Trịnh Khả Nguyên
Các chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ là một đề tài cho báo chí, các nhà bình luận đưa tin, tiên đoán, chê khen.
Ngày 22. 5 này ông Obama sẽ sang thăm Việt Nam, nhưng cả tháng nay báo chí trong nước đã viết khá nhiều điều về chuyến đi, kể cả chuyện như chuyên cơ, chuyên xa, đội bác sĩ, cận vệ, mật vụ, an ninh, nơi ăn chốn ở… của ông ấy như thế nào. Dĩ nhiên là rất hoành tráng, chu đáo, tuyệt đối an toàn và tốn nhiều tiền (theo vài báo sau). Biết thêm các điều trên cũng vui vui. Mỹ là anh nhà giàu số một thế giới thì xài sang như… Mỹ là chuyện không ngạc nhiên. Xài sang vì phương diện quốc gia, xài minh bạch thì cũng không uổng tiền thuế của dân, chỉ sợ tiêu vào các việc trời ơi đất hỡi thì phí của dân quá.
Về hình thức, dù không rõ lắm, nhưng người ta cũng biết chắc rằng các chuyến công du của Tổng thống Mỹ, đến Việt Nam hay đến các nước khác đều hoành tráng, an toàn và tiện nghi loại “number one”. Không biết sau Việt Nam, ông Obama đến Okinawa, Nhật Bản có gặp biểu tình phản đối, hoan hô gì không. Nếu có, thì cũng bình thường, bởi tại “bổn quốc” các ông ấy cũng từng chứng kiến những cảnh này: biểu tình phản đối chiến tranh (Việt Nam, Iraq…), biểu tình đòi bình đẳng, biểu tình chiếm phố Wall, đòi “quyền sống”, biểu tình khiến chính phủ phải “đóng cửa”, biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường, biểu tình phản đối cảnh sát da trắng bắn chết người da màu. Nhiều vụ, ông Obama phải lên tiếng. Nhớ lại các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, người ta gọi đó là phản ứng của loài người tiến bộ (chứ không phải do ai giật dây, kích động, thuê tiền).
Còn về nội dung, Tổng thống Obama sẽ đề cập những vấn đề gì, chắc ít người biết hết được. Mong cũng “hoành tráng”.
Có người cho rằng mấy anh Tây ba lô đi du lịch, các anh đó lùng sục khắp hang cùng ngỏ hẻm, ăn cơm tay cầm, ngủ nhà trọ nên biết nhiều. Còn các ông chính khách đến nước nào cũng chỉ loanh quanh trong mấy phòng tiếp VIP, đi đâu, gặp ai là vấn đề nên khó biết mọi chuyện.
Đến thăm một nước, ngoài việc bàn bạc với nguyên thủ nước sở tại, các Tổng thống Mỹ hay nói chuyện với sinh viên tại các trường đại học. Như thế, họ vừa trọng giáo dục vừa đánh giá cao các trí thức trẻ.
“Chính phủ của dân, do dân và vì dân”, câu này được dạy trong môn “công dân giáo dục” ở trung học, nhiều người đã học rồi, ai cũng biết. Có người không cần nhớ câu đó là của Tổng thống Thomas Jefferson. Nhớ được tác giả thì tốt, quên cũng không sao, song tốt hơn là xây dựng một nhà nước chuẩn như thế. Nhưng đến bây giờ, nhiều nước vẫn còn dưới chuẩn, dù vẫn thuộc lòng câu trên bằng cả tiếng Anh.
Làm lớn, đầy quyền lực như Obama nhưng chả “sướng” tí nào, 24/24 có người canh giữ từ cái ăn, cái ngủ. Đúng thế, mấy vị lãnh đạo dễ gì đi phố, xem văn nghệ, uống cà phê thoải mái một mình, dù có hóa trang để vi hành. Nhưng như thế tại sao rất nhiều người muốn làm lớn, làm vua. Đấu đá nội bộ (như Brazil, Venezuela…) hoặc vận động tranh cử như ở Mỹ hiện tại cũng vì ưa làm “vua”. Thích làm vua vì mê quyền lực, mê danh vọng… Có nhiều hạng vua, có vua dân mến, có vua dân kinh; có vua vì nước vì dân, có vua vì… vua; có vua làm cho đất nước phồn vinh, tiến bộ, có vua làm nghèo đất nước.
