Bài bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Vinh tại phiên tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 23 tháng 03 năm 2016

Tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận, Văn phòng Luật sư Hà Hải & Cộng sự, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ 535 Nguyễn Tri Phương, phường 6, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, là Luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Vinh bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSTC) truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 2 Điều 258 Bộ Luật Hình sự (Cáo trạng số 05/VKSTC. V2 ngày 06 tháng 02 năm 2015) ra trước phiên tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân (TAND) Thành phố Hà Nội.

Trước khi trình bày nội dung bài bào chữa, tôi kiến nghị Hội đồng xét xử một số việc như sau:

+ Hiện nay ngành tư pháp đang triển khai, tổ chức thực hiện “Cải cách tư pháp”. Năm 2015, Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), Bộ luật Hình Sự (BLHS), có hiệu lực thi hành ngày 01/07/2016, trong đó có phần quan trọng là thể chế “quyền con người” theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Vì vậy phiên tòa hôm nay phải được diễn ra đúng theo tinh thần mới này, trong đó cơ quan tố tụng phải tuân theo qui định của Hiến pháp 2013, BLHS 2015. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1); Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai Trong trường hợp xét xử kín theo qui định của luật thì việc tuyên án phài được công khai” (khoản 2); Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật” (khoản 5), (Điều 31, Hiến pháp 2013).

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này qui định, thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội (Đoạn 2, Điều 13, Suy đoán vô tội – BLHS 2015)

Tòa án là khâu trung tâm của quá trình cải cách, xét xử là khâu trọng tâm của toàn bộ hoạt động tư pháp bởi vì thực chất hiệu quả của họat động tư pháp thể hiện chủ yếu ở họat động xét xử, ở bản án hay quyết định của toà án, nếu án đúng thấy ngay kết quả, nếu án sai là họat động không có hiệu quả. Các họat động khác của tiến trình tư pháp như điều tra, kiểm sát, truy tố, v.v. nếu có sai phạm vẫn có thể khắc phục được và ít để lại hậu quả nhưng nếu xét xử sai hậu quả để lại rất lớn và đôi khi không thể nào khắc phục được, khó phục hồi nguyên trạng như trước khi điều tra, kiểm sát, truy tố, v.v. Đảng và Nhà nước ta cũng chủ trương trong giai đoạn hiện nay cần “nâng cao vai trò của luật sư hơn nữa trong tiến trình tham gia tố tụng, đảm bảo vị trí cân bằng của luật sư và bên công tố khi tham gia xét xử”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chống oan sai. Lãnh đạo ngành Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an phát động kế hoạch “chống oan sai” với các khâu đột phá, trong đó chú trọng phát huy vai trò của Luật sư tranh tụng trước tòa, tham gia của Luật sư từ khâu khởi tố – điều tra, công khai minh bạch. Kết quả bản án là kết quả tranh tụng diễn ra tại phiên tòa.

Chúng tôi đề nghị phiên tòa diễn ra đúng theo nội dung này.

Thưa Hội đồng xử án,

Diễn biến vụ án:

Ngày 05/05/2014, ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt tạm giam.

Ngày 13/05/2014, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT), Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, khoản 2 Điều 258 Bộ Luật Hình sự (BLHS).

Ngày 13/05/2014, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can số 18/ANĐT-P3 đối với ông Nguyễn Hữu Vinh; Quyết định khởi tố bị can số 19/ANĐT-P3 đối với bà Nguyễn Thị Minh Thúy.

Ngày 30/10/2014, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Bản kết luận điều tra số 14/ANĐT.

Ngày 26/01/2015, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Bản kết luận điều tra bổ sung số 03/KLĐTB theo Quyết định trả Hồ sơ để điều tra bổ sung số 18/QĐ-VKSTC-V2 ngày 27/11/2014 của VKSND tối cao (Vụ 2).

Ngày 06/02/2015, Viện trưởng VKSND tối cao ra Cáo trạng số 05/VKSTC-V2; quyết định truy tố ra trước TAND thành phố Hà Nội ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy theo khoản 2 Điều 258, BLHS; ủy quyền cho VKSND thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.

Ngày 22/05/2015, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Bản kết luận điều tra bổ sung số 11/KLĐTBS. Căn cứ Quyết định số: 05/VKSTC-V2 ngày 23/04/2015 của VKSND tối cao (Vụ 2).

Ngày 03/06/2015, Viện trưởng VKSND tối cao ra Văn bản số 2063/VKSTC-V2 giữ nguyên Cáo trạng số 05/VKSTC-V2 ngày 06/02/2015.

Ngày 07 tháng 08 năm 2015 Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Bản kết luận điều tra bổ sung số 21/KLĐTBS. Căn cứ Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số: 08/VKSTC-V1 ngày 08/07/2015 của VKSND tối cao (Vụ 1).

Ngày 22 tháng 10 năm 2015 Cơ quan ANĐT, Bộ Công an ra Bản kết luận điều tra bổ sung số 26/KLĐTBS. Căn cứ Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số: 09/VKSTC-V1 ngày 24/08/2015 của VKSND tối cao (Vụ 1).

Ngày 10 tháng 11 năm 2015 VKSND tối cao có văn bản số 4484/VKSTC-V1 gửi TAND Hà Nội. VKSND tối cao đã có văn bản số 4400/VKSTC-V1 ngày 05/11/2015 về việc giữ nguyên Cáo trạng số 05/VKSTC-V2 ngày 06/02/2015; quyết định truy tố ra trước TAND thành phố Hà Nội ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy theo khoản 2 điều 258, BLTTHS.

Sau khi đọc hồ sơ và làm việc với ông Nguyễn Hữu Vinh, chúng tôi nhận thấy cơ quan điều tra (CQĐT) đã có nhiều kết luận không đúng theo qui định của Đảng, của BLTTHS và các văn bản liên ngành hướng dẫn thi hành BLTTHS:

I. Chấp hành không đúng qui định của Chỉ thị 15 ngày 07 tháng 07 năm 2007 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: “Về xử lý Đảng tịch đối với Đảng viên khi khởi tố, tạm giam, truy tố, xét xử”

Ông Nguyễn Hữu Vinh nguyên cán bộ của Tổng cục An ninh, Bộ Công an được điều động sang công tác tại Ban Việt kiều Trung ương năm 1985. Trong thời gian công tác tại đây ông Nguyễn Hữu Vinh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 24/10/1986, chính thức ngày 24/10/1987. Thẻ Đảng số: 0000968 – ngày tháng 11/1988 do Đảng bộ khối I cơ quan Trung ương, Đảng bộ Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ) cấp. Ông Vinh khi đang công tác và sinh hoạt Đảng tại Ban Việt kiều Trung ương, thì năm 1995 Tổng cục An ninh – Bộ Công an (TCAN-BCA), lại điều Nguyễn Hữu Vinh về lại TCAN, cùng hồ sơ sinh hoạt đảng của Vinh. Cơ quan An ninh tự chuyển mà không thông qua tổ chức Đảng tại Ban Việt kiều Trung ương. Năm năm (1995-2000) về TCAN-BCA, Nguyễn Hữu Vinh không được sinh hoạt Đảng, không được đóng đảng phí, không được lãnh lương đến khi ra khỏi ngành năm 2000.

