Nói thật không sợ mất lòng (kỳ 17)

Câu chuyện thứ 17: Tiếp tục bạch hóa những điều trái khoáy đến kỳ lạ trong cái thể chế tự phong “Dân chủ đến thế là cùng”!

Liên tiếp trong những tuần qua, trên chính trường trước, trong và sau Đại hội XII, dồn dập diễn ra các trò chơi (thủ đoạn) chính trị vừa thâm độc, vừa xảo trá, vừa lưu manh, lại vừa trơ trẽn, lố lăng. Thế mà trên các diễn đàn chính thống của Đảng và Nhà nước thì lại vẫn cứ tiếp tục rùm beng cái điệp khúc “Đại hội đã thành công rất tốt đẹp”, “Dân chủ đến thế là cùng”, … Với thói quen nghề nghiệp, chúng tôi tiếp tục cất công lục tìm những bài viết mới nhất về chủ đề này trên các loại báo chí, nhằm góp phần phản bác những luận điệu ngụy biện, lừa mỵ của bọn họ, góp phần thức tỉnh một bộ phận người dân đang bị mê hoặc và ngộ nhận. Sau đây là vài kết quả thu lượm được mà chúng tôi vừa biên tập lại.

1- Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước

Ai cũng đều biết Nhà nước là Trung tâm quyền lực của mọi thể chế xã hội thông thường. Thế nên xu hướng của Đảng lãnh đạo ở Việt Nam là cố tìm cách thâu tóm, chi phối, thao túng mọi quyền lực, mà quan trọng nhất và trước hết là quyền lực nhà nước. Và họ gán cho cái tham vọng đó các mỹ từ rất dễ nghe: lãnh đạo đúng định hướng, chỉ đạo sát sao, phối hợp hiệu quả, giúp đỡ tận tình, …! Mặt khác họ vẫn ra sức tuyên truyền để người dân phải hiểu đó là yêu cầu tất yếu của sự lãnh đạo, nhằm bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Họ cố tạo ra cho được sự đồng thuận giữa dân với Đảng, để dân không nhận ra “tim đen” của họ là tiếm quyền, lạm quyền, độc tài toàn trị. Trong những năm đổi mới, giới nghiên cứu lý luận đã rất chú ý đến vấn đề dân chủ hóa đời sống chính trị trong Đảng và ngoài xã hội. Một trong những nội dung mới nổi lên của chủ đề này là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Tạp chí Cộng sản trong hai số đầu năm 2016 (số tháng 2 và số tháng 4) đã đăng tải liên tiếp hai bài nghiên cứu của các nhà lý luận của Đảng (trong đó có một GSTS). Nội dung chủ yếu của các bài viết đó là các tác giả muốn chứng minh cho rõ những đổi mới về nhận thức và chủ trương của Đảng trong việc xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, nhằm làm cho quyền lực nhà nước không bị tha hóa, bộ máy nhà nước luôn trong sạch, vững mạnh, hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng hiệu quả. Nội dung vấn đề rõ ràng là rất hợp lòng dân!

Họ nói có vẻ chân thành rằng, nhận thức của Đảng đã thực sự đổi mới, từ chỗ không xem kiểm soát quyền lực nhà nước là một tất yếu khách quan đến chỗ đã thừa nhận Nhà nước pháp quyền, trong đó kiểm soát quyền lực nhà nước là một yếu tố không thể thiếu vắng trong tổ chức và hoạt động của nhà nước.

Họ nhắc lại những quy định của Hiến pháp 2013, như: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp,…

Họ điểm lại những nội dung chính trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam đã được đề ra để thực thi, như:

– Các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội, và do đó Quốc hội đã được xem là một thiết chế quan trọng nhất trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

– Công tác thanh tra, kiểm tra trong bộ máy hành pháp là sự kiểm soát quyền lực nhà nước thường xuyên từ bên trong.

– Báo chí được coi là một thành tố cấu thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, ở bên ngoài bộ máy nhà nước, …

Nhưng chúng ta thử nhìn lại xem thực chất của những luận giải trên là thế nào.

