Xuân Thọ
…Thật xúc động được nghe các bài hát do chính Mai Khôi sáng tác (…). Chúng không chỉ đem đến cho người nghe cảm xúc âm nhạc sâu lắng, mà còn đánh thức lương tri con người…
Xưa nay tôi không hề tốn giấy mực về các hiện tượng Obama hay Trump, mặc dầu rất ngưỡng mộ nhân cách và trí tuệ của Barak Obama hoặc rất bị sốc về chiến thắng của Donald Trump.
Tôi viết về những người Đức bình dị như Ruppert Neudeck, Harald Jäger, mà tôi coi là tiêu biểu cho số phận, cho lương tri nước Đức, quê hương lựa chọn của tôi. Càng tự hào về quê hương này bao nhiêu, tôi càng lo lắng cho số phận quê hương chôn rau cắt rốn bấy nhiêu và chỉ mong người Việt hãy tự nắm lấy vận mệnh của mình, đừng đặt hy vọng vào các cường quốc Tây phương, vào Obama hay Trump.
Tôi chỉ gửi gắm niềm tin vào những người đang đấu tranh cho một Việt Nam công bằng và dân chủ như Cấn Thị Thêu, Đoàn Văn Vươn, Bùi Thị Minh Hằng… những người không còn gì để mất, cùng hàng ngàn người bị cướp cả đất cũng như quyền sống, phương tiện sống.
Đổi mới kinh tế cũng đã tạo nên một tầng lớp người có quá nhiều thứ để mất: địa vị, danh vọng, tiền tài, cuộc sống ấm no và hạnh phúc gia đình. Nhưng chỉ một số nhỏ trong đó dám chấp nhận hy sinh các lợi ích trên, chỉ để bảo vệ những giá trị mà họ ôm ấp: Tự do, Công bằng và Bác ái. Những người trẻ hơn tôi cả một thế hệ còn chấp nhận một thiệt thòi lớn lao hơn: Hy sinh cả tuổi thanh xuân.
Tôi được may mắn làm quen với ca sỹ trẻ Đỗ Nguyễn Mai Khôi sau khi trên mạng có một số dư luận xấu về cô(1). Mai Khôi tin ở tôi nên đã thổ lộ việc cô sang Đức biểu diễn. Tin vào sự trong sáng của Mai Khôi, tôi đã làm hết sức mình, cùng các bạn trẻ quanh tôi giúp Mai Khôi đưa những ca khúc trong Album “Trói vào Tự do” đến với cộng đồng ở Köln và Praha(2), bất chấp mọi lời can ngăn, dị nghị.
Một số báo chí phương Tây đã viết về Mai Khôi với đại ý: “Lady Gaga Việt Nam lên tiếng thách thức” hoặc “Lady Gaga Việt Nam quan tâm đến chính trị”(3). Trước khi đề cập đến những thông điệp chính trị của Mai Khôi, các bài báo này thường so sánh phong cách biểu diễn đầy khiêu khích của cô ca sỹ trẻ Việt Nam với siêu sao âm nhạc Mỹ.
Mai Khôi cho rằng: Người ta so sánh vậy có thể vì trước đây Mai Khôi có phong cách biểu diễn hơi khác thường, từ cách ăn mặc, từ màu tóc đến cách thể hiện khá táo bạo, làm như vậy để giúp cho khán giả quen dần với việc xóa bỏ các định kiến. Chúng ta sống trong một xã hội quá nhiều định kiến, giải phóng thanh niên khỏi các định kiến cũng là giải phóng tư tưởng. Chính vì vậy mà Khôi đã sáng tác nhạc dance, sử dụng nhạc dance để truyền tải các thông điệp xã hội. Ví dụ như trong bài “Selfie orgasm” Khôi đã mô tả hành vi tự sướng và thái độ tiếp nhận, chia sẻ thông tin không chín chắn, thiếu suy nghĩ đang ngự trị trong thanh niên Việt, làm tê liệt ý chí vươn lên của họ. Chính người Việt mình đã phát minh ra khái niệm “Selfie Orgasm (Tự sướng)” để đặt tên cho căn bệnh xã hội của mình. Giới trẻ là những người giữ trọng trách làm cho đất nước thay đổi và làm cho đất nước phát triển, nếu cứ suốt ngày “tự sướng” thì thời gian đâu để suy nghĩ cho đất nước.
