Trước việc hàng loạt cá chết ở ven biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, ngày 20/4, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị của Bộ (xin xem ở đây).
Xin tóm tắt ý kiến của các quan chức và ý kiến của người viết bài này.
Ý kiến của đại quan chức | Ý kiến của tiểu dân Nguyễn Đức Thắng |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện tượng cá chết hàng loạt có nhiều lý do, trong đó không loại trừ nguyên nhân môi trường ô nhiễm, | Trong lịch sử Việt Nam chưa có ghi chép thảm họa tương tự nên phải khẳng định luôn là hiện tượng này chỉ có một lý do duy nhất là do ô nhiễm môi trường biển. |
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Cá chết do nhiều nguồn gây ô nhiễm như vi khuẩn, các yếu tố độc trong nước. Việc xác định nguyên nhân cá chết ở vùng biển rộng lớn không đơn giản nên khi chưa có cơ sở rõ ràng thì chưa thể vội vàng kết luận. | Ôi, ôi!! Hy vọng là Tổng cục trưởng lỡ lời. Vì nguồn gây ô nhiễm sao lại là các tác nhân/yếu tố gây ô nhiễm??Nguồn gây ô nhiễm tiếng Anh chuẩn là pollution sources, ví dụ: các nhà máy xả thải khí qua các ống khói; các doanh nghiệp, nhà máy, khu dân cư xả thải nước qua các cống vào sông ngòi hồ ao, v.v.
Còn vi khuẩn, các yếu tố độc trong nước tiếng Anh chuẩn được hiểu là các pollutants, các chất/tác nhân/yếu tố gây ô nhiễm ví dụ các vi khuẩn độc hại, các hóa chất độc hại, các kim loại nặng, thuốc trừ sâu, và những chất khác vượt quá tiêu chuẩn cho phép Point source of pollution: Nguồn ô nhiễm điểm, ví dụ đầu xả thải của một doanh nghiệp, nhà máy, một cụm dân cư, v.v. Non-point source of pollution: Nguồn ô nhiễm phân tán/không điểm. Ví dụ hoạt động canh tác nông nghiệp khắp nơi phun thuốc trừ sâu mù mịt cánh đồng. Trong đô thị nhiều triệu xe máy, ô tô đang chạy xả khí thải vào bầu không khí chúng ta hít thở. Cách đây khoảng 15 năm các chuyên gia quốc tế đã nói xăng dầu Việt Nam (khi đó mua của Singapore) là bẩn nhất thế giới. Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bảo vệ: “Xăng dầu của chúng tôi không có chì, sao lại bảo bẩn?”. Vâng ạ! Không có chì (Pb) nhưng có chứa 2500 mg/l lưu huỳnh (S) ạ! Khi cháy nổ, khí thải ra sẽ có chứa SOx. Bây giờ tôi nghĩ nồng độ S chắc vẫn vậy. Xin nhớ cho là người dân Singapore từ rất lâu luôn dùng xăng sạch nhất thế giới và có bán ở rất nhiều nơi trên thế giới. |
Cuộc họp khẩn, nhưng cách tiến hành thì lại quá quan liêu và thận trọng, tránh va chạm, cả nể, chưa kể còn sai cả kiến thức. Tổ chức đi đo pH, DO (oxy hòa tan) nhiêu khê, vẽ vời, tốn tiền, chậm tiến độ.
Cá chết chỉ có một lý do duy nhất là do ô nhiễm môi trường. Đã là ô nhiễm môi trường (không phải là thảm họa, thiên tai thiên nhiên) thì lý do cũng duy nhất là do con người gây ra. Đã là do con người gây ra mà qui mô kinh hoàng như vậy (từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên – Huế) thì chủ yếu qua sản xuất. Vì dòng chảy nước biển duyên hải miền Trung là từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế, do vậy lượng cá chết khổng lồ bắt nguồn từ Hà Tỉnh trôi dạt nhiều ngày vào Thừa Thiên Huế.
Đừng truy tìm nguyên nhân, lấy mẫu, phân tích đo đạc ở các tỉnh khác làm gì nữa cho phí tiền và phí thời gian, công sức.
Hãy khẩn trương vào ngay Khu Công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh, nơi hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động mà truy tìm nguồn xả nước thải chôn ngầm dưới đất ra rất xa ngoài biển. Doanh nghiệp xả thải hiện đang khẩn trương tẩu tán, phi tang hiện vật, xóa dấu tích. Coi như hết, hòa, bó tay. Không có chứng cứ, không kết luận được, sản xuất lại luôn được ưu ái, cưỡi trên lưng môi trường.
