Dân Biểu Ed Royce gặp đại sứ Ted Osius tại văn phòng Quốc Hội ở Washington (04/04/2016).
Một khác biệt cơ bản giữa thời Trump với thời Obama là nội dung “báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho Quốc hội nước này đang được phản ứng công khai hóa.
Phản ứng công khai hóa
Ngày 4/4/2017, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Ted Osius “bất ngờ” có hai cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ Ed Royce và Dân biểu Alan Lowenthal thuộc đảng Dân Chủ tại Washington. Những cuộc gặp này mang tính chất “báo cáo nhân quyền” do Ted là người thông tin. Chi tiết đáng chú ý là sau cuộc gặp này, phản ứng của hai vị dân biểu Ed Royce và Alan Lowenthal đã được thông tin công khai trên mạng xã hội.
Vào thời Obama, hiếm khi diễn ra động thái công khai về phản ứng của giới dân biểu quốc hội Mỹ sau khi nghe báo cáo nhân quyền từ đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cũng vào thời Obama, thường là người phụ trách chương trình “đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ”, chẳng hạn như Dan Baer vào các năm 2013, 2014 và Tom Malinowski từ đó đến nay – đều là trợ lý ngoại trưởng về dân chủ, lao động và nhân quyền – mới có báo cáo cho giới dân biểu quốc hội Mỹ và cộng đồng người Việt hải ngoại về kết quả đối thoại nhân quyền với phía Việt Nam.
Một chi tiết đáng chú ý khác, Ed Royce và Alan Lowenthal lại là hai nhân vật tiêu biểu trong nhóm Vietnam Caucus (Nhóm quan tâm những vấn đề Việt Nam) của Quốc hội Mỹ.
Dân biểu Ed Royce trước đây từng giới thiệu hoặc đồng giới thiệu một số dự luật trong Hạ viện nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, như Đạo luật Nhân quyền Việt Nam (2015) cổ súy tự do, nhân quyền và nền pháp trị như là một phần trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, hay Đạo luật Chế tài Nhân quyền Việt Nam (2014) kêu gọi áp đặt chế tài lên những quan chức Việt Nam đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam. Cuối năm 2016, đạo luật Chế tài Nhân quyền Việt Nam (Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu) đã được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Obama chính thức ký ban hành, mà cách nào đó có thể được xem là “mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ Việt – Mỹ”.
Vào tháng 9/2016, ông Royce đã gửi một bức thư gửi lời chia buồn và lên án việc nhà chức trách Việt Nam phá bỏ Chùa Liên Trì ở thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ một dự án phát triển đô thị.
Còn Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal đã trở thành đồng Chủ tịch Nhóm Quốc hội Mỹ về Việt Nam vào tháng 2/2017. Ông cũng là một nghị sĩ nhiệt thành quan tâm đến chủ đề nhân quyền Việt Nam.
Vậy sau cuộc gặp với Đại sứ Ted Osius, ông Royce nói gì?
Thông báo của văn phòng Dân biểu Ed Royce đã nói thẳng: “Nếu Mỹ và Việt Nam muốn xây dựng mối quan hệ vững mạnh hơn, chính phủ Việt Nam phải tôn trọng những nhân quyền cơ bản của người dân Việt Nam”.
Nhóm Vietnam Caucus đã lên tiếng, dù Tổng thống mới của nước Mỹ là Donald Trump bị xem là không mấy chú tâm đến nhân quyền thế giới.
Cần nhìn lại, Vietnam Caucus – còn gọi là “Nhóm làm việc về Việt Nam” của Hạ viện Hoa Kỳ, bao gồm những nghị sĩ có tên tuổi và quen thuộc như Zoe Lofgren, Chris Smith, Frank Wolf, Alan Lowenthal, Ed Royce…, cùng vài chục nghị sĩ khác của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ, là một nhóm quan tâm đặc biệt đến chủ đề đối ngoại và nhân quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua như tự do tôn giáo, tự do báo chí, xã hội dân sự, thả tù nhân lương tâm. Nhưng đáng ngại hơn cả đối với giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ là những dự luật liên quan đến nhân quyền mà các nhà lập pháp của Vietnam Caucus đã soạn thảo và vẫn tiếp tục thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua, đó là các Dự luật nhân quyền Việt Nam, Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, và gần đây nhất là một văn bản yêu cầu đưa Việt Nam trở lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
Cùng với Vietnam Caucus, vào ngày 6/4/2017 Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã phát động dự án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo, nêu bật trường hợp các cá nhân bị bỏ tù chỉ vì đã hành xử quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ, cũng như các điều kiện tại một quốc gia đã dẫn đến việc bỏ tù các tù nhân lương tâm. Dự án này sẽ cung cấp dữ liệu cho các cơ quan Hành Pháp Hoa Kỳ để vận động đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Tình hình đang chuyển biến thuận lợi hơn hẳn cho Vietnam Caucus. Cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ không chỉ mang về chiến thắng cho người của đảng Cộng hòa mà còn tạo ra thế chiếm lĩnh lưỡng viện của đảng này. Nhờ thế vai trò của Nhóm Vietnam Caucus – vốn thường gắn với đảng Cộng hòa – đang trở nên nổi bật hơn so với thời Obama.