Tôi coi sự so sánh Mai Khôi với Lady Gaga là rất khiên cưỡng. Khác biệt cơ bản: Lady Gaga của nước Mỹ có thể tự do làm mọi việc mà không sợ bị ảnh hưởng đến cuộc sống, điều mà Mai Khôi ở Việt Nam không thể có.
Hợp với suy nghĩ của tôi, ngày 24.10.16, báo tiếng Đức Asienzeitung đã đem những hoạt động xã hội của Mai Khôi để so sánh ngược lại rằng: giờ đây, ngay cả Lady Gaga của nước Mỹ cũng đã bắt đầu quan tâm đến chính trị, khi cô lên tiếng về nạn bạo hành của cảnh sát chống người da mầu(4).
Trong ba ngày Mai Khôi là khách của gia đình tôi ở Köln, vợ chồng tôi, ngoài việc được chứng kiến tài năng âm nhạc của một nghệ sỹ trẻ đầy nhiệt huyết, còn khám phá được một trái tim lớn bên trong một phụ nữ nhỏ bé, kiều diễm. Mai Khôi đã làm chúng tôi thật sự cảm động, khi cô tìm cách quan tâm đến một cậu fan trẻ tuổi có số phận rất đáng thương mà trong khuôn khổ bài viết này không thể kể chi tiết.
Vì ca sỹ Jazzy Dạ Lam ở Munich bận, không tham gia cùng Mai Khôi trong buổi biểu diễn tại Köln, tôi phải mời cặp vợ chồng Phương Hoa, Lê Hùng, hai nghệ sỹ nhạc dân tộc Việt Nam ở Berlin cùng tham gia để “chia lửa” cho Mai Khôi trong suốt gần 3 giờ trên sân khấu. Hai bạn Hoa, Hùng đã vui vẻ nhận lời, không lấy tiền thù lao. Vợ chồng Hoa, Hùng đã chở toàn bộ nhạc cụ, thiết bị âm thanh đến Köln giúp đỡ. Không ngờ sự tham gia của hai bạn Hoa, Hùng đã tạo nên một sự kết hợp rất thành công giữa nhạc pop hiện đại và nhạc dân gian cổ truyền Việt Nam, làm nức lòng tất cả khán giả Đức Việt có mặt hôm đó.
Thật xúc động được nghe các bài hát do chính Mai Khôi sáng tác: “Những chuyến xe Bus”, “Tiếng lòng tôi”, “Trói vào tự do”… Chúng không chỉ đem đến cho người nghe cảm xúc âm nhạc sâu lắng, mà còn đánh thức lương tri con người. Mai Khôi được thừa hưởng của cha, của gia đình cái “gen” âm nhạc là điều tôi biết, nhưng cái gì đã nuôi dưỡng nên ý thức xã hội và lòng nhân ái của một người nghệ sỹ? Không phải nhạc sỹ nào khi nhìn thấy những người vô gia cư nằm ngủ bên ngoài các tòa nhà trống đều có thể hét lên câu hỏi: Vì sao lại có sự bất công đó? Không phải người Việt nào khi nhìn thấy những chiếc xe buýt bắt người biểu tình cũng cất lên tiếng thét xé lòng như Mai Khôi.
Trong lúc hát bài “Những chuyến xe bus”, không hiểu có phải vì cảm xúc mạnh trước hình ảnh đàn áp và máu chảy trên mặt đường mà Mai Khôi đã đánh đứt dây đàn. Khán giả xúc động, vỗ tay cổ vũ cô hát tiếp.
Mai Khôi cho biết, cô thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ cha. Ông đã dạy cô chơi nhạc từ bé và đem cô theo ông đi biểu diễn nhạc đám cưới từ lúc cô 12 tuổi. Các cảm xúc trong cuộc sống thì được hình thành từ một gia đình giàu lòng nhân ái, trong đó người mẹ góp phần không nhỏ. Mẹ Khôi dạy văn nên thường truyền lại cho các con những suy nghĩ và cách hành xử rất nhân văn, những mẩu chuyện về tình thương. Do đó Khôi thường có những cảm xúc rất mạnh về xã hội, về thân phận con người. Từ nhỏ, bé Khôi đã hay khóc khi nhìn thấy những người nghèo khổ ngoài đường, hay bảo vệ các bạn yếu thế (những bạn hay bị bắt nạt) trong trường, lớp của mình.