Khu Công nghiệp Vũng Áng là niềm tự hào, kinh tế mũi nhọn, chủ lực của Hà Tĩnh, thu hút rất nhiều lao động rẻ mạt, người dân phải hàm ơn các nhà đầu tư. Đặc biệt Khu Công nghiệp Formosa của Đài Loan, sản xuất sắt thép nhiều nhiều tỷ USD, second hand công nghệ (ở Đài Loan, chính phủ ép doanh nghiệp vất bỏ loại công nghệ bẩn, giá vài trăm triệu USD, vào Việt Nam biến thành vài tỷ USD). Hơn thế nữa, Formosa còn được biệt đãi đi trên thảm đỏ, dưới còn dát vàng. Bà Phạm Chi Lan kêu trời về những “biệt đãi” này làm mất công bằng môi trường đầu tư, các nhà đầu tư sạch đến từ Châu Âu phải suy bì, ghen tị và thèm nhỏ dãi. Vụ việc này nếu xảy ra ở các nước phát triển, tôi đảm bảo doanh nghiệp gây ô nhiễm phải phá sản ngay và nhanh. Đây chỉ là một doanh nghiệp có thể sẽ bị lộ. Trong thực tế còn nhiều vạn các doanh nghiệp khác nữa cơ, xả thải từ từ, nồng độ các pollutants luôn luôn vượt mức cho phép. Thanh tra, kiểm tra ư? Mua được hết. Vì Đảng đã ghi nhận tham nhũng là quốc nạn rồi mà. Thanh tra đến cho vận hành hệ thống xử lý nước thải để trình diễn. Thanh tra ra về chỉ cần ngắt cầu dao điện là xong. Chánh thanh tra Môi trường phải sợ ông Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư và Chủ tịch tỉnh bằng phép, đố dám nói ngược, trái ý.
Tôi khẳng định môi trường thua là cái chắc, người dân chịu thiệt là cái chắc! Không phải thiệt ngắn hạn đâu, thiệt dài hạn nữa cơ, vì nồng độ pollutants quá lớn, rất rất cao nên cá mới chết ngay lập tức. Nước biển của bốn tỉnh này còn đang chứa đầy những độc tố ấy ở nồng độ thấp, các con cá còn sống hiện vẫn đang ăn và không bị chết. Doanh nghiệp sẽ khôn hơn, xây bể chứa trung gian để xả thải vào biền vừa thôi, nồng độ độc tố nhỏ, không làm cá chết ngay. Tuy nhiên nguyên lý cơ bản về biological accumulation/magnification of pollutants in food chain (tích tụ hoặc khuếch đại sinh học các độc tố trong chuỗi thức ăn) các pollutants này cuối cùng sẽ có ở trong cơ thể những người ăn cá thu hoạch từ vùng biển này.
Chúng ta đang bán máu mình để kiếm ăn. Chúng ta đang xả thân kiếm tiền, để ngoài 50 tuổi chúng ta xả tiền cứu thân. Hiện nay, mỗi năm theo báo cáo công khai chúng ta có gần 80.000 người chết vì ung thư (con số thực tôi tin là cao hơn nhiều). Sau 10-15 năm nữa sẽ có rất nhiều con cháu chúng ta chết vì ung thư. Tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy nghĩ về chuyện này, và hãy hành động gì đó để cứu bản thân và con cháu mình. Tôi khẳng định là đừng nên trông trờ vào cơ quan quản lý Nhà nước làm gì, không có kết quả đâu.
Trời ạ! Ngay gần đây nhất là phong trào ầm ĩ “nói không với thực phẩm bẩn”. Theo tôi, triệu triệu người tiêu dùng bằng mắt thường chỉ có thể nhìn thấy có đỉa, có giun, có đất, có cát, có sỏi, có rác, có ruồi, v.v. lẫn trong thực phẩm mà thôi. Những thứ này đúng nghĩa là bẩn, ghê người nhưng lại không độc hại, an toàn đối với con người. Còn đối với các pollutants (gây ung thư) như trên, mắt thần mắt thánh cũng như mù, chỉ có các máy móc thiết bị phân tích hiện đại, đắt tiền trong các phòng phân tích hóa học mạnh mới xác định được mà thôi. Vậy căn cứ vào đâu để “nói không với thực phẩm bẩn”??
Hãy cứu lấy chính chúng ta.
N. Đ. T.
Tác giả gửi BVN.