(Viết nhân kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám)
Tương Lai
Lâu lắm mới có được một xúc động trào nước mắt nhìn lá cờ Tổ quốc được kéo lên cùng với âm vang của bài Quốc ca khi vận động viên Hoàng Xuân Vinh lên bục nhận huy chương vàng trong ngày đầu tiên của Thế vận hội Olimpic tại Rio. Chen vào đây một chút gì đó có hơi hướng “AQ” thoáng gợn lên trong đầu khi nhìn thấy lá cờ Trung Quốc áp sát lá cờ đỏ sao vàng nhưng dưới một bậc. (Có được thành tích này cũng chính là vì người vận động viên bắn súng tài danh này đã “thoát Trung” theo quyết định của huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung, chấm dứt việc đi tập huấn tại Trung Quốc của tuyển bắn súng Việt Nam vì không thu được lợi ích gì sau cả một thời gian dài). Cũng là “oan nghiệt chi đây”!
Tôi tin chắc rằng bạn bè tôi và nói rộng ra, nhiều, rất nhiều những người Việt Nam bình thường cũng có những xúc động tương tự. Nhưng rồi xúc cảm vừa trào dâng bỗng hụt hẫng khi nghĩ về một nghịch lý oái oăm: cũng lá cờ đỏ sao vàng này lại đã từng được phất lên trong những cuộc phản biểu tình chống Trung Quốc xâm lược của những năm tháng nhiễu nhương với 16 chữ vàng oan nghiệt.
Thì đấy, lá cờ Tổ quốc được quấn chặt quanh người chiến sĩ Gạc Ma quyết tử vì chủ quyền đất nước thiêng liêng và rồi cũng trong lễ tưởng niệm anh linh những người đã chết vì quyết bảo vệ lá cờ, biểu tượng của chủ quyền đất nước trước họng súng bọn xâm lược, cũng chính cũng lá cờ ấy lại hiện ra trong những giằng xé quyết liệt giữa những người yêu nước và thế lực cầm quyền hèn với giặc, ác với dân.
Vẫn còn đó hình ảnh Lê Thân, cựu tù chính trị Côn Đảo, quyết liệt ngăn chặn hành động láo xược của một thanh niên vác lá cờ đỏ sao vàng xông lên nhằm phá rối không cho Huỳnh Tấn Mẫm phát biểu trong ngày mít tinh và tuần hành tưởng niệm đồng bào chiến sĩ đã hy sinh và lên án Trung Quốc tàn ác và xảo quyệt trước thềm Nhà hát Thành phố Sài Gòn.
Anh chàng rô bốt đáng thương đã thẹn thùng cuốn lá cờ, lủi vội vào đám đông, một đám đông vừa phất cờ đỏ sao vàng vừa gào lên câu hát “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” để át đi tiếng nói của Huỳnh Tấn Mẫm sau khi đã đoạt lại được micro từ tay viên “luật sư rô bốt” được điều khiển từ xa nhằm thực hiện kịch bản lật lọng cướp diễn đàn!
Lá cờ ngôi sao vàng trên nền màu đỏ trong tay đám rô bốt đáng thương và nhục nhã này oái oăm thay, cũng là ngôi sao ấy trên cái nền ấy của lá cờ vừa được kéo lên chào mừng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Thế vận hội Rio, người “đã đem vinh quang về cho Tổ Quốc” như anh nói.
Từ Hà Nội, Đại, cựu chiến binh, gọi cho tôi: “Vừa chăm chú theo dõi hình ảnh Hoàng Xuân Vinh trên bục nhận huy chương dưới lá cờ Tổ quốc tại Thế vận hội Rio nhưng rồi bỗng hẫng hụt, cụt hứng khi nghe anh ta “ơn đảng ơn nhà nước” trong câu trả lời phóng viên! Liệu cậu ta có nói thật lòng mình không hở chú?”.
“Có thể không mà cũng có thể là có”. Tôi trả lời. “Nhưng dù có hay không thì cũng vậy mà thôi! Cứ cho là 50/50 đi, thì cái phần 50 “có” càng đáng sợ hơn. Đáng sợ ở chỗ nó đã trở thành một lời nói cửa miệng theo thói quen. Một thói quen được hình thành bởi nhiều áp lực rồi trở thành một tập quán. Từ sự đối phó trở thành thành sự cam chịu rồi chai lì trước những dối trá, bịp bợm lừa mị, dẫn đến tự triệt tiêu sức đề kháng trước cái xấu, cái ác.
Dần dà, lộng giả thành chân, người ta quen dần với sự dối trá. Dối trá từ cái lớn nhất được nhồi nhét vào não trạng, và rồi cái lớn nhất đó trở thành nguyên nhân biện hộ cho những dối trá khác đang ngập tràn trong đời sống. Dối trả trầm tích lại trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội, chi phối mọi hoạt động, hành vi và suy nghĩ của con người. Đất nước đang đối diện với thảm họa ấy”. Vấn đề đặt ra cho chúng ta chính là vì sao có thảm họa đó, đúng hơn, thảm họa đó có tự bao giờ?
Phải chăng thảm họa đó bắt đầu từ việc đặt ý thức hệ lên trên tổ quốc?
Nhằm cứu vãn sự cáo chung của cái ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã phơi bày sự ruỗng nát với sự sụp đổ của cả hệ thống, những đầu óc thiển cận bị cầm tù trong niềm tin mù quáng bất chấp thảm trạng của đất nước đã vội vã chui đầu vào cái thòng lọng của Bắc Kinh với hy vọng giữ được cái ghế quyền lực. Những giằng xé đau đớn và quyết liệt lá cờ đỏ sao vàng trong buổi nhiễu nhương tủi nhục này rồi sẽ sao đây giữa cái thời lộng giả thành chân? Mà sự giằng xé đáng sợ nhất là phải làm sao để làm quang quẻ bớt đi đám mây đen đang trùm lấp cái môi trường dối trá lộng giả thành chân này để chặn lại quá trình đẩy tới sự băng hoại nền tảng văn hóa, đạo lý xã hội, tha hóa con người Việt Nam.
Liệu lá cờ Tổ Quốc từ Thế vận hội Rio được kéo lên vì chiếc Huy chương vàng của Hoàng Xuân Vinh để mang về “niềm vinh quang cho Tổ quốc” như người vận động viên ấy nói có chung một biểu tượng “thiêng liêng” với lá cờ dùng làm vật cản phản biểu tình chống Trung Quốc xâm lược của bọn “dư luận viên” dưới tượng đài các chiến sĩ quyết tử ở Hà Nội và trên thềm Nhà hát Thành phố tại Sài Gòn?
Vậy thì lá cờ đã bị lũ rô bốt được điều khiển từ xa vung lên kèm theo câu hát “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hòa cùng giai điệu “tình bằng có cái trống cơm” và “một bầy tang tình con xít” trong không khí thiêng liêng tưởng niệm những người đã ngã xuống vì Tổ quốc là biểu tượng của cái gì đây?
Viết những dòng này trong ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám trong nỗi đau giằng xé. Đâu phải chỉ là sự giằng xé trong chuyện giành giật lá cờ, trả về cho nó biểu tượng thiêng liêng vốn có của nó, mà còn là sự giằng xé trong tim óc về một lý tưởng bị vấy bẩn, bị phản bội.
Ngày 19.8.2016
T. L.
Tác giả gửi BVN.