Quá nhiều dự án thua lỗ, đất nước chậm phát triển vì gánh nặng nợ nần

Mai Anh

(GDVN) – Theo GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, bảo lãnh nợ của Chính phủ làm tăng gánh nặng nợ nần trong chi trả hàng năm, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn dành cho đầu tư mới.

Tại buổi họp báo chuyên đề về bảo lãnh chính phủ diễn ra mới đây (ngày 1/3), Bộ Tài chính cho biết: Tính đến hết năm 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là hơn 459.000 tỉ đồng (khoảng 21 tỉ USD), vốn bảo lãnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như than, điện, dầu khí.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có số vay nợ 9,7 tỉ USD; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Chính phủ bảo lãnh vay 2,4 tỉ USD; Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là 647 triệu USD…

clip_image001

Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam có tên trong danh sách vay bảo lãnh nợ của Chính phủ. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Bộ Tài chính cho biết, trong danh mục được Chính phủ bảo lãnh thì PVN, EVN, Vietnam Airlines và Vinacomin là những đối tượng mà Chính phủ cấp bảo lãnh nhiều nhất.

Theo GS. TSKH Nguyễn Quang Thái – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam), việc Chính phủ bảo lãnh nợ cho các doanh nghiệp nhà nước bên cạnh mặt tích cực hỗ trợ vốn, bảo lãnh nợ cũng gây ra gánh nặng nợ nần trong chi trả hằng năm, làm ảnh hưởng đến nguồn vốn để dành cho đầu tư mới.

Kiểm soát chặt và cắt giảm khoản vay

GS. Nguyễn Quang Thái cho biết, theo quy định nợ công gồm nợ chính phủ, nợ của chính quyền địa phương và nợ được Chính phủ bảo lãnh vay.

Nhìn báo cáo số nợ được Chính phủ bảo lãnh hết năm 2015 (khoảng 21 tỷ USD) so với năm 2014 (gần 20 tỷ USD) có tăng lên và sấp xỉ bằng 1/4 tổng số nợ của Chính phủ.clip_image002

GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng cần kiểm soát chặt và giảm bảo lãnh nợ – ảnh: H.Lực.

Theo GS. Thái, về nguyên tắc khi Chính phủ bảo lãnh vay cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không thể trả thì Chính phủ sẽ phải trả thay.

Nguyên nhân doanh nghiệp phải vay nước ngoài do vay trong nước có điều kiện khó hơn về thời hạn vay và lãi suất cao.

GS. Thái cho biết, các khoản vay Chính phủ bảo lãnh hiện nay chủ yếu là vay ODA với nhiều điều kiện ưu đãi. Vì thế việc trả nợ gốc và lãi của các khoản vay này sẽ thấp hơn vay trong nước.

“Tổng số nợ trong và ngoài nước được Chính phủ bảo lãnh gần bằng nhau (trên dưới 20 tỷ USD), nhưng mỗi năm cần dành hơn 3 tỷ để trả cả gốc và lãi, trong đó chỉ có 1/3 là nợ gốc và 2/3 là lãi vay, phần lớn là nợ trong nước”, GS. Thái dẫn chứng.

Dù mức lãi suất khi vay nợ nước ngoài thấp hơn, nhưng GS. Thái khẳng định khi đã vay phải trả, do đó trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nợ công ở mức cao, cần phải siết chặt quản lý các dự án và xem xét từng dự án trước khi quyết định bảo lãnh nợ.

Ngoài nguy cơ gia tăng nợ công, GS. Thái cho rằng nếu Chính phủ tiếp tục duy trì bảo lãnh nợ như thời gian qua thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy với nền kinh tế, ảnh hưởng các doanh nghiệp không được bảo lãnh nợ.

“Vì vậy, cần kiểm soát chặt chẽ và cắt giảm các khoản vay có bảo lãnh kinh doanh thuần túy, nhằm tránh gây ra gánh nặng nợ nần trong chi trả hàng năm làm ảnh hưởng đến nguồn vốn để dành cho đầu tư mới”, GS. Thái nhấn mạnh.

Nợ công tăng vì dự án kéo dài, đội vốn

GS. Thái cho biết, nguyên nhân dẫn đến dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài như nhà máy giấy Phương Nam, Vinashin thua lỗ không hiệu quả dẫn đến việc Chính phủ phải trả nợ thay vì tình trạng đội vốn các dự án này.

“Việc vay vốn nước ngoài và trong nước cho các dự án được Chính phủ bảo lãnh có tình trạng đội vốn, thời hạn thi công kéo dài, thiếu hiệu quả như báo cáo lúc ban đầu”, GS. Thái cho biết.

clip_image003

Nhà máy giấy Phương Nam (Long An) được đầu tư gần 3.000 tỉ đồng, hoạt động thua lỗ, khiến Bộ Tài chính liên tục phải trích quỹ trả nợ thay – Ảnh: Báo Đầu tư.

Điển hình như dự án Nhà máy Giấy Phương Nam, mức đầu tư khi dự án triển khai là 1.487 tỷ đồng trong đó Bộ Tài chính Chính phủ bảo lãnh khoản vay 67 triệu Euro từ Ngân hàng Societe Generale (Pháp).

Tuy nhiên, sau thời gian thi công, đưa vào chạy thử có tải do nguyên liệu đay không phù hợp công nghệ sản xuất nên dự án tạm dừng.

Đến cuối năm 2012, sau khi được Bộ Công thương thẩm định, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã nâng mức đầu tư lên 3.409 tỉ đồng.

Tuy được nâng mức đầu tư hơn 2 lần nhưng sau 10 năm triển khai chưa sản xuất được giấy. Dự án Nhà máy Giấy Phương Nam đã chính thức dừng đầu tư, còn khoản nợ Chính phủ đang phải gánh.

Tương tự, Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II được khởi công tháng 9/2007 và theo tiến độ đề ra sẽ đi vào sản xuất tháng 5/2011. Trong tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng, vốn tự có của chủ đầu tư là 10%. còn lại là đi vay 90%.

Thế nhưng, đến nay sau hàng chục năm kể từ ngày khởi công và hơn 4,5 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân cùng tổng mức đầu tư đã được đề xuất điều chỉnh lên con số kỷ lục là hơn 8,1 nghìn tỷ đồng nhưng dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vẫn chưa biết ngày nào hoàn thành.

clip_image004

Cỏ dại mọc um tùm tại dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ảnh: Tuổi trẻ.

GS. Thái khẳng định dự án đội vốn, kém hiệu quả là trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp vay nợ đồng thời là trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp, quản lý nợ công nói chung.

“Dù vốn vay trong hay ngoài nước đều phải quản lý chặt chẽ, vì khi trả vốn vay (cả gốc và lãi) đều chủ yếu dùng tiền thuế của người dân. Nếu dự án thua lỗ thì sẽ gây tác hại rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành, lĩnh vực kế cận.

Nếu đó là khoản vay nước ngoài thì sẽ gây áp lực vay trả nợ, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia, cho nên cần nghiêm túc rút kinh nghiệm”, ông Thái nói.

Trước tình trạng hàng loạt nhà máy, dự án thuộc Bộ Công Thương thua lỗ kéo dài trong đó có dự án sử dụng vốn vay được bảo lãnh đang được xử lý, GS. Thái cho rằng Chính phủ cần có những đánh giá, xem xét nghiêm túc.

“Quan điểm của tôi thà dứt bỏ, còn hơn là cố, lại gây thêm thua lỗ kéo dài”, GS. Thái nói.

Để doanh nghiệp vừa có vốn thực hiện dự án vừa giảm gánh nặng bảo lãnh nợ cho Chính phủ, theo GS. Thái là vấn đề lớn với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Tìm nguồn vốn cho đầu tư phát triển là một bài toán quan trọng của mọi nền kinh tế, xét trên góc độ quốc gia và cả với từng doanh nghiệp.

Trước hết với doanh nghiệp nhà nước, GS. Thái cho rằng cần đẩy mạnh cổ phần hóa và đổi mới phương thức quản lý doanh nghiệp nhà nước. Cần tránh tình trạng không thu xếp được nguồn vốn lại vay “nóng” rồi xin Chính phủ bảo lãnh, gây khó khăn cho cân đối chung.

Mặt khác, phải tăng cường quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tham gia vững chắc trong thị trường trong nước và quốc tế, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

“Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết và văn bản dưới luật để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có các Nghị quyết 19 (các năm 2014, 2015, 2016) hay Nghị quyết 35 năm 2016…

Đó là yếu tố tiên quyết, yếu tố đầu tiên nhưng để hoạt động hiệu quả doanh nghiệp phải phải tự lực vươn lên bằng việc nâng cao năng suất lao động, thay đổi phương thức quản trị.

Trong điều kiện đó, vốn cho đầu tư sẽ được giải quyết ngày càng tốt hơn”, GS. Thái cho biết thêm.

M. A.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Qua-nhieu-du-an-thua-lo-dat-nuoc-cham-phat-trien-vi-ganh-nang-no-nan-post174878.gd

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.