Nguyễn Thái Nguyên
Nhân đọc bài viết về sự đấu tranh bền bỉ của các lái xe với trạm thu phí qua cầu Bến Thủy mà đằng sau các trạm này, ai cũng biết là cả một chuỗi các lợi ích cá nhân được kết nối với nhau thành dây, thành nhóm có thế lực không nhỏ; được bảo vệ bởi đủ thứ quy trình, quy chế “đúng luật”. Bởi thế mà mọi đề nghị hợp lý của dân họ đều bỏ ngoài tai. Bây giờ không hiếm các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân còn ngang ngược thách thức dân hơn cả bọn giang hồ.
Hôm Tết, tôi đã có bài viết ngắn về hình thức đấu tranh rất thông minh của các lái xe qua cầu Bến Thủy bằng cách trả tiền mệnh giá thấp, trong đó có những đồng tiền 200 đồng, 500 đồng ngoài chợ bây giờ dân mặc nhiên không tiêu, không nhận nữa, còn nhà nước thì chưa hề có văn bản nào nói rằng những đồng tiền ấy đã loại ra khỏi lưu thông tiền tệ cả. Bởi thế, họ trả tiền phí qua cầu 45 ngàn đồng bằng tiền có mệnh giá 500 đồng thì có nghĩa các nhân viên thu phí phải đếm 90 tờ giấy bạc và thời gian loay huay đếm đi đếm lại mỗi xe phải mất 5-7 phút nên gây ùn tắc các xe sau là đương nhiên. Dù có chuyện ùn tắc không ai muốn, nhưng cả các lái xe lưu thông trên Quốc lộ 1A đều chia xẻ nỗi bức xúc của các lái xe Hà Tĩnh qua cầu đi làm hàng ngày nên không khí vẫn rất “hòa bình”, thậm chí vui vẻ là đằng khác.
Hôm qua, tôi lại đọc một bài viết nói về cuộc đấu tranh này đang tiếp tục ở Bến Thủy. Cũng may, các lái xe này không gom được các đồng tiền mệnh giá thấp bằng kim loại (tiền xu) để trả cho trạm thu phí. Nếu chuyện này xảy ra thì có lẽ các nhân viên thu phí trẻ măng ở đây sẽ không biết tiền gì vì loại tiền này đã “chết” từ lâu nhưng về lý thì vẫn còn giá trị lưu thông!
Nhân chuyện này, tôi nói thêm vài thông tin mà tôi nghe được từ quê hương để quý bạn hữu thấy được ý nghĩa của bước đi và sự trưởng thành của phong trào đấu tranh của người dân, nhất là những người dân ở Nghệ Tĩnh ngày nay.
1/ Nhân dịp kỷ niệm 1 năm thành lập Thị xã Kỳ Anh, một vài người bạn tôi ở Thị xã Kỳ Anh có cách “nhìn lại một năm” khác với cách nhìn của nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương, các cơ quan truyền thông lề đảng cũng như các báo cáo tại lễ kỷ niệm rất đáng chú ý.
Chỉ trong vòng một năm thôi, trên địa bàn Hà Tĩnh đã diễn ra 17 cuộc biểu tình quy mô lớn tính theo con số ngàn người và gần hai chục cuộc biểu tình quy mô nhỏ, trên dưới 500 người!
Xét về mặt quản lý nhà nước kiểu Việt Nam, với một tỉnh bé và nghèo như Hà Tĩnh mà tình hình xã hội như thế (và chỉ như thế thôi cũng quá đủ) thì từ tỉnh đến các huyện thị còn làm ăn được cái nỗi gì? Trung ương cũng chỉ “giúp đối phó” là chính chứ không có khả năng gì nhiều để tăng nguồn vốn đầu tư phát triển cho tỉnh. Đừng tưởng các huyện không có biểu tình thì không bị ảnh hưởng vì bao nhiêu tâm sức của lãnh đạo tỉnh huyện và tập thể các cấp ủy đều tập trung vào việc đối phó để chống lại “lực lượng thù địch” và người biểu tình thì đương nhiên không ai là không bị ảnh hưởng.
