Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Trong lịch sử văn hoá-tư tưởng nước ta, có những bản tuyên ngôn nổi tiếng tới muôn đời: đó là bản tuyên ngôn lập quốc đầu tiên bằng “Thiên đô chiếu” do đức Lý Thái Tổ viết, bản tuyên ngôn chiến trận đời Trần bằng “Hịch tướng sĩ văn” tương truyền của Đại vương Trần Quốc Tuấn thảo, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt bằng áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo thiên hạ” do vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi chấp bút, bản tuyên ngôn độc lập thời hiện đại của nước VNDCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc… Nhưng, ở đầu thế kỷ XVII, có một bản khải văn cũng mang tầm vóc của một bản tuyên ngôn rất đáng đi vào lịch sử thì còn được ít người biết đến. Đó là bản khải văn có thể gọi tên: “Lấy dân làm gốc”(1).
Lần đầu tiên được đọc bài khải văn do nhà văn Hoàng Quốc Hải giới thiệu, tôi thấy sững sờ, và có cảm giác rõ rệt: dường như tác giả đã viết nó cho cả ngày hôm nay nữa! Đây là một luận văn chính trị sắc bén, chứa đựng những suy nghĩ thấu đáo về thời cuộc, tràn trề xúc cảm, chan chứa tình thương dân, hôi hổi tính thời sự, theo tôi rất đáng được chọn đưa vào SGK phổ thông trung học!
Vào thời xuất hiện bản khải văn, chính quyền Lê-Trịnh tuy đã tương đối ổn định, trong nước đã tạm yên bình, nhưng cuộc nội chiến với nhà Mạc lên miên suốt mấy chục năm đã khiến cho sản xuất nông nghiệp đình đốn, làng xóm tiêu điều, nhiều năm mất mùa liên tiếp, trong khi đó nạn nhũng nhiễu dân lành của quan lại đã trở thành hiện trạng nhức nhối có nguy cơ làm nổ tung cơ cấu xã hội, đưa cả dân tộc tới chỗ diệt vong… Trước tình hình đó, vào tháng 9 năm 1612, Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Thì (NDT) cùng Giám sát ngự Phạm Trân và các đồng liêu đã dâng lên Bình An vương (tức chúa Trịnh Tùng) bài khải bộc lộ mối quan tâm của các ông trước hiện tình triều chính, đồng thời nêu lên “những việc chính sự cấp thiết phải tu chỉnh để chuyển tai họa thành điềm lành, trên hợp với ý trời, dưới thuận với lòng người”.
Toàn bộ văn bản bài khải như sau(2):
“Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khoá bừa bãi, để cho dân được thoả sống mà không còn tiếng sầu hận oán than. Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân. Nay Thánh thượng (chỉ chúa Trịnh) để ý tới dân, thi hành một chính sách cốt để nuôi dân, ban ra một mệnh lệnh, cũng nghiêm răn nhiễu dân. Lòng yêu dân đó, thực là lượng cả của trời đất, cha mẹ vậy.
Nhưng kẻ thừa hành thì chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chỉ chăm làm điều hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, mọi việc nhiễu dân, không điều gì không làm, khiến dân trong nước, con trai thì không có áo, con gái thì không có váy, tiệc hát xướng không còn, lễ cưới xin không đủ, sống nuôi chết đưa không trông cậy vào đâu, ăn uống chi dùng hàng ngày mọi bề đều thiếu, dân mọn nghèo hèn cho đến sâu bọ cỏ cây đều không sống nổi.
Vì thế, cảm động đến đất trời, khiến cho lòng trời ở trên không thuận, tai hoạ lũ lụt tràn ngập quá mức thường, chắc là có quan hệ với chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi gây nên thế sao? Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời, và chuyển tai hoạ thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy”(3).
