Bán đất

Trịnh Khả Nguyên

Từ khi đất “sốt” do một số dự án đến “quy hoạch” tức là giải tỏa, đền bù cho dân, làm một số công trình hạ tầng và (mục đích chính) lập quỹ đất, chia lô bán lại… trong khu vực của tôi xuất hiện nhiều tấm biển hình chữ nhật ghi đàng hoàng hay nguệch ngoạc mấy chữ bằng sơn BÁN ĐẤT hay ĐẤT BÁN, thỉnh thoảng cũng có chỗ ghi ĐẤT CHO THUÊ, bên dưới là số điện thoại để liên hệ. Và nhân đó có những quán BÁN NƯỚC ăn theo vừa phục vụ giải khát, vừa làm môi giới, gọi gọn là “cò” . “Cò ” làm trung gian hưởng hoa hồng là “cò con”, nhưng có những việc khác nếu không qua “cò” là không thành.

Đất bán, kính thưa các loại, từ đất ông bà để lại, đất ở, đất trồng trọt, đất ruộng, đất đồi, khu sinh thái… nếu cần, người ta bán tất. Bán nước cũng đa dạng từ cà phê, bia rượu, nước lọc, nước đá, nước ngọt, nước sông, nước biển … đủ thứ. Mặc dù trên nguyên tắc không có việc “mua bán” đất mà chỉ có “chuyển nhượng quyền sử dụng” đất. Chữ nghĩa là thế, do “bệnh” lý luận, nhưng thực tế thì có những công ty, đại công ty kinh doanh nhà đất, kinh doanh bất động sản rao bán nhà đất trên báo trên đài công khai. Kinh doanh là gì? Kinh doanh là (cha) mua bán! Các công ty nầy lăng xê mô hình 3D những khu đô thị “smart”, như thiên đàng hạ giới, kèm theo câu “Một Singapore thu nhỏ”.

Trước đây mấy mươi năm, nghe nói, nhiều người ở các nước khác ước ngủ một đêm, sáng dậy được như ta. Chả lẽ, sau mấy mươi năm, bây giờ, ta lại ước được như người?

Hình thức bán đất cũng phong phú. Có kiểu mua bán công khai, làm hồ sơ, nộp thuế để “làm bìa đỏ” thay đổi tên người chủ. Gần đây có kiểu bán đất (chính xác là cát) “mang đi”. Hiện tượng nầy đang xảy ra ở một số nơi gọi là “cát tặc” vừa lén lút vừa qui mô. Một tờ báo đã viết “Lợi ích nhóm thao túng khai thác cát” (http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/loi-ich-nhom-thao-tung-khai-thac-cat-20170318214222105.htm).

Đất “sốt”, nhiều người cho rằng đó là hiện tượng ảo, là bong bóng, nhưng măc kệ, rất nhiều người phất lên từ việc kinh doanh nầy. Một thời, ai có nhiều ruộng đất là địa chủ, là có tội. Bây giờ có vị sở hữu những khu đất vàng, đất kim cương, họ không phải là địa chủ (mà hơn thế), các địa chủ xưa thua họ xa lắc xa lơ.

Có điều thú vị, mấy chữ “bán đất – đất bán” cũng thành đề tài trong những buổi cà phê sáng của mấy vị trong xóm. Là thế nầy, họ cãi nhau “bán đất” hay “đất bán” chữ nào chỉnh hơn? Phe “bán đất” cho rằng, đất đai là tài sản như các tài sản khác, thì mua bán là việc bình thường. Lâu nay người ta vẫn buôn bán vàng bạc, cơm cháo, áo quần. Phe “đất bán” thì bảo ghi thế là có ý mảnh đất không cho thuê, chỉ bán thôi.

Có người lại cho rằng “bán đất” hay “ đất bán” cũng “một ma chứ mấy mồ”, cả hai đều mất đất, được tiền. Quan trọng là bán đất gì, rộng hay hẹp, thu được nhiều hay ít tiền, thu tiền để làm gì, chứ cãi về chữ nghĩa chỉ tốn hơi, việc nầy nên dành cho các vị làm công tác lý luận.

Lại có người “ chủ trương” CHO THUÊ ĐẤT, chứ không bán. Theo họ đây là cách khôn ngoan vì được tiền mà không mất đất, cho thuê 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa là tùy.

Đối với người dân cũng như đối với quốc gia, đất đai là tài sản quý. Ông bà ngày trước chịu cực khổ, kể cả hy sinh xương máu để giữ đất lại cho mai sau. Rất “hoàn cảnh”, gặp khó khăn, hoạn nạn, cần tiền cho con ăn học, cần vốn làm ăn, người ta mới bán đất. Nhưng có trường hợp người ta bán đất hoặc cho thuê đất mà chẳng cần biết sẽ ra sao.