Năm 2000 ra quân được nhận 40 triệu đồng (Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh số 77/QĐ (A11) ngày 08/03/2000). Tổng cục An ninh A35 chuyển hồ sinh hoạt đảng về Đảng bộ phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội (Giấy giới thiệu sinh hoạt đảng bộ cục Bảo vệ Chính trị 1 không số ngày 20/03/2000). Ngày 13/05/2015 (sau 12 tháng kể từ ngày bị bắt và khởi tố), Tổng cục Chính trị Công an nhân dân có công văn số 149/XII (X16), sau khi căn cứ một số văn bản kết luận: Nguyễn Hữu Vinh tự ý bỏ sinh hoạt đảng từ năm 2000, không còn đủ tư cách là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy năm năm (1995-2000) khi ở TCAN-BCA Nguyễn Hữu Vinh không được sinh hoạt Đảng, trách nhiệm thuộc về ai? Và nếu cho sau 5 năm không được sinh hoạt đảng, không được đóng đảng phí, Nguyễn Hữu Vinh không còn là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thì tại sao lại chuyển Vinh về sinh hoạt đảng tại quận Đống Đa, Hà Nội? Điều quan trọng là Tổng cục Chính trị Công an nhân dân không phải là cơ quan chức năng của Đảng nên không có thẩm quyền kết luận về tư cách đảng viên.

Sau nhiều lần Nguyễn Hữu Vinh khiếu nại, hơn 18 tháng sau khi khởi tố, tạm giam, đưa ra xét xử, mới có Quyết định số 110/QĐ-QU ngày 25/01/2016 của Quận ủy quận Đống Đa, Hà Nội “Xóa tên Đảng viên Nguyễn Hữu Vinh vì bỏ sinh hoạt đảng”. Nhưng như trình bày ở trên, Nguyễn Hữu Vinh chưa có một ngày là đảng viên của Quận ủy Đống Đa, Hà Nội, thì với tư cách gì mà Quận ủy Đống Đa, Hà Nội “xóa tên đảng viên Nguyễn Hữu Vinh”?

Theo Nguyễn Hữu Vinh cho biết, thì cuối năm 2012 một lãnh đạo Bộ Công an dến thăm tặng quà và cho biết nếu đồng ý trở về ngành thì sẽ phục hồi mọi chế độ.

II. Vi phạm thủ tục tố tụng Hình sự

1. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Theo Thông tư liên tịch của VKSND tối cao – Bộ Công an – TAND tối cao về “Hướng dẫn thi hành các qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung số: 01/2010 TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27 /08/2010, thì “không từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng qui định tại Điều 42, Điều 60 và Điều 61 của BLTTHS…” là “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” (điểm 1, khoản 2 Điều 4 của Thông tư liên tịch).

(Điều 42 BLTTHS: Những trường hợp phải từ chối hoặc phải thay đổi người tiến hành tố tụng.

Khoản 1, Họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can bị cáo”)

Đây là trường hợp Trung tướng Hoàng Công Tư là Thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra – Bộ công an, người trực tiếp chỉ đạo vụ án, ký các văn bản: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định phân công điều tra viên điều tra vụ án hình sự; Quyết định phân công Phó thủ trưởng CQĐT trong điều tra vụ án hình sự; Thông báo trả lời Đơn đề nghị thay đổi Điều tra viên. Trong khi đó, ông Hoàng công Tư là “người bị hại” vì có tên trong danh sách 24 bài báo được gọi là chứng cứ buộc tội (bài Ông trời con Hoàng công Tư vs BBC đăng ngày 30/04/2014 BBC Việt ngữ). Liệu Ông Hoàng Công Tư có đảm bảo khách quan trong quá trình điều tra vụ án?

2. Sai phạm về bắt khẩn cấp và phê chuẩn của VKSNDTC:

Ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt khẩn cấp ngày 5/5/2014. Theo qui định Điều 82 (khoản 4) và Điều 84 (khoản 1), thì trong vòng 24 giờ cơ quan ANĐT BCA phải báo cho VKSND tối cao và trong vòng 12 giờ Viện Kiểm sát phải phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp. Tuy nhiên mãi đến ngày 14/05/2014 tức là 9 ngày sau VKSNDTC mới có quyết định phê chuẩn việc bắt người. Việc này vi phạm việc bắt giữ khẩn cấp về thời gian phê chuẩn.

3. Về “những đặc điểm về nhân thân” (khoản 3 Điều 63 BLTTHS) (khoản 2, điểm g Điều 4 TTLT) của Nguyễn Hữu Vinh ghi không đầy đủ: Kết luận Điều tra và Cáo trạng của VKSND tối cao không ghi lịch sử nhân thân bị can để xem xét tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ (Điều 63, BLTTHS): Nguyễn Hữu Vinh nguyên là sĩ quan của Tổng cục An ninh – Bộ Công an, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đã từng lập công trong đấu tranh bảo vệ chế độ, là bạn học cùng khóa an ninh với một số cán bộ hiện nay đang lãnh đạo ngành Công an. Bố mẹ đều là đảng viên Đảng Cộng sản, là lão thành cách mạng. Cha đẻ của Nguyễn Hữu Vinh là ông Nguyễn Hữu Khiếu sinh thời là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an khu IV, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (trước đây).

4. “Khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết đúng theo qui định của pháp luật đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của họ.

Theo Nguyễn Hữu Vinh, thì Vinh đã gửi đến TAND thành phố Hà Nội các thư đề ngày cụ thể: ngày 10/02/2015 (25 trang) gửi Tòa Án; ngày 23/11/2015 (55trang). Một số thư Cán bộ Trại B 14 không gửi: ngày 05/03/2015; ngày 26/05/2015; ngày 03/06/2015; ngày 11/12/2015…Thư mới gửi chưa hồi âm ngày 26/02/2016: 58 trang… Cùng nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của bà Lê Thị Minh Hà, vợ Nguyễn Hữu Vinh.

Hầu hết tất cả các thư nêu trên đều không được các cơ quan chức năng liên quan trả lời về các nội dung nêu ra trong đơn.

