Hậu quả của nền luật pháp phi pháp lý, vô đạo đức tại Việt Nam

Thiện Ý

Nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston

clip_image001

Trường hợp Minh Béo, không những đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ mà còn vi phạm cả luật pháp Việt Nam. (Ảnh: Facebook)

Theo tin tổng hợp giới truyền thông thì Minh Béo, tên thật là Hồng Quang Minh, một danh hài Việt Nam bị bỏ tù ở Mỹ về tội lạm dụng tình dục trẻ em, mới đây được phóng thích sớm và trở về nước hôm 21/12/2016. Trong khi công luận đang tranh cãi về việc có nên hạn chế quyền công dân của Minh Béo hay không, thì Thiếu tướng Trần Thế Quân, phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, trả lời báo giới hôm 22/12 rằng Minh Béo sẽ trở thành công dân bình thường và trong hồ sơ không bị ghi lại việc đã từng bị ngồi tù tại Mỹ. Phát biểu này đã bị công luận phản đối dữ dội.

Câu trả lời trên của một viên chức lãnh đạo cấp cao có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cho thấy một nền luật pháp phi pháp lý, vô đạo đức đã và đang tiếp tục được đảng và nhà cầm quyền CSVN thực hiện tại Việt Nam. Sự thể này đã dẫn đến hậu quả gì trên thực tế tại Việt Nam?

I-Một nền luật pháp phi pháp lý

Theo nguyên tắc pháp lý chung có tính phổ quát ở các nước dân chủ, văn minh tiến bộ, thì luật pháp là những quy phạm pháp luật ghi rõ những gì người dân cũng như nhà cầm quyền được làm hay không được làm để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mọi cá nhân và tập thể nhằm duy trì an ninh, an toàn và trật tự xã hội. Mọi vi phạm pháp luật của công dân hay nhà cầm quyền xảy ra ở trong nước hay hải ngoại đều bị chế tài theo luật.

Trên bình diện tư pháp quốc tế, trong tương quan pháp lý giữa hai nước, nếu có hiệp ước tương trợ tư pháp, thường chỉ quy định thẩm quyền xét xử, (nơi phạm tội hay nơi thường trú của bị can) luật pháp áp dụng (luật quốc gia nơi phạm tội hay luật quốc gia của bị can), thủ tục dẫn độ đối với một can phạm là công dân nước này có hành động phạm tội ở nước kia, mà vi phạm pháp luật của cả hai nước (giết người, hiếp dâm, cướp của, buôn bán ma túy, tội diệt chủng…) hay chỉ vi phạm luật pháp của một trong hai nước (ví dụ tội gián điệp, tội xúc phạm vương quyền ở một nước quân chủ không có ở các quốc gia dân chủ…).

Trường hợp Minh Béo, không những đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ mà còn vi phạm cả luật pháp Việt Nam. Theo quy định tại Điều 146, Khoản 1 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như sau:

“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Vì vậy, sau khi mãn án tù ở Hoa Kỳ, khi bị can Minh Béo trở về Việt Nam, đúng ra cơ quan công tố cần khởi tố Minh Béo theo các điều khoản liên quan của luật hình sự Việt Nam. Trong khi xét xử, Tòa án có thể cho bị can hưởng án treo, hay án tù ở (có thể cho miễn thi hành vì đã thi hành án tù ở Hoa Kỳ, vì hình phạt tôi phạm ngang hay thấp hơn án tù ở Hoa Kỳ), hay khoan hồng cho miễn thi hành thêm thời gian nếu án tù dài hơn theo luật Việt Nam. Nhưng sau khi thi hành án, trong mọi trường hợp cần áp dụng biện pháp tước quyền đảm nhiệm chức vụ và hành nghề vĩnh viễn hay có thời hạn theo quy định của luật pháp. Điều 146, Khoản 4 Bộ Luật hình sự Việt Nam hiện hành nói rõ: “4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Thế mà Thiếu tướng công an Trần Thế Quân lại trả lời báo giới rằng “Minh Béo sẽ trở thành công dân bình thường và trong hồ sơ không bị ghi lại việc đã từng bị ngồi tù tại Mỹ”. Điều này xác nhận đảng và nhà cầm quyền CSVN bao lâu nay đã thực thi một nền luật pháp phi pháp lý là thế.

