Tuy rằng phong trào tự ứng cử đã kết thúc, hoặc có thể coi như kết thúc, cuộc chiến vì một nền dân chủ mới chỉ bước những bước đi đầu…
Vòng hội nghị lấy phiếu tín nhiệm của cử tri đã kết thúc ngày 12/04/2016 trên phạm vi toàn quốc đúng như kế hoạch được đề ra.
Tại Hà Nội, ở vòng hiệp thương thứ hai, danh sách ứng cử viên độc lập có 48 người, được hội nghị biểu quyết 100%. Nhưng trước khi diễn ra hội nghị cử tri, 14 người xin rút. Số người vào hội nghị cử tri là 34. Sau hội nghị cử tri này, 29 người không đạt đủ quá bán số phiếu ủng hộ, chỉ còn 5/34 đạt đủ phiếu tín nhiệm.
Trong 39 người được tổ chức giới thiệu, đề cử, có 1 người xin rút, 38 người còn lại đều đạt đủ phiếu.
Như vậy, số người lọt vào vòng hiệp thương 3 tại Hà Nội là 43, trong đó tự ứng cử có 5 người. Hội nghị hiệp thương lần ba, biểu quyết cho từng người, số ứng viên được giới thiệu mất tiếp 2 người, còn 36. Ứng viên tự do bị loại tiếp 3 người, chỉ còn lại hai người.
Đó là ông Nguyễn Hữu Ninh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm nghiên cứu, Giáo dục môi trường và Phát triển thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội và ông Nguyễn Anh Trí – GS.TS, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Trong những cử viên độc lập bị loại có những người có danh vọng và uy tín xã hội lớn, như nhà báo Trần Đăng Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình.
Như vậy, tại Hà Nội, số ứng viên lọt qua vòng hiệp thương 3 là 38, trong đó có 2 người là ứng viên tự do. Số đại biểu được phân bổ cho bầu cử là 30.
Tại TP HCM số ứng viên tự do ở vòng hai là 48 người. Trong số 48 người tự ứng cử thì 8 người đã rút khỏi danh sách trước khi diễn ra hội nghị cử tri, 27 người không có giấy xác nhận nơi công tác. Chỉ còn lại 13 người được đưa vào danh sách cho hội nghị cử tri. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của 13 người này, có 9 người đạt phiếu quá bán, số bị loại là 4.
Toàn bộ số 42 do tổ chức đề cử đều đạt đủ phiếu tín nhiệm.
Như vậy tại TP HCM sẽ có 51 ứng viên lọt qua vòng hiệp thương 3, trong đó có 9 ứng viên độc lập. Số đại biểu được phân bổ là 30.
Nhìn bao quát có thể thấy số ứng viên tự do lọt qua vòng 3 tại TP HCM nhiều hơn Hà Nội, với con số 9/13, so với 2/34 ở Hà Nội, và xác suất trở thành Đại biểu Quốc hội sau bầu cử chính thức ngày 22/05 tại TP HCM sẽ cao hơn.
Ở Hà Nội, trong hai người tự ứng cử đạt tín nhiệm chỉ có một người ngoài Đảng và không một ứng viên “thuộc diện dân chủ” nào lọt qua vòng hiệp thương thứ ba. Như vậy, về mặt hình thức, phong trào tự ứng cử tại Hà Nội đã thất bại.
Đáng kể nhất là ông Nguyễn Quang A, người phát động phong trào tự ứng cử, chỉ đạt 6/75 phiếu.
Mặc dù, không bất ngờ, nhưng kết quả này khiến nhiều người thất vọng.
Trước hết phải thừa nhận một việc. Với danh sách sơ bộ ở cả trung ương và địa phương là 1146 người trong đó trung ương là 197 người, địa phương là 949 người, gồm có 154 người tự ứng cử, việc tổ chức hội nghị cử tri lấy phiếu tín nhiệm cho các ứng viên, bắt đầu từ ngày 28/03, kết thúc ngày 12/04, hoàn thành các chỉ tiêu, trên phạm vi 63 tỉnh của cả nước, gồm 11.164 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 1.581 phường, 590 thị trấn và 9.043 xã, có thể xem là một việc siêu phàm, cho thấy hiệu quả không thể so sánh của công tác tổ chức của hệ thống từ trung ương xuống địa phương.
Thứ hai, việc chỉ đạo tập trung tại Hà Nội cho thấy rõ quyết tâm của Bộ Chính trị là không khoan nhượng với Hà Nội. Nó hiện thực hoá tư tưởng chỉ đạo “không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều đáng phải suy nghĩ là hiệu lực của các chỉ thị này.
