Quan chức nào phát ngôn ‘Tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử’?

Câu hỏi đặt ra là quan chức nào trong đoàn giám sát đã phát ngôn “Tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử”?

Một tuần sau khi người đứng đầu Đảng Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch đả kích giới tự ứng cử độc lập bằng cảnh báo: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác” tại một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội, một đoàn giám sát do ông Nguyễn Xuân Phúc – ứng cử viên cơ cấu cho chức vụ thủ tướng trong tương lai rất gần, đã làm việc với thành phố Hà Nội.

‘Tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử’ – Ai là tác giả của phát ngôn này?

Nội dung lập tức gây sốc trong cuộc họp là “Theo một thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử. Trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động”, ông cho hay, tuy nhiên ông không nêu cụ thể trường hợp nào” (báo điện tử VnExpress, ngày 15/3/2016 bài “Tổ chức phản động đứng sau một số người ứng cử Quốc hội”).

Chi tiết đáng chú ý không kém là khi tường thuật lại phần đánh giá trên, báo nhà nước đã không nêu tên người đánh giá. Lối đưa tin theo cách “bảo mật” này càng tô đậm tính mù mờ lập lờ của đánh giá này – một cung cách rất gần với phong cách “phòng chống diễn biến hòa bình” mà báo Công An Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an – thường thể hiện.

Nếu việc Tổng bí thư Trọng thể hiện từ ngữ “thế này thế khác” rất thiếu tự tin trong cách dùng từ, thì cách nói chung chung theo kiểu “vơ đũa cả nắm” của “một thành viên đoàn giám sát” càng làm nổi bật tâm thế ngổn ngang bối rối của chính quyền trong việc đối phó với giới ứng viên độc lập.

Cần chú ý về thời điểm phát ngôn của Tổng bí thư Trọng là vào ngày 8/3, tức trước thời điểm cuối cùng đăng ký ứng cử vào ngày 13/3. Sau ngày 13/3 này, con số tự ứng cử đăng ký lên đến hàng trăm người, chủ yếu ở Hà Nội và Sài Gòn, lớn hơn rất nhiều so với chỉ khoảng 10-15 người tại những kỳ bầu cử quốc hội trước đây. “Một bộ phận không nhỏ” trong số ứng cử độc lập lại là những người hoạt động dân chủ và nhân quyền.

Nếu chịu khó theo dõi các trang dư luận viên trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận ra giới đảng và chính quyền lo lắng, thậm chí hoảng hốt trước phong trào tự ứng cử. Đủ các loại thủ đoạn nói xấu, bôi nhọ, tung clip, quy kết phản động… được lôi ra để đả kích, hạ bệ những người ứng cử độc lập.

Câu hỏi đặt ra là quan chức nào trong đoàn giám sát đã phát ngôn “Tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử”?

Được biết, Phó Tiểu ban an ninh của Hội đồng bầu cử quốc gia là một trong trong số khoảng 300 tướng của ngành công an – Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương.

Nhưng rất khác với những kỳ bầu cử trước đây, dư luận nội bộ lần này trở nên khá đa nguyên. Đúng vào ngày 15/3 khi xuất hiện tin về “tổ chức phản động đứng phía sau một số người tự ứng cử”, một quan chức cao cấp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ông Vũ Trọng Kim đã trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TP.HCM với quan điểm “Tôi hoan nghênh tất cả người tự ứng cử. Nếu những tên tuổi được người dân lựa chọn, bằng lòng dựa vào những công việc cụ thể họ đã làm có hiệu quả cụ thể thì rất tốt… Tôi nghĩ, cần phải có số lượng người tự ứng cử nhiều hơn và tỉ lệ người tự ứng cử đi đến “chung cuộc” phải nhiều hơn. Không có rào cản gì đối với những người tự ứng cử. Chỉ có những định kiến hẹp hòi mới ngăn cản người tự ứng cử. Điều này phụ thuộc vào lãnh đạo của từng đơn vị, địa phương nào đó. Điều này không phù hợp với xu thế phát triển và định kiến không phải là điều được cho phép”.

Trong khi tờ Petrotimes, được xem là tiếng nói của ngành công an, lên tiếng mạt sát ứng cử viên độc lập Nguyễn Công Vượng (tức diễn viên Vượng Râu), hàng loạt tờ báo khác như Gia Đình, Thanh Niên, Vietnamnet, Dân Việt… đã tỏ thái độ chia sẻ và bảo vệ Vượng Râu trong những bình luận và phỏng vấn anh.

Hãy chờ xem những thế lực phi dân chủ và phản dân chủ ở Việt Nam làm được gì để cản đường giới ứng cử viên độc lập – những người mà ít nhất đã có được một chương trình hành động cụ thể, thay cho lời nói suông của vô số đại biểu quốc hội đương nhiệm và “hàng trăm đại biểu không phát biểu gì trong nhiều kỳ họp”.

L.D.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/03/vntb-quan-chuc-nao-phat-ngon-to-chuc.html

 

 

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.