Các đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nguyễn Hữu Vinh không được giải quyết đúng theo qui định của pháp luật, thì cá nhân, cơ quan tổ chức hữu quan đã vi phạm qui định tại điểm o, khoản 2 Điều 4. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của Thông tư liên tịch “Hướng dẫn thi hành các qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung của VKSND tối cao – Bộ Công an – TAND tối cao số: 01/2010 TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27 /08/2010 “Khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết đúng theo qui định của pháp luật đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của họ;

5. Thu thập chứng cứ không hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng (khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch): Khi khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Vinh, bà Thúy ngày 05/05/2014 không thu được chứng cứ nào ngoài một số các bài viết được in ra tại nhà từ máy tính của ông Vinh, bà Thúy – (BL 331, 332). Sau này, tại Bản kết luận điều tra số 14/ANĐT ngày 30/10/2014, Cơ quan ANĐT cho rằng các bài viết in ra này được xác định là chứng cứ, bao gồm: in từ máy tính của ông Vinh 06 bài trên blog chepsuviet.wordpress.com, in từ máy tính của bà Thúy có 02 bài trên blog diendanxahoidansu.wordpress.com.

Các bài viết trên được lưu ở trên Internet mà cơ quan an ninh đã biết được từ trước ngày 1/4/2014 (Công văn số 469/CV, ngày 01/04/2014 của Cục Bảo vệ Chính trị 6 Tổng cục An ninh gửi Cơ quan An ninh Điều tra). Khi khám xét, CQĐT vẫn duy trì máy tính (laptop) nối với đường truyền Internet tốc độ cao là không tuân theo qui định tại Thông tư liên tịch Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, VKSND tối cao và TAND tối cao số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10 tháng 09 năm 2012 “Hướng dẫn áp dụng qui định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin. Tại điểm a, khoản 1, Điều 5 “Khi thu giữ phương tiện điện tử cần chú ý: Đối với máy tính: Không được tắt (shutdown) theo trình tự mà ngắt nguồn cung cấp điện trực tiếp cho thân máy (CPU) hoặc máy tính (đối với máy tính xách tay)”. Do đó, cán bộ điều tra có thể lấy xuống (download) từ Internet và có thể in được từ bất cứ máy tính nào có nối mạng với nó, các tài liệu này không xác định được là nằm trong phần cứng máy tính của ông Vinh hay bà Thúy. Trong suốt quá trình điều tra ông Nguyễn Hữu Vinh luôn khẳng định các tài liệu này không phải là của ông.

Ông Vinh không ký biên bản khám xét mà chỉ có hai người chứng kiến ký là: Ông Phạm Văn Vinh – Cảnh sát khu vực phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội và ông Ngô Sỹ Lợi – người láng giềng. Bà Thúy không ký biên bản khám xét mà chỉ có hai người làm chứng kiến ký là: ông Hoàng Chí Thanh – Cảnh sát khu vực phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội và bà Nguyễn Thị Khiêu – Tổ trưởng Tổ dân phố.

Những người chứng kiến khám xét ngày 05/05/2014 ở nhà ông Vinh và nhà bà Thúy không có chứng minh rằng họ có kiến thức, hiểu biết về Internet nên việc chứng kiến của họ là không có giá trị khách quan. Điều này đồng nghĩa Cơ quan ANĐT không có căn cứ cho rằng các bài viết được in ra từ máy tính ở nhà ông Vinh, bà Thúy hôm đó đủ yếu tố xác định là chứng cứ, hay đó là các dấu vết của tội phạm tại chỗ ở.

Như vậy, ở người và tại chỗ ở của ông Vinh, bà Thúy không có chứng cứ chứng minh của tội phạm.

Ngày 13/05/2014, Cơ quan ANĐT ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy là không có căn cứ pháp luật, bởi các lý do sau:

Cơ quan ANĐT căn cứ vào tin báo là Công văn số 469/CV ngày 01/04/2014 của Cục Bảo vệ Chính trị 6 (Cục 6), Tổng cục An ninh I để khởi tố vụ án. Tại Công văn 469/CV ngày 01/04/2014, Cục 6 cho biết trước đó Cục đã nhận được: Văn bản số 223/CV-FPT-TEL-NOC và 283/CV-FPT-TEL-NOC, ngày 19 và 31/03/2014 của Công ty cổ phần Viễn thông FPT; văn bản số 486/VDC-CN và 495/VDC-CN, ngày 31/03 và ngày 01/04/2014 của Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC. Các văn bản này thông báo kết quả việc họ (FPT, VDC) theo yêu cầu của Cục 6 đã theo dõi và cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng là ông Vinh, bà Thúy cho Cục 6. Hành vi này của FPT, VDC là vi phạm quy định của Điều 8 (Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân) BLTTHS 2003 và khoản 2 Điều 26 (Được bảo vệ thông tin riêng và thông tin cá nhân theo qui định của pháp luật) của Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ, khi không có quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân chỉ được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều đặc biệt là trái với qui định tại Điều 21, Hiến pháp 2013 Khoản 2 Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi riêng tư của người khác”.

Cơ quan ANĐT đã căn cứ vào chứng cứ thu thập một cách không hợp pháp để khởi tố vụ án.

Cơ quan ANĐT khi nhận được tin báo của cơ quan, tổ chức đã không tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin một cách đầy đủ theo quy định tại các điều 63, 64, 65 và 66 BLTTHS.

III. Về chứng cứ

1. Thu thập chứng cứ không hợp pháp

Cơ quan ANĐT chỉ căn cứ vào các văn bản của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông (Công ty cổ phần viễn thông FPT, Công ty điện toán và truyền dẫn số liệu VDC, Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội HTC, Công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone) để cho rằng các thông tin được cung cấp có liên quan đến ông Vinh, bà Thúy mà không thực hiện các việc phải thực hiện theo qui định của BLTTHS tại Điều 63 (Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự) Điều 64, Điều 65 (Chứng cứ – Thu thập chứng cứ), Điều 66 (Đánh giá chứng cứ). Không tổ chức trưng cầu giám định, tổ chức thực nghiệm là vi phạm các qui định tại các điều nêu trên của BLTTHS.

Tại văn bản số 21/KLĐTBS ngày 07/08/2015 Kết luận điều tra bổ sung theo Quyết định trả Hồ sơ để điều tra bổ sung số 08/VKSTC-V1 ngày 08/07/2015 của VKSND tối cao (Vụ 1) với yêu cầu “Làm rõ chức năng nhiệm vụ của Công ty cổ phần viễn thông FPT; Công ty điện toán và truyền dẫn số liệu VDC; Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội HTC; Công ty dịch vụ Viễn thông Vinaphone”, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an cho rằng “Tài liệu do các công ty viễn thông cung cấp chỉ hỗ trợ cho việc chứng minh ý thức chủ quan đối với hành vi phạm tội của các bị can. Ngoài những tài liệu này, CQĐT đã thu thập đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án. Do đó không cần thiết phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các Công ty đã nêu trên.

Như vậy, các văn bản do các doanh nghiệp trên cung cấp “chỉ hỗ trợ” không đảm bảo tính khách quan, tính hợp pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Hữu Vinh, bà Nguyễn Thị Minh Thúy.

2. Kết luận điều tra – Cáo trạng không có chứng cứ chứng minh được trách nhiệm của ông Vinh, bà Thúy có vai trò liên đới với việc điều hành, quản trị blog diendanxahoidansu.wordpress.com và blog chepsuviet.wordpress.com hoặc không có chứng cứ chứng minh ông Vinh, bà Thúy có hành vi soạn thảo, đăng tải, chỉnh sửa, xóa, phê duyệt bình luận của 12 bài viết trên blog “Dân quyền” và 12 bài viết trên blog “Chép sử Việt” mà CQĐT, Viện Kiểm sát làm căn cứ để truy tố.

3. Cáo buộc ông Vinh là người chịu trách nhiệm về 12 bài viết trên blog “Dân quyền” và 12 bài viết trên blog “Chép sử Việt” là không có căn cứ khách quan

Cáo trạng cho rằng: “Ngày 20/09/2013, Nguyễn Hữu Vinh vào trang chủ wordpress.com đăng ký lập, quản trị và sử dụng blog diendanxahoidansu.wordpress.com (blog “Dân quyền”). Ngày 18/01/2014, Nguyễn Hữu Vinh đăng ký lập, quản trị và sử dụng blog chepsuviet.wordpress.com (blog “Chép sử Việt”). Nguyễn Hữu Vinh đặt chế độ bảo mật xác thực hai lớp cho hai blog này, …”. Ngày 06/06/2015, Luật sư Hà Huy Sơn đã gửi cho TAND thành phố Hà Nội: Biên bản ghi lời khai của ông Vinh tại Trại tạm giam B14, Bộ Công an ngày 30/03/2015, giải trình về vấn đề này; văn bản của Tiến sĩ, Giáo sư Công nghệ thông tin Nguyễn Quang A ngày 18/04/2015 trả lời Luật sư Hà Huy Sơn liên quan đến việc quản trị một blog đều dẫn đến việc phủ nhận khẳng định của Viện Kiểm sát nêu ở Cáo trạng như trích dẫn ở trên.

Lời trình bày của Nguyễn Hữu Vinh phù hợp với việc sử dụng trang web WordPress (WordPress.com Support). Đây là trang web miễn phí, ai cũng có thể vào trang mạng này để tạo lập blog hoặc thuê – nhờ người khác giúp tạo ra blog rồi thực hiện chuyển giao, chia sẻ cho nhiều, kể cả hàng ngàn, hàng triệu người cùng sử dụng trang web (blog).

Khi muốn thiết lập trang web (blog), thì WordPress.com support hướng dẫn lập các chức năng như sau:

1) Quản trị viên – Quản lý (Administrator): Quản trị cao nhất có toàn quyền

2) Biên tập viên (Editor): Có quyền quản lý các bài viết, trang, nhận xét, danh mục, tag (từ khóa) và liên kết.

3) Tác giả (Author): có thể tạo, đăng ảnh, sửa, xóa, xuất bản (cho hiện ở ngoài trang chính cho mọi người xem) chỉ trên tin của chính mình.

4) Cộng tác viên (Contributor): Có thể viết bài, đăng tải hình ảnh nhưng chưa được xuất bản.

5) Site dạng công khai (Follower) – Site dạng riêng tư: có thể đọc, nhận xét bài viết, trang viết.

Với lập luận của CQĐT, Viện Kiểm sát cho rằng Nguyễn Hữu Vinh có số điện thoại và email có đủ điều kiện vào hai blog “Dân Quyền” và “Chép sử Việt”, rồi kết luận ngay Nguyễn Hữu Vinh là Quản trị viên – Quản lý (Administrator) hai blog nêu trên, thì thật là úp bộ, qui chụp một cách thiếu căn cứ.

CQĐT cho rằng Nguyễn Hữu Vinh vào hai trang mạng, nhưng vào lúc nào, vào để làm gì, có để “dấu vết” “sửa bài – đăng bài mới” hay không, thì CQĐT và Viện Kiểm sát giữ quyền công tố hoàn toàn không chứng minh được.

Vinh không vào và không cần biết đến hai trang mạng này, như nhiều lần Vinh đã khẳng định trước CQĐT. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng phải có nghĩa vụ chứng minh theo qui định của BLTTHS (Điều 10).

Mỗi blogger có thể có hàng vạn, hàng triệu người ra, vào, comment… nhưng vấn đề là người ra, vào họ đóng vai trò gì. Mỗi vai trò, nhiệm vụ trên blog đều để lại dấu vết. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng, cơ quan tố tụng phải có nghĩa vụ chứng minh từng người đang tham gia “giao diện” trên blog họ có trách nhiệm như thế nào đối với blog trang mạng. Người giao diệnlà đang mở máy, xem (Viewer), comment (bình luận), người theo dõi (follower). Nếu họ là Quản trị viên – Quản lý (Administrator), Biên tập viên (Editor), Tác giả (Author), Cộng tác viên (Contributor), thì phải để lại dấu vết.

Phân tích dưới đây của chuyên gia vi tính Trịnh Anh Tuấn cho thấy quy trình chứng minh phạm tội không đầy đủ, thiếu chứng cứ.

Theo Bản cáo trạng, cơ quan ANĐT BCA cho rằng Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy đã sử dụng Internet đăng tải 24 bài viết có nội dung xấu, xâm phạm đến lợi ích nhà nước, tổ chức và cá nhân, đăng tải trên hai blog Dân quyền và Chép sử Việt, được cung cấp bởi công ty Automattic qua trang website WordPress.com.

