Tổng hợp Le Figaro và Libération 26/11/2016
…Những năm tháng Fidel được ghi dấu với vô số vụ vi phạm nhân quyền. Nhưng trên trường quốc tế, Fidel Castro với bộ quân phục giản dị, râu quai nón lại chiếm được cảm tình, nhất là cánh tả phương Tây. Người dân Cuba không biết gì về đời tư lãnh tụ tối cao. Tại Matxcơva, báo chí tiết lộ cuộc sống xa hoa của Fidel Castro với ba du thuyền, 32 dinh thự và 9.700 cận vệ riêng…
Fidel Castro năm 1959.
Huyền thoại Fidel Castro, người thách thức chủ nghĩa tư bản đã qua đời hôm thứ Sáu 25/11/2016 tại La Habana ở tuổi 90. Chính người em ông là Raul, đương kim chủ tịch nước đã loan báo trên truyền hình quốc gia.
Lên nắm quyền năm 1959, cựu luật sư đã lãnh đạo đảo quốc với bàn tay sắt trong gần năm thập kỷ. Từ khi cơn bệnh buộc ông phải nhường quyền lại cho người em Raul năm 2006, Fidel bắt đầu bình luận thời sự thế giới qua các bài xã luận đăng trên tờ báo chính thức Granma, với đề mục Phản ứng của đồng chí Fidel. Tuy giới trẻ Cuba quá chán ngán những khẩu hiệu sáo mòn, gọi ông là “el loco” (kẻ điên), Fidel vẫn bướng bỉnh đóng vai trò “người da đỏ cuối cùng”.
Trói mình trong bức tường kiêu căng vòi vọi, Lider Maximo (lãnh tụ tối cao) không muốn nghe, không muốn thấy gì khác và nhất là những bức tường nứt nẻ của La Habana. Fidel đã trở nên một tượng đài cần phải chiếu sáng vĩnh cửu như là “ngọn đèn pha trước mắt toàn thế giới”. Nhằm để lại cho hậu thế hình ảnh một nhà cách mạng thuần khiết, Fidel Castro sẵn sàng buộc mọi người Cuba phải hy sinh.
Những thất bại liên tiếp
Fidel sinh năm 1926, trong một gia đình khá giả. Cha ông là Angel, từ Galice (Tây Ban Nha) sang đã mua được một đồn điền trồng mía nhờ làm ăn với người Mỹ. Fidel nhớ lại: “Cha hối lộ các quan chức, mời họ đến nhà, mở tủ trong phòng khách lấy ra những bao thư đầy tiền đưa cho họ”.
Ông Angel Castro qua mặt vợ, sưu tập vô số mối tình. Mẹ của Fidel, Lina Ruz, trước đó là người giúp việc gốc Créole trong gia đình, đã sinh cho ông Angel hai người con ngoài giá thú là Angela và Ramon, sau Fidel lại có thêm Juanita, Raul và Augustina. Cho đến khi được rửa tội năm 1935 và được cha nhìn nhận, Fidel vẫn mang họ mẹ.
Thời sinh viên
Fidel được gởi đi học nội trú tại Dòng Tên, từ tiểu học lên đến trung học. Trong một trận đấu bóng rổ giữa trường trung học Công giáo Bélen ở La Habana với trường Tin Lành La Progresiva, Fidel đem lòng yêu cô Mirta Diaz-Balart, lúc đó mới 15 tuổi. Năm 1943, Fidel Castro ghi danh học luật ở La Habana, trở thành Chủ tịch Liên đoàn sinh viên và dần dần tiêm nhiễm ý tưởng cách mạng.
Năm 1947, Fidel tổ chức một đoàn quân sang Cộng hòa Dominica để lật đổ tướng Trujillo nhưng thất bại, và một năm sau tham gia cuộc nổi dậy Bogota ở Colombia. Lider Maximo sau này kể lại: “Chúng tôi thời đó rất lãng mạn, tự do và không tưởng”. Fidel muốn người ta hiểu rằng ông chỉ trở thành người cộng sản do thái độ thù địch của “bọn Yankee”. Nhưng giả thiết đáng tin cậy nhất là Fidel đã được KGB tuyển mộ ngay từ thời học đại học.