Lớn lên, Khôi cũng hiểu được những diễn biến chính trị đã làm ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam như thế nào thông qua lời kể, lời dạy của ông bà và cha mẹ cô, những người đã trải qua các cuộc chiến. Rồi Khôi run rủi yêu Ben, một thanh niên Úc làm việc trong một dự án quốc tế về chống bạo lực học đường tại Việt Nam. Ben hay trao đổi với cô về trách nhiệm xã hội của những người trí thức, của người nghệ sỹ trước bạo lực, truớc đói nghèo, trước bất công. Tất cả các yếu tố đó đã thổi ngọn lửa vào tâm hồn, tạo cho Mai Khôi tầm nhìn trong cuộc sống và trong ca nhạc.
Thưởng thức các sáng tác song ngữ Anh-Việt qua giọng hát mạnh mẽ của Khôi, bằng một thứ tiếng Anh rất rõ ràng, tôi thực sự ngạc nhiên về khả năng tư duy và phong cách thể hiện phá bỏ không gian của một cô gái 33 tuổi, sinh ra, lớn lên và được đào tạo trong một xã hội đầy khuôn phép như Việt Nam. Với câu niệm chú “Om Mani Padme Hum” của kinh Phật Tây Tạng, Khôi muốn gửi niềm tin vào tôn giáo hàng đầu Á châu, đang thịnh hành trong dân tộc, song cũng bày tỏ niềm thất vọng rằng niềm tin đó đã không giải phóng được cô ra khỏi những thực tế đắng cay trên quê hương. Một bài thơ mộc mạc chứa đựng tính triết lý.
Mai Khôi cùng ban nhạc Lotus của Phương Hoa, Lê Hùng tại Köln hôm 06.11.2016
Ngược lại, với bài hát vui “You’ve Been A Bad Bad Boy” mà cô định hát tặng Tổng thống Obama trong buổi gặp mặt hôm 24.5 tại Hà Nội, Mai Khôi đã tận dụng khả năng châm biếm của nghệ thuật để qua lời độc thoại rất đời thường với vị Tổng thống đáng kính nọ, gửi một thông điệp tới giới chính khách: Đừng quá say trong những trò chơi chính trị mà làm mất đi lòng tin của người dân!
Đáng tiếc là trong buổi gặp đầy sóng gió đó(5), Mai Khôi không có cơ hội để hát tặng Obama. Nhưng nếu có, chắc chắn người đàn ông thông minh và hào hiệp kia sẽ rất hạnh phúc đón nhận sự phê phán ngọt ngào của Khôi.
Tôi chợt tự hỏi: Một người có những tư chất như Mai Khôi thừa thông minh để nhìn ra con đường thênh thang truớc mắt, nếu cô biết tận dụng thế mạnh về chất giọng, về nhạc cảm, về kiến thức phối âm, về tư duy sáng tác độc đáo, và quan trọng hơn nữa là về ngoại hình, về phong cách biểu diễn để chinh phục công chúng qua các sáng tác giải trí. Vậy cái gì đã tạo ra buớc ngoặt, khiến Mai Khôi quan tâm đến các đề tài tiến bộ xã hội, dân chủ, nhân quyền và bất chấp mọi nguy hiểm, tìm mọi cách đưa chúng vào âm nhạc?
Ngày hôm sau, trong một quán cà phê dưới chân tượng đài Beethoven ở thành phố Bonn, Mai Khôi tâm sự với tôi:
– Ngay từ khi bắt đầu biết sáng tác nhạc, Mai Khôi đã quan tâm đến công bằng xã hội. Nhưng có lẽ chỉ từ khi nghe anh Quang A tuyên bố đứng ra ứng cử Quốc hội thì cô mới bắt đầu thực sự đi tìm các câu trả lời về sự bế quan tỏa cảng trong sáng tác nghệ thuật, về sự kiểm duyệt vô nguyên tắc. Rồi Khôi nhận ra rằng việc người nghệ sỹ không có quyền tự do sáng tác cũng chính là việc người dân không có quyền được nói lên tiếng nói của mình. Vậy nên cô quyết định đứng ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Tất nhiên với việc làm đó, cô mong muốn thức tỉnh giới trẻ hãy quan tâm hơn đến chính trị, hơn là mong mình được vào Quốc hội.
