Một số vấn đề pháp lý và kinh tế liên quan đến việc khiếu kiện đòi bồi thường ô nhiễm Formosa ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Phạm Hải Vũ

Ngày 26 tháng 9 vừa rồi, nhiều nguồn tin trong đó có các nguồn tin cậy đã đưa tin 600 ngư dân ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đưa đơn kiện Formosa về thảm họa ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam. Ý tưởng kiện đòi bồi thường đã sớm manh nha một thời gian sau khi Formosa nhận lỗi, và chấp nhận trả 500 triệu USD cho Chính phủ. Những ngư dân ở Kỳ Anh Hà Tĩnh là những người đầu tiên dũng cảm khởi kiện để đòi công bằng cho mình. Theo nhiều nguồn thông tin rời rạc trên mạng, thì lập luận chính của việc khởi kiện này là đòi bồi thường thu nhập, vì ô nhiễm của Formosa làm chết cá biển và làm biển ô nhiễm, nên ngư dân và những người làm du lịch không còn thu nhập. Formosa phải chịu trách nhiệm, và phải đền bù thu nhập. Ngoài lập luận này, có thể các luật sư bảo vệ ngư dân còn các lập luận khác mà tôi không được biết. Rất ngưỡng mộ sự dũng cảm của các anh, tôi viết bài này nhằm làm rõ một số vấn đề pháp lý và kinh tế khi khiếu kiện trong lĩnh vực môi trường, giúp có một cái nhìn đầy đủ hơn. Hy vọng nó sẽ có ích trong trường hợp có một tòa án chấp nhận thụ lý và xét xử vụ việc.

Trước hết cần nói rằng luật môi trường là một lĩnh vực pháp lý mới, lạ lẫm tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vấn đề môi trường trên thế giới mới chỉ được thật sự quan tâm từ những năm 1970. Khung pháp lý của luật môi trường phụ thuộc chủ yếu vào các quy định ở mức quốc gia. Lấy ví dụ Bộ luật Môi trường ra đời tại Pháp năm 2002, tức là trước Việt Nam có 3 năm. Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên ở Việt Nam ra đời tháng 11 năm 2005. Vì mới, nên luật môi trường nhiều quốc gia vẫn chứa các lỗ hổng pháp lý thường xuyên gây tranh cãi. Ở bình diện quốc tế, các hiệp ước môi trường thường xuyên gây chia rẽ vì nhiều quốc gia công nghiệp không muốn ký. Lấy ví dụ như Trung Quốc không ký vào Hiệp ước Kyoto 1995 về hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mỹ đã ký hiệp ước này nhưng Quốc hội không phê chuẩn. Gần đây nhất Hiệp ước Paris COP21 về chống biến đổi khí hậu đã đạt được đồng thuận của một số lớn quốc gia, nhưng cũng chỉ giới hạn những mục tiêu rất khiêm tốn. Các hiệp ước bảo vệ môi trường liên quốc gia chủ yếu được ký giữa các quốc gia phát triển. Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam thường không mặn mà với môi trường, vì nó kìm hãm mục tiêu phát triển kinh tế.

 

Phần mở đầu có phần “lạc đề” này mong muốn bao quát tình hình chung, để độc giả hiểu rằng cơ sở pháp lý của Luật Bảo vệ môi trường thực ra còn khá mong manh, và thường xuyên phải dựa vào các án lệ. Đây là trường hợp của nhiều nước, chứ không phải của riêng Việt Nam. Chúng ta cần phải biết cơ sở của mình chắc chắn như thế nào nếu muốn tiến hành ở cấp độ lớn. Việc Việt Nam chưa có cơ sở chặt chẽ không nhất thiết bị coi là rào cản để chúng ta khởi kiện. Ngược lại, nó có ý nghĩa động viên, bởi những gì chúng ta làm ngày hôm nay hoàn toàn có thể trở thành cơ sở để bảo vệ môi trường của Việt Nam ngày mai. Ngoài ra, ở một khía cạnh nào đó, các thông tin chung trên còn có thể có ích nếu chúng ta khiếu kiện Formosa tại một tòa án khác. Ví dụ tại Đài Loan, hay tại một tòa án quốc tế có khả năng thụ lý vụ việc.

