Hoa Kỳ thường bị lên án làm sen đầm quốc tế. Nhưng sau một thời gian dài mệt mỏi, tốn kém và nhiều thất bại có những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang xét lại ba cột trụ ngoại giao với NATO, Do Thái và Saudi Arabia kể từ thập niên 1950:
- Ứng cử viên Donald Trump tố cáo Âu-Châu, Nhật và Nam Hàn thiếu trách nhiệm, nhờ vả Hoa Kỳ che chở an ninh mà không chịu chi tiền.
- Ông Bernie Sanders đòi bỏ cam kết hậu thuẩn vô điều kiện cho Do Thái và Mỹ phải theo đuổi chính sách ngoại giao thăng bằng hơn tại Trung Đông (cho dù ông này là người gốc Do Thái).
- Tổng thống Obama khiển trách Saudi Arabia “ăn ké” (free rider) trên danh nghĩa là đồng minh lâu đời nhưng lại ngấm ngầm tài trợ khủng bố đâm sau lưng nước Mỹ và cứ nhất định đòi phải sống còn với Iran.
Dù chỉ là những lời tuyên bố nảy lửa trong mùa bầu cử nhưng các phát biểu nói trên phản ảnh nổi bất mãn của không ít dân chúng rằng Mỹ cáng đáng quá nhiều khiến đồng minh trở nên ỷ lại. Khu vực nào cũng tự cho là lợi ích chiến lược nên Hoa Kỳ không dám bỏ rơi cho dù có bị chơi gác.
Dĩ nhiên theo cách nhìn từ bên ngoài thì chính nước Mỹ hưởng lợi nhiều nhất trong các quan hệ đó. Nhưng dù có lời qua tiếng lại thế nào, một khi Hoa Kỳ dọa không còn “bao thầu” như trước thì các đồng minh cũng rúng động. Hơn thế đây không phải là những lời nói suông mà bắt nguồn từ nhiều áp lực rõ rệt và thực tế:
- Hoa Kỳ sẽ không còn là nền kinh tế số một trong khoảng 2020-2030 (Trung Quốc hiện đã qua mặt, làm cỗ máy tăng trưởng hàng đầu cho thế giới).
- Cuộc cách mạng kỹ thuật khai thác dầu hỏa và hơi đốt từ đá phiến giúp Mỹ thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Đông.
- Hiện có quá nhiều điểm nóng với khối Hồi giáo, khu vực cận Nga và biển Đông. Mỗi cuộc tranh chấp lại mang sắc thái riêng biệt và cùng đòi hỏi Hoa Kỳ phải đặt làm trọng tâm chiến lược.
- Ngân sách quốc phòng của Mỹ dù khổng lồ nhưng không thể cùng một lúc chi trả cho những mặt trận vô cùng đa dạng từ du kích và khủng bố của Hồi giáo cực đoan, không-hải lực tối tân của Nga-Hoa, cho đến tiềm năng vũ khí tiêu hủy hàng loạt ở Bắc Hàn, Iran hay Pakistan.
- Quá nhiều nước muốn Mỹ can thiệp nhằm ngăn chận tham vọng bành trướng của Nga-Trung nhưng rồi lại núp né phía sau để hưởng các mối lợi kinh tế nhất là từ Hoa Lục.
- Cuối cùng là thất bại của Tây Phương khi ủng hộ các cuộc cách mạng dân chủ ở Trung Đông và Bắc Phi nhưng để lại một mớ rối nùi về an ninh, khủng bố, nội chiến và tỵ nạn.
Ứng cử viên nào khi đắc cử cũng phải thương lượng chớ không thể cắt đứt các mối quan hệ lâu đời. Nhưng đồng thời không thể loại bỏ giả thuyết Hoa Kỳ sẽ tìm ra giải pháp “Đông hoà Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo” như đã từng làm dưới thời Nixon-Kissinger để hoà hoãn với Tàu mà chống Nga.
Thời kỳ “bao cấp” của Mỹ làm sen đầm quốc tế lui dần, và những nước nào muốn Hoa Kỳ che chở an ninh đều phải chia xẻ trách nhiệm (người Mỹ gọi là “put the skin in the game”) chớ đừng mong “ăn ké” – kể cả Việt Nam và vấn đề biển Đông.
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN