Xem ra, nhà đầu tư Formosa đã gặp phải một đối tác “mướp đắng, mạt cưa” nhất từ trước đến nay. Đối tác đó mang tên CỘNG SẢN VIỆT NAM.
Cho đến nay, khi nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm hoạ môi trường đã rõ nhưng vẫn chưa hề có một báo cáo điều tra khoa học nào cung cấp đầy đủ mức độ ô nhiễm, yếu tố ô nhiễm và rủi ro môi trường, môi sinh – cơ sở khoa học đầu tiên cần có để xây dựng giải pháp tiếp theo – được công bố.
Chính quyền, các cơ quan hữu trách và doanh nghiệp gây ô nhiễm phải thực hiện biện pháp phục hồi, tái tạo môi trường và nguồn lợi dựa trên cơ sở khoa học do cơ quan khoa học môi trường có uy tín quốc tế và trong nước nghiên cứu đưa ra. Cần phải có cơ chế giám sát việc thực hiện với sự tham gia của tất cả đại diện các chủ thể liên quan. Vừa qua, một đánh giá thiệt hại môi trường do TS. Nguyễn Thị Hải Yến ở CHLB Đức đưa lên trên trang anhbasam với những căn cứ khoa học tính toán cần được xem xét nghiêm túc. Theo quan điểm của cá nhân người viết thì những tính toán về mức đền bù thiệt hại môi sinh và tài nguyên trên là hoàn toàn bất khả thi đối với năng lực của một quốc gia như Việt Nam và với cả Tập đoàn Formosa. Thực tế đau lòng phải chấp nhận là thảm hoạ sinh thái đã xảy ra. Việc phục hồi nguyên trạng hệ sinh thái ban đầu trong một thời gian vài thập kỷ dù đảm bảo tất cả các yếu tố về nguồn lực thì không thể thực hiện được.
Vấn đề cần quan tâm trước mắt là cần có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải với tất cả dạng chất thải, lỏng, rắn hay khí đối với khu công nghiệp này. Do đặc thù qui mô khổng lồ của khu công nghiệp, công nghệ sử dụng trong luyện kim là loại công nghệ cũ dùng coke nên lượng xả thải rất lớn. Chỉ cần bất kể sơ xuất nào từ sự “tắc trách” hay “sự cố kỹ thuật” mà không có biện pháp phòng ngừa thì hậu quả vô cùng to lớn. Việc giám sát liên tục phải do cơ quan môi trường độc lập của Nhà nước đủ năng lực thực hiện cùng với đó là chế tài nghiêm ngặt nhất phải được thực thi.
Phương án đền bù về thiệt hại kinh tế đối với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp, các cá nhân và các tổ chức có quyền lợi liên quan cần được công khai và minh bạch dưới sự giám sát của công luận. Cần phải có những biện pháp cứu trợ khẩn cấp đối với những nạn nhân đã chết, mất sức khoẻ và gia cảnh đặc biệt khó khăn khi phương tiện mưu sinh truyền thống không còn nữa.
Doanh nghiệp và các cơ quan hữu trách phải đối thoại với người dân trong biện pháp lựa chọn sinh kế thay thế. Việc khảo sát trên cơ sở khoa học và tính tới các yếu tố xã hội và kinh tế. Áp đặt một loại hình công việc hoặc xuất khẩu lao động phổ thông đối các ngư dân suốt đời quen việc chài lưới và môi trường sống phóng khoáng chắc chắn sẽ gặp nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Vấn đề không chỉ là sinh kế mà còn là cả các vấn đề kỹ năng, yếu tố thích nghi xã hội và môi trường sống của người dân cần phải được xem xét đến.
Không gian sống của người dân bao đời gắn liền với biển, khi biển không còn an toàn và không thể đánh bắt thì cần phải tính đến cả sự chuyển dịch dân cư và tác động về mặt xã hội, kinh tế và an ninh quốc phòng.
Một phong trào đang xuất hiện là việc tẩy chay Formosa và đòi trục xuất Formosa không được tiếp tục các hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Công luận cần hiểu rõ, Formosa chỉ là doanh nghiệp, và đối với tất cả doanh nghiệp thì phải có lợi nhuận mới có thể tồn tại và phát triển. Với một số đông chủ doanh nghiệp không có trách nhiệm cộng đồng và đạo đức kinh doanh thì lợi nhuận là tất cả. Chính vì vậy nếu ở một môi trường kinh doanh có quá nhiều kẽ hở, tham nhũng tràn lan và hoạt động quản trị yếu kém của hệ thống quản lý Nhà nước thì việc các doanh nghiệp sẽ dùng tiền để tha hoá quan chức và đổi lấy những lợi thế cho doanh nghiệp, sử dụng công nghệ lạc hậu và xả thải không kiểm soát để né tránh chi phí xử lý môi trường… là việc tất yếu sẽ xảy ra. Vấn đề không phải là Formosa mà căn nguyên của vấn đề chính là hệ thống quản lý Nhà nước cực kỳ yếu kém, vô trách nhiệm và tham nhũng. Một thể chế tha hoá thì không thể có môi trường kinh doanh và luật pháp lành mạnh. Và như vậy, doanh nghiệp và người dân sẽ tìm mọi cách để né trách luật pháp, né tránh trách nhiệm với cộng đồng và tự nhiên để tìm kiếm lợi ích bất chấp điều đó tổn hại xã hội và môi trường.
