BBC Tiếng Việt
Cuốn Mao tuyển là một công cụ tẩy não đầy quyền lực. Nó đảm bảo nội dung trong cuốn sách nhỏ này là tư tưởng thông suốt và loại bỏ mọi tư tưởng khác tại Trung Quốc. Cuốn Mao tuyển bao gồm 427 câu trích dẫn Chủ tịch Mao Trạch Đông về 33 lĩnh vực khác nhau, từ Đảng Cộng sản, đấu tranh giai cấp tới chủ nghĩa xã hội, thanh niên, phụ nữ và nghệ thuật. Vào thời điểm cao trào, tất cả mọi người dân đều phải mang theo người một cuốn và những câu nói của Mao được dùng để khai mạc các buổi tuần thành, mit-tinh hay các lớp học.(BBC)
“Cách mạng không phải là một bữa tiệc, cũng không phải giống như viết những bài báo, hay vẽ những bức tranh; nó không thể sang trọng, có tính giải trí hay dịu dàng. Cách mạng là một cuộc bạo loạn; nó là hành động bạo lực của một tầng lớp này để lật đổ một tầng lớp khác.” Đây là câu trích dẫn từ một bài viết của Mao hồi năm 1927, nhưng nó được dùng rộng rãi vượt ra ngoài ngữ cảnh của nó vào thời kỳ những năm đầu cuộc Cách mạng Văn hóa để lý giải cho bạo động chống lại những gì bị coi là phản cách mạng, kỷ thù giai cấp và “những thành phần xấu” khác. (BBC)
Giáo sư Lý Tiễn Lâm thuộc trường Đại học Tổng hợp Bắc Kinh đã chứng kiến cảnh xảy ra ở một trại cải tạo lao động năm 1968/69: “Mỗi sáng chúng tôi bị yêu cầu phải học thuộc lòng một câu trích dẫn của Chủ tịch Mao trước khi bắt đầu lao động cực nhọc. Bất cứ một nhân viên bảo vệ nào cũng có thể bắt bạn nhắc lại câu đó, nếu chỉ mắc một lỗi bạn có thể bị tát vào mặt hoặc có thể bị những hình phạt nặng nề hơn. Một giáo sư vật lý cao tuổi thường bị đánh thâm tím mặt mày vì ông không thể thuộc các câu trích dẫn này.” (Memories of the Cowshed, Lý Tiễn Lâm, 1998). Ảnh: công dân nghiên cứu Mao tuyển năm 1971.(AFP)
Người ta ước tính là từ năm 1964 tới 1976, hơn 5 tỷ bản Mao tuyển đã được in ra với hơn 40 thứ tiếng, và đây là ấn phẩm thịnh hành thứ hai trên thế giới sau Kinh Thánh. Nguyên soái Lâm Bưu đóng vai trò chủ chốt trong việc quảng bá cho Mao tuyển như một cách thức để thực hiện chính tham vọng của mình. Mao tuyển có lời tựa do Lâm Bưu viết và ông cũng thường được thấy tay cầm cuốn sách đỏ vẫy trước các cuộc mit-tinh tuần hành. Sau khi ông bị truất quyền năm 1971, nhiều người đã gạch bỏ tên Lâm Bưu ra khỏi Mao tuyển để tỏ thái độ trung thành của mình.(BBC)
Huy hiệu là biểu tượng cho sự sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông. Người ta cho là khoảng 2 tỷ chiếc huy hiệu Mao đã được sản xuất trong thời gian Cách mạng Văn hóa. “Tinh thần sôi sục bắt đầu nguội dần từ năm 1969 sau khi Mao nghe nói đã phản ứng trước một đợt bùng nổ sản xuất huy hiệu và nói ông cần nhôm để sản xuất phi cơ.”(BBC)
Những chiếc huy hiệu này được phổ biến rộng rãi nhất vào thời gian giữa năm 1967 và1969, khi tất cả mọi người (có “tính cách tốt”) đeo một chiếc để tỏ lòng trung thành với Mao – “Lãnh tụ vĩ đại”.(BBC)
Tinh thần sùng bái Mao còn vượt ra ngoài việc đeo huy hiệu và cầm Mao tuyển. Trong các gia đình, lớp học, phòng họp, công sở và nhà máy là những tờ áp phích tuyên truyền, in hình Mao ở chính giữa. Dòng chữ bên dưới tấm áp phích này là: Kính chúc Chủ tịch Mao sống lâu. (BBC)
Bên dưới dòng chữ này là chữ “Trung Thành” và ba dòng chữ: Trung thành tuyệt đối với Lãnh tụ Vĩ đại Mao Trạch Đông, Trung thành tuyệt đối với tư tưởng của Mao Trạch Đông Vĩ đại và Trung thành tuyệt đối với con đường cách mạng của Chủ tịch Mao. (BBC)
Đây là băng đỏ của tổ chức thanh niên thường được gọi là Hồng vệ binh. Tổ chức này được thành lập lúc đầu là ở các trường trung học và đại học ở Bắc Kinh vào mùa hè năm 1966 và sau đó nhanh chóng lan ra cả nước. Hồng vệ binh tự coi mình là những người bảo vệ Chủ tịch Mao và những người vô sản và là chiến sĩ chống lại tư sản.(BBC)
