Ông Nguyễn Xuân Phúc. (REUTERS/Kham)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không kịp đi Hoa Kỳ vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm năm 2017 như tin tức được nêu ra bởi Murray Hiebert – cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ. Cũng bởi lẽ đó, ông Phúc đã không thể ghi điểm đối ngoại trước khi ông bước vào Hội nghị Trung ương 5 của Đảng ông – diễn ra vào nửa đầu tháng 5/2017 và đã chấm dứt.
Chỉ còn lại thời điểm cuối tháng 5/2017 là lúc Tổng thống Trump có thể tiếp ông Phúc tại Washington DC.
Đã rõ là có mối liên hệ mật thiết giữa hai chuyến đi cùng mục tiêu của Phạm Bình Minh và Nguyễn Xuân Phúc. Khoảng thời gian từ lúc trang facebook của Chính phủ Việt Nam “đánh tiếng” để Thủ tướng Phúc “sẵn sàng đi Mỹ” cho tới thời điểm chuyến đi “tiền trạm” Hoa Kỳ của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ có 40 ngày – một kỷ lục so với các cuộc thu xếp ngầm trước đây của giới ngoại giao Việt Nam để tổ chức những chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7 năm 2013 và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 năm 2015.
Nhưng xem ra, sự vụ vẫn còn quá ngổn ngang. Từ sau chuyến của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vào cuối tháng 4/2017, cho tới giờ vẫn chẳng thấy hé lộ bóng dáng nào của Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA) mà giới chóp bu Việt Nam mong ngóng hơn cả. Trong khi đó, rất nhiều khả năng “món quà” của Thủ tướng Phúc sẽ mang đến Washington DC sẽ là một núi vụ việc vi phạm nhân quyền trầm trọng gây ra bởi chính quyền của ông.
Hiệp định song phương thương mại Việt-Mỹ?
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu và mối quan tâm đầu tiên và trên hết của Việt Nam vẫn là những giá trị thương mại song phương với Hoa Kỳ, sau đó mới là những chủ đề về “xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương” và “giao lưu” quân sự – quốc phòng Việt-Mỹ ở khu vực Biển Đông.
Với Việt Nam, trong khi giấc mơ “GDP Việt Nam sẽ tăng 25% nếu tham gia vào TPP” còn quá xa xôi hoặc đang biến thành cơn mộng du lang thang trên nóc nhà thế giới, việc tiếp tục duy trì được số xuất siêu hơn ba chục tỷ USD hàng năm qua biên giới Hoa Kỳ sẽ là một nhiệm vụ tối hậu và một thành tích chính trị giúp thêm hy vọng cho chế độ Hà Nội trì kéo sự tồn tại thêm ít năm nữa.
Lượng ngoại tệ hơn ba chục tỷ USD thu lợi từ xuất siêu hàng năm sang Hoa Kỳ như thế là vô cùng có ý nghĩa, nếu đối sánh với quốc nạn Việt Nam phải nhập siêu hơn 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch mỗi năm từ “đồng chí Trung Quốc”.
Đó là nguồn cơn không thể rõ ràng hơn dẫn đến hành động của giới chóp bu Việt Nam phải bằng nhiều cách, thông qua nhiều kênh, nhằm tiếp cận với tân tổng thống Mỹ để Mỹ tiếp tục ưu ái cho Việt Nam những điều khoản thương mại đã ký kết từ BTA vào năm 2001 và một hiệp định khác giữa Mỹ và Việt Nam liên quan đến việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.
Nhưng một nguy cơ lớn đang lừng lững ập đến: Sau 15 năm thực hiện BTA mà đã khiến phi mã giá trị giao thương Việt-Mỹ đến hàng trăm lần, chính quyền của Tổng thống Trump đang tiến hành rà soát lại toàn bộ BTA này. Việc rà soát này cũng nằm trong tổng thể lời lên án của Trump về 16 quốc gia có thương mại song phương “gây hại” cho kinh tế Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.
Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đồng thời ngưng trệ BTA hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm.
Trong khi đó, một nguồn “ngoại lực” khác là kiều hối về Việt Nam cũng đang sụt mạnh đến hơn 4 tỷ USD trong năm 2016 so với năm 2015, báo hiệu một chu kỳ khó tránh thoát về suy giảm tình cảm của “kiều bào ta” đối với chế độ cầm quyền, càng khiến chân đứng của chế độ này dễ bị vỡ vụn hơn bao giờ hết.
Sẽ về tay trắng?
Mùa xuân năm 2017, Nguyễn Xuân Phúc như được sao chiếu mệnh.