Fidel bên cạnh người vợ Mirta Diaz-Balart và con trai Fidelito.
Mirta vẫn chờ đợi người tình cách mạng ở La Habana. Lễ cưới được tổ chức ngày 10/10/1048 tại một giáo đường ở quê vợ, sau đó cả hai lên đường sang Mỹ hưởng tuần trăng mật tại Miami rồi New York. Castro bị chinh phục bởi nước Mỹ trong vinh quang thời hậu chiến, thậm chí còn muốn định cư tại đây. Hai vợ chồng ba tháng sau mới trở về La Habana. Fidelito, người con trai duy nhất được Fidel Castro nhìn nhận, chào đời vài tháng sau.
Năm 1950 Fidel ra trường, mở văn phòng luật sư “để bảo vệ người nghèo”, nhưng công ty sập tiệm vì người dân không có tiền để kiện tụng. Hơn nữa, Fidel thích làm chính trị. Ông gia nhập Đảng Nhân dân Cuba và tham gia tranh cử Quốc hội, nhưng kết quả bị bác bỏ khi đại tá Fulgencio Batista đảo chính ngày 10/03/1952. Fidel Castro kiện lên Tòa Bảo hiến nhưng bị bác, bèn lao vào đấu tranh trực tiếp chống độc tài. Những người đối lập với Batista bị đàn áp, tệ nạn tràn lan, trên nửa triệu người Cuba thất nghiệp.
Suốt nhiều tháng trời, cặp vợ chồng sống dựa vào tiền chu cấp của người cha Fidel. Điện bị cúp thường xuyên vì không trả tiền (Công ty điện lực có vốn của Mỹ nằm trong số các công ty bị quốc hữu hóa đầu tiên sau cách mạng), nhưng Fidel Castro vẫn chi số tiền ít ỏi vào việc sưu tập các bài diễn văn và bài báo của nhà độc tài Benito Mussolini.
Người tù trên đảo Cây Thông
Cùng với người em Raul, Fidel Castro và khoảng 150 thanh niên khởi động cuộc tấn công vũ trang chống chế độ Batista ngày 26/07/1953, đánh vào căn cứ Moncada ở Santiago. Cuộc nổi dậy bị đàn áp đẫm máu, hai anh em thoát chết nhưng bị bắt. Đảng Cộng sản Cuba vốn không thích thú gì trước các hành động của những người trẻ này, tố cáo “các thanh niên trưởng giả phiêu lưu”. Trong phiên xử ngày 16/10, Fidel Castro tự biện hộ với câu nói nổi tiếng “Lịch sử sẽ miễn tội cho tôi”. Hai anh em Castro bị kết án 15 năm tù giam tại nhà tù trên đảo Cây Thông.
Lá thư viết cho cô bồ lại được gởi đến tay người vợ.
Trong thời gian chồng ở tù, Mirta bất ngờ phát hiện những cuộc tình vụng trộm của Fidel. Từ nhiều năm qua, Fidel vẫn lén lút đi lại với Naty Revuelta, một cô gái tóc vàng mắt xanh rất xinh đẹp làm thư ký cho Standard Oil Company ở La Habana. Từ xà lim, Fidel viết thư tình cho cả Mirta và Naty. Nhưng một hôm những người có trách nhiệm của trại giam đã ranh mãnh tráo thư, gởi cho người vợ hợp pháp lá thư dành cho cô bồ và ngược lại.
Người tình Naty
Mirta ngay lập tức tiến hành thủ tục ly dị. Sau đó cô tái giá với Emilio Blanco Nunez, con trai của đại diện chính quyền Batista tại Liên Hiệp Quốc và có hai con gái. Còn Naty sinh ra Alina, con gái duy nhất của Fidel, làm người mẫu ở Cuba một thời gian dài, sau đó cô tố cáo “người cha lãnh tụ độc tài” và năm 1993 sang Mỹ tị nạn.
Fidel Castro và con gái Alina.
Fidel Castro, được ân xá và trả tự do cùng với Raul năm 1955, sau cách mạng đã trả thù bằng cách hành quyết giám đốc nhà tù. Người phụ nữ thứ hai chính thức sống chung với Fidel là cô giáo Dalia Soto Del Valle, sinh cho ông năm con trai. Fidel Castro có tổng cộng ít nhất tám người con.
