Việt Nam vận động Bạch Ốc vì lợi ích chiến lược

image

Tổng thống Trump chào đón Thủ tướng Phúc tại Tọa Bạch Ốc, 31/5/2017

Khi Thủ tướng Việt Nam ngồi xuống cùng Tổng thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc vào tuần trước, điều đó phản ánh nỗ lực vận động hành lang có sự phối hợp ăn ý của Việt Nam mà các nước châu Á khác không sánh được.

Điều đó cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng chiến lược mà nước cựu thù của Mỹ giành được trong thời của ông Trump, vào lúc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, đồng thời cũng bất chấp thặng dư tăng lên làm cho những nhân vật Mỹ có thái độ diều hâu về thương mại thấy khó chịu.

Trong số các nhà lãnh đạo châu Á, cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngay sau các cuộc gặp với lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc.

Sợ bị mất các lợi ích an ninh và thương mại từng đạt được trong thời chính quyền của ông Obama, Việt Nam đã bắt đầu vận động hành lang ngay khi ông Trump đắc cử.

Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Đối ngoại và Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã tính toán các lựa chọn”.

Việt Nam đã thu xếp được một cuộc điện đàm giữa hai ông Phúc và Trump hơn một tháng trước khi ông Trump nhậm chức.

Đi đầu trong việc dàn xếp liên hệ là Đại sứ của Việt Nam tại Washington, ông Phạm Quang Vinh, một người lão luyện với những nỗ lực thành công dưới thời chính quyền Obama dẫn đến việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí. Ông Vinh cũng có vai trò quan trọng liên quan đến Hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng ông Trump đã từ bỏ hiệp định này – một bi kịch đối với Việt Nam.

Không như hầu hết các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam duy trì làm việc với một Công ty vận động hành lang ở Washington là Podesta Group. Theo các văn bản của Bộ Tư pháp Mỹ, Việt Nam trả cho công ty này 30.000 đôla một tháng.

Cả Bộ trưởng lẫn Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam đều đã tới Washington. Theo giới ngoại giao và nghiên cứu, những người bạn ở quốc hội Mỹ, các học giả và cả những doanh nghiệp Mỹ lẫn Việt Nam cũng đều đã tham gia giúp vận động.

Thông điệp của Việt Nam được chuyển tới Hội đồng An ninh Quốc gia, cụ thể là tới Matt Pottinger, Giám đốc cấp cao chuyên trách Đông Á, và văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence, cũng như Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.

Việc có một Đại sứ Mỹ là nhà ngoại giao chuyên nghiệp ở Hà Nội cũng giúp ích. Ông Trump đã không thay thế ông Ted Osius, người biết nói tiếng Việt và nằm trong số những quan chức được bổ nhiệm nhờ quan hệ chính trị trong thời chính quyền trước.

‘TRÀN NGẬP MỌI NƠI’

Việt Nam đã tìm kiếm nhiều cách tiếp cận ông Trump.

Ông Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nói: “Họ thực sự tràn ngập mọi nơi và đã cải thiện mối quan hệ một cách toàn diện. Phải đi vào chi tiết mới biết tốt xấu ra sao, nhưng ở thời điểm này, dường như là Hà Nội đã thành công trong hoạt động ngoại giao chủ động”.

Tại Tòa Bạch Ốc, đã có những nụ cười rất tươi. Khi ở bên cạnh ông Phúc, một quan chức cộng sản quan tâm đến thương mại, ông Trump tỏ ra thoải mái hơn so với khi ở bên cạnh các nhà lãnh đạo phương Tây là những người hậm hực về chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông.

Trung Quốc luôn là mối quan tâm gần như đứng đầu của Việt Nam, dù Việt Nam cố tránh tỏ ra lạnh nhạt với nước láng giềng của mình.

Tuyên bố chung với ông Trump cũng ủng hộ Việt Nam tương tự như bản tuyến bố năm ngoái – đặc biệt về Biển Đông, Việt Nam là nước lớn tiếng nhất phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trên thực tế, còn có nhiều hơn thế: có khả năng tàu sân bay Mỹ sẽ thăm Việt Nam, Việt Nam mua thiết bị quốc phòng của Mỹ, và hai nước hợp tác về hải quân và tình báo.

Theo kế hoạch, ông Trump sẽ có mặt ở Việt Nam vào tháng 11 để tham gia hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC).

RẮC RỐI THƯƠNG MẠI

Vấn đề đối với ông Trump là thâm hụt thương mại – mức thâm hụt của Mỹ với Việt Nam năm ngoái là 32 tỷ đôla, là mức cao thứ sáu của Mỹ. Trong bốn tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng hơn 400 triệu đôla so với số lượng nhập khẩu của Mỹ. Khoảng 8 tỷ đôla giá trị của các thỏa thuận mới với các công ty Mỹ được ông Trump khen ngợi trong chuyến thăm của ông Phúc trên thực tế không có nhiều giá trị như thế: ít nhất 5 tỷ đôla trong số đó liên quan đến các thỏa thuận được công bố vào năm ngoái.

Quyết định của ông Trump từ bỏ Hiệp định thương mại TPP với mục đích bảo vệ việc làm của Mỹ không chỉ gây hại cho Việt Nam. Nếu thực hiện hiệp định, thuế má sẽ biến mất. Hiệp định cũng sẽ buộc Việt Nam phải cải thiện việc tiếp cận thị trường có hơn 90 triệu dân – đông dân hơn nước Đức mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn cao hơn gấp 4 lần.

James Fatheree, Giám đốc điều hành về châu Á thuộc Phòng Thương mại Mỹ, nói với Reuters rằng “Cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ TPP sẽ mở ra nhiều thị trường mới cho các nhà xuất khẩu Mỹ”.

Ông Phúc nói với ông Trump rằng ông sẽ tiếp tục cam kết cải thiện quyền sở hữu trí tuệ và luật lao động. Nhưng nếu không có các quy định bao trùm của TPP, sẽ có nhiều điểm cần phải thảo luận.

Những người chăn nuôi lợn ở Hoa Kỳ muốn Việt Nam mở cửa thị trường thịt lợn lớn thứ hai ở Châu Á; các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử đang quan tâm đến việc bị buộc phải đưa các hoạt động thanh toán đi qua kênh độc quyền nhà nước; những hạn chế cản trở việc phát triển quảng cáo trực tuyến; hoạt động mua sắm của chính phủ không rõ ràng.

Tuyên bố của các ông Phúc và Trump đã cho thấy sự phức tạp. Tuyên bố đề cập đến các ngành quảng cáo và dịch vụ tài chính, các sản phẩm an ninh thông tin, nội tạng trắng, ngũ cốc khô để nấu rượu, cá da trơn, tôm, xoài…

Chuyên gia về Việt Nam Jonathan London thuộc Đại học Leiden nói: “Trong khi Mỹ sẽ cố giải quyết sự bất cân đối, mối quan hệ này không chỉ xoay quanh thương mại. Đây là chuyện về trật tự kinh tế và an ninh trong tương lai ở khu vực châu Á”.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-van-dong-bach-oc-vi-loi-ich-chien-luoc/3886204.html

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.