Nhà báo Pháp Ursula Gauthier bị Trung Quốc trục xuất do viết bài chỉ trích chính sách của nhà nước Trung Quốc đối với người Hồi Giáo Tân Cương. AFP photo
Phóng Viên Không Biên Giới RSF, tổ chức bảo vệ tự do báo chí toàn cầu, sẽ công bố phúc trình cho thấy năm 2016 là một năm vô cùng tiêu cực đối với truyền thông toàn cầu, trong lúc tình hình báo chí tại Việt Nam cũng không có gì khá hơn những năm trước.
Phải đến ngày 20 tháng 4 những con số chính xác và thứ bậc rõ ràng về tình hình tự do báo chí thế giới mới được công bố, nhưng ngay thứ Tư ngày 13 thì Reporters Sans Frontieres Phóng Viên Không Biên Giới đã phổ biến thông báo cho thấy 2016 là năm mà tự do báo chí bị suy giảm đáng ngại từ cấp quốc tế đến cấp khu vực.
Theo thông báo, con số càng lớn thì tình hình càng lúc càng tệ. Điển hình năm 2015 chỉ số tự do báo chí toàn cầu tính chung là 3.719 điểm. Đến 2016 thì tăng lên 3.857 điểm, tức là tệ hơn năm ngoái đến 3,71 %.
Ngay lúc này tôi chưa thể đi vào chi tiết của bất cứ nước nào kể cả Việt Nam nhưng có thể nói một cách tổng quát thì Việt Nam luôn nằm trong danh sách các nước chủ trương kiểm duyệt thông tin và báo chí gắt gao nhất.
– Ông Benjamin Ismail
Lý do suy giảm là do sự cấm đoán, kiểm duyệt của những chính quyền từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, từ những nhà lãnh đạo không muốn báo chí loan tải những thông tin bất lợi và đe dọa đến quyền lực của họ.
Từ Paris, nơi có trụ sở chính của Phóng Viên Không Biên Giới, người chuyên trách khu vực Châu Á trong tổ chức là ông Benjamin Ismail, cho biết vì không có sự tiến bộ nào đáng nói nên nhiều phần chắc Việt Nam vẫn nằm ở vị trí thấp trong danh sách 180 quốc gia có tự do báo chí:
Ngay lúc này tôi chưa thể đi vào chi tiết của bất cứ nước nào kể cả Việt Nam nhưng có thể nói một cách tổng quát thì Việt Nam luôn nằm trong danh sách các nước chủ trương kiểm duyệt thông tin và báo chí gắt gao nhất. Trên bảng đồ về chỉ số tự do báo chí của RSF, màu đen là màu dành cho những quốc gia vi phạm quyền tự do báo chí và Việt Nam là một trong những quốc gia bị tô đen như vậy đã nhiều năm.
Thường mỗi năm chúng tôi đều công bố danh sách những nhà lãnh đạo, những nhóm vũ trang, những tổ chức thuộc hay không thuộc chính phủ mà chúng tôi gọi là những hung thần của báo chí, của ký giả, của bloggers và cả những xã hội dân sự. Năm nay, trong những khuôn mặt lãnh đạo đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai khắc tinh của truyền thông Việt Nam.
Vì đã có quá nhiều ký giả, nhà văn, blogger, những người cầm bút, người đưa tin trên mạng đã bị hành hung, bắt bớ, tù đày, khủng bố, ông Benjamin Ismail nói tiếp, và hiện còn 16 người trong diện này đang bị cầm tù bất kể yêu cầu trả tự do cho họ từ bên ngoài, Việt Nam trở thành đất nước phức tạp và rối rắm trong việc ứng xử với báo giới:
Thí dụ trường hợp mới đây về blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, đã bị Việt Nam tống giam vì tội đưa tin trên trang blog của ông. Không những thế mà gia đình vợ con của các blogger cũng bị sách nhiễu bị phiền phức.
Việt Nam vẫn không tiến bộ
Năm 2002, ông Benjamin trình bày tiếp, khi Phóng Viên Không Biên Giới lần đầu tiên công bố báo cáo về chỉ số tự do báo chí toàn cầu, mà khi đó chỉ 134 quốc gia trên danh sách, thì Việt Nam đứng hàng 131 trên 134 nước, coi như là gần chót. Và tính từ đó đến giờ khi con số đã lên 180 quốc gia thì Việt Nam cũng không nhảy được bậc nào khá hơn:
Thứ hạng trung bình của Việt Nam trong ba bốn năm qua chỉ quanh quẩn ở bậc 170/180 và tôi chỉ có thể nói vị trí năm nay của Việt Nam trong danh sách các nước vi phạm tự do báo chí cũng nằm trong khoảng đó mà thôi.