Không còn sự giúp đỡ của cha, bị gia đình vợ khinh ghét, và lo ngại trước các tay súng bắn tỉa của Batista, Fidel Castro trốn sang Mêhicô tháng 7/1955. Cùng một số người trung thành, ông thành lập Phong trào 26/7 (tức M26) tại đây, trong đó có một y sĩ cách mạng trẻ Achentina là Ernesto “Che” Guavara. Fidel quyên góp tại Hoa Kỳ, huấn luyện du kích ở Mêhicô.
Cách mạng thành công và Chiến tranh Lạnh
Ngày 25/11/1956, cuộc cách mạng Cuba được khởi động từ hữu ngạn dòng sông Tuxpan gần Vịnh Mêhicô, với 82 chiến binh hướng về Cuba trên chiếc tàu nhỏ tồi tàn Granma do Phong trào 26/7 mua. Castro kể lại: “Có ít chỗ đến nỗi những ai mập và to cao nhất phải ở lại đất liền”.
Hình ảnh những “barbudos” – du kích quân để râu và mặc quân phục màu ô liu chuyên phục kích quân chính phủ nhanh chóng chiếm được cảm tình trong dân chúng. Fidel giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, nối kết với người dân nhờ nói với họ về tự do và công lý. Chế độ Fulgencio Batista sụp đổ vào tháng Giêng 1959. Sự thay đổi tại Cuba không làm các cường quốc lo ngại nhất là Hoa Kỳ, chuẩn bị công nhận chính quyền mới.
Sau trận đánh Santa Clara, Fidel Castro ca khúc khải hoàn, tiến vào La Habana trong không khí lễ hội. Vị tổng tư lệnh giữ kín ý đồ của mình, mời một chính khách tự do là bác sĩ Manuel Urrutia làm tổng thống và sang Hoa Kỳ để khẳng định vẫn duy trì căn cứ quân sự Mỹ ở Guantanamo, không đụng đến sở hữu tư nhân của người ngoại quốc và trung thành với các giá trị dân chủ phương Tây. Fidel Castro giải thích ông “không phải là người cộng sản”.
Nhưng đồng thời tại Cuba, “các kẻ thù của cách mạng” bị bỏ tù. Cả Che lẫn Castro đều không ngần ngại tham gia các cuộc hành quyết tùy tiện. Họ tung ra cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa các công ty hầm mỏ do người Mỹ làm chủ, và buộc Tổng thống Urrutia từ chức.
Quan hệ với Mỹ nhanh chóng xấu đi. Fidel muốn thương lượng giá bán đường, nhưng Washington từ chối cố định giá trong mùa thu hoạch. Castro tức giận, đe dọa sẽ bán cho nước khác. Tháng 2/1960, Liên Xô ký hợp đồng đổi dầu lửa lấy đường đầu tiên, và tám tháng sau, Hoa Kỳ tuyên bố cấm vận thương mại Cuba.
Fidel (dưới cùng) trong vụ Vịnh Con Heo.
Tháng 4/1961, John F.Kennedy, người đầu tiên trong số 11 Tổng thống Mỹ mà Castro lần lượt thách thức, cho tiến hành vụ đổ bộ vào Vịnh Con Heo do những người tị nạn Cuba được CIA hỗ trợ tiến hành, nhưng thất bại hoàn toàn. Fidel Castro trở thành ngọn cờ chống đế quốc.
Đang trong Chiến tranh Lạnh, Nikita Khrouchtchev nâng đỡ Fidel và cho bố trí các hỏa tiễn Liên Xô trên lãnh thổ Cuba. Kennedy lập tức huy động 150.000 quân dự bị, phong tỏa đường biển Cuba và đưa ra tối hậu thư cho Matxcơva. Ban đầu Khrouchtchev từ chối nhưng rốt cuộc đến ngày 28/10 đã chấp nhận rút đi các thiết bị quân sự, đổi lấy cam kết của Mỹ không tấn công đảo quốc.
