Việt Nam ‘cần sự ổn định với đặc trưng tốt hơn’

clip_image001

Ông London cảnh báo về quan hệ giữa nhà nước và các ngành kinh tế không rõ ràng

PGS. Jonathan London, nhà quan sát Việt Nam ở Đại học Leiden (Hà Lan), cảnh báo hệ quả của thực trạng làm giàu cho cá nhân và nói chưa thấy ai là người có ‎ý chí chính trị để thay đổi cho Việt Nam.

Phản hồi về cách lập luận rằng một trong những điểm khiến Việt Nam vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư ở cái gọi là “sự ổn định về tình hình chính trị xã hội”, ông London nói:

“Ai cũng biết là để phát triển kinh tế thì cần có sự ổn định xã hội, điều đó quan trọng chứ. Nhưng để phát triển với chất lượng cao, mang lại nhiều giá trị cho xã hội, nâng cao mức sống cho dân thì câu hỏi đặt ra là trật tự xã hội đó như thế nào chứ không phải có cần hay không. Việt Nam có thể rất ổn định, nhưng tăng trưởng không đạt được thì không xứng với tiềm năng”.

Ông London nói ông thấy một số người mà ông gọi là có đầu óc bảo thủ hơi hiểu lầm điều này.

“Việt Nam vẫn có thể có một trật tự xã hội ổn định nhưng có những đặc trưng góp phần nâng chất lượng lên rất nhiều cho sự phát triển đất nước so với kiểu ổn định theo trật tự như hiện nay.

“Tức là phải tạo một môi trường thuận lợi nhất, phải tối đa hóa nguồn lực của kinh tế đối với tăng trưởng kinh tế hay công nghiệp hóa.

“Điều quan trọng không phải là ổn định hay mất ổn định. Phải ổn định chứ, nhưng ổn định theo những điều kiện như thế nào”.

‘Hái quả ở cành thấp’

Nhà quan sát Việt Nam từ Đại học Leiden, Hà Lan nói về cải cách thể chế ở Việt Nam:

“Hiện tại thì có vẻ có một số vấn đề lớn. Chẳng hạn vai trò của nhà nước trong nền kinh tế là như thế nào. Nhà nước vẫn có thể đóng vai trò cốt yếu trong nền kinh tế nhưng nếu quan hệ giữa nhà nước và các ngành kinh tế không rõ ràng, không minh bạch hoặc có nguy cơ bị lạm dụng như chúng ta đang thấy thì điều đó không giúp ích gì cho sự phát triển của đất nước.

“Vấn đề là một số doanh nghiệp nhà nước hay công ty cổ phần ở Việt Nam đầu tư vào bất động sản chẳng hạn, tức là đầu cơ vốn ngắn hạn, và tình trạng này không đóng góp gì vào đẩy mạnh công nghiệp hóa một cách hiệu quả. Cho nên vấn đề là chất lượng tăng trưởng kinh tế thế nào chứ không phải chỉ nói đến tăng trưởng kinh tế chung chung.

clip_image003

Đại hội Đảng 12 chứng kiến thay đổi hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. AFP

“Tức là nếu chỉ muốn hái quả ở cành thấp và làm giàu cho cá nhân mà không đầu tư cho tương lai thì Việt Nam không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tức là đầu tư bất hiệu quả.

Ông Jonathan London dẫn chiếu tới việc dùng tới hàng tỉ đô la cho du học nhưng lại bị lãng phí khi không tạo ra các cơ hội để sử dụng kỹ năng của những người học tập và nghiên cứu tại nước ngoài khi trở về nước.

“Cái mà Việt Nam cần làm trong thời gian tới chính là tạo ra một môi trường cho phép người Việt Nam có trình độ, kỹ năng có thể tham gia, đóng góp vào nền kinh tế một cách bình đẳng chứ không phải cần tới có cha hay chú mình là ai. Không tạo ra môi trường như vậy thì có học mãi cũng thế thôi.

“Có ai có ý chí chính trị trong bộ máy hiện nay để thực sự tạo ra các điều kiện đó thì chưa rõ”, ông London nói.

‘Gốc của tham nhũng’

PGS London cũng nói về dịp tiếp xúc với một nhóm học giả và kinh tế gia Nhật Bản sang Hà Lan tham dự hội thảo gần đây.

“Họ nói rằng quỹ thời gian để cho Việt Nam làm những việc cần làm không phải là vô tận mà có giới hạn nhất định. Tức là nó chỉ là 10-20 năm nữa chứ không phải là Việt Nam còn dư thừa nhiều thời gian.

“Điều này có nghĩa là có nguy cơ mất cơ hội và không thể coi nhẹ mức độ cấp bách của các cải cách thể chế. Vấn đề là nói nhiều quá, 30 năm “đổi mới”, 40, 50, 100 năm “đổi mới” thì không bao giờ đi lên được.

Cái mà Việt Nam cần làm trong thời gian tới chính là tạo ra một môi trường cho phép người Việt Nam có trình độ, kỹ năng có thể tham gia, đóng góp vào nền kinh tế một cách bình đẳng chứ không phải cần tới có cha hay chú mình là ai.

PGS Jonathan London

Theo ông London, việc mang ra xử một số vụ tham nhũng chỉ là một việc và cái chính cần xem xét là cái gốc của tham nhũng là gì.

“Cái này cũng đã được xác định lâu rồi, đó là thiếu minh bạch… và những nỗ lực thể thay đổi còn quá chậm.

“Ở Việt Nam thì có những chính sách rất hay, người viết chính sách làm rất tốt. Nhưng trên thực tế thì thì vấn đề nằm ở cái gọi là thể chế phi chính thức (informal institution) hay là các quan hệ chính trị trong nền kinh tế. Những quan hệ đó thì vẫn rất quan trọng. Do đó chính sách có hay, nhưng để thực thi các chính sách thì luôn có vấn đề và dẫn tới những kết quả khác với những gì mong muốn.

“Nhiều khi có luật rất hay, chính sách rất tốt nhưng ý nghĩa của nó lại có hạn chế bởi đằng sau những luật hay chính sách đó có những quan hệ bị cũ.

“Tôi nhớ lại cách đây mấy năm thì có một khảo sát quy mô quốc gia về cái gọi là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Gọi tắt trong tiếng Anh là PAPI) thì kết quả cho thấy là trong cả nước thì tỉnh Hà Tĩnh là ít tham nhũng nhất. Thế thì kết quả đó có đúng không? Có chắc là như thế không?”, ông London hỏi.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39558597

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.