Thừa nhận Nhà nước pháp quyền nhưng phải thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa, tức không phải là nhà nước pháp quyền theo nghĩa phổ quát! Thừa nhận quyền lực nhà nước có ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng lại buộc phải thống nhất, có phân công, phối hợp, kiểm soát (của ai?), tức không phải “tam quyền phân lập” như thế giới văn minh! Quốc hội được coi là một thiết chế quan trọng nhất trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, nhưng thực tế là Quốc hội không hề có thực quyền, mà chỉ là một thiết chế “bù nhìn”, làm theo gậy chỉ huy từ trên xuống (của ai?)! Và thử hỏi các hoạt động giám sát của Quốc hội đã đóng góp được bao nhiêu trong việc ngăn chặn sự tha hóa quyền lực nhà nước, ngăn chặn độc quyền, lạm quyền, tham nhũng, …? Còn báo chí do không có tự do nên thông tin trên hơn 700 tờ báo các loại chỉ có một giọng điệu xuôi chiều, chỉ là bóp méo và bưng bít sự thật, chỉ là dối trá, … vì tất cả chỉ có một Tổng Biên tập (của ai?)!

Nhìn thẳng vào sự thật đang hiện hữu, chúng ta thử đánh giá thẳng thắn xem Nhà nước này có phải là Của Dân, Do Dân, Vì Dân không. Họ đại diện cho quyền lợi của ai chứ đâu phải cho Dân! Họ tự bầu chọn nhau, chứ có do Dân bầu chọn ra đâu. Hoạt động của họ đã mang lại lợi quyền gì cho Dân? Làm mất đi lợi quyền gì của Dân? Họ phấn đấu vì Dân hay vì Đảng? Trong thể chế chính trị hiện hữu thì đâu có chuyện “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, Nhân dân đâu có được làm chủ, mà đang làm đầy tớ đúng nghĩa.

Và cũng rất lạ là trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước không thấy nói đến vai trò thực sự của nhân dân, mặc dù nhân dân luôn được cho là chủ thể số một của xã hội, quyền lực cao nhất là quyền lực của nhân dân. Họ nói vai trò của dân trong cơ chế này chính là vai trò của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, vì các cơ quan này là do dân cử. Nhưng ai mà chả biết ở Việt Nam ta, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp chỉ là cơ quan dân cử “bù nhìn”, không có thực quyền, bao gồm toàn là người của Đảng.

Họ đã cố chứng minh đó là những sáng tạo của Đảng, phù hợp với quy luật phát triển và xu hướng chung của thế giới. Nhưng hầu như tất cả các lập luận chỉ là một thuật ngụy biện bằng các chiêu thức đánh tráo khái niệm, cắt xén nội hàm và né tránh thực tiễn!

Và, điều quan trọng nhất mà bạn đọc trông đợi các tác giả sẽ nói ra, nhưng tuyệt nhiên họ đã im re! Đó là, trong thể chế toàn trị này, quyền lực tối cao không thuộc về nhân dân, cũng không thuộc về nhà nước, mà là thuộc về Đảng lãnh đạo. Đó là Quyền lực Đảng, một thứ Siêu quyền lực, đứng trên quyền lực của nhân dân, đứng trên quyền lực nhà nước, đẻ ra quyền lực nhà nước, đứng trên Hiến pháp và pháp luật, đẻ ra Hiến pháp và pháp luật. Đã đặt ra cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước thì sao lại không cần có cơ chế kiểm soát Siêu quyền lực, cái quyền lực gốc đó? Vậy thì ai kiểm soát Siêu quyền lực? Và nếu không kiểm soát được Siêu quyền lực mà chỉ kiểm soát quyền lực nhà nước thôi thì mục đích đặt ra cho kiểm soát quyền lực nhà nước sẽ là vô nghĩa, sẽ bị vô hiệu hóa và trở thành trò cười! Hiến pháp 2013 đã có điều 4 mà lại không có điều khoản về khuôn khổ pháp luật của việc thực thi điều 4 đó, và chờ mãi cũng không thấy Luật cụ thể về điều 4 đó (sự lãnh đạo của Đảng)! Đảng tự cho mình có quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, nhưng Đảng phải chịu trách nhiệm như thế nào về chất lượng lãnh đạo đó? Đảng đề ra đường lối, chủ trương sai (rất nhiều rồi đấy) thì Đảng có phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và xã hội không, có phải chịu kỷ luật không, ai được giao quyền xử lý những sai phạm của Đảng? … Đúng là một lỗ hổng rất lớn trong tư duy lý luận của các tác giả! Đó là một thiếu sót vô tình do trình độ non kém, hay là một sự cố ý quên?

(Và cũng có thể nêu thêm một lỗ hổng nhỏ hơn trong các bài viết trên, đó là cơ chế kiểm soát quyền lực của Quốc hội – cơ quan lập pháp cao nhất (tuy là danh nghĩa). Chất lượng làm luật của Quốc hội thì do ai kiểm soát?).