Đặc biệt, nếu Luật chế tài nhân quyền Việt Nam được triển khai chi tiết, sẽ tương tự tình trạng chế tài nhân quyền đối với Nga và Syria khi hàng loạt nhân vật cao cấp và kể cả trung cấp của giới lãnh đạo Việt Nam bị đưa tên vào “sổ đen nhân quyền” của Mỹ và Liên minh châu Âu, để từ đó những người này sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ, cùng lúc tài khoản, tài sản của họ, kể cả của người thân của họ, sẽ bị Mỹ và Liên minh châu Âu phong tỏa tại bất kỳ ngân hàng hoặc địa điểm quốc tế nào mà nước Mỹ có thể với tay tới.
Một thông điệp chính trị
Đại sứ Ted Osius quả thực lại bắt đầu bận rộn với những chuyến con thoi Việt – Mỹ.
Có một chi tiết cần chú ý là chỉ 4 ngày trước khi gặp hai dân biểu Ed Royce và Alan Lowenthal, Ted Osius đã có một cuộc hội kiến với nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội. Cuộc hội kiến này được xem là có thể mang những ẩn ý nào đó, bởi ngoài nội dung trao đổi giữa hai bên về “hợp tác tổ chức năm APEC 2017 và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Việt Nam” có lẽ chỉ mang tính hình thức, trong khi hoàn toàn không đề cập việc Bộ Ngoại Giao Mỹ vinh danh blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là “người phụ nữ can đảm năm 2017” mà Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố là “hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước”, dường như ông Quang đã “nhờ” Đại sứ Ted chuyển một thông điệp nào đó tới phía Mỹ, để ngay sau đó Ted vội vã trở về Washington.
Nhưng tại Washington, người ta không thấy thông tin công khai về việc Ted “báo cáo nhân quyền” cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mà lại chính cho hai dân biểu đại diện của Vietnam Caucus là Ed Royce và Alan Lowenthal.
Có thể cho rằng vào thời Trump, giới dân biểu Hoa Kỳ đã quyết định lên tiếng công khai nhiều hơn để phản ứng về vô số “thành tích nhân quyền” của chính thể Việt Nam, thay vì giữ thái độ “im lặng tế nhị” như dưới thời Obama.
Một trong những bằng chứng có tính chứng minh cao nhất: thái độ bị xem là mềm mỏng thái quá của nền hành pháp Obama đối với chính thể Việt Nam đã khiến có đến 6 trong số 15 khách mời của tổng thống Mỹ bị công an Việt Nam thẳng tay ngăn chặn không cho gặp Obama khi ông đến Hà Nội vào tháng 5/2016. Lịch sử nước Mỹ hiếm chứng kiến trường hợp nào người đại diện của nó lại bị xúc phạm ghê gớm đến thế.
Còn giờ đây, có lẽ thời thế đã chuyển khác. Sức ép về cải thiện nhân quyền ngày càng đè nặng lên giới chóp bu Việt Nam – một chế độ mà đã khiến cho tình hình quyền làm người tại đất nước này ngày càng tồi tệ dù ngay cả khi Việt Nam đã được chấp nhận một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc từ cuối năm 2013.
Phản ứng công khai về sự cần thiết phải cải thiện nhân quyền của hai dân biểu Ed Royce và Alan Lowenthal là một thông điệp chính trị, rất chính trị, gửi thẳng tới cựu bộ trưởng công an Trần Đại Quang – người có lẽ còn muốn đi Hoa Kỳ nhưng trong vai trò chủ tịch nước, và cả đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – nhân vật hiện đang công khai gợi ý “sẵn sàng đi thăm Mỹ”.
“Tôi khẳng định với Ngài Đại sứ (Ted Osius) rằng Việt Nam muốn tăng cường mối quan hệ thương mại và ký kết hiệp định song phương thì phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Nếu họ không làm thế thì không thể có Hiệp định Thương mại song phương. Tùy thuộc vào Chính phủ Việt Nam thôi! Đây là thông điệp của tôi chuyển đến Chính phủ Việt Nam” – Dân biểu Alan Lowenthal đưa ra lời kết trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Á châu tự do.
P.C.D.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/osious-trump-nhan-quyen-viet-nam/3803886.html