“Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi 4)

Ai ơi bưng bát cơm đầy…

Ca dao

Tương Lai

Quả vậy, cái bát cơm đầy của cuộc đời tôi đã thụ hưởng đúng là vừa thơm dẻo vừa đắng cay. Thế nên, ngồi trước bàn phím để viết tiếp một bài về Việt Phương chẳng hiểu sao lại cứ vương vấn trong tâm tưởng về câu ca dao kia khi nhớ đến một đúc kết của Anh về người nông dân gửi cho tôi thôi thúc phải tiếp tục dấn bước sau “tai nạn nghề nghiệp” của Báo cáo về “sự kiện Thái Bình 1997”. Và rồi cũng chẳng biết tại đâu mà cái “dòng sông trôi bình thản/ khoan thai trong bảng lảng bóng hoàng hôn” trong bài thơ mở đầu tập “Cửa Mở” của Việt Phương lại “rỏ tình quê xuống tâm hồn” tôi vào những buổi hoàng hôn bảng lảng ấy.

Bảng lảng như hôm nay đây ngồi nhớ đến Anh, người tôi yêu quý.

Vậy mà tôi đâu định viết về “bảng lảng bóng hoàng hôn” của thơ của Việt Phương! Tôi lại không hề muốn viết về “Việt Phương – Thơ” vì nhiều lẽ. Trước hết vì tôi quá dốt nát về thơ cho dù anh đã tặng tôi tất cả những tập thơ của anh đã in. Trên giá sách tôi đã có hơn 10 cuốn với lời đề tặng rất thân thiết, lại có phần trang trọng khiến tôi khá lúng túng. Có lần anh chép ra giấy, chữ nắn nót rất đẹp rồi kẹp thêm vào cuốn thơ đã đề tặng bài “Mời”, cho dù cũng cùng tên bài “Mời” này đã có trong hai tập thơ khác của anh nhưng khác nội dung. Đem đối chiếu, tôi thấy ý tứ bài chép tay này hình như gửi gắm được nhiều điều anh muốn nhắn gửi cho người đọc thơ anh, nhưng phải chăng trước hết là cho tôi, nhất là câu mở đầu “học nhìn thời thế từ dân”!

Ấy là tôi suy theo cảm nhận rất chủ quan để tự “vơ vào” chứ tôi nào có biết anh còn chép gửi cho những ai nữa tôi đâu có hay. Tệ nhất là tôi lại rất ít trả lời anh về những cảm nhận của tôi về thơ anh. Họa hoằn lắm chỉ gửi đến Anh đôi câu đại loại như “Tg thích câu mở đầu này”, “Tg không thích câu ấy vì nó rắc rối đa ngôn quá, không VP tí nào”, “Có lẽ nên thay từ… này bằng từ… này, là Tg nghĩ thế, vì theo cảm thụ riêng thì như thế e hay hơn” cũng có khi là “Tg khoái câu này:“Trên đầu ngọn cỏ triết học nằm nghiêng/Cắt mấy lát riềng mà kho khúc cá”. Rất thú vị với cái nghiệp của mình” …

Viết thế thì thà đừng viết còn hơn. Nhưng tính tôi thế, thôi thì cứ bỗ bã vậy với người mình thân quý, khỏi vòng vo. Mà tôi biết Việt Phương sẽ tủm tỉm để nghĩ về những huỵch toẹt thẳng thừng ấy của tôi, người mà anh hiếm khi khen, thay vào là những lời chê “thân ái” và cũng đôi khi, ít thôi, gay gắt thật bất ngờ tôi sẽ có dịp nói đến sau! Điều này hình như ngược với sự nhỏ nhẹ, mềm mại trong cách ứng xử của anh đối với mọi người. Có lẽ vì vậy mà tôi thật sự thấm thía được chia sẻ với anh “Bước qua cay đắng ngọt bùi. Khắc đi khắc đến một thời gặp nhau”.

Vì, chúng tôi gặp nhau không qua thơ, mà chủ yếu là qua sự gặp gỡ tình cờ cũng chẳng tiện dài lời. Đúng hơn cả là qua sự dìu dắt, giúp đỡ của Anh đối với hoạt động nghiên cứu và tham dự vào một số công việc có dính dáng đến chuyên môn xã hội học trên chiều cạnh văn, sử triết của tôi mà Việt Phương nhận rõ những chỗ mạnh chỗ yếu để chỉnh sửa hay phát huy. Từng cột mốc trong hoạt động của tôi (từ cuối năm 1953, trừ một quãng tên tuổi Việt Phương nổi như cồn thì tôi tạm “kính nhi viễn chi” cho đến nạn “Cửa mở” đã có dịp nói đến trong một bài viết) đều có bóng dáng của Anh. Đến khi tôi “gặp nạn” sau “Báo cáo Thái Bình” rồi từ chức Viện trưởng, chúng tôi gắn bó với nhau hơn, đặc biệt là trong việc tiếp tục nghiên cứu về chủ đề “nông thôn, nông dân” anh càng giục giã và tiếp thêm sinh lực cho tôi dồn sức nghĩ, sức viết về chủ đề này.

Không chỉ giục giã bằng sự động viên, nhắc nhở mà còn bằng một đúc kết trí tuệ giúp tôi đi sâu nghiên cứu về “Mười cái nhất của người nông dân: Cống hiến nhiều nhất. Hy sinh lớn nhất. Hưởng thụ ít nhất. Được giúp kém nhất. Bị đè nén thảm nhất. Bị tước đoạt nặng nhất. Cam chịu lâu dài nhất. Tha thứ cao cả nhất. Thích nghi tài giỏi nhất. Năng động khôn ngoan nhất”. Thế rồi hôm nay, nhân “sự kiện Đồng Tâm 2017”, nghĩa là đúng 20 năm sau “sự kiện Thái Bình” tôi ngồi gặm nhấm lại để suy ngẫm về đúc kết rất trí tuệ mà chan chứa tình cảm về người nông dân Việt Nam câu ca dao kia gợi lên.

Hai mươi năm, bao nhiêu nước chảy qua cầu!

