm nét độc đáo của thiên nhiên. Không được phép can thiệp thô bạo, xâm hại, phá vỡ nét đẹp, nét độc đáo của tự nhiên. Càng không được phép thay thiên nhiên thứ nhất thăm thẳm kì vĩ do tự nhiên sáng tạo ra bằng thiên nhiên thứ hai trần trụi ô trọc do thẩm mĩ thô thiển và lợi ích cục bộ của con người thế vào làm thương tổn và hủy hoại tự nhiên.

 

Vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Vẻ đẹp kì vĩ, thăm thẳm, huyền bí của động Sơn Đoòng, Quảng Bình. Vẻ đẹp vừa hùng vĩ tráng lệ với núi cao biển rộng, với non xanh nước biếc, vừa kín đáo sâu thẳm với màn sương bảng lảng, quấn quít trong rừng ngàn tuổi, với đàn voọc hoang dã như từ ngàn xưa lạc đến hôm nay thoắt ẩn thoắt hiện giữa ngàn xanh Sơn Trà, ngay sát cạnh thành phố trẻ trung Đà Nẵng… Đó là tài sản, là vốn liếng vô giá, là giá trị vĩnh hằng, là sức sống bền vững của du lịch Việt Nam.

Với bản qui hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Tổng cục Du lịch của nhà nước cộng sản Việt Nam đang âm thầm nhưng hối hả phá rừng, bạt núi, đào hố đổ bê tông xây dựng bốn mươi biệt thự du lịch nghênh ngang ở bán đảo Sơn Trà. Bê tông hóa bán đảo Sơn Trà, những đầu óc tối tăm và tham lam đang hăm hở thực hiện một tội ác với non sông đất nước Việt Nam, với hôm nay và muôn đời con cháu người Việt ngày mai: tàn phá thiên nhiên đất nước. Tàn phá thiên nhiên để làm du lịch là bằng chứng về sự ngu dốt, phản du lịch, phản văn hóa của quan chức quản lí nhà nước về du lịch.

Bốn mươi biệt thự du lịch đang nghênh ngang mọc lên nơi non xanh nước biếc Sơn Trà còn mang bóng dáng của những nhóm lợi ích du lịch, biến tài sản của đất nước, của nhân dân thành tài sản của riêng nhóm lợi ích du lịch. Như họ đã biến những bãi biển tuyệt đẹp của đất nước, của mọi người dân Việt Nam ở Mỹ Khê, Đà Nẵng, ở Mũi Né, Phan Thiết, ở Phú Quốc, Kiên Giang thành bãi biển của riêng nhóm lợi ích du lịch. Như nhóm lợi ích nhà binh đã biến đất dự trữ của sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Gia Lâm thành sân golf, thành nhà hàng, thành biệt thự cho thuê thu lợi mỗi tháng hàng chục tỉ đồng cho những người mang đất quốc phòng, mang tài sản nhà nước ra kinh doanh kiếm lợi riêng. Vì thế họ quyết bảo vệ cho những biệt thự lô cốt bê tông giữa non xanh nước biếc Sơn Trà như những vị tướng quyết bảo vệ sự tồn tại ngang trái của những sân golf thênh thang trong sân bay Tân Sơn Nhất chật chội, kẹt cứng.

Phá rừng, bạt núi, đào móng, xây biệt thự du lịch ở Sơn Trà cũng giống như san bằng nền động Sơn Đoòng, bạt nhũ đá xây cung điện trong hang động ngàn xưa Sơn Đoòng. Tàn phá được thiên nhiên gấm vóc Sơn Trà, xây được lô cốt biệt thự du lịch Sơn Trà, rồi những cái đầu ngu tối, tham lam lại có quyền lực nhà nước sẽ xây cung điện trong động Sơn Đoòng chỉ là một bước ngắn.

Người làm du lịch chân chính lên tiếng phản bác bản qui hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, bê tông hóa một vùng non xanh nước biếc, phản bác sự ngu dốt, phản du lịch, phản văn hóa của những quan chức nhà nước làm du lịch liền bị quyền lực nhà nước quản lí du lịch đòi xử lí, dùng quyền lực, dùng mệnh lệnh hành chính trù dập, loại bỏ tiếng nói từ lẽ phải của người làm du lịch chân chính. Đó là sự lộng hành của tăm tối có quyền lực.

Khi những nhóm lợi ích đã liên kết, ăn chia với quyền lực nhà nước, tất yếu sẽ chi phối quyền lực nhà nước, thì sự lộng hành của tăm tối có quyền lực là không giới hạn. Sự lộng hành đó không phải chỉ có ở cơ quan quản lí nhà nước về du lịch. Đã nhiều năm rồi người dân nghèo Việt Nam phải chịu giá xăng cao ngất ngưởng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhóm lợi ích xăng dầu. Vậy mà quyền lực nhà nước vẫn chằm chặp bảo vệ nhóm lợi ích xăng dầu, vẫn thản nhiên đứng về phía nhóm lợi ích bất lương, vẫn hăm hở, quyết liệt nâng thuế môi trường đánh vào xăng dầu từ 3000 đồng lên 8000 đồng một lít, chồng chất thuế cao, phí nặng lên đầu người dân, vỗ béo nhóm lợi ích xăng dầu làm giầu bằng chính sách giá và thuế của quyền lực nhà nước.

Đất nước đang thoi thóp hấp hối trong sự quản lí của những nhóm lợi ích mà nhóm lợi ích lớn nhất mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì lợi ích của Đảng Cộng sản, đất nước bị mất lãnh thổ, mất đất biên cương, mất biển, mất đảo, xã hội mất dân chủ và người dân mất quyền làm người, mất quyền công dân.

Người dân không có quyền con người, không có quyền công dân. Đất nước không còn sức mạnh vô tận của dân và xã hội không còn sức đề kháng. Đất nước chìm trong bạo lực và tội ác. Tội ác tàn phá thiên nhiên gấm vóc của dải đất Việt Nam không phải chỉ diễn ra ở Sơn Trà mà đang ào ạt diễn ra trên khắp đất nước thương yêu của chúng ta.

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.