Cá chết và Đảng Cộng sản Việt Nam

Bùi Văn Phú

clip_image002

Ngư dân Việt Nam biểu tình vì cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Vụ cá chết dọc theo các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam đã được giải quyết khá nhanh, tuy chưa phải là kết luận sau cùng và chung cuộc. Tuy nhiên, đó chỉ là cách giải quyết giữa nhà nước Việt Nam, hay đúng ra là giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Tập đoàn Formosa. Còn người dân Việt, đặc biệt là những nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng, không có quyền lên tiếng, không có quyền kiện để đòi bồi thường thiệt hại cho bản thân cũng như cho môi trường nơi họ sinh sống.

Sau ba tháng điều tra, giới chức nhà nước đưa ra kết luận cá chết là do chất độc thải ra từ nhà máy luyện thép Formosa, một công ty Đài Loan, đang được xây dựng tại khu công nghiệp Vũng Áng, thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một dự án có kinh phí hàng chục tỉ đôla đã được Hà Nội cho phép xây dựng và hoạt động trong thời gian 70 năm.

Ba tháng trước, đại diện cho Formosa là Chu Xuân Phàm đã nói với báo chí về nguyên do cá chết và thảm họa môi trường là do công ty của ông gây ra. Vì thừa nhận phần lỗi của công ty, ngay sau đó ông Chu đã bị cho thôi việc.

Trong cuộc họp báo hôm 30 tháng Sáu để chính thức công bố kết quả điều tra, ban giám đốc Formosa không có mặt mà chỉ qua một đoạn quay hình trước đã ngỏ lời xin lỗi tới người dân Việt. Tập đoàn Formosa cũng đồng ý bồi thường 500 triệu đôla và hứa sẽ không để những sự việc như thế xảy ra nữa.

Quan chức Hà Nội trong buổi họp báo là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã xác nhận những điều trên.

Không mấy ai biết được chính xác sự hủy hoại môi trường là do những hóa chất như phi-nôn, xyanua và hydrôxít sắt hay còn những chất độc hại nào khác và nó đã tàn phá môi trường biển quanh khu vực nhà máy Formosa đến mức nào, ảnh hưởng đến hệ sinh thái sẽ kéo dài bao nhiêu năm. Đó là những vấn đề cần cấp bách đặt ra và tìm câu trả lời trước khi chấp nhận lời xin lỗi và những bồi thường.

Trong khi đó nhà nước lại ngăn cấm các hoạt động nghiên cứu về ảnh hưởng của nó, không muốn bên ngoài vào giúp, dù Hoa Kỳ đã có lên tiếng sẵn sàng giúp đỡ để tìm hiểu nguyên do và cách khắc phục. Truyền thông báo chí không được phép đến khu vực ảnh hưởng để tìm hiểu.

Không có những nghiên cứu liên quan thì số tiền mà Công ty Formosa hứa đền bù, dù là 500 triệu đôla, cũng không thấm vào đâu nếu biển chết trong vòng 50 chục năm tới hay kéo dài lâu hơn.

Làm sao để làm sạch lại môi trường biển ở những vùng đã bị ảnh hưởng và trong tương lai nhà máy của Formosa sẽ xử lý những chất độc hại này ra sao thì không nghe các quan chức nói đến.

Số tiền 500 triệu đôla mà Formosa hứa bồi thường sẽ được chi tiêu như thế nào hiện nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị các cơ quan trách nhiệm đưa ra kế hoạch thực hiện. Với bộ máy nhà nước quan liêu, tham nhũng của Việt Nam, số tiền bồi thường đó không thể tránh khỏi những thất thoát.

Trong quá khứ nhiều nơi trên thế giới đã có những vụ việc gây độc hại môi trường và các công ty trách nhiệm đã phải bồi thường thiệt hại cho người dân cũng như khu vực bị ảnh hưởng. Tiến trình đưa tới việc bồi thường được kết thúc sau khi có phán quyết của tòa án, hay sau khi ra tòa và hai bên đồng ý với nhau sẽ giải quyết vụ việc bên ngoài tòa.

Năm 1984 ở Bhopal, Ấn Độ, có vụ nổ ở nhà máy hóa chất gây thiệt mạng cho nhiều nghìn người và ảnh hưởng đến sức khoẻ mấy trăm nghìn người khác. Ngay sau khi vụ việc xảy ra nhà nước có chính sách tạm giúp nạn nhân ngay. Sau đó nạn nhân, qua các tổ hợp luật sư, đã kiện các công ty trách nhiệm ra tòa và nhiều năm sau vụ việc mới được giải quyết bồi thường hơn 400 triệu đôla.

Trong các vụ xả chất độc làm ảnh hưởng đến môi trường khác như Exxon Valdez làm tràn dầu ở Alaska, vụ bể giếng khoan dầu ở Vịnh Mexico, các tập đoàn có trách nhiệm đều bị phạt theo luật bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ, phải làm sạch lại môi trường như trước đó. Trong khi đó một vài người dân có thể đứng đơn kiện công ty đã gây hại cho sức khoẻ hay làm mất nguồn sinh sống và đòi bồi thường thiệt hại.

