Ngụy Hữu Tâm
Vì yêu mến ‘họ Tập’, hết sức quan tâm tới người đồng chí và đồng hương – bởi lẽ gia đình tôi gia phả gốc Phúc Kiến và vì vậy có gen Tàu khựa, nhưng chẳng phải vì thế mà “thân Trung + và không muốn ‘thoát Trung’” – nên xin bạn đọc cho phép hãy thử xem ‘giấc mơ Trung Hoa’ của hắn sẽ kéo dài được bao lâu, một cách khoa học, cụ thể là từ giác độ cổ sử học, một chút!
Cứ nhác trông thấy cái lão ‘họ Tập’ thua tôi đến mấy tuổi mà bụng phệ thì tôi chán lắm, hoàn toàn chẳng hề muốn gieo một quẻ cho gã.
Thế nhưng tình hình đang quá nóng, dẫu đã giữa thu mà khí trời Hà Thành vẫn hầm hập cái nóng mùa hạ trên +30oC. Hết Formosa 1 lại tới Formosa 2, rồi vụ nổ súng Yên Bái, vụ Trịnh Xuân Thanh, thằng nhãi ranh, nhưng cũng quan trọng vì nó dính đến ‘đả hổ diệt ruồi’, nên tôi xin đưa vài nhận xét!
Dẫu làm Notradamus là khó lắm, hầu như không thể, nhưng cứ thử xin làm, vì vốn là ‘cán bộ ngâm cứu’, việc gì cũng nên thử!
‘Mất gì của bọ’ nào, chẳng tốn giấy mực, tốn vài phút chém gió, thế nhưng ‘mua vui cũng được vài trống canh’!
Nhân nói tới những ‘cán bộ ngâm cứu’ và ‘cán bộ giảng dạy’, xin nhân đây giới thiệu vài nét về seminar-bài nói chuyện rất hay của anh Trần Gia Ninh hôm qua 24/9 do Tạp chí Tia Sáng tổ chức tại Café Trung Nguyên: “Trung Hoa và lịch sử đồng hóa Bách Việt” trên cơ sở một bài viết đã gây tiếng vang mạnh thời gian gần đây “Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt – Trần Gia Ninh” (Bạn đọc quan tâm xin tra mạng Link bản gốc bài này http://tiasang.com.vn/Default. aspx?tabid=116&CategoryID=42& News=9983; hay báo in Tia Sáng số 17 ngày 5/ 9/2016, Boxitvn có đăng lại: http://boxitvn.blogspot.com/2016/09/nhin-lai-lich-su-bach-viet-va-qua-trinh.html)
Nói nhân đây, vì anh Trần Gia Ninh vốn là ‘cán bộ ngâm cứu’ Viện Khoa học Việt Nam trước đây, nay mang cái tên dài ngoẵng, hết sức khó hiểu là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; và anh cũng đã từng là ‘cán bộ giảng dạy’ ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, trường ít ngày nữa sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập và, vốn là ‘sếp’ cũ của tôi nên cũng có thể gọi là chỗ quen thân.
Là nhà vật lý rất thành công với những nghiên cứu khoa học của mình, nhưng anh đã không ‘hạ cánh an toàn’ như các ‘sếp’ khác mà vẫn toàn tâm toàn ý với khoa học, ở đây là khoa học theo nghĩa rộng – và đúng đắn của từ đó, vì chỉ duy nhất ở nước ta, cái nước ‘không giống ai’, ‘không muốn phát triển’, mới có chuyện ngược đời phân biệt giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thế nên mới phải chia tách Ủy ban Khoa học Nhà nước ra Ủy ban Khoa học Tự nhiên và Ủy ban Khoa học Xã hội. Thế nên mới có chuyện cười ra nước mắt, hồi đó tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Berlin, CHDC Đức. Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức tổ chức kỷ niệm 275 năm thành lập, tôi được gọi đi dịch cho đoàn Việt Nam. Duy nhất Việt Nam có 2 vị chủ tịch nên chỉ nước ta có đến… hai đoàn mời!