Danh nhân Nguyễn Duy Thì (1571-1651), tác giả chính của bài khải trên, là một trong những nhân vật nổi tiếng của vùng đất Yên Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Sau đây là vài dòng tiểu sử của cụ do một nhà nghiên cứu đúc kết: Năm 1598, khi 27 tuổi, Nguyễn Duy Thì thi đỗ Hoàng giáp. Tên tuổi của ông được khắc trên bia đá tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám… Là một trí thức có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam thời Lê Trung Hưng, Nguyễn Duy Thì đã đem hết sức mình cống hiến cho sự ổn định tình hình chính trị đất nước ở buổi đầu thời Lê Trịnh, trong thì giữ yên chính trị, ngoài thì trấn áp phản loạn, khôi phục mối bang giao hữu hảo với phía Bắc, giữ gìn tình cảm truyền thống người Việt với nhà Nguyễn ở phía Nam; một lòng trung quân, ái quốc, thương dân. Ông được người đời nhờ cậy và tôn trọng trong suốt 30 năm; Phủ đường nơi ông làm việc khi về quê, sau khi ông mất, nhân dân sử dụng làm nơi hương đăng thờ phụng, tưởng nhớ công lao của ông suốt hơn 350 năm nay. Nhà sử học Phan Huy Chú đã xếp ông vào hàng 38 vị phù tá có công lao tài đức của nhà Lê Trung Hưng.
Xin trở lại với bài khải.
Mở đầu bài khải, bằng sự khôn khéo tỉnh táo của một chính trị gia chuyên nghiệp, cụ NDT đã đưa ra những chân lý không ai chối cãi nổi: “Dân là gốc nước, đạo trị nước là yêu quý dân mà thôi. Trời và dân theo một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời. Vì thế người giỏi trị nước phải yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy dân đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khoá bừa bãi, để cho dân được thoả sống mà không còn tiếng sầu hận oán than. Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân”. Những điều này-như là cái lẽ Trị quốc An dân sáng tỏ tựa mặt trăng mặt trời mà người cầm quyền của một quốc gia cần lấy làm lòng thì đã được nhiều người trước cụ Nguyễn Duy Thì nói đến, tiêu biểu là danh nhân Nguyễn Trãi… Nhưng ngay ở đoạn mở đầu có tính chất đặt nền tảng như trên, ta có thể thấy trái tim cụ NDT đã rớm máu thế nào, những lời thốt ra không chỉ là kinh điển Nho gia mà chính là đòi hỏi của Lương tri thông thường lẫn đòi hỏi của Sứ mệnh “chăn Dân” được đặt trong tình thế kêu gọi thiêng liêng!
Với cái tiền đề nặng đầy lý trí và tràn trề cảm xúc như vậy, cụ NDT đã khéo léo đưa ngưòi cầm đầu QG vào cuộc: “Nay Thánh thượng (chỉ chúa Trịnh) để ý tới dân, thi hành một chính sách cốt để nuôi dân, ban ra một mệnh lệnh, cũng nghiêm răn nhiễu dân. Lòng yêu dân đó, thực là lượng cả của trời đất, cha mẹ vậy”. Tháng 4 năm Quý Tỵ (1593), vua Lê Thế Tông trở về Thăng Long, đánh dấu sự phục hưng của triều Lê nhưng chỉ là trên danh nghĩa, còn thực quyền đã nằm trong tay chúa Trịnh. Còn kể từ năm 1527, khi Mạc Đăng Dung đoạt ngôi triều Lê, chế độ quân chủ Đại Việt lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, những cuộc tranh giành quyền lực gây nên nội chiến Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn chia cắt đất nước. Khắp nơi, nông dân nổi dậy chống lại chế độ quân chủ áp bức tàn bạo. Vài nhà nghiên cứu lịch sử đã có nhận định khá thống nhất: các vua Lê thời đó đều trẻ người non dạ trước tiền đồ của giang sơn xã tắc, và Trịnh Tùng, muốn giữ vững ngôi vị, ngoài tài năng cai trị và cầm quân, buộc phải trở thành người cứng rắn, quyết đoán và thậm chí tàn nhẫn; với tài