Bây giờ xin đi vào chính đề là vấn đề đòi bồi thường khi gặp phải ô nhiễm môi trường. Bồi thường khi gây thiệt hại môi trường là một chủ đề khác biệt ít nhiều so với bồi thường tổn thất dân sự. Nếu không nắm rõ các khác biệt này, rất nhiều luật sư sẽ có thể rơi vào thế “biệt vị”, không thể “ghi bàn” dù việc “đá bóng vào lưới” là một điều quá hiển nhiên.

Trước hết, cần loại các vấn đề bồi thường ô nhiểm biển do khai thác dầu khí hoặc do các tầu chở dầu gây ra. Các tổn thất loại này được quy định bởi các công ước quốc tế đặc biệt, chỉ liên quan đến trách nhiệm của các tàu chở dầu hoặc ô nhiễm tràn dầu. Ô nhiễm Formosa không nằm trong mục ô nhiễm dầu, nhưng vẫn cần nói rõ vì nhiều người trong chúng ta vẫn hy vọng sử dụng các vụ phạt các công ty dầu khí lớn đề đòi phạt Formosa. Ở đây cần khách quan thấy rằng chúng ta không thể áp dụng ô nhiễm dầu làm án lệ cho ô nhiễm chất thải Formosa được.

Bồi thường liên quan đến ô nhiễm môi trường, trong đó có chất thải công nghiệp, nhìn chung liên quan đến 3 hạng mục chính :

1. Bồi thường sức khỏe, tính mạng, tổn thất tinh thần cá nhân.

2. Bồi thường thiệt hại trực tiếp lên các tài sản cá nhân, tổ chức.

3. Bồi thường thiệt hại môi trường, hiểu theo nghĩa chung là các tài sản chung thuộc về quốc gia, hay cộng đồng do cơ quan thẩm quyền của Nhà nước đại diện.

***

1. Trong trường hợp thứ nhất, việc bồi thường diễn ra như trong một vụ án dân sự thông thường. Tổn thất sức khỏe, tính mạng, tinh thần được chuyển thành tiền, và yêu cầu bên gây ô nhiễm bồi thường cho người hưởng lợi hợp pháp.

2. Trong trường hợp thứ hai, việc bồi thường cũng diễn ra một cách thông thường. Thủ phạm gây tổn thất phải đền bù thiệt hại cho chủ tài sản hoặc người có quyền hợp pháp trên tài sản. Ở đây căn cứ bồi thường là phải có quyền sở hữu, hoặc quyền lợi hợp pháp khác trên tài sản được pháp luật thừa nhận. Trong luật pháp Việt Nam, hai hình thức trên (1 và 2) nằm trong hình thức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ bồi thường tài sản và bồi thường mất thu nhập là hai khái niệm khác nhau. Chúng ta sẽ quay lại điểm này dưới đây.