Từ các chỉ thị của người đứng đầu Đảng, xuống đến cấp phường, nó biến thành các thủ đoạn đa dạng, bất chấp văn hoá, bất chấp pháp luật, thể hiện sự mẫn cán, sự trung thành, nhưng cũng thể hiện trình độ văn hoá, mức độ tha hoá của hệ thống cơ sở, nơi Đảng trực tiếp với dân, nơi duy nhất biến nghị quyết Đảng thành hiện thực đời sống sinh hoạt xã hội.
Hội nghị cử tri là sự kết phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc phường, uỷ ban nhân dân phường và tổ trưởng dân phố.
Bộ ba này độc quyền lựa chọn cử tri, mời ai, số lượng bao nhiêu đều do bộ ba này quyết định. Các thủ đoạn quen thuộc là:
– Thành phần cử tri chỉ bao gồm những người nhiều tuổi, thuộc thế hệ chịu ảnh hưởng của tập quán cũ, không có thông tin, không biết sử dụng Internet và Facebook.
– Thời lượng bị khống chế trong khi bố trí trước số lượng ý kiến, gợi ý trước nội dung và thời lượng của từng ý kiến, nhằm chiếm hết thời gian tranh biện.
– Không để cơ hội và tìm cách khống chế không cho ứng viên phát biểu, như hạn chế về thời lượng và không trao micro cho ứng viên, hoặc giật micro trong khi ứng viên phát biểu.
– Bịa đặt thông tin vu khống không cung cấp bằng chứng nhưng không cho phản biện.
– Gian lận phiếu.
Rõ ràng những thủ đoạn này không hề mới, nhưng trong một một bối cảnh độc quyền tuyệt đối, sự thất bại của ứng viên độc lập là không thể tránh khỏi, thậm chí số phiếu ủng hộ hoàn toàn có thể được ấn định trước.
Tuy vậy, thất bại của phong trào tự ứng cử, đặc biệt là thất bại của chính cá nhân ông Nguyễn Quang A có thể cho một vài nhận định:
– Phong trào không được tổ chức. Có thể thấy không có sự liên kết giữa những người tự ứng cử với nhau. Không có một cơ chế tham mưu thống nhất, không có bộ phận nòng cốt đầu não. Không tạo ra được một phối hợp chính trị theo hướng tập hợp lực lượng tự ứng cử thành một danh sách thống nhất, đối trọng với danh sách giới thiệu bởi đảng cầm quyền. Không có kế hoạch và phương pháp bảo vệ từng ứng viên, hầu như bỏ mặc, bỏ rơi những cá nhân ứng viên tự do tự thân vận động. Lực lượng quần chúng ủng hộ không được huy động, không được tổ chức và không có phương pháp hành động thống nhất, thích ứng với từng tình huống và từng thủ đoạn của nhà cầm quyền từng nơi.
– Sự thiếu vắng của một phương pháp và một chương trình hành động. Cá nhân ứng viên không được chuẩn bị trước cả về tinh thần lẫn các cách thức phản ứng đối phó những tình huống có thể xảy ra. Cần đặt các giả thiết cho tất cả các tình huống có thể xảy ra, các thủ đoạn mà nhà cầm quyền có thể sử dụng và tìm kiếm giải phảp cho từng tình huống.
– Cũng phải kể đến sơ suất của cá nhân ông Nguyễn Quang A khi tuyên bố: “Tôi kém ông Trọng hai tuổi, nếu ông Trọng ứng cử thì tôi sẽ đăng ký ứng cử tại đúng khu vực ông được phân công”. Đây có thể coi là một sai phạm giống sai phạm của ông Nguyễn Bá Thanh, gọi là “vạ miệng”. Ông Trọng có trí nhớ rất ‘dai’ và để gạt ông Dũng, ông Trọng từng dụng công không ít hơn bốn năm. Thách thức của ông Nguyễn Quang A có thể đã biến thành quyết tâm không chỉ cho riêng Hà Nội.
Thực tế thất bại của phong trào tự ứng cử rất rầm rộ ban đầu phản ánh phong trào dân chủ trong nước hiện nay là rời rạc và lỏng lẻo.
Và thực tế này cũng khẳng định một điều rằng, hoạt động “chính trị không thể là một hoạt động cá nhân” (Khai sáng kỷ nguyên thứ hai), nhất là nhằm đối phó với một hệ thống có tổ chức như tổ chức Đảng Cộng sản đang cầm quyền. Điều này có thể giúp làm thức tỉnh những ai còn mơ ngủ.