Bồi hồi khớp nối “những mảnh ghép của cuộc sống” bắc ngang qua một thân phận cá nhân của cái tôi rất riêng tư để ngẫm suy về thời cuộc mà hiểu ra những mối đa đoan chằng chịt giữa tangười, giữa riêngchung, giữa thanh caotởm lợm những mong sao có thể “gặp chân trời” mà không phải “đắm đuối” để “lặn xuống sâu”! Vì quá khó mà “được là người mê muội” như anh mong! Hôm nay đây trong sự “bảng lảng” của “bóng hoàng hôn” hiu quạnh dõi nhìn về phía chân trời xa mà nghĩ đến Anh, tôi nhớ lại ánh mắt trầm tư và giọng hơi nghẹn lại của Anh: “Biết Tg đang đặt trọng tâm nghiên cứu về nông thôn, nông dân, mình gửi cho Tg và các bạn ý tưởng về chủ đề này. Tg hãy xem như đây là sự đúc kết của Tg từ sự trải nghiệm trong nghiên cứu xã hội học của chính mình và của những người gắn bó máu thịt với đồng ruộng quê hương, nông dân, nông thôn.

Nếu tôi không nhớ nhầm thì người đầu tiên tôi kể lại những điều trên là anh Lê Huy Ngọ. Trong một Hội thảo khoa học về chuyên đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, anh Ngọ tham dự với tư cách là một chuyên gia vì lúc này anh đã thôi không làm Bộ trưởng. Buổi trưa nghỉ lại ngay bên ngách hội trường, hai chúng tôi nằm trên hai cái bàn đối đầu sát với nhau để tiện nói chuyện, anh Ngọ khen về sự đúc kết mười cái nhất của người nông dân tôi vừa trình bày. Tôi cười nói lại, đó chính là ý tưởng sâu sắc của anh Việt Phương trao cho tôi, cũng là một món nợ khoa học tôi phải đeo đuổi để trả không biết bao giờ mới xong.

Người thứ hai đánh giá rất cao đúc kết về “Mười cái nhất” của Việt Phương là giáo sư, viện sĩ Đào Thế Tuấn. Sau buổi làm việc tại Ban Nghiên cứu ở số 8 Lê Hồng Phong dạo ấy, anh Tuấn bảo tôi lên xe cùng về nhà anh ăn cơm trưa. Anh cười “Hôm nay bà nhà tôi muốn mời anh ăn bữa cơm Huế”. Tôi xúc động bởi tấm lòng của anh chị dành cho mình để gợi nhớ những kỷ niệm xưa. Thân mẫu của anh Tuấn vốn quen biết mẹ tôi từ lâu mà mãi sau này anh Tuấn cũng như tôi mới biết khi cả hai cụ đều đã quy tiên.

Trong bữa cơm, anh Tuấn nói về người bạn thân của mình, anh Việt Phương. “Anh ấy là một người toàn năng. Riêng với việc suy ngẫm để đúc kết về mười cái nhất của người nông dân thì một người đeo đuổi sự nghiệp nghiên cứu nông nghiệp, nông thôn như tôi đánh giá rất cao. Không có một trái tim yêu thương gắn với một cái đầu uyên bác, cùng với bề dày của vốn sống, không làm được điều ấy đâu”. Nhắc lại chuyện cũ, tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh người bạn vong niên, nhà nông học hàng đầu của đất nước với tác phong xuề xòa, chân chất đã dạy cho tôi những bài học vỡ lòng về đề tài nông thôn, nông dân để chúng tôi xác định tâm điểm nghiên cứu của Viện Xã hội học buổi ấy. Mỗi lần đi nước ngoài về, hầu như lần nào anh cũng mang về trao cho tôi những thông tin, tư liệu mới nhất về xã hội học liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu của chúng tôi mà anh vừa có được.

Rất tiếc là anh Đào Thế Tuấn đã ra đi cũng như anh Việt Phương, đều không được chứng kiến để suy ngẫm về “Sự kiện Đồng Tâm” mà thấm thía hơn về “mười cái nhất” của người nông dân Việt Nam! Người nông dân vùng Sơn Nam Hạ cổ xưa ven bờ con sông Đáy hiền hòa ấy nay là xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội là minh chứng sống động cho sự đúc kết của Việt Phương, rõ nhất là sự “Cam chịu lâu dài nhất. Tha thứ cao cả nhất. Thích nghi tài giỏi nhất. Năng động khôn ngoan nhất”.

Trong nhận thức của tôi thì “Sự kiện Đồng Tâm” là cột mốc ghi nhận một bước ngoặt có ý nghĩa đột phá của những biến động dữ dội và dai dẳng của người nông dân vốn “Cống hiến nhiều nhất. Hy sinh lớn nhất. Hưởng thụ ít nhất. Được giúp kém nhất. Bị đè nén thảm nhất. Bị tước đoạt nặng nhất ” đã quyết liệt đấu tranh giành quyền sống, mà trước hết là giành lại ruộng đất, khát vọng ngàn đời của họ đã bị tước đoạt một cách tàn nhẫn và trắng trợn nhân danh cho đủ thứ danh nghĩa ngụy tạo, vừa lừa mị vừa hài hước.

Đáng sợ nhất và cũng là ê chệ nhất là mệnh đề “đất đai là sở hữu toàn dân”.

Hình ảnh cụ Kình, một lão nông tri điền quắc thước và hiền hòa với 82 tuổi đời, 60 tuổi Đảng, từng làm bí thư Đảng ủy xã vào những năm 1980, được người dân trong xã kính nể vì sự hiểu biết, minh mẫn và kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng tại địa phương, người hiểu rõ những khuất tất mờ ám trong chuyện ăn cướp và chiếm dụng đất ở Đồng Sênh như thuộc lòng bàn tay, khiến người ta phải tìm cách trấn áp, bịt miệng, là ví dụ tiêu biểu nhất cho minh chứng sống động đó. Dân thôn Hoành trân trọng và quý mến gọi cụ là “Bác Hồ thứ hai của chúng tôi”, người đã bị nhà cầm quyền lừa gạt một cách hèn hạ để bắt giữ và làm gãy chân phải đưa vào bệnh viện chạy chữa trong cả tuần lễ nói lên rất nhiều điều mà e rằng vào thời điểm này đang tạm phải vượt khỏi khả năng diễn đạt của ngôn từ.