3. Trong trường hợp thứ ba, bồi thường môi trường một cách đúng nghĩa được tiến hành giữa thủ phạm gây ô nhiễm và người đại diện cho môi trường. Đây là một yếu tố gây tranh cãi rất lớn vì cần phải xác định ai là người đại diện cho môi trường để nhận bồi thường. Trong rất nhiều năm tại Pháp (từ 1976 đến 2000 theo hiểu biết của tôi), các vụ khiếu kiện đòi bồi thường môi trường tại Pháp thường bị tòa bác bỏ vì nghịch lý không ai có đủ tư cách để nhận khoản tiền bồi thường này. Lập luận rất đơn giản, môi trường thuộc về tất cả mọi người. Nếu tôi bồi thường cho ông A, thì logic buộc tôi cũng phải bồi thường cho ông B cho dù ông ấy không khiếu kiện. Vấn đề là cả ông A và ông B, và ngay cả tôi (thủ phạm) cũng đều có quyền hưởng những lợi ích từ môi trường như nhau. Không ai trong số chúng tôi có nhiều tư cách hơn người khác để làm đại diện duy nhất cho những người bị thiệt hại cả. Ví dụ, không tổ chức nào có quyền nói tôi đại diện cho sự trong sạch của không khí, để nhận tiền bồi thường từ một công ty gây ô nhiễm không khí. Tương tự không tổ chức nào đại diện được cho đa dạng sinh học trong rừng rậm Amazon, hay sự sinh tồn của một loài động vật quý hiếm trên đỉnh núi Alpes. Để khắc phục chuyện này, nước Pháp đã tạo ra một Quỹ phục hồi môi trường quốc gia, theo đó các khoản tiền bồi thường sẽ được rót thẳng vào Quỹ (mà không phải rót vào tài khoản cá nhân những người khiếu kiện) nhằm mục đích tái tạo phục hồi. Đương nhiên nếu ô nhiễm vượt ra ngoài biên giới một quốc gia thì quỹ nói trên cũng trở thành vô tác dụng. Theo luật Việt Nam, Việt Nam cũng có Quỹ bảo vệ môi trường được lập theo quyết định Nhà nước. Nhưng số tiền 500 triệu USD của Fomosa lại không được rót vào quỹ này mà lại được Nhà nước dùng ngay để thực hiện các chính sách của mình là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, etc…là các nghĩa vụ mà lẽ ra Nhà nước phải thực hiện một cách độc lập.

Một điểm nữa cần lưu ý là phải phân biệt giữa bồi thường và phạt. Các công ty, cá nhân gây ô nhiễm vẫn sẽ bị phạt, nếu khung pháp lý có quy định các mức phạt. Ví dụ, nếu xả thải vào nước hay không khí một lượng chất độc hại quá mức cơ quan thẩm quyền cho phép thì sẽ nộp phạt theo khung Nhà nước quy định. Nhưng ở đây bồi thường thiệt hại không phải là phạt. Để bồi thường, trước hết phải xác định mức thiệt hại, và sau đó xác định người bị thiệt hại và cuối cùng là người được hưởng bồi thường. Nghịch lý trình bày trong điểm 3 nói trên liên quan đến việc không xác định được người được hưởng bồi thường; Nó còn gián tiếp liên quan đến vấn đề tư cách khởi kiện. Để đòi bồi thường môi trường, người khởi kiện phải là đại diện của Nhà nước, hoặc Hiệp hội Bảo vệ môi trường được Nhà nước công nhận. Một người dân thường, hoặc một tổ chức quốc tế không thể khởi kiện được, cho dù thảm họa môi trường là rõ ràng. Lý do như đã nói là vì một người, hoặc một tập thể người không đủ tư cách đại diện cho vấn đề môi trường. Khi môi trường bị ô nhiễm, tất cả xã hội đều là người bị thiệt hại, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Không ai hoặc tập thể nào ngoài Nhà nước có tư cách đại diện cho chuyện đó.

Sau khi trình bày những điểm trên thì có thể thấy việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi các ngư dân không thể rơi vào trường hợp 3. Ở Việt Nam, vùng trời, vùng biển là các tài sản chung thuộc về toàn dân mà Nhà nước là người đại diện hợp pháp duy nhất. Chỉ có Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoặc chủ tịch UBND của 1 trong 4 tỉnh bị thiệt hại mới có đủ tư cách để khởi kiện Formosa. Việc khởi kiện có thể diễn ra tại một tòa án Việt Nam hoặc quốc tế. Nếu không làm như thế, Formosa có thể trả lời đơn giản rằng đây là một vấn đề giữa chúng tôi và người đại diện của các bạn. Tôi không có nghĩa vụ trả lời vì các bạn không phải đại diện hợp pháp của biển Việt Nam. Sau khi chấp nhận xin lỗi và đưa 500 triệu USD cho Chính phủ, Formosa đã có thể yên tâm ngồi chơi, vì họ đã rũ được trách nhiệm lớn nhất của mình. Nếu là một chính phủ khác, một quốc gia khác, giờ này có lẽ luật sư của Formosa vẫn đang còn đang phải dùng máy tính để ước tính tổng số tiền phải bồi thường, ngõ hầu thương lượng.

Một bài viết của Phạm Lê Vương Các gần đây nói rằng Nhà nước không được phép thương lượng đi đêm với Formosa vì như thế là trái luật. Tôi cho rằng đúng là Nhà nước không được phép thương lượng đi đêm với Formosa nhưng là vì lý do đạo đức, liêm chính chứ không phải vì lý do pháp luật. Tác giả đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm sở hữu Nhà nước (State’s ownership) và sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện quản lý (common property right under State’s controls). Sự khác biệt giữa 2 khái niệm này là rất lớn. Lấy ví dụ đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý nhưng quyền sử dụng vẫn do người dân nắm, người dân có thể chuyển nhượng quyền sử dụng này. Còn đất đai thuộc sở hữu Nhà nước là đất do cơ quan công quyền sử dụng để xây cơ quan, trường học, trụ sở v.v. Về mặt pháp lý đây là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau. Quyền sở hữu ở đây bao hàm quyền sử dụng tách biệt (exclusive right) tức là không cho phép một chủ thể khác sử dụng nếu không phải là chủ sở hữu. Biển không phải là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, mà chỉ là tài sản chung của toàn dân do Nhà nước đại diện quản lý. Biển là một đối tượng của common right, nghĩa là ai cũng có quyền sử dụng (kể cả Formosa). Còn sử dụng như thế nào, là do các định chế hành chính, và hoặc/các tập quán quy định. Tất nhiên Nhà nước Việt Nam thường xuyên lạm quyền, nên chuyện nhầm lẫn giữa hai khái niệm là dễ hiểu. Lấy ví dụ biển là của chung, ai cũng có quyền tắm, nhưng Nhà nước vẫn thường xuyên cắt đất bờ biển cho xây các ressort. Kết quả là một góc bãi biển biến thành “tài sản riêng” của các chủ ressort, khiến người nước ngoài đến Việt Nam thường xuyên phải khóc mếu hỏi vì sao chúng mày tàn phá tài sản chung như thế? Việc hô biến tài sản chung thành tài sản riêng còn có ở nhiều lĩnh vực khác xin được miễn bàn đến.

Quay trở lại với việc khởi kiện, nó chỉ có thể rơi vào các trường hợp 1 và 2. Nếu đã như vậy, cần phải lưu ý rằng cơ sở đòi bồi thường phải là

a. Tổn thất sức khỏe

b. Tổn thất tài sản, lợi ích hợp pháp

Không thể đòi tổn thất thu nhập được vì nó không nằm trong hạng mục được bồi thường. Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013, ghi rõ như sau :

Điều 163, Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

1. Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường

2. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra

Có thể thấy mục 1 tương ứng với trường hợp 3 đã được trình bày ở trên. Còn mục 2 tương ứng với hai trường hợp 1 và 2. Điều 163 mục 2 của Luật bảo vệ môi trường Việt Nam đơn giản nói rằng không thể khởi kiện đòi bồi thường thu nhập được. Cơ sở để đòi bồi thường phải là tính mạng & sức khỏe, hoặc tài sản và lợi ích hợp pháp.

Nhìn từ góc độ tập quán sẽ có nhiều người không đồng tình với quan điểm của tôi. Có thể nói rằng thu nhập từ việc đánh cá là một lợi ích hợp pháp của ngư dân nên có thể đòi bồi thường. Nhưng trên góc độ pháp lý, điều này không hợp logic. Cần thấy rằng biển và cá biển không phải là tài sản riêng của ngư dân. Biển và tài nguyên biển khi chưa khai thác thuộc về tất cả mọi người. Không có bất cứ cơ sở luật pháp nào nói rằng mỗi ngư dân được phép đánh bắt bao nhiêu cá trên biển. Ngược lại, bất cứ ai cũng có quyền mua thuyền, mua lưới và trở thành ngư dân nếu có đủ dũng cảm để làm nghề này. Về lý thuyết, Việt Nam có thể có tới vài chục triệu ngư dân, vì thế đòi bồi thường thu nhập cho những ai là ngư dân là không hợp lý. Chỉ có thể hỗ trợ thu nhập chứ không thể bồi thường mất thu nhập.