Còn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với những thầy giáo và sinh viên giỏi, đầy truyền thống thế, mà nay đã được (hay bị?) tách thành hai, nên bị mất tên gọi, thật hết sức vô lý, là nghịch lý-bi kịch, nhưng nếu nói bi kịch thì còn có bao nhiêu bi kịch ở cái nước khốn khổ nhưng cứ vỗ ngực hay nhất, tài giỏi nhất thế giới này?
Như anh Ninh đã nói ngay khi bắt đầu cuộc tọa đàm, anh xin lỗi là nhà vật lý có tiếng, nhưng nay lại nói về lịch sử, giống như “hai lúa” làm khoa học vậy. Đó là nghịch lý-bi kịch, thậm chí khôi hài nữa! Người nông dân (90% cơ mà!) phát minh-làm tất cả, từ tầu ngầm, đến máy bay, thần đèn, nhà kỹ thuật, nhà khoa học…cho đến Tổng Bí thư!
Vì đấy là bi hài kịch, nên khi nhận được giấy mời, tôi thử ‘cầm đèn chạy trước ô-tô’, chạy đi mời những người có mối liên quan, đầu tiên là Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bảo vệ như muốn đuổi tôi: “Cán bộ lãnh đạo đi họp hết rồi! Viện này chẳng có ai quan tâm đến đề tài này đâu. Toàn bọn trẻ ấy mà, ai lại đi tìm hiểu cổ sử làm gì”. Tôi đến tìm Phòng Hành chính Viện nhờ thông báo hộ. Bặt vô âm tín, chẳng có ai tới. Tìm những nhà sử học thành danh: gọi điện cho anh D.T.Q., anh bận ngày đó, tìm đến tận nhà riêng anh T.Đ. phố Tuệ Tĩnh, bảo vệ Công ty cũng như ở Viện Sử nói trên vậy, như muốn đuổi tôi, bảo anh vắng nhà.
Thế thì đủ hiểu ngành Sử học Việt Nam phát triển như thế nào!
Chưa thấy thống kê mỗi năm đào tạo bao nhiêu Tiến sĩ Sử học!
Lại nói vài nét về chính buổi tọa đàm. Về số người tham gia, căn phòng khá rộng có đến trên trăm chỗ mà chật ních, mà rất may là quá nửa gồm các bạn trẻ-một kỷ lục hiếm có và một thành công cho những hoạt động trao đổi trí thức ngoài tháp ngà.
Số già, tôi chỉ đếm được ngoài một sử gia người Hà Nội và vài vị từ Sài Gòn ra mà tôi xin nói ở dưới, còn hầu như toàn là những nhà khoa học nhiều ngành khác nhau. Tôi gặp được nhiều bạn tốt nghiệp khóa tôi trở về trước, hầu như toàn đồng nghiệp các ngành toán-lý-hóa-tin học (bạn già hay bạn trẻ), tôi nhác thấy các anh Thái Thanh Sơn, Hoàng Xuân Huấn (dân Toán khoá không, vốn giáo sư Khoa Toán Lý, ĐHBKHN), Quách Tuấn Ngọc (cũng vốn cán bộ giảng dạy ĐHBK, nay Cục trưởng CNTN Bộ Giáo dục), Hồ Uy Liêm (nguyên cán bộ Khoa Hóa, ĐHTHHN), Bạch Nhật Hồng (Thiếu tướng kỹ thuật) Cao Chi, Nguyễn Thế Hùng… Các nhà tâm lý học-xã hội học Phạm Toàn, Phạm Khiêm Ích; nguyên Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Hoàng Như Lý, người từng làm phiên dịch cho Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình; nhà văn Phạm Quang Đẩu, nguyên TBT tờ Quân đội Nhân dân chủ Nhật. Cũng nên kể cả anh Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vốn cũng là cựu học sinh Nam Ninh/Quế Lâm-Trung Quốc trước đây với tôi.