Ông Vinh và bà Thúy trước Cơ quan An ninh điều tra kéo dài trên 23 tháng đã từ chối, không khai nhận bất cứ hành vi nào theo mọi cáo buộc liên quan đến hai trang “Dân quyền” và “Chép sử Việt”. Vì vậy, theo qui định Điều 10 BLTTHS, thì nghĩa vụ của An ninh Điều tra – Bộ Công an và VKSND tối cao là phải chứng minh đầy đủ mọi hành vi bằng những chứng cứ xác thực, hợp pháp, đầy đủ. Đây là vụ án có tính chất kỹ thuật sử dụng Internet rất cao, để chứng minh được hành vi đăng tải lên blog của bị can, CQĐT bắt buộc phải chứng minh đầy đủ các bước sau:

(1) Email cá nhân thuộc về quyền sử dụng của bị can

(2) Email cá nhân của bị can đã được dùng để tạo tài khoản trên WordPress

(3) Tài khoản WordPress của bị can tạo ra các blog

(4) Cách thức chia sẻ quyền quản trị blog

(5) Các bị can có hành vi đăng tải nội dung.

(1) Chứng minh email cá nhân thuộc về quyền sử dụng của bị can
Cơ quan An ninh-Bộ Công an (Kết luận Điều tra số 14/ANĐT ngày 30/10/2014) và Cáo trạng số 05/VKSTC-V2 ngày 06/02/2015 của VKSND tối cao, cáo buộc Nguyễn Hữu Vinh dùng email dxhdsd@gmail.com để tạo ra blog Chép sử Việt (chepsuviet.wordpress.com) vào ngày 18/01/2014 và email chepsuviet@gmail.com tạo ra blog Dân quyền (diendanxahoidansu.wordpress.com) vào ngày 20/09/2013.

Trước CQĐT, Nguyễn Hữu Vinh luôn xác định mình không liên quan đến các email và trang mạng này. CQĐT không hề có chứng cứ nào chứng minh hai email này thuộc quyền quản lý của ông Nguyễn Hữu Vinh. Theo chính sách bảo mật của Google, công ty cung cấp dịch vụ Gmail, thì Google không cung cấp thông tin tài khoản cho bất cứ ai, trừ khi có trát của tòa án hoặc sự đồng ý của người dùng. Họ sử dụng chứng chỉ SSL (Secure Sockets Layer), một chứng chỉ bảo mật khi giao tiếp qua Internet, để bảo mật tài khoản người dùng. Vì vậy, ngay cả các công ty cung cấp dịch vụ mạng (cụ thể trong vụ án này là VDC và FPT) cũng không thể biết thông tin tài khoản email người khác.

(2) Chứng minh email cá nhân của bị can đã được dùng để tạo tài khoản trên WordPress
Bước tiếp theo, CQĐT và VKS phải chứng minh được rằng ông Vinh sử dụng các email cá nhân (dxhdsd@gmail. comchepsuviet@gmail. com) để tạo ra hai tài khoản trên WordPress. Cũng như Google, công ty Automattic, nơi cung cấp dịch vụ trang WordPress. com, sử dụng chứng chỉ bảo mật SSL và điều khoản bảo mật người dùng mà không ai khác ngoài họ có thể biết được thông tin khách hàng. Họ chỉ cung cấp thông tin khách hàng khi được người sử dụng đồng ý hoặc theo trát của tòa án.

Việc CQĐT sử dụng một văn bản xác nhận từ FPT rằng email điện tử đó thuộc về ông Vinh và email đó tạo ra các blog Dân quyền và Chép sử Việt cùng với các số điện thoại để xác minh, đó là chứng cứ (nếu có) là chứng cứ bất hợp pháp. Vì như đã nói, theo chính sách của công ty Google và WordPress, thông tin đó không thể được cung cấp cho FPT hay VDC. Giả sử FPT hay VDC sử dụng các biện pháp theo dõi bằng việc bắt và phân tích dữ liệu từ đường truyền, thì biện pháp ấy không đúng thủ tục qui trình thu thập chứng cứ, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thu thập không theo trình tự, thủ tục theo qui định của BLTTHS, chưa trưng cầu giám định, chưa được đánh giá để xác định tính hợp pháp… theo qui định tại các điều 64, 65 và 66 BLTTHS. Vì vậy, việc sử dụng văn bản của FPT, HTC và VDC làm chứng cứ kết tội là không có giá trị.

Trong khi đó tại Kết luận điều tra bổ sung số 21/KLĐTBS ngày 07/08/2015 của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công antheo Quyết định trả Hồ sơ để điều tra bổ sung số 08/VKSTC Vụ 1, ngày 8/7/2015 của VKSND tối cao Vụ 1, đối với yêu cầu “Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Công ty cổ phần viễn thông FPT; Công ty điện toán và truyền dẫn số liệu VDC; Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội HTC; Công ty dịch vụ Viễn thông Vinaphone”, CQ ANĐT-BCA trả lời: “Tài liệu do các Công ty viễn thông cung cấp chỉ hỗ trợ cho việc chứng minh ý thức chủ quan đối với hành vi phạm tội của các bị can”. Nội dung trả lời của CQANĐT, cho thấy Cơ quan An ninh-BCA VKSNDTC đã dùng “chứng cứ cung cấp chỉ hỗ trợ” để làm chứng cứ buộc tội, thì không đủ cơ sở pháp lý, không có giá trị.

(3) Chứng minh tài khoản WordPress của bị can tạo ra các blog

Về mặt kỹ thuật, một tài khoản trên WordPress có thể tạo ra một hoặc rất nhiều blog khác nhau. CQĐT phải chứng minh được rằng tài khoản WordPress được đăng ký từ hai emaildxhdsd@gmail.comchepsuviet@gmail.com có liên quan trực tiếp đến hai blog Dân quyền và Chép sử Việt.

Nhưng hai tài khoản trên có thực tạo ra hai blog hay chỉ được chia sẻ quyền quản lý?

(4) Chứng minh cách thức chia sẻ quyền quản trị blog

Cơ quan An ninh Bộ Công an cáo buộc ông Vinh chia sẻ quyền quản trị cho bà Thúy bằng cách “cung cấp mật khẩu truy cập, chia sẻ cho Nguyễn Thị Minh Thúy một số quyền quản trị với 2 blog này như: quyền viết bài, quyền chỉnh sửa bài viết, quyền xóa bài viết, quyền kiểm duyệt ý kiến người đọc, … Mỗi lần truy cập quản lý để thực hiện quyền quản trị, Nguyễn Thị Minh Thúy đều phải được Nguyễn Hữu Vinh cung cấp một mật khẩu được gửi đến số điện thoại của Nguyễn Hữu Vinh”.

Ngoài ra, cơ quan công an cáo buộc ông Vinh sử dụng hai số điện thoại 0916008619 và 0903404554 để xác thực mật khẩu cấp 2 cho hai blog. Họ khẳng định rằng chỉ có cá nhân người quản lý hai số điện thoại này mới có thể truy cập quản trị blog. Đây là một khẳng định bộc lộ sự thiếu hiểu biết về kỹ thuật, bởi thật ra, có rất nhiều phương pháp truy cập quản trị blog:

– đăng nhập bằng email và sử dụng số điện thoại để xác thực mật khẩu cấp 2;

– đăng nhập bằng email và sử dụng mã dự phòng (backup codes) để xác thực mật khẩu cấp 2;

– đăng nhập bằng email và sử dụng một phần mềm cung cấp mật khẩu cấp 2 được cung cấp bởi bên thứ ba để xác thực mật khẩu cấp 2 (ví dụ phần mềm Google Authenticator, được cung cấp bởi Goolge);

– Người quản trị có quyền cao nhất của blog sẽ chia sẻ quyền quản trị với một tài khoản WordPress khác, người được chia sẻ quyền quản trị đăng nhập tài khoản của họ để quản trị blog. Có nhiều loại quyền quản trị, có thể chia sẻ một vài hoặc tất cả mọi quyền quản trị.

– v.v.

Vì vậy, Cơ quan công an khẳng định “chỉ người quản lý số điện thoại trên mới có thể truy cập quản trị” là không chính xác.

Giả sử công an đã chứng minh được ba điều trên (ông Vinh dùng email dxhdsd@gmail.comchepsuviet@gmail.com, ông tạo tài khoản wordpress từ hai email đó và từ tài khoản wordpress lại tạo ra hai blog Dân quyền và Chép sử Việt), thì việc ông Vinh tạo ra hai blog đó cũng không thể đưa đến khẳng định rằng ông Vinh và bà Thúy là người quản trị, đăng tải nội dung lên hai blog. Vì sau khi hai blog Dân quyền và Chép sử Việt được tạo ra với những cách thức nêu trên, có thể có người khác thực hiện việc đăng tải các bài viết.

(5) Chứng minh các bị can đã có hành vi đăng tải

CQĐT buộc tội ông Vinh và bà Thúy đăng tải 24 bài viết lên blog. Tuy nhiên, họ không xác định được thực ra thì ai là người đăng tải, thời gian đăng tải. Liệu có người nào khác có thể dùng quyền quản trị (như phân tích ở 4) được chia sẻ để đăng tải hay không?

Đối với yêu cầu của VKSTC “Điều tra làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết dược đăng tải trên hai blog Dân quyềnChép sử Việt có tiêu đề như Kết luận điều tra đã nêu? Có được các bị cáo chỉnh sửa nội dung trước khi đăng không? Xác định rõ tính chất, mức độ, hành vi, vai trò của các tác giả và có biện pháp xử lý đúng theo qui định của pháp luật thì tại Kết luận điều tra bổ sung số 03/KLĐTBS của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an ngày 26/01/2015 đã khẳng định: “Hai bị can không chịu khai báo, nên CQĐT không có điều kiện, xác minh làm rõ.

Đó là chưa kể, trong lúc khám xét, CQĐT đã tự tiện sử dụng máy tính của ông Vinh, in ra các bài viết từ trên mạng xuống. Sau đó, sử dụng các bài viết này để kết tội ông Vinh. Việc này vi phạm nghiêm trọng Thông tư liên tịch số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử. Như vậy, ngay từ đầu, chứng cứ để bắt khẩn cấp ông Vinh đã không hợp lệ.

6. Chưa xem xét đối tượng bị hại cũng như tổn thất, thiệt hại

Công an đã cho giám định 24 bài viết “xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”. Tuy nhiên, họ không hề xem xét từng bài viết vi phạm điều gì, gây thiệt hại cho công dân, tổ chức hay Nhà nước nào, mức độ thiệt hại của từng bài viết đối với bị hại.

Việc không xem xét đối tượng bị hại dẫn đến không thể xác minh được tổn thất, thiệt hại do các hành vi của hai bị cáo Vinh và Thúy. Vì không có công dân, tổ chức hay đại diện Nhà nước nào xác nhận mình là bị hại do những bài viết đó, nên không thể nói hành vi đăng tải 24 bài viết là vi phạm pháp luật được.

7. Chưa chứng minh được sự liên quan của Lê Thị Thanh Loan, Trần Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Lý trong vụ án

Trong bản cáo trạng, công an cũng đưa vào chi tiết Lê Thị Thanh Loan, Trần Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Lý có hành vi thu thập các thông tin trên báo chí, chuyển các bài báo đó thành dạng ảnh… rồi gửi qua email cho ông Vinh và bà Thúy.

Tuy nhiên, bản thân những việc làm trên không hề vi phạm pháp luật. Đặc biệt, công an không hề chứng minh được sự liên quan nào trong việc thu thập các thông tin trên báo chí kia với việc đăng tải 24 bài viết trên hai blog mà họ cáo buộc.

Việc đưa thêm thông tin về ba người kia chỉ thể hiện sự yếu kém của CQĐT, khi không thể có những bằng chứng xác thực nên buộc phải đưa những tình tiết không liên quan với vụ án vào để làm dài thêm bản cáo trạng mà thôi.

Xem thêm:
1. Chính sách bảo mật của Goolge:

https://www. google. com/intl/vi/policies/privacy/

2. Chính sách bảo mật của Automattic:
https://automattic. com/privacy/
http://wordpress. net. vn/ad/?page_id=577#. VpIJ1vmLTIU
3. Chứng chỉ SSL:
https://www. digipower. vn/SSL-Bao-mat/SSL-la-gi. aspx
https://support. google. com/websearch/answer/173733?hl=vi

Có thể vì lý do này, nên Vụ 2 – VKSND tối cao đã yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an điều tra bổ sung và được trả lời như sau: “Theo yêu cầu điều tra bổ sung của VKSND tối cao số 18/QĐ-VKSTC-V2 ngày 27/01/2014. Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an đã điều tra bổ sung số 03/KLĐTBS ngày 26/01/2015, như sau:

Đối với yêu cầu “Điều tra, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết được đăng tải trên 2 blog Dân QuyềnChép sử Việt có tiêu đề như kết luận điều tra đã nêu có được các bị can chỉnh sửa nội dung trước khi đăng tải không? Xác định rõ tính chất, mức độ hành vi, vai trò của các tác giả và có biện pháp xử lý đúng theo qui định của pháp luật”.