Một ví dụ sau có thể giúp chấp nhận điều này dễ dàng hơn. Có một cây sấu mọc trên vỉa hè công cộng. Đến mùa hè, có người hái quả sấu đi bán lấy tiền. Một hôm chính quyền thành phố quyết định chặt cây sấu. Tất nhiên quyết định này có nhiều người phản đối, nhưng về mặt pháp lý, người hái sấu “chùa” không thể đòi đền bù thu nhập, bởi vì sấu này vốn cũng không phải tài sản riêng của anh/chị ta. Nếu có thì hưởng, nếu mất phải chịu, nên không thể đòi bồi thường được. Cứ cho rằng cây sấu là tài sản của công ty cây xanh đô thị, thì việc đòi bồi thường mất thu nhập của người hái sấu cũng không thể diễn ra được.

Cụm từ “lợi ích hợp pháp” trong mục 2, điều 163 nói trên là một cụm từ mà nội dung không rõ ràng. Theo tôi được biết, khái niệm này được dùng trong Luật Lao động với hàm nghĩa là các quyền lợi của người lao động ngoài quyền được nhận lương hàng tháng. Không nói đến hoạt động đánh cá biển là một hoạt động chưa được luật lao động bao phủ, mà chỉ việc dựa trên giảm thu nhập để ngay lập tức kết luận bị thiệt hại lợi ích hợp pháp là đã thiếu cơ sở. Vì việc giảm thu nhập này không nằm trong hợp đồng, nên tòa án sẽ sử dụng các hình thức bồi thường ngoài hợp đồng làm cơ sở. Và trong trường hợp này thì mất thu nhập trên một tài sản mình không sở hữu là một điểm khó được chấp nhận, nếu tòa án đồng ý thụ lý.

Tất nhiên, tôi không loại trừ việc tòa án Việt Nam đột nhiên chấp nhận đơn kiện, coi thiệt hại thu nhập của ngư dân là một thiệt hại lợi ích hợp pháp. Một thẩm phán Mỹ nổi tiếng Oliver Holmes đã nói “The life of law has not been logic; it has been experience”. Không ai có thể biết trước liệu điều này có xảy ra không, nhưng nếu nó xảy ra thì cũng cần lưu ý những điều sau đây.

1. Formosa có thể kiện Nhà nước Việt Nam trước tòa quốc tế, vì bị xử ép. Tuy khả năng này rất thấp vì Formosa chẳng có lý do để gây hấn với Nhà nước. Nhưng kinh nghiệm đáng buồn là Việt nam hầu như toàn thua mỗi khi ra tòa quốc tế. Và lần này thì thật khó tin ta thắng.

2. Tất cả những người sống quanh vùng biển ô nhiễm đều bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Đó là những người làm nghề nông, dạy học, chạy chợ, trẻ con, người già. Có phải vì họ không có thu nhập nên không coi họ là nạn nhân? Nếu coi họ là nạn nhân thì lấy cơ sở gì để bồi thường? Ngoài ngư dân, các nạn nhân khác của thảm họa môi trường có lợi ích hợp pháp cần được bảo vệ không? phải được bảo vệ như thế nào?

Tôi hy vọng các luật sư bảo vệ ngư dân sớm nhận ra điểm này để thay đổi logic bào chữa phù hợp, trước khi có một tòa án xét xử. Formosa đã bị kiện ở nhiều nơi trước khi đến Việt Nam nên họ rất hiểu logic này. Ngược lại với quan điểm đòi bồi thường thu nhập, tôi đề nghị các luật sư trong cuộc tham khảo một phương pháp khác, dựa trên việc tách vấn đề ô nhiễm thành ba hạng mục như sau: thiệt hại tài sản, thiệt hại sức khỏe & tính mạng, trách nhiệm của Nhà nước.