năng sẵn có trong thời loạn, ông đã trở thành kẻ gian hùng khuynh đảo triều chính nhà hậu Lê… Những dòng văn khải trên có tác dụng một mũi tên trúng hai đích: vừa để nhấn mạnh cái phần tài năng trị quốc, khẳng định mặt tích cực trong các chính sách của Trịnh Tùng; đồng thời cũng ngầm đem cái sức mạnh nguyên thuỷ của “Thiên đạo” (khái niệm của Lão Tử) diễn đạt theo cách dân dã và Việt hoá là: “lượng cả của trời đất, cha mẹ” để răn dạy bậc cầm quyền; điều đặc biệt có ý nghĩa là cụ đã lồng vào cái “Thiên đạo” xa lạ kia bằng nội dung “Lòng yêu dân”! Là một trí thức tỉnh táo, ông thừa hiểu bản tính của con người là ham lợi, là khát khao quyền lực, là ước nguyện đè nén người khác, như triết gia Hàn Phi đời Chiến Quốc đã khái quát- nhất là chúng lại nằm ở một người đứng trên đầu cả thiên hạ như Trịnh Tùng! Nhưng, trong cái thời loạn đó, cụ NDT cũng hiểu hơn ai hết, cần phải có người có đủ bản lĩnh, tài năng và quyết đoán như Trịnh Tùng để giữ sự bình yên cho Đất nước. Nhà sử học Phan Huy Chú đã viết về Trịnh Tùng như sau: “Ông tính khoan hậu, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ… dùng binh như thần… Ông thực sự làm chúa cầm quyền chính, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy…”(4). Dù Phan Huy Chú là sử gia đương thời bắt buộc phải nói sao cho đẹp lòng quân vương, song rõ ràng cũng phải có ít nhiều sự thật trong những dòng sử trên! Và khác với nhà triết học chính trị người Ý N. Machiavelli, người đã khuyên bậc quân vương rằng: “Quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy còn cáo thì không chống lại được sói”, cụ NDT nước ta, sống sau Machiavelli gần hai thế kỷ, đã khuyên bậc quân vương của mình điều hệ trọng bậc nhất: Cần phải yêu Dân, quý Dân thực sự, bởi lẽ Dân là gốc của nước; và yêu quý Dân chính là cái gốc của đạo trị Dân. Dân không phải là kẻ thù, nên không thể xử sự với Dân như loài dã thú đã làm! Điều này, ta có cảm tưởng cụ NDT đang nói trực tiếp với những người Việt Nam của thế kỷ XXI!
Những cuộc khởi nghĩa nông dân, những cuộc đấu đá huynh đệ tương tàn vì quyền lực và đất đai giữa các thế lực chính trị, mối đe doạ ngoại xâm thường trực từ phương Bắc…, tất cả đều nguy hiểm cho an ninh quốc gia, song đều không nguy hiểm bằng hoạ nội xâm do sự thối nát tự bên trong chính quyền, những kẻ “ăn lộc của dân” nhưng lại “đền ơn kẻ cấy cày” bằng sự cướp đoạt trắng trợn mồ hôi nước mắt của dân! Cụ NDT biết rõ điều này, và bằng mọi cách để Trịnh vương cũng phải giật mình cảnh giác. Vì thế, trong tâm trạng bức xúc đến cuồng nộ, tiếp theo, tác giả tờ khải cấp báo và lên án gay gắt tình trạng đe doạ sự tồn vong của Đất nước hiện thời, đó là chính sự hà khắc, quan lại bạo ngược, nạn tham nhũng hoành hành, kẻ “phụ mẫu chi dân” từ trên xuống dưới thì bất chấp đạo lý, luật pháp và vơ vét tận máu mủ dân lành: “Chỉ vì kẻ thừa hành chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chăm làm sự hà khắc bạo ngược, đua đòi xa xỉ. Coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã”. Những điều đó đã dẫn tới sự bần cùng hóa của tầng lớp “dân đen con đỏ”: “khiến cho dân trong nước, con trai thì không có áo, con gái thì không có váy, tiệc hát xướng không còn, lễ cưới xin không đủ, sống nuôi chết đưa không trông cậy vào đâu, ăn uống chi dùng hàng ngày mọi bề đều thiếu, dân mọn nghèo hèn cho đến sâu bọ cỏ cây đều không sống nổi”.