Đối với Khôi, việc trở thành một ca sĩ giải trí với hàng trăm ngàn người hâm mộ chưa bao giờ là ước mơ của cô. Khôi luôn luôn muốn được sáng tạo ra gì đó mới mẻ. Khi thấy ca sĩ giải trí đã nhan nhản khắp nơi, trong khi con người đang lạc trong mê hồn trận tiêu khiển, cô không muốn trở thành một thứ giải trí nữa. Khôi không thể nào chịu nổi, không thể nào ngồi im, không thể nào mua vui, khi thấy người dân bị ức hiếp, bạn bè anh em bị bỏ tù vô tội, bị đánh, bị cướp quyền đi lại….Vậy hãy biểu đạt những điều Khôi nghĩ, những điều Khôi thấy, những điều Khôi muốn, chính là bằng âm nhạc, sức mạnh duy nhất mà Khôi có.
– Gia đình Mai Khôi phản ứng ra sao trước sự lựa chọn đó? tôi hỏi.
– Ba mẹ Khôi luôn vun xới cho sự nghiệp của Khôi và tất nhiên ông bà rất mừng về con đường âm nhạc của Khôi. Sau khi Khôi đứng ra tự ứng cử đại biểu Quốc hội, địa phương có cử người đến gia đình nhắn nhủ. Mẹ Khôi lo lắng lắm. Khôi nghe mẹ than thở nhưng không muốn bàn chuyện đó qua điện thoại. Khôi về tận quê giải thích cho mẹ nghe, để mẹ hiểu rằng Khôi không hề làm điều gì sai trái, Khôi đang làm đúng nghĩa vụ công dân như mẹ đã dạy dỗ Khôi. Mẹ nghe ra và trở nên vững tâm. Còn ba Khôi thì ủng hộ Khôi ngay từ đầu và ông chính là một trong những nguồn động viên Khôi. Ben, chồng Khôi cũng là người vô cùng tâm huyết với những vấn đề xã hội, đặc biệt là xã hội Việt Nam. Ben đã sống ở Việt Nam 7 năm, đưa chương trình giáo dục về chống bạo lực và bất bình đẳng giới vào các trường học cấp hai nhằm mục đích giải quyết bạo lực và định kiến giới ở tận gốc. Dĩ nhiên, Ben rất vui sướng khi có người đồng tư tưởng với mình, đó là mong muốn và làm hết sức mình cho một xã hội tốt đẹp hơn.
Trong buổi biểu diễn ở Köln, các nghệ sỹ luôn nhận được những tràng pháo tay vang dội của khán giả, dù sao chỉ là của khoảng 100 người, trong một hội trường nhỏ, bố trí đơn sơ, lắp đặt vội vàng. Tôi nghĩ một người đã nổi tiếng như Mai Khôi, với 40.000 người hâm mộ (Followers) trên Facebook, đã từng đứng dưới hào quang của các sân khấu lớn, liệu có bị hụt hẫng trong hoàn cảnh khiêm tốn như hiện tại?
Mai Khôi nói rằng, đó là một sự ngộ nhận: Khôi xưa nay, kể cả lúc thành đạt nhất, chưa bao giờ đi tìm ánh hào quang. Chính vì vậy cô rất ít khi xuất hiện ở những sân khấu lớn. Điều quan trọng của Khôi là tình cảm thực sự của khán giả, là sự gắn bó của khán giả đối với các sáng tác của mình, chứ không phải sự cuồng nhiệt vì giá trị giải trí của các show. Do vậy trước hay sau khi bị gây khó dễ bởi các hoạt động xã hội của mình, những khán giả yêu mến Khôi vẫn luôn bên cô. Khôi không hề bị hụt hẫng. Ngược lại tình cảm của bà con tại các buổi biểu diễn ấm cúng ở Đức, ở Tiệp mấy hôm vừa qua, đã làm cho Khôi hết sức xúc động. Điều duy nhất làm cho Khôi buồn là một số bạn bè thân thiết của Khôi, không biết vì quá lo lắng cho Khôi, hay cho bản thân mà họ đã khuyên can Khôi từ bỏ con đường Khôi đã lựa chọn, có những người thậm chí đã xa lánh Khôi.
