Bàn về hiệp thương lần 2 cho những người tự ứng cử và được đề cử ở địa phương

…có thể thấy những người tham dự HNHT2 vẫn chỉ là những người đã tham dự HNHT1. Đây là một sai sót lớn và không nên gọi cuộc họp ngày 17/3/2016 này là Hội nghị Hiệp thương lần hai nữa…

A. Quy định hiện hành

Theo Nghị quyết liên tịch (NQQLT) số 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-DCTUBTWMTTQVN ngày 1/2/2016, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai được quy định trong Chương III của NQLT này. Theo Điều 17 của NQLT, Hội nghị hiệp thương lần 2 được tổ chức khoảng giữa 16/3/2016 đến 18/03/2016 (sẽ diễn ra vào ngày mai 17/3/2016).

Hội nghị hiệp thương lần 2 ở cấp trung ương liên quan đến những người được trung ương ĐỀ CỬ, và chúng ta không bàn đến ở đây (tuy rất đáng bàn vệ sự PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ này).

Hội nghị hiệp thương lần 2 (HNHT2) do Uỷ Ban Thường Trực Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc (UNTTUBMTTQ) cấp tỉnh triệu tập và chủ trì theo quy định tại Điều 44 của Luật Bầu cử.

Điều 44 của Luật Bầu cử quy định:

“Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có). Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật này”

Luật và NQLT quy định về HNHT2 như sau:

1. Thành phần hội nghị hiệp thương (lần thứ nhất và thứ hai, theo Điều 39 của Luật Bầu cử) gồm Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện trực thuộc. Đại diện Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự hội nghị này.

2. Hội nghị thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử căn cứ vào: – a) tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; b) kết quả điều chỉnh lần 1 của UBTVQH về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị [tức là chỉ liên quan đến những người ĐƯỢC ĐỀ CỬ ở địa phương); c) kết quả thỏa thuận tại hội nghị hiệp thương 1 (không liên quan đến người TỰ ỨNG CỬ); d) hồ sơ, biên bản của các cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu người ứng cử [tức chỉ liên quan đến người ĐƯỢC ĐỀ CỬ]; ý kiến nhận xét tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nôi làm việc [cho cả người được đề cử hay tự ứng cử còn làm việc ở nơi nào đó].

3. Lên kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú [tức là chuẩn bị cho Hội nghị cử tri sẽ diễn ra từ khoảng ngày 20/3/2016 đến 12/4/2016]

4. Thông qua biên bản và danh sách sơ bộ những người ứng cử quốc hội

5. Gửi biên bản Hội nghị hiệp thương

B. Vài lời bình

Thứ nhất, có thể thấy những người tham dự HNHT2 (khi đã có những người được đề cử và tự ứng cử: một bên liên quan chính) vẫn chỉ là những người đã tham dự HNHT1. Đây là một sai sót lớn và không nên gọi cuộc họp ngày 17/3/2016 này là Hội nghị Hiệp thương lần hai nữa, hiệp thương có nghĩa là họp thương lượng về những vấn đề liên quan chung tới các bên, mà bên liên quan rất quan trọng là những người tự ứng cử và được đề cử không có mặt!

Thứ hai, nếu xem xét kỹ nội dung (điểm 2 kể trên), thì HNHT2 chủ yếu chỉ liên quan đến những người ĐƯỢC ĐỀ CỬ và đúng chỉ đối với họ thì từ hiệp thương mới có ý nghĩa nào đó.

Thứ ba, nếu kết quả của HNHT2 là danh sách sơ bộ ít hơn số người đã làm xong thủ tục ứng cử, thì chỉ có thể có nghĩa là HNHT2 loại bỏ một số người đã làm xong thủ tục ra khỏi danh sách sơ bộ, một loại “bầu cử sơ bộ” gì đó (nhưng những người tham dự không thể đại diện cho một phần đáng kể cử tri để làm nhiệm vụ của bầu cử sơ bộ). Nếu cắt bớt những người ĐƯỢC ĐỀ CỬ, tức là những người đã được hiệp thương đề cử, thì có thể còn có ý nghĩa nào đó. Nhưng nếu loại bỏ những người TỰ ỨNG CỬ, thì đó là sự vi phạm hiến pháp rành rành (vì họ vi phạm quyền ứng cử của công dân, tước quyền quyết định bằng lá phiếu của cử tri về “ai đủ tiêu chuẩn đại biểu quốc hội”; không ai được quyền đó trừ các cử tri với lá phiếu của mình!)

Danh sách những người đã làm xong thủ tục ứng cử và danh sách những người trong danh sách sơ bộ PHẢI ĐƯỢC CÔNG KHAI. Không có bất cứ lý do gì để cho UBBC địa phương cũng như HĐBCQG giữ kín những thông tin này, nếu họ tôn trọng sự minh bạch.

Chúng ta hãy chờ xem HNHT2 diễn ra như thế nào ngày mai 17/3/2016 và tính công khai, minh bạch có được tôn trọng không hay chỉ là lời nói suông!

N. Q. A.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.