Mao Trạch Đông ủng hộ Hồng vệ binh và gặp gỡ xem xét đội ngũ của họ tại các buổi mit-tinh tuần hành lớn – tổng cộng tám lần tại Quảng trường Thiên An Môn từ tháng Tám tới tháng 11 năm 1966. Tại một buổi như vậy, Mao đã hỏi một Hồng vệ binh thiếu niên người tặng ông tấm băng đỏ có mang tên cô là tên cô có nghĩa là gì. Cô nói: “Dịu dàng”, Mao liền nói cô hãy là “Chiến đấu”.(GETTY IMAGES)
Được Mao khuyến khích, Hồng vệ binh đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các cuộc tuần hành chống lại các viên chức, giáo viên, trí thức, những người bị gọi tư sản hay phản cách mạng hoặc kẻ thù truyền thống của nhà nước (địa chủ, nông dân nghèo và những nhà tư bản, v.v.), bắt họ bỏ tù, tra tấn họ và kết quả là rất nhiều người bị chết.(AFP)
Những tấm áp phích chữ lớn là các bài báo được viết trên những trang giấy lớn, còn được gọi là đại tự báo. Chúng được dùng như một cách để công khai vạch ra những hành vi bị đặt câu hỏi khi đảng cộng sản lên nắm quyền năm 1949. Vào giai đoạn Cách mạng Văn hóa tình trạng này lên tới mức điên rồ.(GETTY IMAGES)
Áp phích đầu tiên kiểu như vậy xuất hiện tháng Năm năm 1966. Do bảy giáo sư của trường Đại học Bắc Kinh viết, nó tấn công giới lãnh đạo đảng trong trường. (GETTY IMAGES)
Những cuộc tụ tập quần chúng lớn được tổ chức để lên án những người bị xem là “trí thức tư sản” và “những kẻ thuần phục tư bản” hay những “phần tử xấu”. Những người bị lên án bị bắt phải đeo trước ngực những tấm biển có viết tên họ bị gạch bỏ và phải đi diễu hành trên phố, đầu cúi gầm, tay chắp sau lưng trong khi những người xung quanh hô khẩu hiệu và họ bị chịu những hành động hạ nhân phẩm. Nhiều người bị hạ nhục đã tự sát.(OTHER)
Cuốn sách này được giáo sư Lý Tiễn Lâm viết năm 1998, mang tên “Memoir of the Cowshed” (tạm dịch: Hồi ký Chuồng bò), nó miêu tả trải nghiệm suýt chết của ông tại một trại cải tạo lao động từ năm 1968 tới 1969, sau khi ông bị coi là phản cách mạng. Đây là câu chuyện về lao động cực nhọc, nhịn đói, thẩm vấn, tra trấn và việc sống trong sợ hãi không ngừng. Ông nói về cuốn sách: “Nó đã được viết bằng máu và nước mắt, không phải vì sự thù hận hay mà với hy vọng rằng thảm họa đó sẽ là một tấm gương cho dân tộc chúng tôi, một sự nhắc nhở rằng chúng ta phải luôn cảnh giác mọi lúc và không bao giờ để sự điên rồ được lặp lại.”(BBC)
Trong thời gian Cách mạng Văn hóa, các trường đại học và trung học được điều hành giống như các doanh trại quân đội với thanh niên mang các trang thiết bị của binh lính khi đi tuần hành hay khi làm việc ngoài đồng.(BBC)
Cho tới năm 1968 trường học chưa trở lại bình thường và nhà máy không tuyển nhân công, Hồng vệ binh tranh đấu lẫn nhau và nó được Mao và những người thân cận với ông nhìn nhận là những kẻ gây rối. Thế là những hồng vệ binh này được gửi hàng loạt về vùng nông thân để tránh bất ổn xã hội trên diện rộng. Khoảng 16 triệu thanh niên tới vùng nông thôn làm việc nhà nông.(AFP)
Vào ngày 1/6/1966, tờ Nhân dân Nhật báo in một bài Xã luận nói: “Những suy nghĩ cũ, văn hóa cũ và tập quán cũ đã nhiễm độc người dân hàng ngàn năm phải bị phá bỏ”. Sau này, “bốn cũ” trở thành mục tiêu tấn công của Hồng vệ binh. Ảnh: tượng tại một chùa Phật giáo bị đặt tựa tường khi Hồng vệ binh chuẩn bị phá “mê tín dị đoan cũ”(AP)
Một bức tượng Phật tại Chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, Trung Quốc bị dán các dòng chữ “Đả cựu” và “Kiến tân”.(AP)
Tháng 11/1966, hơn 200 Hồng vệ binh từ Bắc Kinh đã xông vào khu tổ hợp thờ Khổng tử ở tình Sơn Đông phá hủy di tích và hơn 100 ngàn cuốn sách.(GETTY IMAGES)
Từ năm 1966 – 1976, chỉ có tám vở opera và ballet cách mạng. (GETTY IMAGES)
Những chương trình biểu diễn này thường ca ngợi hành động của những chiến sĩ cách mạng chống lại kẻ thù. Bên cạnh hình ảnh các nhân vật là trích dẫn lời Mao Chủ tịch rằng nghệ thuật phải phục vụ nhân dân.(BBC)
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/pictures/2016/05/160509_chines_cultural_revolution