CQĐT đã hỏi cung các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy trong giai đoạn điều tra và hỏi lại trong giai đoạn điều tra bổ sung, nhưng hai bị can không chịu khai báo, nên CQĐT không có điều kiện xác minh, làm rõ: Ai là tác giả của 24 bài viết được đăng tải trênhai blog DÂN QUYỀNCHÉP SỬ VIỆT’ có tiêu đề như kết luận điều tra đã nêu; các bị can có chỉnh sửa nội dung trước khi đăng hay không

GS Hoàng Xuân Phú đã viết trên blog của mình:

Theo Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an số 14/ANĐT ngày 30/10/2014 và Cáo trạng VKSND tối cao số 05/VKSNDTC-V2 ngày 06/02/2015, thì từ ngày 20/09/2013 (theo CQĐT là ngày Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy lập 2 blog DÂN QUYỀNCHÉP SỬ VIỆT đến ngày bị bắt (05/05/2014), blog DÂN QUYỀN đã đăng 2014 bài viết,38.567 phản hồi và có 3.243.330 người truy cập; blog CHÉP SỬ VIỆT đã đăng 383 bài viết, 3.401 phản hồi và có 480.353 người truy cập.

Với các số liệu thu thập được như trên, nhưng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an trong quá trình điều tra, kể cả điều tra bổ sung cũng không chứng minh được là Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy có liên quan việc đăng bài chỉnh sửa nội dung nguồn gốc, tác giả của các bài trên hai blog nêu trên.

Sau khi liệt kê 24 bài đăng trên hai blog DÂN QUYỀNCHÉP SỬ VIỆT để làm chứng cứ xác định tội phạm, Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra lý luận rằng:

Do các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy không chịu khai báo, nên CQĐT không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên.

Cách viết này vừa nhấn mạnh sự ngoan cố của hai bị can, vừa khơi gợi nghi ngờ rằng có thể bị can là tác giả của nhiều bài trong số đó.

Để hiểu rõ sự thật, ta chỉ cần lên internet điểm qua 4 bài đầu tiên trong số 12 bài mà Bản kết luận điều tra coi là chứng cứ phạm tội trên blog DÂN QUYỀN.

Bài 1: “Dân chủ không thể là cái bánh vẽ”. Tác giả là Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bài viết được công bố trên blog của tác giả và đăng trên blog “DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ” ngày 24/11/2013.

Bài 2: “Tham nhũng, chống tham nhũng và thể chế”. Tác giả là ông Hạ Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (trước 1975), cựu tù chính trị Côn Đảo. Bài viết được đăng trên blog “BAUXITE VIỆT NAMblog “DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ” ngày 17/01/2014.

Bài 3: “Chuyện kể năm 2000: Cuốn tiểu thuyết về thân phận con người trong cái ác cộng sản”. Tác giả là Đại tá Phạm Đình Trọng. Bài viết được đăng trên blog “DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ” ngày 17/01/2014.

Bài 4: “Mấy suy nghĩ về tình hình nhiệm vụ hiện nay”. Tác giả là ông Lê Hồng Hà, nguyên Đại tá Chánh văn phòng Bộ Công an. Bài viết được đăng trên blog “BA SÀM” ngày 28/03/2014 và đăng trên blog “BAUXITE VIỆT NAM” ngày 30/03/2014.

Quả thực, chỉ cần biết sử dụng Internet sơ sơ thì ai cũng có thể dùng Google để nhanh chóng tìm ra thông tin về tác giả, nguồn gốc của 4 bài viết kể các bài còn lại (bị coi là chứng cứ tội phạm trên blog DÂN QUYỀN). Và tên tuổi của các tác giả chẳng hề xa lạ với Cơ quan An ninh điều tra. Chẳng hạn, các ông Lê Hồng Hà, Hạ Đình Nguyên, Đại tá Bùi Văn Bồng và Đại tá Phạm Đình Trọng đều đã từng ở vị trí cao trong bộ máy cầm quyền. Vậy thì tại sao Bản kết luận điều tra lại viết rằng CQĐT không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên? Chỉ có hai khả năng như sau.

Thứ nhất, chúng tôi không tin nghiệp vụ của CQĐT yếu kém đến mức họ không biết tìm kiếm thông tin trên Internet. Nếu như vậy thì tại sao lại đảm nhận nhiệm vụ điều tra tội phạm trên mạng Internet, để rồi buộc tội theo kiểu qui chụp mà không dựa vào chứng cứ để chứng minh là có tội hay không có tội, một cách khoa học?

Thứ hai, CQĐT không có quyết tâm tìm kiếm thông tin liên quan, hoặc đã có được thông tin cần thiết nhưng vẫn tỏ ra không hề biết, nghĩa là họ chỉ giả vờ tiến hành điều tra. Nếu vậy thì những bị can oan uổng thoát sao nổi bản án phi lý mà thế lực nắm quyền sinh quyền sát đã định sẵn?

Đối với vụ án Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…, khả năng thứ hai có vẻ hiện thực hơn. Bởi vì, cho dù không có khả năng hay lười tìm kiếm thông tin trên Internet, thì CQĐT cũng không thể không biết thông tin về nguồn gốc, tác giả của tất cả 24 bàicần xem xét, vì nhiều thông tin cần thiết đã hiển thị rõ ràng ngay trên blog bị điều tra. Cho nên, khẳng định CQĐT không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên phải chăng là dối trá, nhằm cố tình bỏ qua chứng cứ xác định vô tội và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can.

Đừng đổ thừa là do các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy không chịu khai báo nên CQĐT đành bó tay. Bởi vì Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ:

Điều 10. Xác định sự thật của vụ án

CQĐT, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng vànhững tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Bài 5 Ông trời con Hoàng Công Tư vs BBC Việt ngữ của ba nhà báo: Đoan Trang, Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn đã có thư gửi Tòa án Hà Nội xác định mình là tác giả và sẵn sàng có mặt tại phiên xét xử Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy từ phiên tòa ngày 19/01/2016 bị hoãn và phiên tòa hôm nay 23/03/2016.

Bài 3: “Chuyện kể năm 2000: Cuốn tiểu thuyết về thân phận con người trong cái ác cộng sản”, tác giả là Đại tá Phạm Đình Trọng đã có thư gửi Tòa án Hà Nội xác định mình là tác giả và sẵn sàng có mặt tại phiên xét xử Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy tại phiên tòa hôm nay 23/03/2016.

Nếu CQĐT cố tình bỏ qua chứng cứ xác định vô tội và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can thì có dấu hiệu phạm vào Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo Điều 300 Bộ luật hình sự.

Như vậy, kể từ ngày bị bắt, tạm giam (05/05/2014), khởi tố, điều tra, truy tố đến nay đã hết thời hạn 4 lần Điều tra bổ sung theo qui định của BLTTHS, đến nay đã hơn 23 tháng, nhưng Cơ quan An ninh Điều tra – Bộ Công an vẫn chưa trả lời đầy đủ các yêu cầu của VKSND tối cao, TAND Hà Nội đưa ra.