II-Một nền luật pháp vô đạo đức

Đạo đức vốn là những quy phạm luân lý không có tính cưỡng hành, nhưng có tác dụng hỗ trợ cho pháp lý, góp phần rất quan trọng vào nền đạo đức xã hội, giảm thiểu tội ác, bảo vệ an toàn cá nhân, duy trì an ninh, trật tự xã hội, vốn là mục tiêu và tác dụng của pháp luật.

Minh Béo bị cáo buộc và kết án trước Tòa án Hoa Kỳ về 3 tội danh: quan hệ tình dục bằng miệng với một nam thiếu niên dưới 18 tuổi, mưu toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi và có ý định hẹn hò với trẻ vị thành niên. Minh Béo đã bị kết án vào tháng 8/2016 vừa qua khi thừa nhận hai tội danh đầu tiên. Không chỉ dưới mắt người dân Việt Nam mà cả thế giới, những hành vi vừa kể vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong xã hội, đáng ghê tởm và khinh bỉ, cần bị trừng phạt và có biện pháp cách ly để có tác dụng giáo dục, răn đe, làm gương, hạn chế ô nhiễm tâm hồn tuổi trẻ trong trắng dẫn đến phạm tội trong xã hội.

Thế mà Thiếu tướng công an Trần Thế Quân lại nói “Minh Béo sẽ trở thành công dân bình thường” và “ trong hồ sơ không bị ghi lại việc đã từng bị ngồi tù tại Mỹ”. Điều này khiến người ta có thể suy đoán rằng Minh Béo trước khi phạm tội ở Hoa Kỳ, cũng như nhiều kẻ khác, có thể từng có những hành vi phạm pháp tương tự ở Việt Nam, nhưng không bị đưa ra tòa vì chấp pháp cho rằng đó chỉ là trái với đạo đức, chứ không vi phạm luật, hoặc vì các viên chức phát hiện đã bị mua chuộc bằng tiền nên đã bỏ qua.

III-Hậu quả thực tế

Hậu quả thực tế của một nền luât pháp phi pháp lý, vô đạo đức là xã hội Việt Nam ngày nay tội ác gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất tội phạm. Đọc trên báo chí hay qua mạng lưới Internet toàn cầu, số lượng các loại tội phạm liên quan đến đạo đức như giết người, cướp của, lừa đảo, hiếp dâm ngày một nhiều, với tính chất vô cùng tàn bạo không còn nhân tính, vi phạm nghiêm trọng luân lý, đạo đức.

Hậu quả bi thảm này là do sau khi nắm được chính quyền trên cả nước, đảng CSVN đã hủy diệt nền tảng đạo đức, luân lý xã hội cũ bị họ cho là không phù hợp với cái gọi là “Đạo đức xã hội chủ nghĩa” mà cho đến nay vẫn chưa hình thành để thay thế.

Nền đạo đức luân lý trong xã hội cũ được xây dựng trên phong tục tập quán và giáo lý của tam giáo Nho-Phật-Lão từ ngàn xưa, đến Thiên Chúa giáo sau này truyền vào nước ta. Tất cả đã tạo ra một nền đạo đức xã hội ổn định, tồn tại và thấm sâu vào tâm tư, nếp sống thể hiện qua cách ứng xử trong các quan hệ xã hội tại Việt Nam. Nhờ đó, con người biết sống lương thiện và do đó cũng có tác dụng rất lớn ngăn chặn tội phạm và tính chất tàn bạo vô luân của tội ác, trong khi cái gọi là “Đạo đức xã hội chủ nghĩa” chưa hình thành mà cho đến nay chính đảng CSVN cũng không biết hình thù nó ra sao.

