Trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao, khi nghe vợ đọc xong một đoạn của “Tam quốc”, anh chàng Hoàng hạ một câu để đời: “ Tài thật, tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư anh Tào Tháo”.
Ngày nay, khi nghe chưa xong đầu đuôi chuyện thời sự, ông bạn già của tôi lẩm bẩm: “ Hèn thật, hèn thật, hèn đến thế là cùng”. Tôi chờ xem ông có tiếp thêm câu gì nữa không, đại khái như… tiên sư anh nào đó, nhưng chỉ nghe thấy ông nuốt ực một tiếng, cố ghìm lại cái gì đấy đang muốn trào qua cổ họng. Tôi vội vỗ lưng ông mấy cái và khuyên bớt bức xúc, không thì huyết áp lại tăng.
Chuyện thời sự gì mà nóng vậy. Thưa rằng chuyện “dân chủ đến thế là cùng”.
Nhưng trước khi bàn tiếp vấn đề dân chủ, xin kể vài chuyện liên quan đến thái độ hèn.
Chuyện xưa, Hàn Tín lúc còn hàn vi, vui vẻ chui qua háng anh hàng thịt, nhiều người đương thời cho là hèn, quá hèn, nhưng đời sau cho là dũng cảm, quá dũng cảm. Quản Trọng khi còn trẻ, đi lính, khi xông trận thường tìm cách lùi lại phía sau, nhiều người cho là hèn, chỉ có Bảo Thúc Nha bênh vực, và về sau mới thấy rõ Quản Trọng không phải người hèn.
Chuyện gần đây. GS Tạ Quang Bửu , sinh thời kể 2 chuyện liên quan. (1) Năm 1952, giữa rừng Việt Bắc, đêm tối như bưng, mưa gào gió thét, sấm chớp vang trời, ông nằm một mình trong lều, sợ quá, rất muốn chui sang lều bên cạnh, cùng với tướng Nguyễn Chí Thanh cho bớt sợ, nhưng không dám, ngại bị mang tiếng sợ sấm sét. Không ngờ tướng Thanh chui vào lều ông và nói: “Anh Bửu ơi, anh có sợ không, tôi sợ lắm nên sang đây với anh cho bớt sợ”. (2) Năm 1973. Chính phủ họp bàn chuyện mở rộng Thủ đô lên Xuân Hòa. Trước cuộc họp GS Bửu đã bàn với GS thiếu tướng Trần Đại Nghĩa sẽ phát biểu không tán thành. Cuộc họp do thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì, thảo luận một hồi rồi lấy biểu quyết. GS Bửu thấy mọi người đều giơ tay, cũng rụt rè giơ theo. Bỗng sực nhớ ra, quay sang bên cạnh thấy tướng Nghĩa ngồi im, khoanh tay trước ngực. Kết thúc câu chuyện GS Bửu nhận xét: “Như vậy mình cũng chưa thoát được là một anh hèn, phải như anh Thanh, anh Nghĩa mới là dũng cảm”.
Thề mới biết giữa hèn và dũng cảm nhiều khi cũng khó phân biệt.
