Sau “Nam Hải bình phiên”, lính Tàu nhởn nhơ chơi nhạc tại Hoàng Sa

Lính nữ chơi phong cầm tại “bia chủ quyền” ở đảo Phú Lâm.

Nhân kỷ niệm ngày thành lập hải quân Trung Quốc 23 tháng Tư, Bắc Kinh đã tổ chức một đoàn nhà báo đến quần đảo Hoàng Sa – mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa” (Xisha), cưỡng chiếm được sau trận Hải chiến Hoàng Sa với quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Trên trang china.com có bài phóng sự đề ngày 23/04/2016, mô tả sinh hoạt trên các đảo thuộc Hoàng Sa hiện nay, sau cuộc “Nam Hải bình phiên” – nói theo miệng lưỡi của quân xâm lược.

Tại đảo Đá

Lính Tàu tuần tra trên đảo Phú Lâm cướp được của Việt Nam.

Bài báo cho biết, Hoàng Sa cách đảo Hải Nam 180 hải lý về phía đông nam. Đội quân chiếm đóng Hoàng Sa được gọi là “Thiên Nhai tiêu binh”, hiện đóng ở 7 đảo gồm : đảo Phú Lâm (tức Woody Island, Tàu gọi là Vĩnh Hưng), đảo Đá (Rocky Island, tên Tàu là Thạch Đảo – Shidao), đảo Linh Côn (Lincoln Island, tức Đông Đảo), đảo Quang Hòa (Duncan Island, Tàu gọi là Sâm Hàng – Chenhang), đảo Hoàng Sa (Pattle Island, tên Tàu San Hô – Shanhu) đảo Quang Ảnh (Money Island, tên Tàu là Kim Ngân – Jinyin), đảo Tri Tôn (Triton Island, tên Tàu là Trung Kiến – Zhongjian).

Lô cốt quân Nhật để lại trên đảo Quang Hòa.

Tiếp tục tuần tra

Kỷ niệm 67 năm ngày thành lập hải quân, các nhà báo Hoa lục đã được mời đến ”Tây Sa, quê hương đáng yêu của tôi”. Họ đều sững sờ trước vẻ đẹp của quần đảo, với một màu xanh ngọc bích tuyệt vời. Phó chính ủy Lý Ngọc Lâm (Li Yulin) giải thích do đáy biển không bằng phẳng, nước biển không xanh sẫm nhưng rất trong, tầm nhìn lên đến 30, 40 mét. Chào đón mọi người là tám chữ vàng “Ái quốc ái đảo, lạc thủ thiên nhai”.

Sĩ quan Tàu nói về cách trồng rau trên đảo Phú Lâm.

Điều kiện đồn trú bây giờ tốt hơn trước. Tại đảo Quang Hòa, quân Trung Quốc được cung ứng đầy đủ rau sấy, súp, nước mặn đã được thay thế bằng nước tinh khiết, phi cơ vận tải “Tam Sa nhất hiệu” tiếp tế thường xuyên, mạng 4G giúp nối liền với thế giới bên ngoài. Đội nữ binh phụ trách thông tin liên lạc.

Thực tập vượt chướng ngại vật với đạn dược.

Hạ sĩ quan Trương Nghiêu (Zhang Yao) cho biết vài năm trước tại đảo Phú Lâm chỉ có những con đường đất nhỏ, nay đường được mở rộng đến 5 mét, dài 1 cây số. “Tây Sa vũ thủy ban” được thành lập năm 1999 để giải quyết vấn đề nước uống, nhờ hệ thống lọc nước mưa tinh vi. Nước mưa được chứa trong hồ, bơm lên các bể nước, được lọc và xử lý. Chỉ huy Trương Diệu Huy (Zhang Yaohui) nói Hoàng Sa cung cấp 86.000 tấn nước ngọt mỗi năm, chất lượng tốt hơn so với nhiều thành phố ở Hoa lục.

Bốn chữ “tổ quốc vạn tuế” được khắc tại đảo Đá.

Nhiều lớp học đặc biệt được tổ chức như lớp “Lôi Phong”, tiêm đao (chiến đấu bằng dao găm), “nữ ban” … Bài báo mô tả “bầu không khí sẵn sàng chiến đấu”, với bộ đội mặc quân phục rằn ri, mang theo vũ khí nhẹ. Trên đảo Phú Lâm, các đường hầm ngụy trang được trông thấy ở khắp nơi.

Tuần tra tại đảo Đá.

Giảng giải “lịch sử Tây Sa” cho nhà báo Hoa lục

China.com cũng cho biết nghĩa trang nơi chôn 18 lính Tàu chết trận trên đảo Quang Hòa, được gọi là  “Tây Sa hải chiến liệt sĩ lăng viên” đang được mở rộng. Năm nay nhân “Kỷ niệm Tây Sa tự vệ phản kích chiến thắng lợi”, lính Tàu đã cho khắc những chữ “Nam Hải bình phiên”, “Ái quốc ái đảo, lạc thủ thiên nhai”.

Tưởng niệm lính Tàu chết ở đảo Quang Hòa.

Tại “bia chủ quyền” ở đảo Quang Hòa, ngày 13/04/2016.

T. M.

Nguồn: http://thuymyrfi.blogspot.com/2016/04/linh-tau-nhon-nho-choi-nhac-tai-hoang-sa.html#more

This entry was posted in Biển Đông, Hoàng Sa. Bookmark the permalink.