Thụy My
Khách tham quan chụp hình trước tượng Mao Trạch Đông và tướng Chu Đức (Zhu De) tại một viện bảo tàng ở Tứ Xuyên. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Libération hôm nay 16/05/2016 có bài viết về “Thế hệ mất mát của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc”. Cách đây 50 năm, Mao Trạch Đông tung ra một chiến dịch đàn áp dài hơi, làm cho nhiều triệu người chết và ngày nay, thập kỷ đẫm máu này vẫn là điều cấm kỵ tại Trung Quốc.
“Chúng tôi không còn là người nữa, mà đã trở thành chó sói”. Bà Yu Xiangzhen, một nhà báo về hưu ở Bắc Kinh 64 tuổi, chỉ mới là một thiếu nữ lúc Mao Trạch Đông tung ra Cách mạng Văn hóa tháng 5/1966, cho rằng mình đã bị biến thành một thứ quái vật. Vào thời điểm đó, cô Yu đang học lớp 10 tại Bắc Kinh, thì bất chợt có lệnh từ chính quyền trung ương buộc các trường phải cho học sinh nghỉ học. Các thanh niên Trung Quốc phải tham gia vào cuộc “Đại cách mạng văn hóa vô sản”, mà Mao đang về già có sáng kiến phát động để cứu vãn quyền lực.
Năm 1966, người sáng lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã 72 tuổi, cảm thấy vị thế đang yếu đi sau thất bại đau đớn của cuộc Đại nhảy vọt (1958-1961). Chính sách kinh tế thảm hại này đã làm cho nhiều triệu người chết do nạn đói khủng khiếp. Hôm 16/5, Người cầm lái vĩ đại đã chính thức khởi động Cách mạng Văn hóa, để trừng phạt “bọn tư sản và những kẻ xét lại phản cách mạng”.
Mùa hè năm 1966, một ngàn học sinh trường trung học của Yu nằm ngay trung tâm thủ đô Bắc Kinh, đã bị lôi vào những cơn điên của cuộc “cách mạng” này. Bà kể lại: “Chúng tôi phải đả kích và sỉ nhục các thầy cô giáo của mình, tất cả đã bắt đầu như thế. Tháng 7/1966, phiên đấu tố đầu tiên diễn ra ngay trong trường. Một bạn học lớn tuổi hơn đã đổ một nửa hũ keo lên đầu cô hiệu trưởng. Trời rất nóng, mùi nồng nặc không chịu nổi và tôi bị khủng hoảng”.
Dần dần cô gái bị cuốn theo làn sóng, và tháng sau cô gia nhập lực lượng Hồng vệ binh. Các học sinh cấp 2 và cấp 3 trẻ măng đeo băng đỏ đã gieo rắc kinh hoàng trong “những năm tháng đỏ” từ 1966 đến 1968.
Trong ba năm đó, những người tôn thờ Mao như thần thánh đã gây nên những tội ác tệ hại nhất của Cách mạng Văn hóa. Nhân danh cuộc đấu tranh chống “Tứ cựu” (bốn cái cũ) – gồm ý tưởng, văn hóa, phong tục và tập quán cũ – tức trước năm 1949, năm thành lập Trung Quốc cộng sản, họ đã phá hủy các đền chùa, sỉ nhục những người trí thức, đốt các sách cũ. Một ví dụ điển hình là nhà văn nổi tiếng Lão Xá (Lao She) bị lăng nhục, đã tự sát vào tháng 8/1966.
Cách mạng Văn hóa kéo dài mười năm, từ 1966 đến khi Mao Trạch Đông chết năm 1976. Đó là một trong những thảm họa lớn nhất của lịch sử đương đại Trung Quốc. Nhà sử học Jonathan Spence viết: “Số nạn nhân không thể đếm xuể, có thể lên đến nhiều triệu người”, mà theo các nguồn tin khác nhau, số người chết từ vài trăm ngàn đến nhiều triệu.
Thảm kịch Cách mạng Văn hóa ám ảnh cả một thế hệ
Thập kỷ thảm kịch này in dấu lên cả một thế hệ trong suốt cuộc đời. Một số dần dà bắt đầu kể lại những kỷ niệm khủng khiếp thời đó cho con cháu, trước khi quá muộn. Chẳng hạn bà Liu, 66 tuổi, chỉ tâm sự với người con trai duy nhất từ năm 2007 khi cảm thấy thời gian không còn nhiều. Bà bị đày lên Nội Mông lúc đang tuổi vị thành niên để đi chăn cừu, cũng như nhiều triệu trí thức trẻ khác. Mao hy vọng sẽ xóa sạch tư tưởng tư sản khi họ sống cùng với nông dân và quần chúng vô sản.