A. Đối với tài sản cá nhân, ví dụ thiệt hại các vựa cá nuôi, hay các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản tư nhân. Tiến hành ước tính tổn thất trên cơ sở các số liệu kinh tế và báo cáo tài chính hợp pháp. Tiến hành đòi bồi thưởng thiệt hại tài sản cá nhân trong trường hợp này là hoàn toàn logic.

B. Đối với sức khỏe, tính mạng. Cần sử dụng các báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình ô nhiễm, danh sách các loại hải sản được phép ăn, các loài hải sản bị cấm vì chứa độc tố của Bộ Y tế, v.v. Cần lấy thông tin chi phí của những gia đình đã bị ngộ độc, không may tử vọng hoặc cần phải điều trị để yêu cầu Formosa chính thức bồi thường. Trong mức bồi thường phải tính đến cả tổn thất tinh thần.

Đối với những trường hợp chưa có thiệt hại sức khỏe, tính mạng, tôi đề nghị yêu cầu bồi thường chi phí để tránh thiệt hại xảy ra. Đây là chi phí cần thiết để mua các thức ăn thay thế cho thực phẩm bị nhiễm độc mà lẽ ra trong một điều kiện bình thường các hộ gia đình ven biển đã có thể tránh. Ví dụ, trong một bữa cơm, nếu dùng cá biển tự đánh bắt, cá mua ngoài chợ thì chi phí hết A VND. Bây giờ phải thay thế, cá đồng và các thức ăn khác trở nên khan hiếm thì sẽ hết một chi phí B VND. Khoản chênh lệch giữa (B-A) trong một tháng sẽ là cơ sở để bồi thường. Nếu áp dụng phương pháp này, có thể tính toán cho tất cả các hộ ở miền Trung trên cơ sở phụ phí thực phẩm cho đến khi Bộ Y tế chính thức thông báo cá biển hết nguy hiểm. Thời gian đền bù là từng quãng thời gian 5 năm, có nghĩa là sau 5 năm nếu Bô Y Tế chưa thông báo an toàn thì lại gia hạn thêm 5 năm nữa. Phương pháp tính toán này yêu cầu một kiến thức kinh tế không quá cao, có thể dựa trên thu nhập trung bình của các hộ do Tổng cục Thống kê thông báo. Lấy ví dụ, thu nhập trung bình các hộ là 400 USD/ tháng, và mỗi tháng các hộ sử dụng 50% thu nhập để mua thực phẩm, thì có thể áp mức phụ phí ở 25%, tức là 100 USD / tháng. Trong 5 năm, mỗi hộ khiếu kiện sẽ đòi 12x 5 x 100 USD = 6 000 USD, tức là 120 triệu, và đòi trực tiếp từ Formosa mà không cần thông qua Chính phủ.

Phương pháp này không dựa trên thiệt hại sức khỏe thực tế, mà dựa trên thiệt hại do phải tránh để rơi vào một tình trạng nguy hiểm trực tiếp liên quan đến sức khỏe tính mạng do người khác gây ra. Về mặt pháp lý, nó có thể chưa được công nhận nhưng nó hoàn toàn có thể được công nhận. Tuy bồi thường chênh lệch này thấp hơn so với việc đòi thiệt hại từ thu nhập trực tiếp, nhưng tôi tin rằng làm như thế là công bằng và có cơ sở luật pháp hơn. Với 600 hộ ở Kỳ Anh, con số có thể lên đến mức 120 triệu x 600 = 72.000 triệu đồng, hay 72 tỷ. Nếu tính toàn tỉnh Quảng Trị, với dân số 612 ngàn người, thì con số sẽ vào khoảng 14 ngàn tỷ đồng. Tất nhiên, đây chỉ là ước tính và các con số cần phải được thống nhất trên một cơ sở thực tế hơn nếu sử dụng. Nhưng ít ra tất cả mọi người đều có quyền đòi Formosa bồi thường. Và việc này cũng buộc Formosa phải có động thái khắc phục thảm họa nếu không muốn tiếp tục trả tiền.