Lỗ hổng lớn trong tư duy lý luận nêu trên chính là biểu hiện đương nhiên của cái lỗ hổng lớn trong thực tiễn kiểm soát quyền lực ở thể chế này. Và, đây là chỉ dấu quan trọng nhất, gốc rễ nhất của cái bản chất phi dân chủ hiện nay ở nước ta, dưới sự độc quyền toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế mà TBT vẫn cứ rất tâm đắc ca hoài cái điệp khúc “Dân chủ đến thế là cùng”!

2- Đảng có quyền đứng ngoài và đứng trên pháp luật

Chỉ cần nghe lại một vài mẩu chuyện đi kèm với lời bình, trong muôn vàn chuyện thường ngày, của người dân mà chúng ta bắt gặp ở bất cứ đâu, cũng đủ cảm nhận được nỗi bức xúc đang bị dồn nén của xã hội, trước sự thao túng quyền lực từ phía Đảng. Này nhé:

– Chuyện tuyên thệ trước Quốc hội của ba trong bốn vị “tứ trụ” làm cho công luận phải bật ra câu hỏi: Tại sao vị thứ tư có quyền lực cao nhất và trách nhiệm lớn nhất lại không phải tuyên thệ trước nhân dân? Hay là vì hoạt động lãnh đạo của Đảng không phải là vì dân vì nước? Nếu như tuyên thệ là một quy định mới của luật pháp Việt Nam thì tại sao lại có ngoại lệ đó? Phải chăng cách hành xử trịch thượng đó của Đảng và TBT là một minh chứng nữa về sự coi thường dân, coi thường pháp luật, tự cho mình có quyền đứng ngoài và đứng trên pháp luật, từ phía Đảng lãnh đạo? Như thế mà dám gọi là bình đẳng trước pháp luật à? Mà dám coi là dân chủ, công bằng và văn minh à?

– Chuyện Thiếu tướng Phó giám đốc Công an Tp HCM giải trình lý do ngành Công an phát hiện và điều tra được quá ít các nghi phạm tham nhũng so với thực trạng, là do chỉ thị 15 của BCT đang tạo ra rào cản lớn, chưa tháo gỡ ra được. Trong chỉ thị này có quy định khi phát hiện được một nghi can tham nhũng (hoặc bất cứ tội danh nào) mà là đảng viên thì Công an không được phép điều tra, nếu chưa có sự trao đổi và được sự đồng thuận của cấp ủy Đảng đang quản lý đảng viên đó. Công an được giải thích đó là biện pháp cần thiết để bảo vệ Đảng! Đúng là chỉ thị đó đã như trói tay Công an lại, bởi vì chỉ có đảng viên là quan chức mới có thể tham nhũng, mà không cho điều tra chính là né tránh, là ngăn trở việc bắt giữ và xử lý. Công luận còn cho biết thêm, trước đó BCT cũng đã từng ban hành các chỉ thị có nội dung tương tự, đó là các chỉ thị 68, 86, 52. Nếu sự thật là như vậy thì quả là một thái độ ngạo ngược của Đảng, dám ngang nhiên xéo giẫm lên pháp luật, tự tạo ra cho đảng viên của mình một thứ đặc quyền bất chính! Vậy thực hư thế nào, xin TBT và Đảng của ông hãy trả lời và lý giải cho dân được rõ!

– Rồi lại chuyện xử án, rất nhiều vụ án tương tự giữa bị can là dân thường và bị can là đảng viên mà mức án lại rất khác nhau, một bên nặng và một bên rất nhẹ, thậm chí chỉ là án treo hoặc xử phạt hành chính. Như vậy dù Đảng có luôn mồm nói “Phải bình đẳng trước pháp luật”, nhưng thực tế lại là “Nói dzậy mà không phải dzậy”! Phải chăng Đảng đã công nhiên bao che cho đảng viên phạm tội, chống lại yêu cầu bình đẳng trước pháp luật? Và, đó lại cũng là dấu hiệu của một thể chế xã hội dân chủ, công bằng, văn minh sao, thưa TBT?

3- Thử liên tưởng đến chuyện Nhất thể hóa Đảng – Chính quyền?