Nhưng cũng có một thực tế khác rất rõ, qua việc theo dõi những clip video tường thuật bên ngoài nơi tổ chức hội nghị cử tri tại Hà Nội và Sài Gòn. Đó là lực lượng quần chúng ủng hộ những ứng cử viên tự do, được gọi là những nhà hoạt động dân chủ. Lực lượng này có đặc điểm là rất đông và rất trẻ. Đây là thế hệ hoàn toàn khác với thế hệ đang ở phía bên trong hội nghị, thế hệ các bậc cha chú.
Phong cách xử sự và những phát ngôn, những lập luận khi trả lời phỏng vấn cho thấy thế hệ này đã đạt tới một trình độ nhận thức rất chín chắn về những quyền cơ bản của con người, những định hình cơ bản của một chế độ xã hội dân chủ.
Lâm Ngân Mai, ca sĩ trẻ, một ứng viên độc lập mới 19 tuổi có thể là một hiện tượng. Kiến thức, sự đĩnh đạc, chín chắn trong kiến thức và phong cách hành xử cao thượng trước sự thô bạo, thấp hèn của tổ chức cầm quyền, khiến người ta ngạc nhiên. Mười chín tuổi, một cô gái có bề ngoài mềm dịu, lại chứa đựng một sức mạnh nội tâm khác thường, một tư cách đàng hoàng của một chính trị gia chuyên nghiệp. Hiện tượng này chỉ có thể thấy xuất hiện ở những xã hội dân chủ có bề dày thử thách như Pháp, Mỹ, hay các nước Tây Âu thuộc lục địa già.
Một Việt Nam dân chủ đang thực sự hiện hình ở thế hệ những con người như thế này và nhất là họ có thể gồm gần 40 triệu.
Rất tiếc là những kẻ cầm quyền hiện nay đang không hề biết tới một tương lai như vậy. Thế hệ “những bà già nội trợ, có lẽ không biết gì ngoài việc chợ búa và cơm cháo cho chồng và cho con” (lời của Nguyễn Chí Tuyến), vừa hăng hái biểu quyết gạt bỏ quyền ứng cử đại biểu Quốc Hội của ông Nguyễn Quang A tại phường Gia Thụy Hà Nội, không biết có gì đồng nhất với những Đảng viên Cộng sản thế hệ ông Nguyễn Phú Trọng, đang dần trở thành một quá khứ của dân tộc Việt Nam.
Tuy rằng phong trào tự ứng cử đã kết thúc, hoặc có thể coi như kết thúc, cuộc chiến vì một nền dân chủ mới chỉ bước những bước đi đầu. Trước mắt chúng ta phải làm cho cuộc bầu cử một quốc hội bù nhìn này thất bại. Đó là việc làm thất bại âm mưu đưa toàn bộ 19 ủy viên Bộ Chính trị, 90 ủy viên trung ương Đảng Cộng sản, toàn bộ 197 cán bộ trung ương được phân bổ gửi vào danh sách tại các điểm bầu cử trên cả nước. Đây là những nhân vật có quyền và có chức cao nhất trong bộ máy cai trị hiện nay. Đây cũng chính là những kẻ trong những kẻ tham nhũng hay tạo ra tham nhũng nhất trên cả nước. Đây chính là những kẻ tước đoạt đất đai của tổ tiên, biến tất cả ruộng vườn từ bao đời cha ông khai phá bằng mồ hôi nước mắt thành “sở hữu do nhà nước thống nhất quản lý”, để những kẻ quyền thế biến dần thành tài sản riêng, thành nhà lầu, xe hơi, thành nhà thờ tổ họ. Hãy gạch bỏ những cái tên gắn liền với những chức vụ cao nhất đó trong danh sách. Lý lịch nào càng dài, càng nhiều chức vụ, chính là tên những kẻ đang giàu có nhất, đang sở hữu nhiều tài sản bất minh nhất, nhiều tội ác nhất. Đó là tên những kẻ đầu sỏ tạo nên chế độ độc tài đảng trị này. Phải gạch bỏ chúng như gạch bỏ những vết bẩn trên thân thể Tổ quốc, những vết bùn dính trên quần áo.
Và hãy chuẩn bị sẵn tư thế để tiếp nhận một xã hội dân chủ đích thực, thứ dân chủ của loài người tiến bộ, không có đuôi XHCN.
Paris, 16/04/2016
B.Q.V