Các vụ kiện như thế, tuy chỉ có một hay vài người đứng đơn, nhưng đều là những vụ kiện mang tính tập thể (class action lawsuit), được đại diện bởi một tổ hợp luật sư hay nhiều luật sư nhưng cũng nhắm vào cùng một đối tượng và một mục đích.

Sau khi có phán quyết của tòa, hay có những thương lượng bên ngoài tòa án để bị cáo không nhận tội nhưng chấp nhận bồi thường, khi đó tập thể bị ảnh hưởng sẽ được bồi thường tùy theo thiệt hại nặng nhẹ, nhiều hay ít.

Có một vài vụ việc xảy ra ở California mà tôi có bị ảnh hưởng và được bồi thường, sau những khiếu kiện tập thể kéo dài cũng đến hai năm hơn.

Cuối thập niên 1980 có vụ cháy một kho chứa hàng của siêu thị Safeway ở thành phố Richmond, vùng Đông vịnh San Francisco. Nguyên do vì một người lái xe xúc hàng bất cẩn khi nâng hàng lên cao làm chạm điện và phát hỏa. Đám cháy kéo dài nhiều giờ đồng hồ và khói ô nhiễm lan tỏa ra khu vực cư dân. Rất may không ai thiệt mạng.

Dân sống gần nhà kho phải chịu hít thở không khí nhiễm độc nên nhiều người khó thở, ngứa mắt, ngứa da phải đi bác sĩ hay nhà thương ngay. Tro bụi bay cao rơi xuống phủ đường đi, phủ nóc nhà, nóc xe trong một khu vực rộng lớn.

Khoảng hai năm sau, vụ xử kết thúc và Công ty Safeway phải bồi thường thiệt hại cho cư dân bị ảnh hưởng. Những người sống gần nơi đám cháy, với giấy chứng nhận đã đi bác sĩ hay vào nhà thương điều trị do hít khí độc được bồi thường có đến chục nghìn đôla hay nhiều hơn tùy theo giấy chứng nhận của cơ quan y tế.

Những người ở xa xa, như nơi tôi cư ngụ cách chỗ cháy cũng đến 5 cây số, nhưng vì hướng gió thổi đem tro bụi bay đến và quả thật là sáng hôm sau xe bị phủ một lớp tro.

Tuy không phải là người trực tiếp đứng đơn kiện, cũng như hàng vạn cư dân khác trong khu vực bị ảnh hưởng, nhưng tôi vẫn được bồi thường.

Sau khi nghe thông báo, tôi đến văn phòng có luật sư đại diện, trình bằng lái xe để xác minh thời gian khi vụ cháy xảy ra tôi sống trong khu vực ảnh hưởng. Thế là nhận được tấm chi phiếu 250 đôla. Ít nhất đó cũng là tiền để tôi lo rửa xe, tuy không nhiều bằng đó, nhưng số tiền tôi được bồi thường bao gồm cả tiền phạt công ty phải chi ra. Tiền phạt mới là đáng kể, vì thường rất cao, để các công ty phải cẩn thận, tránh gây ra tai nạn làm ô nhiễm môi trường.

Vụ việc mới đây đối với công ty xe hơi Volkswagen cũng thế. Tuy không gây chết người, nhưng vì cố tình dùng kỹ thuật để qua mặt luật Mỹ trong việc xử lý khói xe mà đã phải bồi thường hơn chục tỉ đôla cho khoảng nửa triệu chủ xe.

Công ty Formosa gây ô nhiễm biển ở miền Trung thì thiệt hại cũng không phải là nhỏ. Có cư dân đã chết. Một số người bị bệnh do hóa chất trong nước biển. Hệ sinh thái bị hủy hoại khiến nhiều nghìn ngư dân không thể tiếp tục hành nghề. Kỹ nghệ du lịch cũng bị ảnh hưởng.

Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý với Công ty Formosa và chấp nhận việc bồi thường 500 triệu đôla.

Vụ việc cá chết là một thảm họa môi trường lớn và lâu dài, nhưng nhà nước cộng sản Việt Nam đã cho thấy họ làm việc thiếu tính minh bạch, lại không cho dân được quyền lên tiếng, được quyền kiện công ty có trách nhiệm ra tòa. Nhà nước cũng không cho truyền thông báo chí được đến đó điều tra hay cho những cơ quan độc lập chuyên về nghiên cứu khoa học đến để xác định ảnh hưởng của chất thải gây ra cho con người và môi trường.

Khi vụ việc mới được đưa ra các đây ba tháng, phóng viên của báo Thanh Niên hỏi quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường về cá chết là có khả năng bị “nhiễm kim loại nặng” hay không, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trả lời rằng hỏi thế là làm “tổn hại cho đất nước”.

Biển miền Trung và người dân ở đó đang bị tổn hại quá nhiều qua vụ cá chết. Và đất nước Việt Nam còn bị tổn hại hơn nữa nếu Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam không để cho vụ việc được làm rõ và người dân được bồi thường thỏa đáng.

B.V.P.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.