Lâu nay dân ta vẫn toàn nghe nói đến sự lãnh đạo của Đảng, và Hiến pháp 2013 cũng chỉ ghi rõ là Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Gần đây chúng ta lại nghe nói Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền. Phải chăng là Đảng sẽ thay đổi chức năng từ Lãnh đạo sang Cầm quyền, tức là trực tiếp quản lý nhà nước, cầm nắm quyền lực nhà nước, trực tiếp quản lý đất nước bằng bộ máy hành pháp? Ai cũng hiểu chức năng lãnh đạo khác với chức năng quản lý, lãnh đạo khác với cầm quyền, về nội dung công việc, về phương thức làm việc, về mối quan hệ ngang dọc, trên dưới, … Sự thay đổi này, nếu có, thì nhằm mục đích gì, mang lại lợi ích gì cho dân cho nước, mà dân lại chưa được nghe lý giải tường minh và thấu đáo? Mới đây nhất, trong Đại hội Đảng XII và kỳ họp cuối Quốc hội khóa XIII, hình như đã có nhiều ý kiến nêu ra phương án đổi mới này, từ kinh nghiệm thí điểm của Quảng Ninh, và theo mô hình giống như Trung Quốc. Người dân chỉ được hiểu mang máng và nôm na là sẽ có sự đồng nhất Bí thư – Chủ tịch, sẽ có sự đồng nhất các cơ quan Đảng và chính quyền có chức năng gần nhau, ví như Ban Tổ chức Đảng – Bộ (Sở, Phòng) Nội vụ, …. Cái lợi có thể thấy trước mắt là giảm nhẹ biên chế, tiết kiệm chi tiêu, khắc phục sự chồng chéo, giẫm chân nhau trong công việc, … Còn những cái lợi khác sâu xa hơn, cơ bản hơn là gì nữa, và đi kèm là những cái bất lợi gì đây, thì dân chưa rõ? Có người cho rằng đây là một bước đột phá trong cải cách thể chế chính trị theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả (và dân chủ hóa nữa chứ), nhưng chưa thấy Đảng lý giải rõ ràng?

Nhưng theo suy nghĩ chủ quan của một số người quen thói chịu nghĩ xa, thì có thể dẫn đến một hệ quả như sau: Xu hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam muốn thâu tóm mọi quyền lực, muốn nắm thật chặt bộ máy chính quyền, muốn tự biến mình từ lãnh đạo thành cầm quyền, sẽ thành hiện thực. Việc bầu chọn nhân sự các cấp chỉ cần làm một lần trong nội bộ Đảng, việc bàn định chủ trương chính sách chung đều do Đảng làm như lâu nay và chỉ cần một lần. Còn dân thì cứ yên tâm mà nghe theo và làm theo như thời phong kiến, thực dân! Và, đến lúc đó có thể không cần phải có Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nữa, cũng không sao. Lâu nay Đảng bảo Đảng chỉ lãnh đạo thôi mà dân đã khốn khổ đến thế rồi, bây giờ Đảng lại trực tiếp cầm quyền thì chắc là dân sẽ khốn nạn gấp hai, ba lần, vì họ không còn chút quyền tự do, dân chủ nào nữa hết, không còn các thiết chế đại diện cho quyền lực và lợi quyền của dân nữa! … Rồi còn gì gì nữa tiếp sau đó, chưa ai lường hết được (nhưng làm như vậy thì có trái với Hiến pháp 2013 không?).

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một luồng ý kiến để tham khảo thôi, chứ chưa chắc đã đúng. Hơn nữa, giữa các nhóm lợi ích trong tập đoàn quyền lực Đảng, đâu có dễ thống nhất và chấp nhận?

Rất mong các nhà khoa học, các bậc lão thành hãy phát huy bản lĩnh và nhân cách (bao gồm trí tuệ và đạo đức) của mình, để nghiên cứu vấn đề, cân nhắc kỹ xem đấy có phải là một chủ trương đúng đắn không, rồi góp ý phản biện với Đảng và Nhà nước. Dân yêu cầu Đảng và Nhà nước đừng nóng vội triển khai khi chưa có kết luận khoa học chuẩn xác. Rất không nên làm “thí nghiệm” trong hoạt động chính trị, vì cách làm đó là phiêu lưu, dễ đưa đến thất bại, khiến dân khổ, và đất nước thì vẫn tiếp tục trì trệ, không ổn định và tụt hậu! …

Và còn nhiều, rất nhiều nữa, những điều trái khoáy đến kỳ lạ trong thể chế xã hội hiện nay ở Việt Nam, một thể chế “ưu việt nhất trong lịch sử tiến hóa của loài người”, một thể chế “dân chủ gấp vạn lần” so với xã hội tư bản, một thể chế “dân chủ đến thế là cùng” đấy, các bạn ạ! …

Rất buồn! …Rất lo! …Rất xấu hổ! …

Tháng 4 năm 2016

H. M.

Tác giả gửi BVN.

 

 

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.