Rõ ràng là, dù cụ NDT không nói ra, song người đương thời và người hôm nay đều có thể hiểu rằng, những kẻ có quyền hành mà tha hoá, tham lam, “phàm những việc nhiễu lạm, không việc gì không làm”, “ăn không chừa thứ gì của Dân” (theo cách nói của một người có chức quyền hiện nay), thì chúng chẳng khác gì giặc nội xâm hiểm độc nhất, chúng tàn phá tài nguyên đất nước, huỷ hoại lòng tin của mọi người đối với hệ thống công quyền, thiêu huỷ máu xương của bao thế hệ người đã đổ xuống cho Tổ quốc, bần cùng hoá người dân- những người đang nai lưng làm ra của cải xã hội và đóng thuế để nuôi sống bộ máy cai trị! Nhà nho giàu tâm hồn thi sĩ NDT hiểu thấu nỗi khổ ải cùng cực của người dân lành trước tai hoạ nội xâm đó và hình tượng hoá chúng một cách sinh động trong những dòng văn rung động nỗi xót xa thương cảm lạ thường, hiếm thấy trong văn chương trung đại.
Phần cuối của bài khải nói tới luật nhân quả nhỡn tiền, kể ra những thiên tai khủng khiếp mà lũ lụt là tiêu biểu, theo tác giả, đó là ông trời giáng họa xuống nhân gian, bởi trời và người vốn có mối giao cảm với nhau (“Thiên nhân tương cảm”, theo quan niệm của Nho giáo). Sử đã ghi lại chuyện “núi Tản Viên bị lở đến hơn 12 trượng”, một huyện ở Hà Bắc “trời mưa máu suốt một ngày một đêm”(5)… Những hiện tượng thiên tai này có liên quan đến nhân tai, đến chính sự hà khắc, lục đục, thối nát, dân lầm than đói khổ, oán thán ngút trời. Và trời đã gieo tai họa như để thức tỉnh người cầm quyền cần phải thay đổi đường lối chính sách kíp thời, cần hành động sao để cái ác, cái xấu buộc phải chùn tay, nếu không, Đất nước sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề hơn nữa! Tờ khải viết tiếp: “Vì thế cảm động đến đất trời, khiến cho lòng trời ở trên không thuận, tai họa lũ lụt tràn ngập quá mức thường, chắc là có quan hệ đến chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi gây nên thế sao?”. Phải chăng, đây cũng là những lời bộc trực thẳng thắn, trực tiếp khuyên nhủ, nhắc nhở chúa (ở đây là Trịnh Tùng): “hãy nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi” của mình! Ai dám bạo gan như cụ NDT? Bạo gan hơn, cụ còn thay mặt đạo trời đạo người vạch ra cái đòi hỏi cấp bách của thời cuộc cho người cầm quyền tối cao: “Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người, trên hợp ý trời, và chuyển tai hoạ thành điềm lành, lúa được mùa luôn, người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy”.