Nửa thế kỷ sau, sách giáo khoa vẫn chỉ nói sơ sài về Cách mạng Văn hóa, báo chí thận trọng tránh né chủ đề này, và người Trung Quốc cũng ít đề cập đến dù trong những cuộc trò chuyện riêng tư. Cách mạng Văn hóa vẫn luôn là cấm kỵ trong xã hội Trung Quốc, và đảng Cộng sản không hề có công trình nghiên cứu nào để ghi nhớ thời kỳ này. Những bộ phim hiếm hoi nói về Cách mạng Văn hóa như “Phải sống” (To Live, tên tiếng Hoa là Hoạt Trứ) của Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou), giải thưởng lớn Liên hoan điện ảnh Cannes 1994, đều bị kiểm duyệt.
Tập Cận Bình đã khuyến khích việc tôn sùng cá nhân lãnh tụ để củng cố địa vị, có thể so với thời Mao Trạch Đông, tuy bản thân ông ta cũng từng bị đưa về nông thôn trong Cách mạng Văn hóa. Theo nhà sử học Hà Lan Frank Dikötter: “Mục đích nhằm tạo ra không khí sợ hãi, đe dọa và làm nản chí các nhà sử học. Tập Cận Bình nghiên cứu rất kỹ Mao Trạch Đông và các cựu lãnh tụ xô-viết trong đó có Gorbatchev. Ông ta biết rằng nếu cho phép tranh luận nhiều hơn, nhất là về lịch sử Liên Xô, thì sẽ rất tai hại”.
Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nghị quyết thông qua năm 1981 đã nhìn nhận Cách mạng Văn hóa là “thảm họa cho Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân”. Nghị quyết đã chấm dứt mọi tranh cãi, nhưng tại Bắc Kinh, thỉnh thoảng Cách mạng Văn hóa vẫn nhẹ nhàng quay lại: trong công viên sau Tử Cấm Thành, nhiều người về hữu vẫn cất cao giọng hát những bài hát đỏ vinh danh Mao Trạch Đông.
Thái tử đảng Trung Quốc phản đối làm sống dậy Cách mạng Văn hóa
“Cách mạng Văn hóa vẫn làm giới thái tử đảng bất bình”, đó là nhận xét của thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh. Nhiều tên tuổi lo ngại trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa mao-ít, trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện này.
Hôm 2/5 tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Thiên An Môn, một vở ca kịch ca ngợi Mao do 56 nữ diễn viên trình bày đã gây tranh cãi tại Trung Quốc, vào thời điểm gần đến ngày 16/5, dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở màn cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966.
Các cô đã hợp ca “Để ra biển lớn, cần có Người cầm lái vĩ đại” – một trong những bài hát phổ biến nhất vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ca từ có những câu: “Như cá không thể sống thiếu nước…quần chúng cách mạng phải gắn bó với đảng”, “Tư tưởng Mao Trạch Đông là mặt trời vĩnh cửu”… Mặt trời đỏ của Mao được chiếu lên màn hình khổng lồ, tiếp đến là hình ảnh của Tập Cận Bình giữa những người nông dân vui tươi. Sau đó xuất hiện một băng-rôn kêu gọi “Các dân tộc trên thế giới đoàn kết lại để đánh bại đế quốc Mỹ và đồng lõa”.
Sự tái xuất của chủ nghĩa mao-ít đã khiến ngay cả những người được mệnh danh là “thái tử đảng” cũng bực tức. Bà Mã Hiểu Lực (Ma Xiaoli) đã gởi thư đến văn phòng chủ tịch nước đòi phải mở điều tra. Mã Hiểu Lực là con gái của Mã Văn Thụy (Ma Wenrui), bộ trưởng Lao động đã bị ngồi tù trong Cách mạng Văn hóa vì cùng phe với Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình. Bà dẫn nghị quyết lịch sử của đảng năm 1981, chính thức lên án Cách mạng Văn hóa là “Một đại thảm họa, và là một bước thụt lùi khổng lồ trong lịch sử Trung Quốc”.
Trên internet, Mã Hiểu Lực tỉ thí với “giáo sư cuồng Mao” Trương Hoàng Lương (Zhang Hongliang). Bà được những người khác hợp lực như La Điểm Điểm (Luo Diandian), con gái của La Thụy Khanh (Luo Ruiqing) – cựu bộ trưởng Công an bị thanh trừng ngay đợt đầu cùng với chủ tịch thành phố Bắc Kinh Bành Chân (Peng Zhen) vào mùa xuân 1966. Bà La Điểm Điểm còn đi xa hơn, nhắc nhở rằng các lãnh đạo nước Đức đã phải nói lời xin lỗi về các tội ác của Đức quốc xã, kêu gọi đưa sự thật ra ánh sáng.
T.M.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20160515-trung-quoc-50-nam-cach-mang-van-hoa-mot-de-tai-cam-ky