Sau buổi biểu diễn, một cô gái Việt, cùng tuổi với Mai Khôi, đã đặt câu hỏi rất đơn giản cho mọi người Việt, nhưng lại rất khó hiểu cho những người Đức tại hội truờng: Liệu những hoạt động xã hội của Mai Khôi có trở thành nguy cơ đe dọa sự nghiệp âm nhạc của một nghệ sỹ có tài hay không?
Mai Khôi: Tùy quan niệm của mọi người về hai chữ “sự nghiệp”. Đối với Khôi, sự nghiệp âm nhạc không chỉ là các nốt nhạc, các lời ca, mà chính là các thông điệp chính trị chứa đựng trong đó. Do vậy nếu sáng tác âm nhạc mà không gắn bó với các vấn đề nóng bỏng của xã hội thì không thể coi đó là sự nghiệp.
Mặt khác, Khôi thấy, mức độ phát triển sự nghiệp của một người nghệ sỹ có tài thường tỉ lệ thuận với những rủi ro, nguy khốn, những thử thách. Do vậy nếu muốn phát triển phải chấp nhận những thử thách.
Khi được hỏi liệu cô có sợ bị khó khăn khi quay về nước? Mai Khôi nói: Khôi không nghĩ như vậy. Khôi không chống lại Nhà nước. Khôi chỉ muốn Nhà nước nghe được dân đang nghĩ gì, đang cần gì. Khôi yêu Việt Nam và muốn Việt Nam cũng phát triển như những nơi mà Khôi đã đến. Ở tất cả những nơi nơi đó, người dân và chính phủ luôn đối thoại bình đẳng với nhau.
Với sáng tác, với giọng hát và cây đàn của mình, Mai Khôi muốn cổ vũ giới trẻ: Hãy quan tâm đến chính trị, đến quyền được nói, quyền được yêu, được ghét, quyền tự do sáng tác, quyền được ứng cử của mình và hãy đấu tranh để bảo vệ chúng. Cũng chính bằng âm nhạc, Khôi muốn nhắc nhở chính quyền phải tôn trọng các quyền thiêng liêng đó của người dân, vốn đã ghi trong Hiến pháp.
Tiễn Mai Khôi tại nhà ga, nhìn cô đeo chiếc đàn guitar bước lên tàu hỏa, tôi tâm đắc về thông điệp của cô gái nhỏ bé này: Mỗi con người hãy gửi gắm những ước mơ đẹp của mình vào sự nghiệp. Đối với cô, đó là âm nhạc.
Köln 11.2016
X.T.
__________
(1) Sau cuộc gặp với Tổng thống Obama hôm 24.05.16, có một số ý kiến trên mạng cho rằng Mai Khôi đã không hề phát biều gì về tự do ngôn luận, tự do biểu diễn, về nhân quyền trong cuộc gặp này, mặc dầu cô khẳng định là có. BBC cũng đưa tin như vậy và sau này đã lên tiếng cải chính. Blogger Anh Gấu Phạm, người phiên dịch cho phái đoàn Mỹ gần đây cũng khẳng định là Mai Khôi đã kể đúng những gì cô phát biểu trong cuộc gặp.
(2) Tôi đã liên hệ với hai nhà Việt Nam học ở Praha là Jan Komarek và Ondra Slowik. Hai bạn giúp tổ chức buổi biểu diễn của Mai Khôi tại Jam Club Praha hôm 30.10.16.
http://www.abc.net.au/news/2016-03-17/mai-khoi-vietnam-lady-gaga-running-for-parliament/7255670
(5) Nhà Trắng dự định mời khoảng 10 người đại diện cho các tổ chức Xã hội Dân sự Việt Nam đến gặp Tổng thống Obama, nhưng nhiều người trong số đó bị chặn hoặc bị bắt cóc. Đến giờ chót số ghế trống mới được dọn đi.
Tác giả gửi BVN.