Chuyện thời nay. Một số không ít trong tầng lớp trí thức đề cao phương châm “Biết sợ để tồn tại”. Mà sợ đẻ ra hèn. Tưởng trí thức chịu hèn đã là quá đáng. Người ta trông chờ vào sự dũng cảm của một số người khác được cho là ưu tú trong hàng ngũ chính khách. Thế nhưng càng trông càng chẳng thấy. Tại hội nghị lần 6 của BCH TƯ ĐCSVN và sau đó tại cuộc bầu bổ sung vào Bộ Chính trị người ta thấy manh nha một vài hành động dũng cảm, dám biểu quyết ngược lại đề xuất của Tổng bí thư, người ta hy vọng… Nhưng rồi hình như có quân sư đã tìm ra được cách để Tổng bí thư áp đặt được nghị quyết 244 ( về quy tắc bầu cử) lên BCH TƯ khóa 11. Nhiều người đã vạch ra rằng những điều chủ chốt của nghị quyết 244 vi phạm trắng trợn điều lệ Đảng. Không biết trong số các ủy viên TƯ 11 có ai phát hiện ra và chống lại không. Cái sai rõ ràng nhiều người thấy mà mình không thấy thì mang tội u mê, nếu thấy rồi mà không dám nói thì mang tội hèn. Nếu không có ai trong TƯ 11 chống lại cả thì không lẽ toàn bộ chịu mang tiếng hèn. Thôi thì tạm bỏ qua TƯ 11, người ta hy vọng vào các đại biểu của Đại hội 12. Biết rằng đa số đại biểu đến ĐH cho có hình thức, (một số còn tranh thủ ngủ gật), hy vọng may ra có được một số ít tránh được cả u mê và hèn, thể hiện là người có trí tuệ và dũng cảm để dám phản bác NQ 244. Không biết trong hội nghị trù bị đã thảo luận như thế nào, cuối cùng NQ 244 vẫn được thông qua và đem dùng cho ĐH. Không lẽ 1510 đại biểu đều hèn?
Thế rồi đến chuyện Tứ trụ triều đình. Thôi thì Tổng bí thư là việc của Đảng, tạm xong rồi. Tam trụ còn lại là việc của Quốc hội khóa mới, nhưng vì lý do nào đó mà Đảng không chờ được, phải thay ngựa giữa dòng. Việc này, người thì cho là đảo chính, người lại bảo là vi phạm hiến pháp. Đảng lại có cái lý của mình, có cái quyền của mình. Để cho có vẻ thuận chiều thì phải tạo ra việc Tam trụ đồng loạt xin từ chức. Trước đây ít lâu nghe phong thanh là Chủ tịch Sang và Thủ tướng Dũng không từ chức, có người đã vội nhận xét là có gan, việc đó được nhiều người ủng hộ. Nhưng rồi chỉ là tin vịt. Cả 3 vị đều ngậm ngùi bị buộc phải ngậm bồ hòn xin từ chức. Nghe đến đây ông bạn già của tôi thốt lên: “Hèn thật, hèn thật, hèn đến thế là cùng”.
Tôi phân tích cho ông bạn: “Chắc các vị ấy cũng thấy như thế là quá hèn nhưng cũng nên thông cảm cho nỗi khổ của họ. Họ tuy không còn là UV BCT nhưng vẫn là đảng viên, phải tuân thủ kỷ luật Đảng, mà Đảng tự cho mình quyền quyết định nhân sự từ thấp lên cao, tự cho mình quyền ngồi lên trên Quốc hội và Hiến pháp, Đảng có quân đội và công an hùng hậu thề trung thành, thế thì việc thay ngựa giữa dòng có là cái đinh gì, hơn nữa kể từ trước ĐH 12, Đảng đã cử ra 3 vị để thay thế. Từ đó đến nay, mỗi chức vụ có 2 người, đương nhiệm và mới, cứ song song tồn tại. Thật là khó chịu cho cả hai bên. Bên đương nhiệm có danh nghĩa nhưng rồi nói chẳng mấy ai thèm nghe, chẳng khác bù nhìn, bên sắp thay lo gây thế lực và chỉ đạo ngầm, tập hợp lực lượng. Thôi thì ngậm bồ hòn mà xin từ chức cho thoát nợ đời”.
Ông bạn bổ sung: “Rút cục vẫn là quá hèn vì quá sợ. Nhiều kẻ có quyền lực có một nỗi sợ kinh khủng là sợ người ngoài phát hiện, nắm được tội lỗi của mình, sợ bị mang ra xét xử công khai. Chắc là thời gian qua Đảng đã tạo cơ hội cho các vị phạm nhiều tội lớn và nắm chắc chứng cớ để khống chế. Đảng trao cho các vị con dao rồi giữ chặt lấy đầu cán, đưa đầu lưỡi cho các vị nắm, đặt các vị vào tình thế một sống một chết. Mà các vị đang quá sợ chết nên không còn giữ được chút liêm sĩ cuối cùng, biết là quá hèn nhưng đành chịu tiếng xấu để đời chứ không như tôi với ông. Vì không sợ nên ông mới tuyên bố bỏ Đảng một cách thanh thản”.