Theo tài liệu tuyên truyền giáo dục nhân dân của đảng CSVN, định nghĩa ngắn gọn “Đạo đức xã hội chủ nghĩa là mình vì mọi người và mọi người vì mình”, mà muốn có đạo đức XHCN thì phải tiến lên xã hội chủ nghĩa để có những con người mới XHCN. Thế nhưng cứ như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì chưa biết một trăm năm nữa Việt Nam đã có xã hội chủ nghĩa hay chưa. Hiện nay chỉ thấy hiện tượng các cán bộ đảng viên CSVN tự nhận là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân” là giai cấp lãnh đạo cuộc cách mạng tiến lên xã hội chủ nghĩa, là những người phải thể hiện “đạo đức xã hội chủ nghĩa” để làm gương, thì thực tế đang sống theo kiểu đạo đức vị kỷ “Mình vì mình và mọi người phải vì mình” để làm giàu bằng mọi cách và mọi giá, nhanh chóng tư bản hóa thành các nhà “tư bản Đỏ” để có đời sống vinh thân phì gia.

Đảng CSVN cũng đã loại bỏ hoàn toàn tính pháp lý và đạo đức ra khỏi nền luật pháp tại Việt Nam. Đảng đã vận dụng quan điểm của chủ nghĩa cộng sản, coi pháp luật chỉ là công cụ của giai cấp thống trị để trấn áp giai cấp bị trị, trái ngược với quan điểm pháp luật của chủ nghĩa dân chủ, tự do. Vì vậy, sau khi nắm chính quyền, đảng CSVN vẫn cai tri bằng nghị quyết của đảng, dù sau này do đòi hỏi của tình hình “đổi mới” để sống còn và vì lợi ích của đảng CSVN, các nghị quyết được Quốc hội của đảng thể chế hóa thành pháp luật (mà chúng tôi gọi là nghị luật).

Pháp luật của chế độ CSVN bao lâu nay chỉ giữ lại tính “chuyên chính”, nặng về trừng phạt nghiêm khắc để trấn áp, răn đe hơn là giáo dục, bảo vệ nhân dân, đối với bất cứ hành vi cá nhân hay tập thể nào đe dọa đến quyền lãnh đạo của đảng. Chính Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng nói với cán bộ đảng viên cộng sản, rằng “Mọi tội vi phạm pháp luật đều có thể tha được, trừ tội phản đảng”!

IV-Kết luận

Luật pháp là những quy phạm pháp luật để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân cũng như nhà cầm quyền, tạo môi trường sống an toàn cho mọi người thuộc mọi giai tầng trong xã hội để mưu cầu hạnh phúc riêng cũng như chung. Bất cứ ai vi phạm pháp luật quốc nội hay quốc tế đều bị chế tài theo pháp luật có thẩm quyền.

Đạo đức là những quy phạm luân lý góp phần rất quan trọng vào nền đạo đức xã hội hổ trợ hiệu quả cho pháp luật trong mục đích bảo vệ quyền lợi, cá nhân, tập thể và duy trì an ninh trật tự xã hội.

Một nền pháp luật phi pháp lý, vô đạo đức sẽ phá hủy những quan hệ luân lý tốt đẹp giữa con người, tội ác gia tăng cả số lượng lẫn tính chất tội phạm, gây bất ổn, bất an và suy đồi toàn diện cho toàn xã hội. Đó là thực trạng Việt Nam ngày nay dưới chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN. Vì vậy yêu cầu cấp thiết đối với nhân dân Việt Nam vẫn là phải chuyển đổi càng sớm càng tốt qua một chế độ dân chủ pháp trị, với một nền luật pháp thể hiện được cả hai tính pháp lý và đạo đức.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

T.Y.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/hau-qua-cua-nen-luat-phap-phi-phap-ly-vo-dao-duc-tai-vn/3653905.html

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.