Kết quả là: “Triết vương (Trịnh Tùng) khen và nhận lời. Năm Bính Thìn (1616) ông được đổi sang Đô ngự sử, rồi lại thăng Tả thị lang bộ Lễ”(6). Điều quan trọng nhất là chúa không chỉ lắng nghe, khen ngợi, thăng chức cho cụ, mà còn từ đó có những hành động cụ thể góp phần thay đổi chính sự. May thay, chính thể của chúa Trịnh Tùng đã không trở thành “con quái vật máu lạnh”-theo cách nói của một triết gia phương Tây là Nietzsche về một nhà nước dửng dưng với mọi tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp dân chúng và chỉ lo giữ cho sự tồn tại của chính mình! Sử cũ ghi rằng, năm sau, tức khoảng cuối năm 1613, “Mùa đông tháng 11, sai triều thần chia nhau đi các xứ xét hỏi nỗi đau khổ của dân gian. Người phiêu dạt thì tha tạp dịch ba năm để về an cư phục nghiệp”(7). Sức mạnh của những lời nói chân thực và chứa đựng chân lý của kẻ sĩ đối với người cầm quyền thật màu nhiệm, tuy không phải là nhiều trong lịch sử xưa nay…
Ngày hôm nay, đọc lại và ngẫm nghĩ về bài khải văn trên, chúng ta có thể dễ dàng trực tiếp liên hệ tới thời cuộc nóng bỏng, và có thể dễ dàng chỉ ra các hoạ nội xâm là gì, những kẻ nội xâm là ai… đang tàn phá khủng khiếp Đất nước này! Còn riêng tôi thì nhớ ngay đến một bài viết còn chưa ráo mực cũng của một nhà sử học, nói về 5 điều ngụy biện của những quan chức “vì dân”- nói trắng ra đang là kẻ nội xâm nguy hiểm: “Những người phụ trách các đập thủy điện xả lũ vô trách nhiệm, coi cuộc sống, sinh mạng của người dân như cỏ rác phải bồi thường và phải bị truy cứu trách nhiệm nghiêm khắc. Những cơ quan lập ra dự án, tạo ra vô số tai ương cho đất nước cũng phải chịu trách nhiệm tương tự. Không thể có một đất nước mà mọi sai lầm đều đổ hết lên đầu dân còn quan chức cứ cò cưa ngụy biện vòng quanh, ngang nhiên ve vẩy những nụ cười thỏa mãn vô lương”(8).
Và có rất nhiều bản “khải văn” tâm huyết thời hiện đại nhiều năm qua kêu gọi việc “thi hành chính sách bảo vệ dân” một cách xứng đáng và tử tế đã được dâng lên các “chúa thượng” kiểu mới, liệu chúng đã/sẽ được lắng nghe tới đâu? Đáng mừng là những phát súng lệnh đã khai mở ròn rã để tiêu diệt giặc nội xâm. Mới đây nhất, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình đã nói: tình trạng tham nhũng và lãng phí hiện nay đang đe doạ đến sự phát triển của đất nước. Tham ô, lãng phí và quan liêu là kẻ thù của nhân dân, mà đấu tranh chống tham ô, lãng phí là đấu tranh chống “kẻ địch bên trong” (cũng có nghĩa là nội xâm)(9).
Toàn dân Việt trong nước và nước ngoài đang chờ đợi, và hy vọng.
Hà Nội, đầu tháng 11. 2016
N.A.T.
__________
(1) Tâu là lời dâng lên vua, khải là lời dâng lên chúa.
(2) Hoàng Văn Lâu & Ngô Thế Long dịch từ chữ Hán.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Nxb. Văn hoá Thông tin, HN, 2000. Tr. 335-336. Bản khải này cũng được chép lại đầy đủ trong bộ sách đồ sộ của Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007. Tr. 320-321.
(4) Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr. 251.
(5) ĐVSKTT, Sđd, Tập III, tr. 335.
(6) Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr. 321.
(7) ĐVSKTT, Sđd, tr. 337.
(8) Ngụy biện ác tàn – Hà Văn Thịnh, dẫn theo vuongthuc.wordpress & http://chieulang.com.vn/chieu-lang/tin-trang-chu/chi-tiet/nguy-bien-ac-tan-ha-van-thinh-9891.html
(9) Báo cáo tại Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá 10) về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tổ chức sáng 27.10.2016 tại Hà Nội.
Tác giả gửi BVN.