C. Cuối cùng với trách nhiệm Chính phủ. Cần thấy rằng trong việc Formosa gây ô nhiễm, người có lỗi lớn nhất là Formosa nhưng người có trách nhiệm lớn nhất là Chính phủ. Nếu Chính phủ làm tròn trách nhiệm của mình thì các hạng mục bồi thường A và B nói trên đã có thể được bỏ qua. Nhưng Chính phủ đã vội vàng dễ dãi chấp nhận khoản tiền 500 triệu USD, và do đó cũng vô hình chung đóng lại khả năng đòi bồi thường thiệt hại quy định tại mục 1 điều 163, Luật Bảo vệ môi trường. Vì thế nếu thật sự cần phải kiện thì người có trách nhiệm với dân không phải là Formosa mà là Chính phủ. Điều 141, mục 10 quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc bảo vệ môi trường như sau:

“ Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”

Tương tự, trách nhiệm các UBND cấp tỉnh được quy định tại điều 143 mục 1. khoản g) “Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan”. Như vậy có thể nói việc người dân khiếu nại Chính phủ là hoàn toàn hợp pháp.

Còn Điều 146 : Quyền, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư, nói rằng

“1. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.

2. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với cơ sở.

3. Đại diện cộng đồng dân cư có quyên tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật”

Do đó tôi cho rằng cộng đồng dân cư có thể a. Yêu cầu Chính phủ, UBND cấp tỉnh và Formosa cung cấp tất cả thông tin liên quan đến kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý. b. Yêu cầu Chính phủ với tư cách là người đại diện quyền lợi cho người dân Việt Nam làm đúng trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình, trong đó có các trách nhiệm đã được ghi rõ trong Luật Bảo vệ môi trường điều 165 từ mục 2 đến 4 như sau:

“Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

2. Việc xác định phạm vi, giới hạn môi trường bị suy giảm chức năng, tích hữu ích gồm:

a) Xác định giới hạn, diện tích của khu vực, vùng lõi bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng

b) Xác định giới hạn, diện tích các vùng đệm trực tiếp bị suy giảm

c) Xác định giới hạn, diện tích các vùng khác bị ảnh hưởng từ vùng lõi đến vùng đệm

3. Việc xác định các thành phần môi trường bị suy giảm gồm:

a) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, loại hình hệ sinh thái, giống loài bị thiệt hại

b) Mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, giống loài

4. Việc tính chi phí thiệt hại về môi trường được quy định như sau:

a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường

b) Chi phí xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường

c) Chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại

d) Thăm dò các đối tượng liên quan

đ) Tùy theo điều kiện cụ thể có thể áp dụng một trong những biện pháp quy định tại các điểm a, b, c và d, khoản này để tính chi phí thiệt hại môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường”.

Tất nhiên, để làm các việc này cũng không đơn giản. Các khiếu nại liên quan đến Chính phủ lại đòi hỏi khởi kiện hành chính. Có thể đây không phải là ưu tiên các các luật sư bảo vệ ngư dân trong thời điểm này nên những gì tôi trình bày ở đây chỉ có giá trị tham khảo.

Nói tóm lại, bài viết này điểm lại những vấn đề pháp lý và kinh tế trong lĩnh vực bồi thường môi trường. Việc bồi thường môi trường chủ yếu diễn ra giữa đại diện hợp pháp của môi trường (là Nhà nước) và người gây thiệt hại. Các tranh chấp giữa hai bên dân sự dẫn chiếu đến các bồi thường thiệt hại liên quan đến thiệt hại sức khỏe, tính mạng và thiệt hại tài sản và lợi ích hợp pháp. Tôi hy vọng rằng trên cơ sở được trình bày, các luật sư sẽ có đối sách thích hợp để bảo về các ngư dân trong vụ kiện lịch sử này. Chúc các anh chân cứng đá mềm.

P.H.V.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.