Người ta hèn hạ dụ cụ cùng một số người đưa đi chỉ mốc lộ giới tại khu vực đất Đồng Sênh, khu vực đất đang tranh chấp để đo đạc nhằm xác định ranh giới giữa đất quốc phòng đang giao cho công ty Viettel và đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, rồi bất ngờ vật ngã, trói lại vứt lên xe. “Họ bắt đi cả năm người. Không hề có lệnh bắt người gì hết. Lúc đó là khoảng hơn 10 giờ sáng” như lời kể lại của dân thôn Hoành đã cho thấy ở đây không chỉ là sự hèn hạ, mà còn là sự tráo trở, bất lực và rối loạn, mất kiểm soát của bộ máy bạo lực đang năm bè bảy mối hiện nay. Và rồi Thông tấn xã Việt Nam và một số báo lớn ở Hà Nôi đưa tin vào chiều 16.4.2017 rằng Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm. Tin cho hay Công an Thành phố đã “bắt giữ bốn công dân” liên quan đến vụ này.

Cái kết thúc “có hậu” của “sự kiện Đồng Tâm” sau mười hai ngày “rào làng chiến đấu, nếu chết thì cả làng cùng chết” để cho ra đời tờ biên bản viết tay của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trên tờ giấy được xé ra từ cuốn vở học trò có dấu điểm chỉ thay cho con dấu quyền lực mà ngài không tiện dắt lưng khi về làm việc với dân xã. Cái kết thúc có hậu ấy dường như đóng lại một thời đoạn và mở đầu cho một thời đoạn mà cả hai đều cần phải xem xét để đặt đúng tên! Chắc vì thế mà trong chuyện này tuyệt đối không thấy bóng dáng của ông Tổng Trọng! Một chút tăm hơi, đại để như vài lời phát biểu với cử tri “trăm năm nữa chắc cũng chưa có Chủ nghĩa xã hội”, hay “nếu để xảy ra đụng độ thì có ngồi đây được mà bàn chuyện Đại hội Đảng”, hoặc “đánh chuột đừng để vỡ bình”, “chống tham nhũng là ta đánh ta…” vào những thời điểm gay cấn ê chệ trước đây, cũng không. Mà thận trọng là phải. Người thích nói về phép biện chứng, chắc ông ta hiểu được đúng kiến thức abc chuyển biến về lượng dẫn đến thay đổi về chất (nhưng cũng phải nói thêm rằng đó chỉ là kiến thức sơ đẳng abc thôi, vì quy luật “lượng đổi dẫn đến chất đổikhông bao quát hết cách thay đổi về chất trong tự nhiên, hơn nữa còn tùy thuộc vào cách vận dụng trong những phạm vi khác nhau).

Sự kiện Đồng Tâm”, là một bước chuyển dòng quan trọng trên dòng sông cuộc sống với những đợt sóng trào, những chao đảo dữ dội qua nhiều đoạn thác ghềnh, những gấp khúc đột ngột của cuộc chiến đấu bền bỉ, khi thầm lặng, khi gào thét trong cuộc chiến đấu giữ đất suốt trong cả chiều dài lịch sử. Đặc biệt là khi họ đứng lên dưới khẩu hiệu “người cày có ruộng” để làm nên những biến động long trời lở đất. Cụm từ “đất nước” giàu tính biểu tượng trong ngôn ngữ và tâm hồn Việt về “Tổ quốc” thiêng liêng riêng đối với người nông dân thì lại có nội hàm rất cụ thể. Không chỉ đẹp trong hình tượng “Ôm đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng” (“Đất nước Nguyễn Đình Thi) mà sống động nơi làng quê, khắp thôn cùng xóm vắng. Không một thế lực nào có thể dập tắt được khát vọng ngàn đời của người nông dân suốt đời phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để giữ lấy từng tấc đất vốn là tấc vàng của cha ông họ xưa kia và của chính họ hôm nay. Khi tước đoạt mảnh đất bao đời thấm đẫm máu và mồ hôi của người nông dân, thì kẻ đi tước đoạt dù ẩn nấp dưới danh nghĩa nào, trưng lên cái chiêu bài nào cũng đều phải đối diện với lòng phẫn nộ và sự phản kháng quyết liệt của người nông dân.

Ông Nguyễn Mạnh Can trao đổi với tác giả

Oái oăm nhất và cũng là bi kịch nhất là khi “đất nước rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa” (“Đất nước” – Nguyễn Đình Thi) với máu người nông dân thấm đẫm bùn đã rũ ra ấy, thì với việc khẳng định “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” trong Hiến pháp 1983 và rồi được khẳng định lại trong Hiến pháp 2013 thì đúng là “Đảng đã phản bội lại người nông dân” như phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương, đang là Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Kiến tạo và Khởi nghiệp Việt Nam trong cuộc Hội thảo tại Hà Nội dạo tháng 4.2017 vừa rồi.

Đã đến lúc phải nói lên cái sự thật trần trụi và oái oăm này.

Hãy dẫn ra đây một vài đoạn trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 4.5.2017:

“…Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, người dân chỉ được quyền chuyển đổi hoặc chuyển nhượng khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (điều 188, khoản 1, mục a, Luật Đất đai 2013). Thậm chí, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện còn bị phạt tiền và buộc phải phục hồi nguyên trạng đất đai (điều 13, Nghị định 102/2014/NĐ-CP). … Trên thực tế, rất nhiều thửa đất nông nghiệp chưa bao giờ được cấp giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, hộ gia đình, cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác và đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận không có tranh chấp (điều 179, khoản b; điều 190, Luật Đất đai 2013). …điều 12 Luật Đất đai 2013 cấm nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức quy định và khi Nhà nước thu hồi đất Nhà nước sẽ không bồi thường về đất đối với diện tích đất ngoài hạn mức… Điều 188, khoản 3 quy định: “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”. Như vậy, nếu cán bộ địa chính vì lý do nào đó chưa đăng ký giao dịch đất đai vào sổ địa chính sau khi giao dịch đã diễn ra thì bên nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, nhận thế chấp không được bảo vệ. Quy định này khiến cho cán bộ địa chính có quyền lực lớn trong việc đảm bảo giao dịch đất đai, họ có thể làm chậm giao dịch hoặc tiếp tay cho người có đất chuyển nhượng, thế chấp với nhiều bên khác nhau.… điều 12 Luật Đất đai 2013 cấm nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức quy định và khi Nhà nước thu hồi đất, Nhà nước sẽ không bồi thường về đất đối với diện tích đất ngoài hạn mức. Rõ ràng là Luật Đất đai góp phần tạo rủi ro cho giao dịch đất đai và quyền tài sản của công dân… Quyền tài sản với đất đai của nông dân còn bị xâm phạm bởi chính các cơ quan nhà nước. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhận xét, một quyết định hành chính chuyển mục đích sử dụng đất làm đất đai “đẻ ra tiền”. Đó là nguồn cơn của rủi ro tham nhũng… “Luật Đất đai 2013 cho thấy, chúng ta còn tăng quyền lực nhiều hơn cho cơ quan quản lý. Đó là sai lầm của cách tiếp cận của Luật Đất đai 2013”

Nói “sai lầm trong cách tiếp cận” chỉ là một cách nói mà nhà khoa học vốn là một quan chức đã tế nhị làm giảm bớt tính gay gắt khi Luật Đất đai 2013 được soạn thảo ra trong sự chi phối của các nhóm lợi ích muốn khai thác triệt để mệnh đề “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” để nhanh chóng thông qua quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhằm “hiện đại hóa” việc “cơ cấu lại nền kinh tế” để bằng quyền lực Nhà nước, “người đại diện cho sở hữu toàn dân” đó mà thâu tóm nguồn lợi bất động sản, khiến cho việc tích tụ tư bản của thời tích lũy sơ khai và hoang dại xưa kia được khoác một tấm áo mới của “giải tỏa, đền bù” bằng những thủ đoạn tuyên truyền bịp bợm gắn liền với bạo lực qua việc cưỡng chế nhân danh luật pháp! Khi mà “quốc gia công thổ” lại được trao cho người đại diện nhà nước tại địa phương quản lý, nhân danh “sở hữu toàn dân” để người nắm quyền lực tha hồ thao túng thì việc “các quan xã, quan huyện ẵm toàn những mảnh đất vàng”, là chuyện dễ hiểu.

Cái sự thật oái oăm và bi thảm “chết đuối người trên cạn mà chơi” ấy diễn ra triền miên ở nông thôn khắp cả nước bởi “lực hút của đất” mà người đang viết bài này trình bày khá kỹ trong nhiều bài đã viết. Chỉ cần gợi lên mấy đột biến từ “Sự kiện Thái Bình” năm 1997 qua chuyện bà Ba Sương của Nông trường Sông Hậu năm 2008 đến Đoàn Văn Vươn của Cống Rộc, Tiên Lãng năm 2012… đã đủ để phơi bày những vết nhơ lịch sử liên quan đến đất đai với khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Chính khẩu hiệu ấy gắn liền với sư nghiệp giải phóng dân tộc đã tạo ra tạo động lực thúc đẩy cuộc chiến đấu giành độc lập, thống nhất. Cho nên, sự phản bội lại người nông dân, chủ lực quân của cách mạng, cũng là sự phản bội lịch sử của đất nước. Sự phản bội ấy không thể biện hộ, dù với bất cứ thủ đoạn gian manh nào.

Thật ra, cái chuyện cũ rích này kéo dài mấy thập kỷ rồi, nhưng nói như nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, người đã có mặt trong nhóm nhân sĩ trí thức đến trao Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 2013 tại trụ sở 37 Hùng Vương, Hà Nội: “Hễ có vướng mắc nào phát sinh thì người ta lại an ủi lẫn nhau rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng mọi sai lầm đều từ đó mà ra”. Ông giải thích rõ, từ sau 1980, Hiến pháp và Luật đất đai đã được sửa đổi nhiều, nhưng riêng điều khoản về chế độ sở hữu đất đai vẫn giậm chân tại chỗ. Vì sao? Vì “nhiều người không dễ dàng “buông” quy định này, bởi cơ chế “nhà nước quản lý” mang lại không ít nguồn lợi hấp dẫn cho một bộ phận quan chức và nhà đầu tư.

Mãi về sau này, từ “những mảnh ghép của cuộc sống” tôi càng hiểu thêm lời động viên của anh Việt Phương năm ngoái (2016) khi biết là hàng năm sau 1977 tôi cùng mấy anh em vẫn về Thái Bình để tiếp tục tìm hiểu những vấn đề đặt ra trong “Báo cáo khảo sát xã hội học về sư kiên Thái Bình” theo yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt dạo ấy: “Tốt lắm, Tương Lai nên tiếp tục đề tài nông dân, nông thôn chừng nào còn đủ sức đi, sức nghĩ và sức viết để giữ lời hứa với anh Tô, anh Sáu Dân và anh Văn”. Chính vì điều này nên tôi phải viết tiếp “những mảnh ghép của cuộc sống” xoay quanh chủ đề “vấn đề dân cày”mà tôi hiểu ra vì sao dạo ấy, tuy biết tôi định “trốn”, Việt Phương vẫn động viên tôi đến trình bày với anh Văn về “báo cáo Thái Bình”.

Bìa cuốn Vấn đề Dân cày đưa tặng Đại tướng Di bút của Đại tướng ghi tặng để động viên tác giả đang “gặp nạn”

Vấn đề dân cày mà Qua Ninh và Vân Đình đặt ra từ năm 1938 dường như vẫn còn nguyên đấy ạ, thưa Anh”. Tôi mở đầu buổi báo cáo về “Sự kiện Thái Bình” với Đại tướng Võ Nguyên Giáp như vậy năm 2003. Ông hỏi lại “Thế anh có đọc cuốn sách ấy à?”. Tôi đáp “Thưa anh, đề tài nông dân, nông thôn là vấn đề số một trong nghiêu cứu của Viện Xã hội học chúng tôi đấy ạ, tôi vẫn còn giữ được cuốn sách ấy”. Ông rất vui khi tôi hứa sẽ gửi biếu ông cuốn sách mà trong tủ sách riêng của ông không có, tôi sẽ chỉ giữ bản photo mà Đại đã đưa cho tôi.

Duyên do là dạo ấy ông đến nghỉ ở Cửa Lò, Nghệ An, và chúng tôi, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cũng tổ chức một Hội thảo Khoa học với sự tài trợ của Quỹ Nghiên cứu của Canada. Tình cờ gặp anh Việt Phương và tôi trên bãi biển, ông yêu cầu chúng tôi đến thăm và trao đổi với ông. Buổi đầu anh Việt Phương đến, tôi trốn. Nhưng rồi anh Việt Phương gặp tôi sau buổi chiều đến thăm Đại tướng về: “Anh Văn bảo Tương Lai chiều mai đến chơi và trình bày cho anh ấy về “Báo cáo Thái Bình”. Thôi chịu khó đi, cứ nội dung như đã trình bày vói anh Tô mà nói, không phải chuẩn bị gì”.

Tôi vốn đã hiểu mối quan hệ thân tình giữa Việt Phương với vị tướng huyền thoại ấy. Anh Việt Phương đã gửi cho tôi “Mấy vần thơ buông” của Đại tướng tặng mừng Việt Phương 60 tuổi năm 1988, trong ấy anh Việt Phương hóm hỉnh viết lại dòng chữ của Đại tướng: “Tương lai thuộc về chúng ta, trẻ mãi, trẻ mãi, trẻ mãi…” nên tuy định “trốn” nhưng rồi tôi cũng rất hào hứng đi gặp người mà tôi kính trọng và yêu mến. Hơn nữa, lại có dịp trình bày vấn đề “tủ” của mình.

Thật ra thì mối quan tâm của Đại tướng với chuyên đề ông yêu cầu tôi trình bày liên quan tới “Vấn đề dân cày” mà ông và ông Trường Chinh (với bút danh vừa nhắc) viết năm 1938 vẫn nung nấu trong vị tướng huyền thoại vốn hiểu rất rõ sức mạnh của người nông dân, chủ lực của quân đội cách mạng đã góp phần máu xương lớn nhất làm nên những chiến công lịch sử của dân tộc. Trong một cuộc họp do Ban Dân vận Trung ương tổ chức quãng 1999 để trao đổi rút bài học về “điểm nóng” Thái Bình, Đại tướng đã đến và chỉ ra rằng: “Thái Bình chỉ là một thôi, nếu chúng ta tiếp tục quay lưng lại với dân như thế này, quên đi những đóng góp, gian khổ của dân, thì ngay ở cả miền Núi phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên… nếu sau này có sự biến gì xảy ra, không ai chắc là đồng bào sẽ tiếp tục bảo vệ chúng ta đâu”!

Nhắc lại những chuyện này, tôi muốn gắn kết “Sự kiện Thái Bình” năm 1997 với “Sự kiện Đồng Tâm” tháng 4.2017 vừa rồi. Nếu so sánh với “Sự kiện Đồng Tâm” diễn ra trên quy mô một xã với khoảng hơn 6000 dân thì “Sự kiện Thái Bình” có quy mô toàn tỉnh, rộng hơn nhiều với năm huyện (trong tổng số sáu huyện và một thị xã) có khiếu kiện tập thể, với hàng vạn người tham gia, đẩy tới những đụng độ có tính bạo lực ngày càng dâng cao ở cả hai phía, người nắm quyền lực và dân. Hệ lụy của “Sự kiện Thái Bình” năm 1997, nếu chỉ nhìn vào những con số đơn thuần của thống kê sau đây: kỷ luật khiển trách 21 cấp ủy, cảnh cáo 12 cấp ủy, đình chỉ công tác 1.040 cán bộ, trong đó có gần 40 cán bộ thuộc diện Trung ương và tỉnh quản lý; 560 cán bộ do huyện, thị quản lý, thay thế 237 cán bộ chủ chốt của xã; khởi tố 51 vụ án tham nhũng gồm 148 bị can; truy tố 47 vụ, với 120 bị can. Đồng thời cũng đưa ra xét xử 10 vụ với 105 bị cáo phạm tội gây rối trật tự trị an. Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở những con số đó.

Tôi nhớ lại hôm trình bày với Đại tướng khi tôi đưa ra nhận định rằng “mâu thuẫn cơ bản ở nông thôn Miền Bắc và chắc là không chỉ Miền Bắc, vấn đề nông dân và khát vọng ngàn đời của họ vẫn còn nguyên đấy”, ông ngắt lời: “Sao? Phiêu [tức là Tổng bí thư Lê Khả Phiêu hồi ấy – Tương Lai] vừa nói với tôi là vấn đề đã giải quyết xong rồi mà”.

Tôi thưa với ông: “Dạ không phải vậy đâu ạ, xin phép Anh cho tôi nhắc lại điều tôi đã viết trong bản “Báo cáo”:

Khi cái nhọt đã bục vỡ, nếu biết cách xử lý, nỗi đau sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều và phần cơ thể nhiễm khuẩn sẽ lành mạnh trở lại. Ðiều ấy là dễ hiểu song không dễ chấp nhận, không dễ có một thái độ dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật với một sự dũng cảm mổ xẻ, phân tích để tìm ra đúng nguyên nhân. Nếu không tìm ra đúng nguyên nhân của sự kiện, chỉ dừng lại trên bề mặt của hiện tượng, đối phó bị động và tạm thời bằng những giải pháp chắp vá, thì nhất thời có thể tạm yên được sự bùng nổ, nhưng cái đẩy tới sự bùng nổ thì vẫn còn nguyên, thậm chí còn nung nấu thêm”.

Tôi nhắc lại ý của Cố vấn Phạm Văn Đồng khi nghe tôi giải thích rằng “không có chuyện “địch-ta”, chuyện “bàn tay phá hoại, xúi giục của những phần tử xấu”, đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. “Hôm ấy, Bác Tô ngồi trầm ngâm suy tư, rồi Ông dằn giọng bác bỏ ý kiến của tôi:Những kết luận của anh mâu thuẫn với sự kiện mà anh chứng minh, hay là anh còn tránh né, với tôi mà anh vẫn còn ngại không nói hết à?

Phải nói rõ đó là mâu thuẫn giữa nhân dân và những người cầm quyền hư hỏng ức hiếp nhân dân. Nói đúng bản chất của sự việc thì mới tìm ra giải pháp đúng, hợp lòng dân. Một nhân dân tốt đến thế như anh trình bày, thì phải khẳng định như vậy. Phải như vậy mới có thể đề ra giải pháp đúng được” (Tương Lai, “Cảm nhận và Suy tư”, 2015, tr. 90).

Bắt tay ông ra về, tôi tự nghĩ thầm “Điều này khiến cho Phạm Văn Đồng sẽ là người cô đơn giữa một đám quần thần cơ hội và thiển cận!”.

Tôi trình bày tiếp với Đại tướng, sau khi từ chức Viện trưởng Viện Xã hội học vào tháng 12.1997, hàng năm, tôi vẫn cố gắng về lại Thái Bình, nhằm tiếp tục đề tài nghiên cứu về “nông thôn, nông dân” trong hoạt động nghiên cứu của chúng tôi, đương nhiên chỉ có thể nghiên cứu định tính chứ không khảo sát định lượng được vì khả năng quá hạn chế về tự túc kinh phí và người tham gia, tuy vậy chúng tôi cũng nắm được những nét cơ bản. Xin tóm tắt vài ý chính tôi đã trao đổi với anh Việt Phương và anh ấy nói là tôi nên trình bày với Anh.

Cả hai bên đều mỏi mệt vì cuộc bạo động tự phát: người cầm quyền thì thân tàn ma dại, có người bỏ làng đi tít vào Tây Nguyên lập nghiệp nhưng rồi cũng vất vưởng, có người thì nằm bẹp ở nhà trong đôi mắt nghi ngờ, lãnh đạm của chòm xóm, và nói chung là đều tàn tạ, nhường chỗ cho một lớp quyền lực mới lên nắm những vị trí của mình một cách khôn ngoan và ranh ma hơn nhiều bậc đi trước. Phía bên kia, những người tham gia vào vụ bạo động thì cũng ê ẩm mình mẩy, có người đi tù 5 năm về (như bà H., một phụ nữ ngoài 50, sống độc thân, thất học, đi tù vì một câu chửi mà mọi người đều nghe được, trở thành “nhân chứng vật chứng không thể chối cãi”: “Đánh bỏ mẹ thằng Hm đi” [Hm là chủ tịch xã]. Khi tôi gặp lại bà, bà chỉ gật đầu chào, lầm lì không nói gì cả, chỉ thở dài ngao ngán.

Phần lớn những người tham gia bạo động đêm 26, rạng sáng 27 tháng 6.1997 năm ấy tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ thì im lặng, cam chịu và chôn sâu những phẫn uất cũng như những trải nghiệm bột phát đã làm bùng lên ngọn lửa để bị dập tắt ngay và chỉ còn lại đống tro tàn của bài học chua xót. Tuy nhiên, mâu thuẫn nội tại thì vẫn còn trầm tích lại đó, ngày càng vón cục lại chứ không thể tan đi được”.

Tôi chìa tấm ảnh những người cầm quyền xã An Ninh đã dựng hiện trường giả để vu cho dân đã đập tượng Bác Hồ nhằm quy kết những “phần tử phản cách mạng” cho những hành vi quá khích của một số người dân đêm 26 và ngày 27 và nói vui với Đại tướng rằng, vì tấm ảnh này mà tôi “sụn vai” với niềm vui của Tổng Bí thư Đỗ Mười để rồi ông tặng tôi một cái vỗ vai “thân mật” ê ẩm cả vai: “Đúng là chúng nó láo dám vu cho dân, dân nào đập tượng Bác Hồ khi tôi trình bày với ông về vấn đề Thái Bình”!

Xác minh bằng hình ảnh ghi lại “hiện trường giả” được tạo ra để vu vạ cho dân đập tượng Bác Hồ

Tôi tự kiềm chế để không nói thêm với Đại tướng về hệ lụy phức tạp hơn rất nhiều từ bản “Báo cáo Thái Bình…” này để thêm bận lòng Ông. Chuyện này tôi đã viết ra trong “Cảm nhận và Suy tư” như sau: “Vào cuối năm 1997, không biết từ ai mà bác Tô biết được tôi đang gặp rắc rối về chuyện “Báo cáo Thái Bình” bị lọt ra ngoài và người ta toan tính khép tôi vào tội làm gián điệp, bán tài liệu mật cho CIA. Từ chỗ hứa với tôi sẽ nhanh chóng làm rõ âm mưu trả thù của một cán bộ dưới quyền vì tôi không ký tăng hai bậc lương cho anh ta đã dàn dựng ra chuyện này, ông Đ H N, Ủy viên Trung ương Đảng, người sẽ là thủ trưởng cơ quan, không hiểu vì sao đã quay ngoắt 180 độ thông báo với tôi “Anh Tương Lai ạ, án tại hồ sơ, tôi không thể làm gì được”.

Sau này thì tôi mới biết l‎ý do khá bí hiểm của chuyện tồi tệ ấy nhưng không cần thiết phải kể ra đây làm gì. Phạm Văn Đồng chắc biết chuyện đó, nên sau buổi làm việc, ngoài tôi ra, ông gọi thêm anh Năng cùng nghe và nói rành rọt: “Tương Lai về tuyên bố công khai giữa cuộc họp toàn thể cơ quan rằng Phạm Văn Đồng cùng chịu trách nhiệm với Tương Lai về bản Báo cáo Thái Bình và về việc tiếp tục thực hiện cuộc nghiên cứu này”. (Anh Nguyễn Tiến Năng mà tôi vừa thấy trên tivi chắc còn nhớ rõ chuyện này).

Mãi ba năm sau, khi Ông mất, tôi bay ra Hà Nội viếng tang, tình cờ gặp người học trò cũ của tôi đang giữ trọng trách trong ngành công an tôi mới biết được phần nào những uẩn khúc trong chuyện phức tạp này: “Thầy ơi, chút nữa thì thầy trò không nhìn được mặt nhau”, anh HVL nói với tôi, “em đâu biết thầy là Tương Lai, em chỉ nhớ tên thầy dạo thầy dạy em ở trường Chu Văn An những năm sau tiếp quản Thủ đô. Vừa qua, em có tiếp nhận một báo cáo về vụ án gián điệp, bán tài liệu mật cho CIA của ông Tương Lai, Viện trưởng Viện Xã hội học. Em trả hồ sơ yêu cầu làm lại vì không đủ chứng cứ cần thiết. Nếu em không đọc kỹ, chỉ lướt xem qua rồi k‎ý để chuyển qua Viện Kiểm sát thì dù có sự quyết liệt của cụ Phạm Văn Đồng thì e rằng gỡ chuyện của thầy cũng mất thời gian đấy”. Tôi sực nhớ câu Nguyễn Công Tạn nói với tôi tại buổi làm việc tại phòng anh ấy khi anh hẹn gặp tôi để bàn chuyện nghiên cứu Thái Bình. Lúc ấy anh Tạn là Phó Thủ tướng, Tổ phó Tổ Công tác của Bộ Chính trị điều tra về vụ Thái Bình mà Phạm Thế Duyệt, Thường trực Thường vụ Bộ Chính trị, là Tổ trưởng.

Với tôi, anh Tạn là chỗ thân tình đã lâu, sau này hiểu nhau khi cùng chia sẻ những vấn đề về nông dân và nông thôn, lại biết được đôi chuyện thuộc loại “thâm cung bí sử” nên anh mới nhắc tôi lưu ‎ý khía cạnh tế nhị và phức tạp mà tôi chưa thấy ra của công việc nghiên cứu độc lập với tư cách một nhà xã hội học mà ông Sáu Dân giao cho tôi về sự kiện Thái Bình vốn đã có hướng kết luận sơ bộ từ cấp cao. Tôi rùng mình nghĩ đến bối cảnh mà ĐHN buộc phải quay ngoắt 180 độ với tôi: Bức thư của Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị ngày 9.8.1995 đang gặp rất nhiều phản ứng, rồi vụ án Nguyễn Hà Phan kết thúc ngày 17.4.1996! Mà Nguyễn Hà Phan lại chính là phương án được dựng lên để quyết hất Võ Văn Kiệt ra khỏi cái ghế Thủ tướng”.

Bây giờ thì tôi mới đoan chắc điều tôi nghĩ từ lâu là Việt Phương chứ không thể ai khác đã báo cáo với bác Tô về hiểm họa tôi đang phải đương đầu khi thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tổ chức thực hiện một nghiên cứu độc lập mang tính khoa học để hiểu rõ bản chất của “Sự kiện Thái Bình” mà không chấp thuận một kết luận từ một định kiến có sẵn về âm mưu phá hoại, kích động quần chúng gây nên những khiếu kiện tập thể lan nhanh và ngày càng bạo liệt cần phải kịp thời trấn áp. Việt Phương hiểu rất rõ tính phức tạp của hệ lụy đối với cá nhân một thân phận quá nhỏ bé như tôi trong cơn lốc chính trị kéo dài! Tôi lại càng không hiểu cơn lốc ấy ngày càng xoáy sâu hơn sau câu chuyện “Thành Đô” khởi đầu kịch bản cho “một thời kỳ Bắc thuộc lần 2” như Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo.

Việt Phương ngồi bên trái Võ Văn Kiệt trong buổi chia tay. Việt Phương ngồi bên trái Hoàng Tụy, đối diện Quang A sau cuộc họp IDS

Chắp nối lại “những mảnh ghép của cuộc sống” tôi giật mình nghĩ lại câu chuyện không đâu vào đâu nhưng tại sao người ta lại cố tình quy kết cho bằng được để ghép tôi vào một tội tày đình: “Đồng chí Viện trưởng chống lại Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh”. Thế rồi họp Chi ủy đấu tranh, phê phán để đi đến biểu quyết khi biết chắc số tỉ lệ 3/5 sẽ đưa đến kết tội Viện trưởng để chuyển lên trên! Duyên do của cuộc “đấu tranh phê và tự phê” trong nội bộ Chi ủy Viện Xã Hội học lúc đó là trong một hội thảo khoa học, tôi có phát biểu là “mệnh đề hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” đang được tụng ca là một sự cởi trói, phát huy dân chủ có ý nghĩa động viên tính năng động, sáng tạo từ bên dưới, nhưng nếu từ đó mà tước bỏ vai trò và trách nhiệm của người lãnh đạo thì cũng phải dè chứng rơi vào tính tự phát có hơi hướng “dân túy” mà Lênin đã từng phê phán. May mắn thay, lúc bấy giờ, anh Phạm Như Cương, người đứng đầu Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam biết được động cơ thật sự của vụ “biểu quyết” kỳ quặc ấy, ai đã dàn dựng nên chuyện này nên đã thẳng thừng bác bỏ. Vụ “chống Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh” vì thế tạm được dẹp yên!

Và rồi tôi cũng không để ý chuyện đó nữa vì thấy nó ngớ ngẩn quá. Vả chăng, nhân cách của những người hăng hái tiến hành cuộc “đấu tranh nội bộ dứt khoát phải dẫn tới biểu quyết kết luận” thì tôi đã quá rành, nên cũng không mất thì giờ để bận tâm thêm. Chỉ đến khi, nhân trao đổi về việc tôi kiên quyết từ chức Viện trưởng Viện Xã hội học vào tháng 12.1997, anh Việt Phương hoàn toàn tán thành quyết định của tôi, chỉ sửa lại mấy từ cho mềm mại hơn tí chút trong tuyên bố đọc trước hội nghị công nhân viên chức rồi anh bỗng nhắc lại “Mình nhớ đã có lần Tg kể chuyện biểu quyết việc Tg chống Tổng Bí thư NVL, chuyện ấy không ngẫu nhiên đâu, cho nên cũng đừng dồn hết cho ĐHN”.

Mãi về sau, có dễ đến hai mươi năm tính từ cái kết luận xoay hẳn 180 độ nói trên, đại tá Huyên, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện bảo tôi bay ra Hà Nội trong câu chuyện mà tôi đã viết về “Mỗt lời nhắn gửi” trên “Mênh mông thế sự số 47” ngày 4.10.2016. “…tôi ngỡ ngàng khi thấy Đại tướng đứng dậy: “Bây giờ tôi có việc, hẹn dịp khác sẽ có nhiều chuyện trao đổi với anh. Tôi vẫn chưa quên cái đề tài mà anh trình bày với tôi ở bãi biển Cửa Lò dạo ấy”.

Ông từ tốn nắm tay tôi bước chậm rãi ra khỏi phòng khách. Dừng lại ở bậc thềm Đại tướng nói đủ cho tôi nghe Anh vào nói Sáu Dân về nhà mà nằm”!

Tôi sững lại, thoáng rùng mình, một cảm giác lạnh chạy suốt sống lưng, xúc động nhìn vào mắt ông. Ánh mắt vừa trang nghiêm, vừa hiền hậu hình như cũng đang dành cho tôi. Là tôi cảm thấy thế! “Vâng, thưa Anh, tôi hiểu, tối nay tôi bay vào ngay”.

Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt

…. Sáng sớm hôm sau đến bệnh viện, … Nắm bàn tay hơi nóng và nhơm nhớp mồ hôi của ông Sáu Dân, tôi hỏi thăm sức khỏe, ông cười: “khá lên rồi”. Tôi cúi sát vào ông nói khẽ lời nhắn gửi của Đại tướng. Ông hỏi, “anh ra Hà Nội lúc nào, vừa về à”? “Vâng”, tôi đáp “và cũng chỉ để chuyển có một câu ấy thôi”. Ông lại cười, bình thản: “Thôi được, hôm nay tôi về. Bấy giờ anh về nghỉ đi, lúc nào thong thả sang tôi nói chuyện, mà chẳng cần vội đâu”. Chiều hôm ấy ông xuất viện. Hình như đó là quãng tháng 9 năm 2006 tôi không nhớ chính xác. Hai năm sau thì ông ra đi để lại bao dở dang…”.

Việt Phương hiểu được sự dở dang ấy

Người có biết đời cần người đến thế

Đời cần người lúc này bao xiết kể

Người đừng đi đừng đi đừng đi

Khớp nối lại những mảnh ghép của cuộc sống, tôi càng xúc động nghĩ đến anh.

Việt Phương là thế, cứ lặng lẽ làm những điều anh cho là cần phải làm. Làm những điều lương tâm mách bảo một người cộng sản như anh phải làm. Và làm những điều mà bản lĩnh làm người, “thật người” như anh không được lẩn tránh. Con người ấy dám “thản nhiên bơi ngang ngược giữa dòng xuôi”. Mà thản nhiên bơi ngang ngược được vì con người ấy đã từng trải nghiệm đủ vị dẻo thơm, cay đắng của cuộc đời để có thể

Thấy trong thấy đục thấy gần thấy xa

Thấy chân thành thấy gian tà

Thấy ai đủ rõ, thấy ta thật người

(Bài “Mời” chép tay đã nói ở trên)

Khi tôi bồi hồi khớp nối “những mảnh ghép của cuộc sống” bắc ngang qua một thân phận cá nhân như tôi thì không chỉ để hiểu ra những mối đa đoan chằng chịt giữa ta và người, giữa riêng và chung như tôi viết ở trên, mà còn khiến tôi thấm thía hơn rằng, dù muốn dù không, mình không thể không bị hút vào vòng xoáy của những cơn lốc thế sự trong mênh mông những biến động kéo dài suốt nhiều thập kỷ bi hùng và thảm khốc của đất nước.

Biết như vậy để càng thấy ra rằng, xét cho cùng, những thân phận cá nhân như mình đây cũng chỉ là những mẩu vụn rơi vãi, thừa hay thiếu cũng chẳng đáng gì trong những mảnh ghép kia. Cho dù, do những ngẫu nhiên của lịch sử mà mình được chứng kiến những sự kiện mang ý nghĩa lịch sử thì cũng vậy thôi. Có chăng, thì cũng từ những sự kiện ấy mà nhận thức ra cái quy luật nghiệt ngã của lịch sử. Nhờ đó mà biết cách đón nhận những ân huệ cũng như những phũ phàng mà cuộc đời mang lại, để mong có thể học theo Nguyễn Trãi

Ưu du thả phục ngôn dư hiếu

Phủ ngưỡng tùy nhân tạ bất năng

mà Việt Phương dịch là

Ung dung cứ nói, điều ta thích

Cúi ngẩng theo người, không thể tuân*

Cho nên cứ đĩnh đạc và dung dị mà nói mà viết những điều mình nghĩ, chẳng việc gì phải lụy vào những khuôn thức cũ kỹ mốc meo của thói cơ hội hoạt đầu đang nhâng nhâng nháo nháo kia.

Viết những điều mình nghĩ, để làm gì nhỉ? Để gió cuốn đi.

2.6.2017

Mồng Tám tháng Năm Âm lịch,

Ngày Giỗ Ông Sáu Dân

T. L.

___________

* Tôi mạo muội thêm hai dấu phẩy để rõ ý tôi hiểu và cũng nhằm tỏ bày ý tôi muốn nói.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Tư Liệu. Bookmark the permalink.