Một người đang đọc báo về cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội vào ngày 05 tháng 10 năm 2013. AFP photo
Nhà văn Vũ Thư Hiên, một cây viết đối kháng với nhà nước Việt Nam, hiện cư ngụ tại Pháp, phát biểu rằng những điều ông Benjamin Ismail của Phóng Viên Không Biên Giới vừa nói không làm ông ngạc nhiên:
Nếu nói về báo chí mà đây là báo in thì rõ ràng không có một tiến bộ nào cả. Tất cả báo in nằm trong tay một tổng biên tập là Đảng Cộng sản. Nhưng nếu mà nói về mạng xã hội thì tôi thấy họ cũng đã có chút mở rộng. Vì thế cho nên thứ tự bao nhiêu trong tự do báo chí thì không biết Phóng Viên Không Biên Giới có nhích lên một chút trong sự xếp hạng chăng.
Tôi nghĩ cái mà chúng ta nhìn vào là sự trấn áp bằng hình thức này hay hình thức khác để tính ra sự xếp hạng thì đúng hơn là nói về các tờ báo hay các trang mạng. Mình xem cách mà chính quyền đối xử với những người phát biểu chính kiến để mà xếp hạng có lẽ là đúng hơn. Ta thấy những nhà văn như Phạm Đình Trọng hay các nhà báo như Huỳnh Ngọc Chênh đã bị canh gác không cho ra khỏi nhà thì đấy là hình thức trấn áp. Trong trường hợp này Việt Nam không những không tiến mà còn lùi đi, xuống cấp chứ không lên đâu.
Việt Nam, cho đến thời điểm này không có tự do báo chí dù có trên 600 mặt báo đủ loại, là khẳng định của ông Lê Hùng, biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên đã về hưu, từng nếm mùi khó khăn khi tập Truyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn mà ông xuất bản gặp phải lệnh đốt bỏ:
Với tư cách một người đã nằm trong báo chí trong bộ máy tuyên truyền của chính quyền tôi thấy Việt Nam chưa bao giờ được hưởng cái gọi là tự do báo chí và tự do ngôn luận. Thời kỳ làm trong bộ máy nhà nước tôi cũng đã qua thử nghiệm của bản thân mình. Trong công việc chuyên môn hàng ngày tôi thấy Việt Nam chưa bao giờ đạt tự do báo chí. Đường lối, chủ trương của đảng là ca ngợi Đảng Cộng sản, ca ngợi chế độ. Không phải chỉ riêng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi thấy hoàn toàn giả dối. Cái hiện thực ấy nó quá là không đẹp.
Thứ hạng trung bình của Việt Nam trong ba bốn năm qua chỉ quanh quẩn ở bậc 170/180 và tôi chỉ có thể nói vị trí năm nay của Việt Nam trong danh sách các nước vi phạm tự do báo chí cũng nằm trong khoảng đó mà thôi.
– Ông Benjamin Ismail
Ở Việt Nam cho đến thời điểm này đúng là báo chí thì rất nhiều, hình thức rất là đa dạng, màu sắc in ấn đẹp đẽ nhưng về mặt nội dung tôi xin khẳng định 700 tờ báo, 800 tờ báo, tạp chí, cũng vẫn chỉ là một mà thôi. Không những một nội dung, một cách nói mà mọi cách nói, mọi tư tưởng mọi nội dung khác, mọi thể hiện khác đều bị loại bỏ.
Chỉ số tự do báo chí toàn cầu mà Phóng Viên Không Biên Giới sắp công bố ngày 20 tới đây đặc biệt nhấn mạnh đến sự suy giảm trong lãnh vực này trong ba năm liên tiếp tính từ 2013 đến 2016.
Điều mà các chế độ toàn trị trên thế giới sợ hãi nhất và tìm cách diệt cho bằng được, Phóng Viên Không Biên Giới kết luận, là truyền thông tự do, là để cho báo chí rộng đường dư luận và loan tải bất cứ tin tức gì có hại đến sự cầm quyền của những nhà lãnh đạo độc tài.
T. T.