…trên bình diện vi mô, tại Việt Nam, công an trở nên một định chế độc đoán và đầy uy quyền, ngồi xổm trên luật pháp.
Hiện tượng thượng sĩ công an Lương Việt Hà công khai đánh thanh niên Phạm Thiện Minh Phong (28 tuổi) đến chấn thương sọ não trước thanh thiên bạch nhật, chỉ là một trong hằng vạn sự cố, vốn là kết quả của quan điểm sai lầm mà Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là pháp chế xã hội chủ nghĩa (socialist rule of law).
Trên bình diện vĩ mô (macro), quan điểm lạ lùng này giả định rằng tuy hiến pháp khắc ghi những nhân quyền căn bản, nhưng người dân bản chất rất “hư hỏng” và luôn có khuynh hướng lợi dụng các nhân quyền để vi phạm những lợi ích nhà nước mà Đảng đang quản lý. Chính vì thế, Đảng ra lệnh cho Quốc hội bù nhìn thông qua nhiều luật vi hiến và vi phạm nhân quyền để răn đe những công dân hư hỏng này.
Trong khi đó, tại các nước dân chủ, thì các chế độ pháp trị nghiêm minh chủ trương ngược lại. Tức là những nhân quyền khắc ghi trong hiến pháp rất mong manh và người dân thấp cổ bé miệng luôn có khuynh hướng bị những định chế nhà nước uy hiếp. Chính vì thế quốc hội thông qua nhiều sắc luật và thành lập nhiều định chế giám sát từng tác động của bộ máy và nhân viên công lực, hầu bảo vệ quyền hiến định của người dân.
Từ hai quan điểm vĩ mô hoàn toàn khác biệt đó, trên bình diện vi mô (micro), tại Việt Nam, công an trở nên một định chế độc đoán và đầy uy quyền, ngồi xổm trên luật pháp. Số người chết trong các đồn công an cao ngất ngưởng, bộ trưởng công an tùy tiện ra các pháp lệnh vi hiến mà không có một cơ quan độc lập nào kiểm duyệt, công an giết người không gớm tay và hình phạt còn nhẹ hơn tội ăn cắp vặt. Trong khi đó, tại một quốc gia dân chủ pháp trị tiêu biểu như Úc Đại Lợi, cảnh sát và những cơ quan hành chánh khác của bộ máy công quyền bị nhiều cơ chế độc lập canh chừng và kiềm soát như báo chí tư nhân, hệ thống tòa án độc lập, công tố viện độc lập và nhất là định chế Ombudsman độc lập.
Cách đây nhiều thập niên, lúc tôi còn trẻ, có một thời gian làm điều tra viên (investigation officer) cho Văn Phòng Ombudsman của chính phủ Tiểu Bang New South Wales, tại Úc. Đây là một chức vụ khiêm nhường và trách nhiệm là, theo lệnh của Ombudsman, điều tra những hành vi lạm dụng quyền lực (abuse of power) tắc trách (maladministration), cẩu thả (negligence) hoặc vi phạm luật (unlawful) của những công nhân viên nhà nước, từ cảnh sát đến những viên chức bình thường. Sau đó, phúc trình lại với Ombudsman, vị này sẽ có đề nghị với người bộ trưởng liên hệ và hằng năm, phúc trình trực tiếp cho Quốc Hội tiểu bang.
Theo ký ức của tôi, tuy những đề nghị của Ombudsman không có tính cưỡng bách, nhưng không có bộ trưởng hoặc cơ quan liên hệ nào không tuân theo cả.
Bất cứ một người dân nào cũng có thể gởi một complaint (khiếu nại) cho Ombudsman’s office. Lúc đó thì chưa có email nên họ có thể gọi điện thoại, viết một tờ giấy (không cần hình thức hoặc văn hay chữ tốt gì cả, miễn là đọc được, không phải nhiều hình thức như kiện ra tòa), có thể đánh máy hoặc viết tay, gởi bằng bưu điện hoặc fax, hoặc đích thân đến văn phòng v.v. và các điều tra viên có trách nhiệm luật định phải điều tra. Nếu không điều tra và có những hậu quả di hại một đệ tam nhân nào đó, thì điều tra viên sẽ chịu trách nhiệm trước luật pháp. Bây giờ dĩ nhiên là complaint bằng email cũng được.
Không biết bây giờ thì sao, nhưng lúc đó, theo ký ức của tôi thì trong giới công nhân viên nhà nước, cảnh sát là bị khiếu nại nhiều nhất, kế đó là các tòa đô chánh (city councils – tương đương với các ủy ban nhân dân tỉnh tại Việt Nam) và các nhân viên cai ngục vì tại Úc người ở tù vẫn có nhân quyền đầy đủ.
Trong suốt thời gian làm điều tra viên, tôi chưa hề bị bất cứ một áp lực nào mặc dầu đã tiếp xúc với nhiều viên chức rất cao cấp, nghe họ giải thích, vì họ luôn lo sợ cho uy tín của cơ quan và của chính cá nhân họ, nếu nhân viên của họ bị kết luận là sai trái. Lúc đó tôi còn rất trẻ, chưa có sự nghiệp, chưa quen biết nhiều và rất thấp cổ bé miệng. Tuy nhiên hệ thống luật pháp nghiêm minh của Úc giúp cho tôi điều tra, thẩm vấn các thành phần và cơ quan liên hệ một cách rốt ráo, viết phúc trình mà không hề bị một áp lực nào. Thêm vào đó, Ombudsman, tức boss của tôi là một trong những luật gia hàng đầu của Úc, uy tín rất lớn tự cá nhân của ông rồi.
Tình trạng lạm dụng quyền lực của công an, đưa đến chết nhiều người dân, hoặc di hại đến cơ thể hoặc tài sản của người dân sẽ giảm thiểu nhiều, nếu trên bình diện vĩ mô (macro), quan điểm pháp chế xã hội chủ nghĩa được thay thế bởi quan điểm pháp trị nghiêm chỉnh. Thêm vào đó trên bình diện vi mô (micro) nhiều định chế giám sát độc lập tương tự Ombudsman’s office được hình thành để giám sát guồng máy chính quyền, bảo vệ cho dân. Điều này thay vì tình trạng vừa gởi thư khiếu nại với ông bộ trưởng công an là công an đã đến nhà khủng bố và đe dọa hoặc hành hung người dân dám kiện cáo, như trường hợp hiện nay của nhà hoạt động Ngô Duy Quyền, chồng của cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Công Nhân vậy.
Đ.T.D
Tác giả gửi BVN