*

* *

Với những trình bày như nêu trên, có thể cho rằng Cơ quan An ninh Điều tra – Bộ Công an và VKSND tối cao đã có dấu hiệu vi phạm qui định của Đảng về “khởi tố, bắt, giam, truy tố đối với đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, vi phạm nghiêm trọng BLTTHS, chưa đủ chứng cứ hợp pháp để truy tố đưa ra xét xử đối với Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy. Cụ thể như sau:

1. Vi phạm qui định của Đảng về “khởi tố, bắt, giam, truy tố đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Chưa xử lý tư cách đảng viên trước khi khởi tố, tạm giam, truy tố đối với đảng viên Nguyễn Hữu Vinh theo qui định Chỉ thị 15 ngày 7 tháng 7 năm 2007 của Bộ Chính trị.

2. Vi phạm nghiêm trọng qui định Bộ Luật Tố tụng Hình sự và Thông tư liên tịch “Hướng dẫn thi hành các qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung của VKSND tối cao – Bộ Công an – TAND tối cao số: 01/2010 TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27 /08/2010.

a) Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã vi phạm nghiêm trọng qui định Điều 42 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm i, khoản 2 Điều 4 Thông tư Liên tịch VKSNDTC – BCA – TANDTC số 01/2010 ngày 27/08/2010 .

Không từ chối hay thay đổi người tiến hành tố tụng.

Trung tướng Hoàng Công Tư là Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an chủ trì điều tra vụ án “Nguyễn Hữu Vinh…”, lại là người được gọi là “người bị hại” do có tên trong danh sách 24 bài báo được sử dụng làm chứng cứ buộc tội. Ông Hoàng Công Tư không từ chối hoặc thay đổi vai trò tiến hành tố tụng.

b) Không giải quyết khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết đúng theo qui định của pháp luật đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của họ: điểm o, khoản 2 Điều 4 Thông tư Liên tịch VKSNDTC – BCA – TANDTC số 01/2010 ngày 27/08/2010.

Hầu hết các đơn thư khiếu nại nêu trên của Ông Nguyễn Hữu Vinh đều không được các cơ quan ANĐT BCA, VKSTC, TAND Hà Nội trả lời về các nội dung nêu trong đơn.

c) Việc điều tra, thu thập chứng cứ quan trọng đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục qui định của BLTTHS nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự: điểm k, khoản 2 Điều 4 Thông tư Liên tịch VKSNDTC – BCA – TANDTC số 01/2010 ngày 27/08/2010.

Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã vi phạm nghiêm trọng BLTTHS và Thông tư liên tịch Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, VKSND tối cao và TAND tối cao số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10 tháng 09 năm 2012 “Hướng dẫn áp dụng qui định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin. Khi khám xét, CQĐT vẫn duy trì máy tính (laptop) nối với đường truyền Internet tốc độ cao.

3. Không đưa ra được chứng cứ hợp pháp buộc Nguyễn hữu Vinh là chủ hai trang “Dân quyền” và “Chép sử Việt”. Trong khi Nguyễn Hữu Vinh nhiều lần yêu cầu CQĐT giao cho Vinh thao tác trên máy tính để chỉ ra ai là người lập ra hai trang mạng này, ai là người thường xuyên đưa các bài lên trang mạng. Nhưng CQĐT không giao máy tính để bị can Nguyễn hữu Vinh thực hiện.

4. Cơ quan ANĐT-BCA chưa đáp ứng được yêu cầu của VKSND tối cao chứng minh Nguyễn Hữu Vinh có “sửa bài” trước khi đăng vào hai trang “Dân quyền” và “Chép sử Việt”. Điều này có nghĩa là chưa chứng minh được Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy là người chủ hai trang mạng, đưa 24 bài lên hai trang này.

5. Không trả lời được tác giả 24 bài đăng trên hai trang “Dân quyền” và “Chép sử Việt” có bị xử lý hay chưa; nội dung các bài viết có bị cấm lưu hành không và các tác giả có bị xử lý không; 24 bài đăng trên hai trang mạng có phải các tác giả tự đưa lên hay ai đưa. Trong khi các bài đã đăng trên nhiều trang mạng khác và tác giả các bài viết thì không xa lạ gì, ai cũng biết như đã trình bày ở trên. Nhưng không thấy cơ quan ANĐT BCA có ý kiến.

6. Điều tra bổ sung không tìm được chứng cứ quan trọng đối với vụ án nhưng vẫn tiến hành truy tố

Khoán, Điều 168 Bộ Luật Tố tụng Hình sự: “Viện kiểm sát ra quyết định để điều tra bổ sung khi nghiên cứu hồ sơ vụ án phát hiện thấy:

1. Còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được

Sau khi có Cáo trạng VKSND tối cao đã bốn4 lần ra quyết định điều tra bổ sung. Nhưng Cơ quan ANĐT BCA sau bốn lần điều tra bổ sung cũng chỉ với kết luận bị can không chịu khai báo”, không có điều kiện xác minh, làm rõ”, không thể xác minh”, chỉ hỗ trợ”, không cần thiết làm rõ chức năng nhiệm vụ và gần như không có thêm chứng cứ nào để chứng minh cho việc kết tội. Tuy vậy, VKSND tối cao qua bốn lần ra “quyết định điều tra bổ sung” vẫn không thay đổi cáo trạng truy tố Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy ra tòa.

Theo những trình bày nêu trên, với tinh thần tuân thủ Hiến pháp 2013, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và “ Cải cách tư pháp”, chúng tôi đề nghị Hội đồng xử án hôm nay thực hiện qui định:

Đoạn 2, Điều 13, Suy đoán vô tội – BLTTHS, năm 2015

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này qui định, thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi đã nhiều lần gửi Kiến nghị đề nghị đình chỉ vụ án.Hôm nay trước Phiên tòa hôm nay, chúng tôi tiếp tục:

Kiến nghị:

Căn cứ khoản 3 điều 58, khoản 1 điều 107, khoản 1 điều 169, điều 180 BLTTHS 2003,

*VKSND tối cao rút toàn bộ quyết định truy tố đối với ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy theo khoản 2 điều 258, BLHS;

*TAND thành phố Hà Nội ra quyết định đình chỉ vụ án “Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy” theo khoản 2 điều 258, BLHS;

*Trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy.

Trân trọng cám ơn.

Các tài liệu, chứng cứ kèm theo:

1)Văn bản giao chứng cứ ngày 06/06/2015 của LS Hà Huy Sơn kèm Biên bản làm việc ông Vinh ngày 30/03/2015

2)Văn bản của Tiến sĩ Nguyễn Quang A

3)Văn bản WordPress.com Support

4) Văn bản Thư viện lưu trữ Silkroad Việt Nam SROVN map 90 free. Build a website with WordPress.com

T. Q. T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in phản biện, Pháp Luật. Bookmark the permalink.