Phẫn nộ trước thỏa thuận giữa hai đại cường, Fidel quay sang phía Bắc Kinh. Đảng của các tổ chức cách mạng chuyển đổi thành Đảng Cộng sản Cuba. Trên trường quốc tế, tuy đóng vai một quốc gia không liên kết nhưng lính đánh thuê Cuba do Matxcơva trả lương đi chiến đấu tại Angola, Ethiopia, Nicaragua, Surinam, Congo, Libya, Yemen, Guinée-Bissau nhân danh “tinh thần tương trợ quốc tế vô sản”.
Trốn khỏi “thiên đường” Cuba
…Tình hình kinh tế bi thảm khiến Cuba rơi hẳn vào vòng tay của Liên Xô vào đầu thập niên 70. La Habana lệ thuộc Matxcơva về thương mại đến trên 80%. Năm 1991 Liên Xô sụp đổ, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.
Tuy từ năm 1959 đến 1989 Cuba đã làm Liên Xô hao tốn đến 100 tỉ đô la viện trợ, Fidel Castro vẫn có thể khoe khoang hệ thống giáo dục và y tế tốt đẹp, cũng như thành công của thể thao Cuba. Nhưng Perestroika mà Fidel từ chối áp dụng tại đảo quốc, đã lột trần bộ mặt cách mạng Cuba.
Không có viện trợ Liên Xô, tất cả suy sụp rất nhanh. Dầu lửa bắt đầu khan hiếm, và cả xà bông, rau quả, thịt… khiến Fidel Castro đành phải nhượng bộ chút ít cho tư bản chủ nghĩa, cho đến khi tìm được một đồng minh mới là Tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Đồng đô la được lưu chuyển, du lịch được khuyến khích.
Giới ăn trên ngồi trước làm giàu, nhưng người dân quê vẫn không được quyền tự do bán sản phẩm của mình. Ngày càng nhiều người dân Cuba tìm cách vượt biên sang Hoa Kỳ. Các balsero (thuyền nhân) ra đi trên những chiếc tàu cũ kỹ. Fidel cho đánh chìm một số, hoặc làm lơ cho đi với hy vọng làn sóng boat people sẽ khiến Washington phải nới lỏng cấm vận.
Người Cuba tại Miami vui mừng trước tin Fidel qua đời, 26/11/2016.
Chế độ toàn trị và cuộc sống riêng xa hoa
Những năm tháng Fidel được ghi dấu với vô số vụ vi phạm nhân quyền: bắt bớ tùy tiện, những bản án tù nặng nề, đàn áp đối lập, đóng cửa các nhà sách, truy bức người đồng tính, thanh trừng, thiếu vắng các quyền tự do căn bản. Cả một hệ thống toàn trị nhằm ngăn ngừa phản kháng. Nhiều người bạn chiến đấu của Fidel Castro thời hàn vi đã bị trấn áp vì dám lên tiếng chỉ trích.
Nhưng trên trường quốc tế, Fidel Castro với bộ quân phục, râu quai nón và đôi giày thể thao lại chiếm được cảm tình, nhất là cánh tả phương Tây. Cho đến trước khi lâm bệnh năm 2006, Fidel là khách mời danh dự của nhiều diễn đàn trên thế giới. Huyền thoại này khi xuất hiện trước đám đông phóng viên ảnh và truyền hình, với những bài diễn văn hùng hồn luôn bảo đảm cho thành công của cuộc tập hợp.
Trên du thuyền với các cận vệ.
Phong cách giản dị của Fidel thu hút những người bảo vệ những kẻ bị áp bức, nhưng Lider Maximo thích bí mật. Người dân Cuba không biết gì về đời tư lãnh tụ tối cao, chẳng bao giờ thấy cảnh Fidel ăn uống. Ông cũng che giấu kỹ các bà vợ, các người tình và những đứa con. Không ai biết về các dinh cơ, cách sống và những lần di chuyển của Fidel. Tại Matxcơva, báo chí tiết lộ cuộc sống xa hoa của Fidel Castro với ba du thuyền, 32 dinh thự và 9.700 cận vệ riêng.
Huyền thoại Fidel đã chết, một trang sử của thế kỷ 20 đã được lật qua.
Nguồn: http://thuymyrfi.blogspot.fr/2016/11/fidel-castro-nha-cach-mang-cuoi-cung.html