Sau khi bất ngờ được “tập thể Bộ Chính trị tín nhiệm” cho giữ chức Thủ tướng tại Đại hội 12 vào đầu năm 2016, ông Phúc một lần nữa đột ngột sáng giá khi sau Tết Nguyên đán 2017 bắt đầu có dư luận cho rằng Tổng Bí thư Trọng có thể “chọn” ông để kế nhiệm chức vụ cao nhất của Đảng.
Tương lai bất chợt sáng chói ấy đang nằm cả trong tay Thủ tướng Phúc.
Nhưng tình cảnh tổng thể của Đảng lại đang đè nặng lên vai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hơn bao giờ hết, kể từ khi ông hớn hở đón nhận lẵng hoa từ người tiền nhiệm bị bất ngờ gãy đổ là Nguyễn Tấn Dũng.
Trong thực tế, Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm như nhân vật duy nhất trong Bộ Chính trị có khả năng kiếm tiền để nuôi Đảng.
Ngay trước mắt, một hiệp định song phương thương mại với người Mỹ, dù chưa được ký nhưng nếu có được một cam kết nào đó có lợi cho phía Việt Nam, và tốt hơn nữa nếu Thủ tướng Phúc “quốc tế vận” thành công ở Tây Âu để Hiệp định song phương thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) được ký kết, mang lại nguồn lợi xuất siêu thêm hai chục tỷ USD mỗi năm cho kinh tế Việt Nam, sẽ là những thành tích chính trị nổi bật để Thủ tướng Phúc thẳng tiến để loại các đối thủ chính trị khác, trở thành Tổng Bí thư mới của Đảng CSVN – nếu sớm nhất có thể tại Đại hội giữa nhiệm kỳ của Đảng vào đầu hoặc giữa năm 2018.
Còn nhớ, Tổng Bí thư Trọng cũng bằng vào thành tích “Mỹ cam kết cho Việt Nam vào TPP” trong chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 7/2015, mà đã tiến tới “tôi bất ngờ…” khi tái đắc cử vai trò Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng CSVN đầu năm 2016.
Có lẽ tâm thế Thủ tướng Phúc cũng đang muốn tái hiện một thành tích tương tự Tổng Bí thư Trọng.
Đi Mỹ hay đi châu Âu với hộ chiếu công vụ và bằng tiền thuế bổ đầu dân chỉ là “chuyện nhỏ”. Sống còn hơn nhiều đối với ông Phúc là làm thế nào đi mà không phải trở về với hai bàn tay trắng.
Thế nhưng, giới chóp bu Việt Nam có lẽ đang bị bất ngờ như họ đã từng bị bất ngờ trước chiến thắng của Trump vào cuối năm ngoái. Công thức {Trump + Cộng hòa chiếm lưỡng đảng = Nhân quyền} trong Quốc hội Mỹ đang khiến thái độ của người Mỹ về quyền làm người ở Việt Nam cứng rắn hẳn lên.
Một bức tường quá cao vẫn dựng đứng phía trước cung đường đi Mỹ của Thủ tướng Phúc. Cho tới thời điểm này, vẫn chưa hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam chịu thỏa mãn bất kỳ nội dung nào trong “gói cải thiện nhân quyền” mà người Mỹ, một lần nữa trong không biết bao nhiêu lần, đặt lại.
Không những không cải thiện nhân quyền mà cũng không chịu trả tự do cho bất cứ tù nhân lương tâm nào, công an Việt Nam còn bắt thêm một nhà hoạt động nhân quyền và đấu tranh chống Formosa là Hoàng Bình vào ngày 15/5/2017. Vụ bắt bớ này có thể được xem là một thách thức lớn vỗ mặt đối với yêu cầu cải thiện quyền của người lao động do người Mỹ đặt ra, đơn giản bởi Hoàng Bình chính là Phó chủ tịch Phong trào Lao Động Việt – một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam tranh đấu cho lợi ích người lao động và công đoàn độc lập.
Chưa đi, nhưng đã có thể dự liệu kết quả. Nếu kết quả của Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 21 vào nửa cuối tháng 5/2017 chỉ là con số 0 tròn trĩnh, tức chính quyền Việt Nam vẫn không chịu cải thiện và nếu có “cải thiện” thì cũng chẳng có gì kiểm chứng được, sẽ chẳng nên ngạc nhiên nếu chuyến công du Hoa Kỳ vào cuối tháng 5/2017 của Thủ tướng Phúc rất có thể phải ra về tay trắng.
P.C.D.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/nguyen-xuan-phuc-my-trump/3852871.html