Điều đáng chú ý là lực lượng biểu tình đã tiến bộ nhanh chóng so với thủa ban đầu, thủa biểu tình mà để bọn côn đồ (có ý kiến nói không loại trừ bọn người đó là bọn người do Cục tình báo Hoa Nam chỉ huy) trà trộn vào người biểu tình để cướp phá và gây bạo loạn. Các cuộc biểu tình bây giờ, kể cả nhiều nghìn người, đã được tổ chức chặt chẽ, rất có kỷ luật và phi bạo lực do người dân tự kiểm soát và tự bảo vệ nhau để chống lại bọn côn đồ, kể cả công an đội lốt côn đồ họ cũng làm cho “lộ nguyên hình” như cuộc biểu tình ở Lộc Hà vừa qua.
2/ Nguyên lý mà bất cứ người công sản nào cũng từng được học từ ngày vào đảng là “có áp bức, có đấu tranh”. Không thể coi dân như rơm như rác mãi được. Không thể nói dối dân mãi được và cũng không thể ngang nhiên bóc lột dân đến hơi thở cuối cùng được nữa. Họ đã và đang tự đoàn kết, tự tổ chức để bảo vệ cuộc sống của chính mình khi chính quyền không còn đứng về phía họ. Và điều đáng quan tâm là các hình thức đấu tranh như thế đã mang lại thắng lợi dù ít dù nhiều, nhưng không đấu tranh không bao giờ có được. Đây mới là động lực thúc đẩy người dân dấn thân vào cuộc tranh đấu như họ đã từng tranh đấu xưa kia.
Chuyện xẩy ra ở khu “chợ tỉnh” ở trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Người dân Hà Tĩnh xưa, trong đó có tôi, quen gọi khu chợ này là “chợ tỉnh” có lẽ vì quy mô nó lớn hơn mà thôi còn về độ nhếch nhác thì cho đến nay, cũng không hơn gì các “chợ huyện”. Việc cải tạo, nâng cấp khu chơ này là ý tưởng tốt của chính quyền. Nhưng vấn đề lại không phải như vậy. Chẳng cần bàn bạc gì nhiều với dân “kẻ chợ”, trước Tết nguyên đán Đinh Dậu chỉ một vài tháng, chính quyền đã quyết định giải tỏa, di dời dân đi chỗ khác để lấy đất giao cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu thương mại gì đó “đàng hoàng hơn”. Việc giải tỏa, thu hồi đất và tái định cư không riêng gì ở Hà Tĩnh mà của cả đất nước chúng ta thì ai ai cũng biết. Thời còn cơ chế bao cấp, dân gian và cả các cán bộ của đảng thường nhắc đến câu: “Bán như cho; Mua như cướp”. Nay dân lại nói thu hồi đất như cướp đất của dân rồi chính những người có quyền thu hồi đất ấy lại biến khu đất giá bèo khi đền bù thành khu đất vàng với giá vào hàng đắt nhất thế giới! Và chính cái “bộ phận không nhỏ” những người có chức có quyền đã giàu lên cực nhanh bằng những thủ đoạn bần cùng hóa người dân một cách hợp pháp ấy. Chính vì biết được thủ đoạn này và cũng hình dung được cái tương lai vô vọng đang chờ đợi họ nên dân chợ không chấp nhận và quyết liệt đấu tranh. Lúc đầu chỉ là đấu tranh với đám người làm “dự án” và trước tình hình ấy, chính quyền quyết định “hoãn lại sau Tết”. Đến sau Tết, dân đấu tranh càng mạnh hơn dẫn đến cuộc biểu tình lần thứ hai với quy mô lớn hơn nên chính quyền cứ tìm cách trì hoãn để tìm cách làm “khả thi hơn”. Thật không may cho chính quyền, “sự bất quá tam”, đến lần thứ ba thì cuộc biểu tình đã diễn ra bằng tổng lực gắn với bãi thị. Những người biểu tình lần này đã bao vây cơ quan công quyền và đưa yêu sách chỉ “nói chuyện” với Chủ tịch mà không nói chuyện với ai khác. Các sạp hàng, cửa hiệu ở chợ nhất loạt đóng cửa. Dù đi biểu tình hay không, nhưng tất cả các quầy hàng và sạp hàng đều phải đóng cửa hết, kể cả các bà bán cá, bán rau ở chợ cũng phải bỏ chợ để tham gia biểu tình. Mấy người bạn tôi ở quê nói chính họ không tham gia biểu tình mà đã đi “thị sát” tại chợ thì tình hình đúng như thế. Một cuộc bãi thị rất có tổ chức và quy mô lớn, làm tôi liên tưởng đến các cuộc bãi thị khi xưa ở Sài Gòn. Với một áp lực mạnh mẽ và chính đáng như thế, lại là tỉnh vốn có thừa những “mệt mỏi” do nhiều cuộc biểu tình của người dân mang lại, chính quyền buộc phải đứng về phía người dân kẻ chợ: Dừng dự án giải tỏa di dời dân ở khu chợ, chỉ đưa ra ý tưởng cải tạo, chỉnh trang trong tương lai cho hợp với không gian và cảnh quan của một thành phố và… để tất cả bà con kẻ chợ được ký hợp đồng sử dụng đất 15 năm! Có lẽ không còn ông Võ Kim Cự làm lãnh đạo tỉnh này nên không được giao quyền sử dụng đất 70 năm như Formosa, nhưng như thế cũng quá tốt rồi, không cần bàn tới chuyện vì sao lại 15 năm? Ai mà biết được 15 năm sau nó sẽ thế nào, nhưng chí ít trong bấy nhiêu năm, người dân ở khu chợ này đã được an cư để lạc nghiệp.
