Lê Văn Tâm
Lòng tham thì con người ở đâu cũng có. Nhưng sở dĩ ở một thể chế độc tài cộng sản như Việt Nam, bọn tham nhũng ngày càng hoành hành như múa tay trong bị dù cho ông Thủ tướng tham nhũng này có phải xuống nhường cho ông Thủ tướng khác lên cầm quyền. Không phải vì ông Thủ tướng sau sẽ còn tham nhũng hơn ông Thủ tướng trước, hoặc còn nới tay cho tham nhũng hơn ông Thủ tướng trước – điều ấy thì hãy chờ xem chứ chưa ai nói gì được. Mà quan trọng là thể chế cộng sản chỉ đào tạo ra những kẻ cầm quyền rất giỏi viết diễn văn, biết học thuộc lòng vài điều sơ đẳng nhất của chủ thuyết Mác để bẻm mép với dân, nhưng lại không sao đào tạo được những người thợ lành nghề biết chế ra chiếc thắng để xiết cỗ xe tham nhũng lại, khiến nó cứ thế mà lao dốc. Và tất cả bộ sậu cầm chịch thì khốn thay, đều thượng hết lên trên cỗ xe đó để… đọc diễn văn chống tham nhũng. Bauxite Việt Nam |
Trước đây, ở miền Nam Việt Nam, người đứng đầu thủ đô được gọi là Đô trưởng. Từ này bây giờ được gọi là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, trên ông ấy còn có Bí thư thành ủy.
Ở Nhật, người đứng đầu thủ đô được dân bầu cử trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu. Ông Masuzoe Yoichi đắc cử chức này vào ngày 11 tháng 2 năm 2014 với 2,112,979 phiếu thuận của dân Tokyo.
– Ông Masuzoe sinh năm 1948, tốt nghiệp đại học Tokyo, có quá trình đi nghiên cứu ở Pháp và Thụy sĩ, từng là bình luận gia về thời cuộc trên một số đài truyền hình Nhật Bản, rồi trúng cử đại biểu Quốc hội thuộc Đảng Tự do Dân chủ.
– Ông làm Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật từ tháng 8 năm 2007 đến tháng 9 năm 2008.
– Tại cuộc bầu cử Hạ viện tháng 8 năm 2009, Đảng Tự do Dân chủ thất bại thảm hại, mất quyền thành lập chánh phủ. Nội các của Đảng Dân chủ do ông Hatoyama làm Thủ tướng ra đời.
– Tháng 4 năm 2010, ông rời bỏ Đảng Tự do Dân chủ, nhận chức đại diện của một đảng nhỏ là Tân đảng Cải cách.
– Tháng 12 năm 2012, Liên minh Đảng Tự do Dân chủ và Đảng Komei thắng lớn tại cuộc bầu cử hạ viện, trở lại cầm quyền.
– Tháng 1 năm 2014, ông Masuzoe rời Tân đảng Cải cách, và ngày 11 tháng 2 năm 2014, ông ra ứng cử Đô trường Tokyo với tư cách độc lập nhưng được sự ủng hộ công khai và mạnh mẽ của Đảng Tự do Dân chủ và Đảng Komei của liên minh cầm quyền.
Mấy tháng gần đây, ông Masuzoe bị cáo buộc các lỗi lầm sau:
1. Dùng xe công để đi nghỉ ở biệt thự của mình tại Yugawara 48 lần, gần như hàng tuần trong một năm, tổng chi phí lên khoảng 40,000 đô la Mỹ.
2. Các chuyến công du nước ngoài xa hoa, lãng phí, đi máy bay hạng nhất, ở khách sạn phòng thượng hạng, tốn kém khoảng 3 triệu đô la cho 8 lần đi nước ngoài cùng đoàn tùy tùng.
3. Đi chơi với vợ con ở nơi nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng ghi báo cáo là chi phí hội nghị. Về điểm này, người ta truy hỏi ông họp với ai, tên gì, ông chỉ trả lời chung chung là gặp ở khách sạn một người giám đốc của một công ty xuất bản, vẫn không nói tên người đó tới giờ chót.
4. Dùng tiền của Quĩ hoạt động chính trị để đi ăn uống với vợ con
5. Mua tranh ảnh mỹ thuật và một số vật dụng khác qua đấu giá trên internet bằng tiền của Quĩ hoạt động chính trị…
Và một số cáo buộc khác khi còn là đại biểu Quốc hội.
Ông Masuzoe đã bị báo chí và Hội đồng nhân dân của thành phố Tokyo lên án và đòi phải trả lời công khai các chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ngày 15 tháng 6 vừa qua, trước áp lực quyết liệt và nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông đã phải tuyên bố là sẽ từ chức vào ngày 22 tháng 6, buộc phải bỏ chuyến đi Rio de Janeiro vào ngày bế mạc Olympics 21-8-2016 để mang cờ Thế vận hội về Tokyo sẽ được tổ chức vào năm 2020. Ông chỉ tại chức 28 tháng trong nhiệm kỳ 48 tháng.
Dư luận Nhật gán cho ông Masuzoe từ “sekoi” (một từ khó dịch ra tiếng Anh và tiếng Việt, tạm dịch là tham vặt, thứ nguyên thấp, khó coi, keo kiệt…). Tờ Washington Post của Mỹ cũng dùng từ tiếng Nhật “sekoi” để nói về sự việc Masuzoe.
Người ta còn nhớ những ngày đầu khi sự việc mới được phát giác, ông ta đã cao ngạo đối đáp, đại ý:
– Tôi là cán bộ cao cấp, chẳng lẽ ở khách sạn hạng hai à?