Những mâu thuẫn, bất hòa, thậm chí là đấu đá, sát hại nhau giữa anh em, bà con, đồng sự… đang diễn ra ác liệt, ở nơi nầy nơi kia như mọi người biết, cũng vì phân chia, bán đổi, chiếm dụng đất không đồng đều, có “dấu hiệu” mờ ám, tư kỹ.

Báo VnEx ngày 10.3.2017 có bài “người Nhật giàu vì làm công nghiệp, Việt Nam giàu nhờ bất động sản” (http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/nguoi-nhat-giau-vi-lam-cong-nghiep-viet-nam-giau-nho-bat-dong-san-3553530.html). Chuyện người Nhật làm công nghiệp thì không mới. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, người ta đã biết công nghiệp Nhật qua những mặt hàng như chiếc đồng hồ Seiko, chiếc quạt điện, máy may, bàn là (ủi), máy thu băng (cassette), xe gắn máy, xe du lịch (xe con)… của các hãng Sony, Sharp, Mitsubishi, Panasonic, Honda, Suzuki… Hàng Nhật không thua gì hàng Tây, hàng Mỹ, bền, tiện nghi, mỹ thuật, trang nhã. Những người trở về Bắc từ miền Nam sau 1975, ai cũng “tranh thủ” mua chiếc quạt, cái “đài”, máy khâu, khá hơn là mua Honda Dame (xe nữ), khá hơn nữa thì mua nhà đất.

Và ai cũng biết, nước Nhật gần như làm lại từ đầu sau “đại bại 1945”, họ vươn lên từ đống đổ nát vì chiến tranh. Trong thời gian ngắn họ trở thành một trong những nước có nền công nghiệp dẫn đầu thế giới, và ngày nay Nhật là một trong các nước viện trợ cho nhiều nước. Dù không biết tường tận tại sao nước Nhật thành một cường quốc về kinh tế, công nghệ, người ta cũng có thể nói rằng nước Nhật có một chính sách khôn ngoan, đúng đắn, thực tế, có những chuyên gia giỏi. Cũng như không biết về y học, nhưng nếu thấy một thầy thuốc chữa cho người khác khỏi bệnh hiểm nghèo, ta cho đó là một thầy thuốc giỏi, bắt mạch, kê đơn hay.

Không phải bây giờ ta mới nghe rằng Việt Nam sẽ thành một nước công nghiệp. Trước đây 50 năm ta đã nghe những từ như cơ khí hóa, tự động hóa, sản xuất theo dây chuyền, phát triển công nghiệp nặng ưu tiên công nghiệp nhẹ… rồi đây ta sẽ thế nầy, sẽ thế kia… Có vị cho rằng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong vòng 15, hay 20 năm nữa. Hai, ba lần “20 năm” đã trôi qua, mà ta vẫn còn mãi nơi đây ( mượn một câu nhạc)!

Sau 1975, trong các lớp học chính trị “đại trà”, ta nghe mấy chữ phồn vinh giả tạo, nói về sự giàu có không thực của miền Nam. Các vị “chỉ ra rằng” miền Nam không có những nhà máy lớn, không sản xuất ra của cải, chỉ tiêu dùng và dịch vụ. Đôi vị thì “công bằng” hơn, cho rằng miền Nam chỉ có một KHU KỸ NGHỆ (nay là công nghiệp) BIÊN HÒA nhưng chưa quy mô, còn đa số thì nhỏ; một nền kinh tế không có nội lực, phụ thuộc vào ngoại nhập từ hàng xa xỉ tới các thiết bị kỹ thuật. Họ cụ thể, một ký lô đường từ khi ra lò đến người dùng qua ba bốn tay trung gian, mua đi bán lại hưởng chênh lệch. Nhưng một ký đường vẫn là một ký đường không thêm được lạng nào, e chừng còn hao hụt. Như thế có góp gì cho xã hội đâu. Rất đúng! Họ là các cán bộ tuyên giáo nhưng nói rành rẽ về kinh tế như các chuyên gia kinh tế. Và bây giờ, nếu thay “đường” bằng “đất” thì vẫn không sai. Quan trọng, hiện nay ta đã sản xuất được thứ gì để làm giàu cho đất nước?

Nhưng thôi, đất bây giờ đang có giá, bán đất, buôn đất là cách kiếm tiền nhanh nhất!

T.K.N.
Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.