Giá mà Formosa, các vị lãnh đạo Trung ương cùng với tỉnh cũng tìm những giải pháp khả thi, hợp lòng dân như thế mà thi triển thì tốt biết bao nhiêu. Tôi cho rằng vấn đề Formosa không đến mức hoàn toàn bế tắc để phải thực thi những giải pháp giả dối như hiện nay xuất phát từ lòng tham và tư duy tối tăm của một số người có chức có quyền chứ không có gì là không thể. Nếu cứ đẩy mãi trách nhiệm cho chính quyền và cấp ủy địa phương thì tình hình càng khó giải quyết hơn. Tôi cho rằng lời nói khi xưa của Hồ Chí Minh vẫn còn giá trị: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tại sao một việc lớn và phức tạp như Formosa mà không dựa vào dân, không hỏi dân cách làm mà cứ dùng mấy “nhà khoa học” dễ sai bảo để thay dân?
3/ Một điều đáng quan tâm khác, cứ có biểu tình là đổ cho các cha cố và giáo dân, đành rằng giáo dân được tổ chức sinh hoạt cộng đồng tốt hơn nhiều so với các “đoàn thể quần chúng” của đảng. Vậy nhưng tất cả các hộ dân ở chợ tỉnh nói trên không có ai là giáo dân cả và cũng không có cha cố nào ở đây. Còn một số vị chức sắc của tỉnh đã nghỉ hưu ở khu vực sát chợ thì tôi biết, họ không bao giờ can dự vào các cuộc biểu tình ở đây mà tất cả đều do dân tự tổ chức để đấu tranh. Dĩ nhiên, phàm là người cộng sản thì ai cũng đều hiểu một nguyên lý được dạy dỗ trong nhiều chục năm rằng bất kể cuộc đấu tranh lớn nhỏ nào, phong trào quần chúng gì đi nữa thì cũng phải được tổ chức và tất nhiên là phải có người lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy nếu không muốn để rơi vào tình trạng hỗn loạn vô chính phủ. Nếu để trường hợp đó xẩy ra thì còn nguy hiểm hơn nhiều cho cả người dân lẫn chính quyền.
Vậy thì các cơ quan đảng và chính quyền, các cơ quan truyền thông của đảng không nên và không được phép gọi tất cả những người đó là các phần tử xúi dục, kích động, là đại diện cho “thế lực thù địch”! Những ngôn từ này trong thời gian qua xuất hiện nhan nhản trên mặt báo cũng như từ miệng một số nhà lãnh đạo cũng như các phát thanh viên nhà đài là điều rất không tốt. Nói trắng ra là rất hỗn láo với dân, những người đang sống trong khó khăn thiếu thốn nhưng hàng ngày vẫn phải đóng thuế để nuôi chính những người cho mình quyền ăn nói và hành động bạo ngược như thế.
Người dân nói chung và những người biểu tình nói riêng đâu phải trẻ con để ai muốn kích động, xúi dục, lôi kéo họ làm gì cũng được?
Đất nước đang trải qua muôn vàn khó khăn thử thách. Nhưng có thể thấy được rằng xã hội đang có sự chuyển mình theo hướng tiến bộ. Những hoạt động bất tuân dân sự đã trưởng thành; Những mầm non đầy sức sống của xã hôi dân sự đang phát triển nhanh hơn, lành mạnh hơn.
N.T.N.
Hà Nội, tháng 4 năm 2017
Tác giả gửi BVN