Ông Lê Văn Bàng cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ trong một bài trả lời về quan hệ Việt Mỹ đã nói về việc chê Mỹ, khen Mỹ, “hội chứng Việt Nam”, “hội chứng Mỹ”… Theo ông, người Mỹ đã vượt qua “hội chứng Việt Nam”. Nhưng, “Ngược lại, Việt Nam đã vượt qua hội chứng Mỹ chưa? Vẫn còn có người chưa vượt qua được. Sự hận thù của không ít người Việt sau chiến tranh còn nặng nề lắm.
Vì lẽ đó, cũng có một bộ phận người Việt cho rằng quan hệ với Mỹ phải hết sức cảnh giác vì Mỹ luôn tìm mọi cách lật đỗ chế độ. Rồi thì có chuyện phê phán Mỹ thì dễ, nhưng khen ngợi Mỹ thì coi chừng. Những người làm việc với Mỹ, tiếp xúc nhiều với Mỹ thường bị tổ chức dè chừng…
Đấy, tất cả những cái đó là “hội chứng Mỹ”. Chúng ta phải từng bước vượt qua nó để quan hệ hai nước trở nên thực chất hơn. ”
Trên là mấy câu trích từ bài phỏng vấn cựu đại sứ, bài dài, đề cập đến nhiều vấn đề, và dĩ nhiên một đoạn trích thì còn thiếu, để đầy đủ hơn xin theo đường link sau
Là người làm công tác ngoại giao, ông Bàng có nhiều cơ hội, biết nhiều thông tin (thật). Theo ông “Nga chỉ bán vũ khí, Mỹ có thể giúp Việt Nam”. Nga không muốn mất lòng Trung Quốc trong chuyện Biển Đông, vì hai “tư tưởng lớn” gặp nhau, Nga chiếm Crime của Ucraine, thì lờ cho Trung Quốc hoành hành tại Biển Đông. Nga muốn lấy lòng Trung Quốc để làm ăn, đồng thời cũng gây khó cho Mỹ nên không “tích cực” về vấn đề Biển Đông. Nhưng “ta” luôn ca ngợi “bạn” về mọi chuyện. Việt Nam đang có nỗi đau mất đảo (nước), song (một số) lại không thông cảm cho Ucraine mất Crime mà gần như hân hoan khi Nga chiếm phần lãnh thổ này. Báo chí thường có những cái tít rất cảm tình với Putin từ đời tư đến đời công, nào Putin là võ sĩ, là này là nọ. Putin xuất hiện (trên TV) với dáng đi hùng dũng, kênh kiệu. Putin được tín nhiệm >85%. Putin là nhà lãnh đạo có ‘quyền lực nhất thế giới”. Về vấn đề Syria, Putin trên cơ Obama, Nga đã bồi thêm cú tát vào mặt phương Tây…
Vừa qua, VTV chiếu cảnh một số người Mỹ gặp nhau “ôn lại” 41 năm ngày phản đối chiến tranh Việt Nam (5.5.1965), sau lưng họ có câu “Chiến tranh đã qua rồi” (The war is over).
“Phê phán Mỹ thì dễ, nhưng khen ngợi Mỹ thì coi chừng” (lời ông Bàng). Mỹ cũng có nhiều cái để chê, nhiều cái để khen, tùy theo mỗi người. Nhưng có điều, dù khen chê, ai cũng muốn Tổng thống Obama thăm Việt Nam. Và ai cũng muốn cho chuyến thăm thành công tốt đẹp về hình thức cũng như nội dung.
T. K. N.
Tác giả gửi BVN.