(Doanh nghiệp) – Theo chuyên gia, cần đánh giá lại trữ lượng quặng bauxite của Việt Nam, phải đảm bảo khi khai thác có lãi thì mới làm.
Đừng làm ngược
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện hai dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), Tân Rai (Lâm Đồng).
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của hai dự án, phối hợp với các bộ, địa phương nghiên cứu xây dựng đề án quy hoạch tổng thể khai thác, chế biến quặng bauxite và xây dựng ngành công nghiệp alumin-nhôm ở khu vực, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị.
Hiệu quả và trình độ công nghệ sản xuất là vấn đề được đặt ra đối với hai dự án bauxite ở Tây Nguyên
Trao đổi với Đất Việt, hai chuyên gia về địa chất và khoáng sản là PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển và PGS.TS Nguyễn Văn Phổ đều nhận định, yêu cầu của Chính phủ đối với TKV là đúng đắn để đánh giá trung thực và khách quan hiệu quả của hai dự án quan trọng này.
PGS.TS Nguyễn Văn Phổ cho rằng, trước khi xây dựng quy hoạch khai thác, chế biến quặng bauxite, TKV phải trả lời được câu hỏi: Trữ lượng quặng bauxite ở Việt Nam thế nào? Nếu khẳng định được đó là mỏ quặng thì khi khai thác phải có lãi, còn nếu không thì đừng làm.
Từ năm 1984, PGS Phổ đã bảo vệ luận án về boxit của Việt Nam tại Nga. Theo lời ông kể, khi ấy, ông đã nhận được câu hỏi từ hội đồng: Bauxite của Việt Nam có hàm lượng thấp hơn hẳn thế giới, vậy khai thác thế nào?
“Lúc đó tôi trả lời rằng: Việc khai thác phải tính đến hiệu quả kinh tế giữa cao su, cà phê và bauxite thì bấy giờ mới làm và hội đồng đã tán thành câu trả lời này.
Khi hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ được xây dựng, tôi đã cảnh báo rằng khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế vì hàm lượng bauxite ở Việt Nam thấp, đã thế lại phải trải qua quá trình rửa quặng để cho bằng với quặng của thế giới. Nếu làm khô thì ảnh hưởng đến môi trường, còn dùng nước cũng tốn vô cùng, mà Tây Nguyên xưa nay chưa bao giờ dồi dào nước.
Tất cả quá trình này rất tốn kém và đòi hỏi công nghệ cao. Thế nhưng Việt Nam lại sử dụng công nghệ Trung Quốc, cho nên khai thác bauxite ở Việt Nam khó có thể thành công”, PGS.TS Nguyễn Văn Phổ nói.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc TKV cần làm đầu tiên trước khi xây dựng quy hoạch khai thác bauxite là phải định nghĩa lại thế nào là mỏ quặng.
“Như đã nói, hàm lượng bauxite ở Việt Nam thấp, có những nơi họ còn không coi đó là quặng nhưng Việt Nam lại đánh giá đó là quặng với trữ lượng lên đến hàng tỷ tấn.
Đã gọi là mỏ quặng thì khi khai thác phải đem lại lợi ích kinh tế. Nói cách khác, phải định nghĩa rất rõ về hiệu quả kinh tế, có lãi thì mới làm, nếu không thì bỏ bởi càng làm sẽ càng lỗ.
Thế nhưng, ở Việt Nam dường như đang làm ngược. Lâu nay người ta cứ đánh giá cái này trữ lượng thế nọ, thế kia rồi cuối cùng cứ coi đó là mỏ quặng, xông vào làm.
Một khi chưa định nghĩa được rõ ràng thì đừng bàn đến chuyện khác. TKV phải thử nghiệm, sản xuất thử xem với công nghệ mà họ sử dụng thì hiệu quả kinh tế đến đâu, đầu tư có lãi không… Còn bây giờ cứ xây nhà máy rồi đi vào sản xuất luôn, cuối cùng thiệt hại ai chịu?”, PGS Phổ chất vấn.
Lỗ rồi sao lại làm tiếp?
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển băn khoăn, những khoản lỗ lớn từ dự án bauxite ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?
“Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính đưa ra, kể từ khi dự án Tân Rai đi vào vận hành, dự án đã lỗ 3.700 tỷ đồng. Số tiền ấy liệu đã tính đến dự án cảng Kê Gà hay chưa?
Cảng Kê Gà do TKV làm chủ đầu tư, được xây dựng với mục đích nhằm vận chuyển bauxite từ Tây Nguyên xuống. Thế nhưng TKV cứ trì hoãn việc xây dựng cảng, gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng cho các chủ đầu tư có dự án du lịch bị thu hồi. Vậy ai chịu trách nhiệm về 1.000 tỷ đồng đó?
Nếu dự án đã lỗ lớn như vậy, tại sao lại làm tiếp?”, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển đặt ra nhiều câu hỏi.
Trở lại với chỉ đạo của Chính phủ đối với TKV, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, việc đánh giá, tổng kết hai dự án bauxite phải xem xét từ lúc khởi động cho tới bây giờ, kết quả ra sao? Với khoản lỗ kể trên, cần xem xét lại việc tiếp tục triển khai dự án.
Thành Luân