Hình như trong tôi còn lại một chút xíu nào đó lòng thương cảm đối với các vị nên nói vớt vát: “ Biết đâu lịch sử sẽ minh oan và cho việc họ làm bây giờ không phải là hèn mà là dũng cảm cũng nên, như chuyện của Hàn Tín và Quản Trọng thời xưa”. Ông bạn tôi cãi lại “Việc làm của Hàn Tín và Quản Trọng là lúc họ non trẻ, còn các vị đã là U70”.
Galilê khi bị tòa án giáo hội buộc phải công nhận Thuyết Địa tâm, chịu hèn một lúc, khi ra khỏi phòng còn lẩm bẩm: “Dù sao nó vẫn quay”. Không biết các vị Tam trụ của VN, sau khi bị ép buộc xin từ chức có lẩm bẩm được câu gì hay không.
Ông bạn của tôi, tên Hữu, cùng học lớp Đồng ấu ở Hương trường từ năm 1943, cùng chăn trâu và lêu lổng trong thời kỳ 1947-49 khi quê hương bị Pháp chiếm đóng, cùng lên chiến khu học tiếp phổ thông cấp 1 và 2. Nhưng rồi số phận đẩy mỗi người một ngã. Trong Cải cách ruộng đất 1955-56, gia đình bị quy sai địa chủ , Hữu bị mắc kẹt tại quê, bị đuổi khỏi Đoàn Thanh niên cứu quốc, không được học tiếp, trở thành tiều phu. Sau nhờ làm công cho một chị hơi lớn tuổi, được chị cưới làm chồng nên đời sống cũng tạm ổn. Mỗi lần về quê tôi thường đến thăm, Hữu kể tôi nghe các chuyện ở địa phương, cùng ôn lại kỷ niệm xưa, đàm luận văn chương và thế sự. Lần này ông bạn già quan tâm đến Tứ trụ triều đình, yêu cầu tôi giải thích. Tôi bảo: “Tứ trụ thì một trụ đã rõ ràng, ba trụ còn lại, ông đã biết gì thì nói trước tôi nghe để tôi khỏi phải nói lại, tôi chỉ nói điều tôi biết mà ông chưa biết”.
Sau khi nghe Hữu trình bày, tôi nói: “Những tin tức ông vừa nói có lẽ được lọt ra từ hội nghị lần thứ 14 của Ban chấp hành trung ương khóa cũ và hội nghị lần 2 Trung ương khóa mới. Đúng ra phải đến tháng 7/ 2016 Quốc hội mới sẽ bầu nhưng hội nghị 2 và đặc biệt là hội nghị 14 đã tiếm quyền. Bây giờ thì mọi người hầu như đã biết chắc chắn là ông Quang, ông Phúc và bà Ngân sẽ giữ 3 ghế còn lại. Đó là việc Đảng cử Quốc hội bầu… Mà QH lại phải bầu 2 lần, QH cũ bầu lên được vài tháng, các vị hết nhiệm kỳ, QH mới bầu lại lần nữa. Như vậy để có một Chủ tịch nước, một thủ tướng, một Chủ tịch Quốc hội theo nhiệm kỳ mới phải qua 4 lần bầu và cử. Lần quan trọng nhất, quyết định nhất là hội nghị 14 của Trung ương cũ, ba lần còn lại là hội nghị 2 TƯ mới, hội nghị 11 của Quốc hội cũ và hội nghị 1 của Quốc hội mới chỉ là hình thức, chẳng có quyền gì.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN