Một cựu tù nhân lương tâm nhận thông báo bị tước quốc tịch Việt Nam

Cát Linh, phóng viên RFA

clip_image002

TÔI XIN LONG TRỌNG TUYÊN BỐ: Không cần lăng tẩm, không cần xác ướp, không cần mâm cao cỗ đầy, không cần miếu thờ hoành tráng… chỉ bằng một câu đơn giản: Tôi tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp, nhà giáo Phạm Minh Hoàng đã làm cho họ Phạm nhà chúng tôi trở thành nổi bật trong cả trăm họ. Chí ít là trong ngày hôm nay. Những dòng họ khác, đông nhân khẩu hơn họ Phạm, hãy cố gắng lên. Hua ra!

Phạm Nguyên Trường

clip_image003

Cựu tù nhân lương tâm, Giáo sư Phạm Minh Hoàng. RFA PHOTO

Không có văn bản rõ ràng

Trong nội dung bức Tâm thư [xem ở đây] do Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cựu tù nhân lương tâm, chia sẻ trên trang mạng xã hội ngày 1 tháng 6 cho biết, ông đã bị nhà nước Việt Nam ký quyết định tước quốc tịch Việt Nam vào ngày 17 tháng 05, 2017. Điều này đồng nghĩa với việc từ người mang song tịch Việt Nam và Pháp, ông sẽ chỉ còn là công dân của nước Pháp.

Từng là du học sinh, sinh sống ở Pháp từ năm 1973, đến cuối thập niên 1990 ông trở về nước dạy học tại Đại học Bách khoa Sài Gòn cho đến khi bị bắt vào tháng 8 năm 2010 với tội danh lật đổ chính quyền Việt Nam theo điều 79 Bộ luật hình sự Việt Nam.

Sau khi mãn hạn 17 tháng tù giam, ông được trả tự do vào Tháng Giêng năm 2012 và chịu ba năm quản chế. Dù không được các trường đại học ở Việt Nam nhận giảng dạy, ông tiếp tục những gì đã làm trước đó là mở những lớp dạy tiếng Pháp và kỹ năng mềm cho các em học sinh tại Sài Gòn.

Đến ngày hôm nay, qua nhiều lần đòi hỏi phía Việt Nam cũng chưa cung cấp cho phía Pháp cũng như cho tôi cái văn bản chính thức có chữ ký của ông Trần Đại Quang về việc tước quốc tịch của tôi – GS Phạm Minh Hoàng

Trả lời Đài Á Châu Tự Do vào sáng ngày 3 tháng 6, Giáo sư Phạm Minh Hoàng kể lại sự việc xảy ra cách đây 2 ngày:

“Ông Tổng lãnh sự Pháp có mời tôi lên để trao đổi một số chuyện, thì ông nói là có một tin rất xấu cho tôi, là nhà nước Việt Nam, qua trung gian là Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào ngày 17 tháng 5 đã ký một văn bản tước quốc tịch của tôi, và chuyện này chắc chắn sẽ dẫn đến việc trục xuất tôi ra khỏi Việt Nam vì tôi có song tịch Pháp – Việt”.

Cũng theo lời Giáo sư Hoàng, phía Đại sứ quán Pháp đã đặt vấn đề với Bộ Ngoại giao Việt Nam liệu có cách nào để hoãn, hoặc huỷ quyết định này không? Câu trả lời của Bộ Ngoại giao Việt Nam là một khi Chủ tịch nước đã ký thì phải thi hành.

Tuy nhiên, cho đến khi diễn ra cuộc nói chuyện giữa ông Phạm Minh Hoàng và ông Tổng lãnh sự Pháp vào khoảng 8g30 tối ngày 3 tháng 6, thì cá nhân Giáo sư Hoàng và Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội vẫn chưa nhận được văn bản chính thức có chữ ký của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Theo lời nói của ông Tổng lãnh sự Pháp, Đại sứ Pháp tại Hà Nội chỉ nhận được một tờ giấy do đại diện của Bộ Ngoại giao tại Hà Nội gửi đến thông báo rằng ngày 17 tháng 5, ông đã bị tước quốc tịch Việt Nam và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký.

“Đến ngày hôm nay, qua nhiều lần đòi hỏi, phía Việt Nam cũng chưa cung cấp cho phía Pháp cũng như cho tôi cái văn bản chính thức có chữ ký của ông Trần Đại Quang về việc tước quốc tịch của tôi”.

Từ bỏ quốc tịch Pháp!

Giáo sư Phạm Minh Hoàng chia sẻ rằng đến ngày hôm nay, ông và gia đình vẫn chưa biết sẽ phải như thế nào, vì những gì liên quan đến quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông chỉ được thông tin qua hai lần nói chuyện với ông Tổng lãnh sự Pháp.

clip_image005

Cựu tù nhân lương tâm, Giáo sư Phạm Minh Hoàng. RFA PHOTO

Tuy nhiên, ông cho biết ông và gia đình đã gặp Luật sư để nhờ sự can thiệp về khía cạnh pháp lý.

“Sau những giây phút bối rối thì tôi đã liên hệ với Luật sư để họ trợ giúp pháp lý. Tôi đã đưa hết tất cả những giấy tờ chứng minh tôi có quốc tịch Việt Nam như thế nào, vì cái đó cũng khá quan trọng. Họ trả lời cho tôi là việc của tôi cũng tương đối thuận lợi nhưng cái quan trọng là họ phải có văn bản của Chủ tịch nước ký. Vì văn bản đó sẽ nói nhiều thứ trong đó lắm, và mình phải căn cứ vào những điều đó thì mới có những phản ứng nhất định.

Và ngay cả ông Tổng lãnh sự Pháp cũng nói với tôi là phía Pháp cũng yêu cầu Việt Nam cho họ xin cái văn bản đó để họ có những Luật sư của họ, tiến hành những bước có thể làm được gì cho tôi”.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho chúng tôi biết hai vị Luật sư ông nhờ can thiệp về mặt pháp lý là Luật sư Hà Huy Sơn ở Hà Nội và Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn. Đặc biệt, cựu tù nhân lương tâm, Luật sư Lê Công Định cũng đã liên lạc với Giáo sư Hoàng và cho biết cá nhân ông sẽ theo đuổi vụ việc này.

Cả hai Luật sư, Đặng Đình Mạnh và Luật sư Lê Công Định đều cho rằng có một vấn đề pháp lý trong hồ sơ chứng minh quốc tịch Việt Nam của Giáo sư Phạm Minh Hoàng. Riêng Luật sư Hà Huy Sơn có đưa ra một cách giải quyết mà Giáo sư Hoàng cho rằng khá độc đáo. Ông kể lại:

“Anh Hà Huy Sơn bảo rằng chúng ta có thể xin từ bỏ quốc tịch Pháp luôn, tôi chỉ còn một quốc tịch thôi. Khi đó Chính phủ Việt Nam sẽ không làm gì được cả. Bây giờ họ có quyền bởi vì tôi có hai quốc tịch. Hiến pháp và luật pháp Việt Nam cũng như tuyên ngôn trong các bản quốc tế nhân quyền đều cho phép như thế. Nhưng khi tôi không còn quốc tịch nào ngoài quốc tịch Việt Nam thì nhà nước làm việc này sẽ vi phạm các điều cam kết”.

‘Mong được chết trên quê hương’

Tôi nghĩ là tôi không mất mát gì cả. Cái ước vọng được sống trên quê hương, sống gần gia đình nó quá lớn. Tôi không còn trẻ nữa, tôi cũng không ham muốn tiến thân gì nữa. Tôi chỉ mong được sống và phục vụ ở Việt Nam – GS Phạm Minh Hoàng

Ngay trong ngày 3 tháng 6,  Giáo sư Phạm Minh Hoàng đã viết trên trang cá nhân của ông rằng ông sẵn sàng từ bỏ quốc tịch Pháp. Chia sẻ với chúng tôi, ông nói rằng ông ao ước được “thực hiện giấc mơ của một người Việt Nam bình thường đó là được sống và được chết trên quê hương của mình”.

Và ông biết ao ước này chỉ trở thành hiện thực khi không ai có thể dung biện pháp pháp lý nào để trục xuất ông.

“Tôi nghĩ là tôi không mất mát gì cả. Cái ước vọng được sống trên quê hương, sống gần gia đình nó quá lớn. Tôi không còn trẻ nữa, tôi cũng không ham muốn tiến thân gì nữa. Tôi chỉ mong được sống và phục vụ ở Việt Nam. Tôi đã suy nghĩ và không có gì phải đắn đo.

Tuy nhiên cũng phải như mình nghĩ, có nhiều thế lực hợp tác với nhau để tống tôi ra ngoài. Tôi chỉ là 1 con người nhỏ bé, không quyền hạn gì cả. Mình đứng về lẽ phải nhưng đôi khi phải chịu thua”.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng có nhắc lại lời Luật sư Lê Công Định khi nói về sự việc này, cho rằng trường hợp này sẽ gây rất nhiều chú ý cho giới Luật sư cả nước.

Những Luật sư đại diện pháp lý cho Giáo sư Phạm Minh Hoàng có ý kiến thế nào về trường hợp được cho là chưa từng xảy ra từ trước đến nay?

Vấn đề này sẽ được Luật sư bên Đại sứ quán Pháp và Luật sư Việt Nam can thiệp thế nào?

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng, người có song tịch Pháp – Việt và gửi đến quí vị những diễn tiến mới nhất.

C.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pham-minh-hoang-case-update-06032017151659.html

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.