Một tổ hợp doanh nghiệp khổng lồ như Formosa đã được xây dựng cho đến bước cuối cùng thì trách nhiệm của nó không thể đổ cho một cơ quan hữu trách đơn lẻ hay cá nhân nào được mà nó là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị CSVN, vì đây là dự án FDI lớn nhất tại thời điểm hiện nay. Việc thông qua chính sách đầu tư của Formosa do toàn bộ hệ thống chính trị và Nhà nước này thực hiện. Kịch bản sắp tới đây sẽ tìm kiếm một “con dê tế thần” của chính quyền là không thể chấp nhận được. Chính phủ này phải có lời xin lỗi tới toàn dân và phải thực thi nghiêm túc các yêu sách trên nhằm sửa chữa một phần hậu quả của thảm hoạ này gây ra.
Cần phải đánh giá toàn diện lại và khách quan nhất tính hiệu quả của khu công nghiệp Formosa đối với lợi ích địa phương và lợi ích quốc gia. Kỳ Anh – Hà Tĩnh là một vùng đất nghèo suốt nhiều thập kỷ qua. Hạ tầng ở nơi đây rất thiếu thốn và đời sống nhân dân khó khăn. Không thể phủ nhận những thay đổi ở vùng đất này trong thời gian tổ hợp công nghiệp Formosa đầu tư tại đây. Nhưng đó là lợi ích nhỏ trước mắt. Còn thiệt hại khổng lồ của nó gây ra đã nhãn tiền.
Có lẽ, chính quyền CSVN đã không ngờ hậu quả của việc dễ dãi trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và “thói quen” tham nhũng của thể chế trong vụ làm ăn tưởng chừng ngon ăn này lại khó nuốt đến vậy. Thế “cẳng kê” ở đây là nếu tiếp tục cho Formosa hoạt động thì rủi ro môi trường và sự bất bình của công chúng sẽ dẫn đến bất ổn chính trị cho Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Nếu loại bỏ dự án thì vấp phải những tổn thất khổng lồ về đền bù thiệt hại kinh tế và mâu thuẫn kinh tế chắc chắn sẽ giải quyết thông qua tài phán quốc tế mà phần thua cuộc sẽ ở phía Chính phủ NXP nhiều hơn. Hậu quả chính trị về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sẽ rất lớn. Trong bối cảnh kinh tế lao dốc, các doanh nghiệp và tập đoàn quốc gia có vốn Nhà nước thi nhau thâm hụt vào nguồn ngân sách ngày càng eo óp trong khi số lượng lao động tạo ra cho xã hội là khiêm tốn thì doanh nghiệp thuộc khối đầu tư FDI là neo giữ cuối cùng đảm bảo công việc và ổn định xã hội trong lúc này. Chỉ riêng một Tập đoàn Samsung nếu như rút khỏi VN thì 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ mất đi cùng với hàng trăm ngàn lao động. Đối với Formosa thì không chỉ là con số về kinh tế. Vấn đề phức tạp hơn rất nhiều với những điều khoản được thoả hiệp trước đó thời Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Tập đoàn này vẫn là bí mật thì có “Chúa mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra”.
Về phía doanh nghiệp, nếu Formosa tiếp tục hoạt động ở Việt Nam với yêu cầu đảm bảo yếu tố môi trường thì phải thay đổi lại công nghệ đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư rất lớn để hoàn thiện khâu xử lý môi trường. Cả hai điều này đều bất khả thi vì chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm sẽ đội lên khiến cho doanh nghiệp không thể đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm và nguy cơ thua lỗ rất cao. Còn nếu tiếp tục đưa vào hoạt động tổ hợp công nghiệp trên thì rủi ro môi trường và vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân. Chính phủ Việt Nam một mặt đàn áp sự phản kháng và chống đối của người dân với Formosa một mặt lại lấy áp lực chính trị và “nguy cơ bạo loạn” từ phía chính người dân để mặc cả những khoản đền bù thiệt hại môi trường như vừa qua. Nếu chấp nhận bỏ cuộc chơi thì đây là một quả đắng khó lòng chấp nhận nổi đối với Formosa. Xem ra, nhà đầu tư Formosa đã gặp phải một đối tác “mướp đắng, mạt cưa” nhất từ trước đến nay. Đối tác đó mang tên CỘNG SẢN VIỆT NAM.
T.H.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/07/vntb-formosa-va-oi-tac-muop-ang-mat-cua.html