– Anh không biết xe hơi là văn phòng di động của tôi à?
Vào những ngày cuối, ông ta cúi thấp đầu xin lỗi và nói từ đây sẽ đem hết sức bình sinh (粉骨砕身) để làm tốt nhiệm vụ Đô trưởng. Đa số người ta nói ông ta đã không thành thật, nói trắng ra là dối trá.
Và người ta cũng còn nhớ, người tiền nhiệm của ông Masuzoe là ông Naoki Inose cũng đã phải từ chức vào tháng 12 năm 2013, chỉ sau một năm tại chức, do liên quan đến việc nhận hay “mượn” 50 triệu Yen (tương đương gần nửa triệu đô-la theo tỉ suất hiện nay) từ một tập đoàn y liệu lớn là Tokushukai. Ông Inose là một nhà hoạt động khuynh tả lúc còn là sinh viên, một nhà văn có tiếng, là Phó Đô trưởng năng nổ trong nhiều năm, đã đắc cử Đô trưởng Tokyo với số phiếu đáng kinh ngạc là trên 4 triệu phiếu. Tuy nhiên, ông vẫn đã bị tuyên án phạt 500,000 Yen và 5 năm đình chỉ quyền công dân do vi phạm luật bầu cử.
Đại để nội dung chủ yếu về việc mất chức của ông Đô trưởng Masuzoe là như trên. Cũng cần nói thêm là ông Masuzoe và ông Inose đều được đánh giá là mẫn cán trong công việc, có công lớn trong việc vận động tranh thủ và chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo năm 2020.
Từ việc mất chức của ông Masuzoe và ông Inose, người ta có thể thấy được những gì?
1. Nước Nhật có một nền giáo dục tiên tiến, người Nhật trọng danh dự và tự đánh giá mình là dân tộc biết xấu hổ, biết giữ lễ. Tại các trường tiểu học và trung học Nhật, khi thầy cô giáo vào lớp để bắt đầu tiết học, các học sinh nói “Kiritsu” (đứng dậy), “Lễ” (cúi đầu chào) thầy hay cô trước khi ngồi xuống để bắt đầu buổi học. Trí thức được đào tạo trong môi trường tốt của trường học và xã hội Nhật Bản vẫn mắc lỗi lầm, vi phạm luật pháp một khi đã nắm trong tay quyền lực hay muốn có quyền lực, duy trì quyền lực…
Có kiến thức, có tri thức chưa phải là điều kiện đủ cho một người đảm đương trách nhiệm lớn của xã hội.
2. Báo chí, đài truyền hình, truyền thông của Nhật được tự do đưa tin về các vấn nạn của xã hội và họ đã nhiệt tình làm nhiệm vụ của họ là tìm cách vạch trần các hành vi công tư lẫn lộn, lợi dụng quỹ công vào việc tiêu xài riêng tư. Mất mấy tháng đưa tin và tranh luận, nhưng việc bất tín nhiệm ông này không đơn giản. Đã có lúc người ta nói ông Masuzoe sẽ không từ chức cho đến khi một biến cố lớn khác nào đó xảy ra, cuốn hút quan tâm xã hội vào nó, và sự cố Masuzoe sẽ bị chìm xuồng. Tự do ngôn luận, tự do báo chí thôi chưa đủ.
3. Một tình huống quan trọng là sẽ có cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào ngày 10 tháng 7 tới. Đảng Tự Do Dân Chủ và Đảng Komei của liên minh cầm quyền là hai đảng đã ủng hộ mạnh mẽ ông Masuzoe khi ông này tranh cử Đô trưởng Tokyo vào năm 2014. Hai đảng này không muốn để ông Masuzoe từ chức vì lo sợ sẽ mất phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện. Dù trong hội đồng nhân dân thủ đô Tokyo, hai đảng này chiếm đa số, nhưng họ không cấm cản được Đảng Dân chủ, Đảng Cộng sản Nhật Bản và các đảng khác đòi tìm sự thật và chất vấn tập trung vào ông Masuzoe. Chất vấn tập trung là hình thức chất vấn không cho biết trước câu hỏi, phải đối đáp không có chuẩn bị trước. Trước sức ép của các đảng đối lập, hai đảng thuộc liên minh cầm quyền đã phải nhượng bộ đồng ý đưa dự luật bãi nhiệm Đô trưởng. Tức là phải có đảng đối lập trong quá trình giải quyết các việc lớn nhỏ của xã hội. Xã hội phải có thể chế nhiều đảng.
4. Một điều có ảnh hưởng quan trọng nữa là ý thức xã hội của người dân bình thường. Trong các cuộc thăm dò dư luận, có thăm dò nói là 90 phần trăm, có thăm dò nói là 99 phần trăm người dân thủ đô Tokyo muốn truất quyền ông ta. Vấn đề sĩ diện liên quan đến Thế vận hội, những khó khăn lớn 4 năm sau phải tổ chức bầu cử có thể trùng vào thời gian tổ chức Olympics… không quan trọng bằng việc truất phế ông ta để bầu lại một người xứng đáng hơn đại diện cho mình.
Tóm lại, như một lẽ đương nhiên, không có gì mới mẻ, muốn có một xã hội tốt đẹp, người Nhật đã chọn một hình thái xã hội có:
– Một nền giáo dục lành mạnh
– Tự do ngôn luận
– Một thể chế có nhiều đảng để cạnh tranh nhau làm những điều tốt hơn, sạch hơn.
– Trong đó người dân quan tâm và có ý kiến về môi trường sống của mình.
L.V.T
Tác giả gửi BVN