Last not least nhóm sử gia, bạn trẻ từ Sài Gòn ra khá đông, tôi trông thấy mấy gương mặt nổi tiếng như TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, GS Trần Viết Ngạc, nhà sử học Hà Văn Thùy…
Về nội dung, tác giả đã khái quát, trong một thời gian hết sức ngắn là ba mươi phút, nêu bật được chủ đề là nền văn hóa hay chính xác hơn là nền văn minh Lạc Việt đã tồn tại cùng với nền văn minh Hoa Hạ, không hề thua kém, nếu không nói là cao hơn và đã đã trả lời rất thuyết phục câu hỏi “Vì sao Đại Việt không bị Hán hóa?”. Điều thú vị nhất là cuộc thảo luận rất sôi nổi, cởi mở tiếp sau đó của nhiều thính giả, trẻ và già, đã nổi danh hoặc còn đang dạng tiềm năng. Điều đó chứng tỏ tấm lòng của người Việt đối với dân tộc sâu nặng đến thế nào.
Dẫu đây chỉ là một bài viết trên một tạp chí không chuyên ngành, nên tác giả cũng như các học giả không xếp nó là một công trình nghiên cứu khoa học, nhưng sự quan tâm với bài báo này – không chỉ được thể hiện qua buổi tọa đàm này mà còn trên nhiều trang báo trong nước cũng như hải ngoại.
Thậm chí trang mạng Mậu Thân 68 (http://mauthan68hue.blogspot.com/search?updated-max=2016-09-12T15:36:00-07:00&max-results=7) khi đăng lại bài này đã có lời mào đầu rất thú vị, đánh giá tác giả Trần Gia Ninh đã vạch trần được âm mưu đồng hóa người Việt của người Tàu nhưng chúng ta là một dân tộc bất khuất nên không chịu khuất phục, đã giữ nguyên được bản sắc tức ngôn ngữ và văn hóa. Lời mào đầu viết “…Người Hán chiếm được gần như toàn bộ Bách Việt nhưng không chiếm nổi Lạc Việt (Việt Nam ngày nay). Người Hán đã xóa sạch văn tự Việt nhưng không tiêu diệt được ngôn ngữ Việt; ngay cả các bộ tộc Bách Việt còn sống rải rác trên vùng đất cũ bị người Hán xâm chiếm vẫn còn nói tiếng Việt cổ.
Chúng tôi phổ biến bài viết này như một tài liệu tham khảo, dù tác giả ở phía bên kia “giới tuyến”. Điều lý thú là tác giả đã dùng toàn tài liệu của người Hán, và điều đó tự nó đã chứng minh tính cách trung thực của những điều ông lý giải”.
Chỉ riêng với kết luận đó đã nhiều lắm rồi! Tôi nghĩ “giới tuyến” như lời giới thiệu viết, đã bị hóa giải bởi những việc làm cụ thể, chân thành như thế này, ít nhất là từ tâm huyết của những trí thức chân chính. Cần lắm sự hòa giải của dân tộc, ít nhất như Đông và Tây Đức ngày nay. Nhưng không thể chờ đợi ở kẻ cầm quyền đâu.
Chúng ta phải nhanh chóng ‘thoát Trung’, không để người Tàu đồng hóa là âm mưu từ xưa đến nay họ chưa bao giờ từ bỏ, hay như Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã sáng suốt cảnh báo từ 1990 sau Hội nghị Thành Đô: “Thời kỳ Bắc thuộc mới” đã bắt đầu!”
Trách nhiệm trước hết phụ thuộc vào những người bình thường chúng ta!
Còn về dàn lãnh đạo với ‘Tổng Bí’, càng ngày họ càng chứng tỏ quá hèn kém, nhu nhược trước sự bành trướng của người Tàu, xin miễn bàn thêm trong khuôn khổ bài báo này. Nhiều người dự buổi tọa đàm ra về còn nói với nhau, quá khứ Đại Việt không bị đồng hóa, không có nghĩa là sẽ không bị đồng hóa. Tất cả phụ thuộc vào chính mỗi người chúng ta, không thể trông chờ vào ai cả. Và chúng ta phải phấn đấu để nước ta là nước thực sự dân chủ trước cả khi ‘họ Tập’ đổ. Mà điều đó chắc chắn sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ 2, hay 3 là cùng, của y. Notradamus “mới” đã nói thế!
N.H.T.
Tác giả gửi BVN.